CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG TRONG GIA ĐÌNH - Phần 2/6
“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11).
® ¬ ®
II. NGUỒN CỘI SỰ HIỆP THÔNG GIA ĐÌNH
Củng cố sự hiệp thông trong gia đình chính là củng cố sự hiệp nhất yêu thương trong gia đình. Với gia đình Công giáo, việc củng cố sự hiệp thông đó có liên quan đến chính đức tin đặt nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi Đức Giêsu Kitô và Hội Thánh của Người. Các Kitô hữu đầu tiên “chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).
1. Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Họ được rửa tội “nhân danh” Cha và Con và Thánh Thần, bởi vì chỉ có một Thiên Chúa, Cha toàn năng, Con duy nhất của Ngài và Thánh Thần: Đó là Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Mầu nhiệm này được soi sáng nhờ Con Thiên Chúa nhập thể và Chúa Thánh Thần được sai đến làm cho Kitô hữu được tham dự trước vào sự hiệp thông sung mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi. [29]
Sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa bắt đầu được nhận biết qua lòng nhân hậu và yêu thương chăm sóc mọi con cái của Ngài. Truyền thống Tây phương xác quyết sự hiệp thông đồng bản thể giữa Chúa Cha và Chúa Con, khi nói rằng Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con (ex Patre Filioque procedere). Theo trật tự vĩnh cửu giữa các Ngôi Vị Thiên Chúa trong sự hiệp thông đồng bản thể, Chúa Cha, với tư cách là “nguyên lý không có khởi đầu”, là cội nguồn thứ nhất của Chúa Thánh Thần, nhưng còn với tư cách là Cha của Con duy nhất, thì Chúa Cha là nguyên lý duy nhất cùng với Con của Ngài, từ đó, Chúa Thánh Thần xuất phát như từ một nguyên lý duy nhất. Trong sự hiệp thông đồng bản thế đó, mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa thực hiện công trình chung theo cách đặc thù của mình trong Ba Ngôi: “Một Thiên Chúa là Cha, mọi sự đều bởi Ngài; một Chúa Giêsu Kitô, mọi sự đều nhờ Người; và Một Chúa Thánh Thần, mọi sự đều trong Ngài” (CĐ Constantinôpôli II, năm 553). Đặc tính của từng Ngôi Vị Thiên Chúa diễn tả bản tính duy nhất của Ba Ngôi. Toàn bộ đời sống Kitô hữu cũng là sự hiệp thông với mỗi Ngôi Vị Thiên Chúa mà không hề phân biệt Ba Ngôi. Ai tôn vinh Chúa Cha, họ làm điều đó nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần; ai bước theo Chúa Kitô, họ làm điều đó bởi vì Chúa Cha lôi kéo người ấy và Chúa Thánh Thần thúc đẩy người ấy. [30]
“Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Thiên Chúa tự thâm sâu trong bản thể là hiệp thông. Thiên Chúa là Tình yêu và là khuôn mẫu lý tưởng của đời sống hiệp thông, Người đã dựng nên con người có nam có nữ, để cả hai cùng là hình ảnh của bản tính Người [31]. Đôi vợ chồng yêu thương và sinh sản đích thực có thể biểu hiện được Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và cứu độ [32]. “Khi con người cá nhân cũng như xã hội đánh mất sự nhạy bén trong việc đón nhận một sự sống mới, thì những hình thức đón nhận khác, hữu ích cho đời sống xã hội cũng bị khô héo” [33]. Tình yêu phong nhiêu giúp họ khám phá và diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa, nền tảng trong cái nhìn Kitô giáo về Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi, chiêm ngắm Thiên Chúa như là Cha, Con và Thánh Thần Tình Yêu. Thiên Chúa-Ba Ngôi là mầu nhiệm hiệp thông tình yêu, và gia đình là phản ảnh sống động của mầu nhiệm hiệp thông ấy: “Thiên Chúa trong mầu nhiệm thẳm sâu nhất của Ngài không đơn độc nhưng là một gia đình vì lẽ Thiên Chúa trong Ngài có Cha, có Con và có Yếu tính của gia đình, tức là Tình Yêu. Trong gia đình thần linh, tình yêu này chính là Chúa Thánh Thần” (Thánh Gioan Phaolô II) [34]. Như thế, nguồn cội hiệp thông trong gia đình mang chính yếu tính thần linh, “mầu nhiệm” kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội thánh (Ep 5,21-33) [35]. Gia đình Kitô Giáo là sự hiệp thông giữa các nhân vị, là dấu vết và hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. [36]
Như vậy, Thánh Kinh và Thánh Truyền mở ra cho chúng ta lối tiếp cận để nhận thức về Thiên Chúa Ba Ngôi, được mạc khải bằng những nét của gia đình [37]: “Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, hai người trở nên một trong Chúa Kitô. Đó cũng là Chúa Thánh Thần đã nối kết Chúa Cha và Chúa Con, nối kết Hội Thánh với Chúa Cha và Chúa Con. Các đôi vợ chồng là dấu chỉ cho mầu nhiệm tình yêu lớn lao này”. [38]
2. Ngôi Ba là Tình yêu phu thê
“Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”. Khi định rõ sự tương tự giữa gia đình và Thiên Chúa Ba Ngôi trong hạn từ communio personarum (hiệp thông giữa các ngôi vị), Thánh Gioan Phaolô II đã chỉ rõ mối liên hệ sâu xa giữa Chúa Thánh Thần như là Tình Yêu trao ban sự sống và phụ nữ là người đem sự sống đi vào trần gian[39].
“Ba cách yêu thương trong Ba Ngôi diễn tả ba Ngôi Vị khác biệt và tương liên với nhau: Tình yêu hiền phụ, Tình yêu con thảo, và, tôi (Marc Ouellet) mạnh dạn gọi Ngôi Ba là Tình yêu phu thê, bởi vì đây không chỉ là sự hỗ tương hai chiều nhưng ba chiều. Thánh Thần là ngôi thứ Ba xuất hiện trong hình thái phong nhiêu, tức là như hoa trái của sự hỗ tương giữa hai Ngôi vị kia; điều này làm cho Ngài trở nên một Ngôi vị có yếu tính, một thành viên trong cộng đồng ba Ngôi vị và trong mối tương liên Tình Yêu thần linh…[40] Chúa Thánh Thần như là nguyên mẫu (archetype = mô hình nguyên thủy) của tình yêu phu thê trong Thiên Chúa, bao lâu Ngài là cái “Chúng ta”, khác biệt với tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con. Một “Chúng ta” mà trong đó Chúa Cha và Chúa Con yêu nhau trong tình yêu phụ tử phù hợp với đặc tính ngôi vị của các Ngài, nhưng các Ngài cũng yêu nhau với một tình yêu khác, do Ngôi Ba thêm vào (surplus); tình yêu đó làm phong phú cho mối liên hệ của các Ngài và cho phép ta gọi sự sinh sản của các Ngài nơi Ngôi Ba là tình yêu phu thê. Thoạt nhìn chiều kích phu thê không nằm trong mối liên hệ Cha – Con, mà chỉ thuộc về Chúa Thánh Thần và không thể phát xuất từ ai khác ngoài Ngài như là ngôi vị riêng của sự hỗ tương giữa Cha và Con. Ngoài ngôi vị riêng của sự hỗ tương giữa Cha và Con. Ngoài Ngôi vị nhiệm sinh và Ngôi vị được nhiệm sinh, còn có ngôi vị của sự hiệp thông – hỗ tương. Đó là lý do tại sao ta có thể nói rằng Ngôi vị Thánh Thần sản sinh (phát sinh) một thặng dư (surplus) của Tình yêu trong Thiên Chúa, bổ túc cho mối liên hệ Cha – Con bằng một sự sinh sản phong nhiêu mới, nội tại trong họ nhưng không đồng nhất với họ; thặng dư Tình yêu này là đặc tính riêng của Chúa Thánh Thần mà thôi.
Chúa Thánh Thần tích cực hoàn thành mầu nhiệm Nhập Thể như Ngôi vị hiệp thông (Person-communion) hành động để phục vụ Chúa Cha và Chúa Con và theo đuổi sự trung gian phu thê này trong hành trình Nhập Thể của Ngôi Lời trải dài cho đến Mầu nhiệm Phục sinh của Người. Thật kỳ diệu khi chiêm ngưỡng sự trung gian phu thê này của Chúa Thánh Thần, gây nguồn cảm hứng và đồng hành trong sự song đối bất xứng, sự vâng phục của Đức Giêsu với Chúa Cha và sự sẵn sàng đến vô hạn của Đức Maria với Lời Chúa. Sự hiệp thông hoàn hảo này trong sự vâng phục của tình yêu được hoàn tất nơi chân Thập giá, khi Người Con và Người Mẹ cùng chịu đau khổ trong cuộc Khổ nạn vì tình yêu hy lễ cứu chuộc.
Là cái “Chúng ta” được cấu thành bởi sự hỗ tương bất đối xứng nhưng đồng bản thể của Chúa Cha và Chúa Con, Chúa Thánh Thần cho phép ta nhìn thấy chiều kích mẫu tử của mình qua việc tuôn tràn tình yêu phu thê vốn tích cực bồi đắp cho hai Ngôi Vị kia theo cách phụ thuộc. Thiên Chúa Ba Ngôi và Duy Nhất là Tình Yêu quên đi chính mình: Tình Yêu ba ngôi vị xuất phát từ Chúa Cha qua Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, một Sự Sống vĩnh cửu trong sự trao đổi vĩnh cửu mà sự tuôn chảy của nó cấu thành mầu nhiệm vô tận của Ngài như là Deus Semper maior – Thiên Chúa luôn lớn hơn. Biến cố Tình Yêu hiền phụ, con thảo và phu thê này, là Ba Ngôi nội tại có thể được nghiệm thấy trong nhiệm cục cứu rỗi mà trong đó các Ngôi Vị Thiên Chúa biểu lộ mầu nhiệm thâm sâu của chính mình trong các tương quan Giao Ước của các Ngài với mỗi người và toàn nhân loại trong Đức Kitô.
Chúa Thánh Thần sở hữu trong chính mình sự sống xuất phát từ Chúa Cha qua Chúa Con. Ngài sở hữu sự sống cách chủ động – thụ động từ hai Ngôi khác và thêm vào sự sống, qua đặc tính ngôi vị của Ngài, một sự sinh sản mang tính phu thê mới và mẫu tử tính của hiệp thông, của sự sống mới, của sự tự do lớn hơn trong Tình Yêu. Chính vì thế mà vai trò hướng nội (ad intra) của Chúa Thánh Thần và hoạt động hướng ngoại (ad extra) của Ngài trong Hội Thánh và trong thế giới mang dấu hiệu hài hòa, đồng nhất trong đa dạng, tự do và nhưng không, tính sinh sản khiến Ngài xứng đáng với tước hiệu Vinh Quang như là Tình Yêu mẫu tử và phu thê.
Người nữ cũng là hình ảnh của Chúa Thánh Thần, Đấng “sống và làm phong phú” chuyển động ba chiều này: Đón nhận, trao ban và sinh sản. Cách yêu thương của Đức Trinh nữ Maria, gắn bó mật thiết với Chúa Thánh Thần (vai trò hiền thê), được biểu lộ trong sự sẵn sàng của Mẹ đối với Chúa Cha (vai trò cô dâu) và trong sự phục vụ vô điều kiện đối với Chúa Con (vai trò người mẹ) mà Chúa Thánh Thần đã tượng thai trong cung lòng trinh khiết của Mẹ cũng như đồng hành trọn hành trình Nhập thể.
Người phụ nữ tham dự vào chiều kích phu thê và mẫu tử của Ngôi Lời và của Chúa Thánh Thần; điều này được biểu lộ qua cách họ yêu thương, đón nhận, đặt mình làm người thứ cấp, nhưng bình đẳng trong phẩm giá và có tính sinh sản gấp đôi”. [41]
3. Tình yêu là năng lực tâm linh
“Tình yêu là năng lực tâm linh bên trong làm linh hoạt và nâng đỡ con người, không thể làm cách khác được, yêu thương nghĩa là trao ban, và món quà đặt người cho và người nhận vào trong một sự hiệp thông mật thiết” [42]. Viên gạch để xây nên một gia đình hạnh phúc là tinh thần gia đình. Tinh thần gia đình giống như nước cần cho cá vậy. Mối dây độc nhất “làm nên” gia đình là tình yêu. Chính tình yêu là sinh tố cho đời sống muôn mặt của con người. Nhờ nó mà người ta có thể xây dựng ngôi nhà của mình trong sự hiệp thông, tạo nên một cái tôi giá trị. Tình yêu là chất keo thiết yếu của mọi sự hiệp thông. [43]
“Thiên Chúa là Tình yêu” (Ga 4,8). Gia đình Công giáo được mời gọi phản ảnh đời sống hiệp thông ngôi vị của Gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi [44]. Đặc tính tương quan của Ba ngôi Thiên Chúa thúc bách Ba ngôi ra khỏi chính mình để yêu thương nhau cũng như yêu thương con người trong thế giới. Chính trong tình yêu mà Ba ngôi Thiên Chúa liên kết hiệp nhất với nhau và nối dài tình yêu Ba Ngôi này trong nhiệm cục cứu độ con người. Một cách tương tự, gia đình công giáo được kêu gọi sống tình yêu hiệp thông hướng nội và hướng ngoại của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vợ chồng yêu thương nhau, sinh sản và giáo dục con cái cho Hội Thánh và xã hội chính là tham gia vào công trình sáng tạo của Chúa Cha, công trình cứu chuộc của Chúa Con và công việc thánh hóa của Chúa Thánh Thần. Với cấu trúc yêu thương có nguồn gốc từ khuôn mẫu yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, gia đình chỉ có ý nghĩa khi nó được hình thành từ tình yêu, nỗ lực hiệp thông trong tình yêu và triển nở trong tình yêu. Môi trường yêu thương là môi trương ưu việt của gia đình. Nơi đó mỗi người học được bài học mến Chúa và yêu người, bài học của sự hiệp thông, tôn trọng, nâng đỡ và hy sinh cho nhau theo gương Đức Giêsu. [45]
Được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông. Sự hiệp thông đòi hỏi sự bổ túc giữa hai phái tính, được nuôi dưỡng bởi dự phóng chung, cùng đáp ứng khát vọng sâu xa trong lòng người [46]. Noi gương Đức Giêsu xóa mình trên thập giá, mối hiệp thông này được củng cố và phát triển nhờ tình tương thân tương ái và nhờ sự nâng đỡ lẫn nhau trong đời sống nhân bản cũng như đời sống đức tin. Nó đòi hỏi đập vỡ cái tôi ích kỷ để xây dựng cái chúng ta yêu thương và hiệp thông. Mối hiệp thông trong gia đình là nhân tố quan trọng góp phần củng cố sự hiệp thông trong gia đình nhân loại và gia đình Thiên Chúa, tức là Hội Thánh. [47]
Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với con người là mối dây liên kết bất khả phân ly, cả hai lệ thuộc vào nhau (1Ga 4,20). Yêu người là một con đường dẫn con người đến gặp gỡ Thiên Chúa. Thiên Chúa tự làm cho mình thành hữu hình qua việc sai Con Một là Đức Giêsu đến thế gian (1Ga 4,9). Việc nhận biết Thiên Chúa hằng sống là con đường đi đến tình yêu. Lịch sử tình yêu giữa Thiên Chúa và con người bao hàm sự hiệp thông trong ý chí, tư tưởng và tình cảm sao cho ý muốn của con người luôn trùng khớp với ý muốn của Thiên Chúa. Tình yêu đối với tha nhân là khả thi khi nó được thực hiện trong Thiên Chúa và cùng với Thiên Chúa. Điều này chỉ trở nên khả thể từ cuộc gặp gỡ thâm sâu với Thiên Chúa, một sự gặp gỡ trở thành hiệp thông ý muốn và thâm nhập vào trong tình cảm. Bấy giờ tôi học cách nhìn người khác không phải chỉ bằng con mắt và tình cảm của riêng tôi, nhưng từ nhãn giới của Đức Giêsu Kitô. Bạn của Người là bạn của tôi. Tôi nhìn tha nhân với đôi mắt của Đức Kitô và có thể trao ban cho họ tình yêu mà họ cần. Việc tiếp xúc với Thiên Chúa sẽ khiến tôi nhìn người khác gần gũi và là hình ảnh của Thiên Chúa. Loại bỏ tình yêu với tha nhân qua việc chỉ liên hệ với Thiên Chúa để trở nên “đúng đắn”, "đạo đức" và thuần "tôn giáo" thì đó là mối liên hệ khô héo vì không có tình yêu. Tình yêu với người lân cận dễ dẫn đến cảm nghiệm về tình yêu Thiên Chúa. Thánh Têrêsa thành Calcutta qua việc yêu thương tha nhân đã dẫn đến việc tiếp xúc mật thiết với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và ngược lại sự tiếp xúc này trở thành hiện thực và sâu xa trong việc phục vụ tha nhân. Mến Chúa và yêu người không thể tách rời nhau được. Đó chỉ là một giới răn. Tình yêu mang tính thiên linh, vì từ Thiên Chúa mà đến và giúp chúng ta kết hợp với Thiên Chúa, và trong tiến trình kết hợp này, giúp chúng ta trở thành một "Chúng tôi", vượt thắng mọi chia rẽ và làm cho chúng ta nên một, để rồi cuối cùng "Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài" (1Cr 15,28). [48]
“Sự hiệp thông được sinh ra và luôn luôn lớn lên trong và với tình yêu. Yêu thương là trung tâm của đời sống lứa đôi và gia đình, và như thế các đôi bạn và các gia đình là những người xây dựng sự hiệp thông yêu thương làm nên căn nguyên và nền tảng của đời sống xã hội, dù là cộng đoàn dân sự hay cộng đoàn Hội Thánh”. [49]
4. Ơn gọi hôn nhân trong Hội Thánh
Kinh Thánh xác định ơn gọi hôn nhân từ việc Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh và giống như Ngài và kết thúc bằng viễn ảnh về “tiệc cưới Con Chiên” (Kh 19,9). Hôn nhân nằm trong trong trật tự của công trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa.
“Cộng đồng thân mật của đời sống và tình yêu hôn nhân, đã được Đấng Tạo Hoá thiết lập và quy định những luật lệ cho nó. Chính Thiên Chúa là tác giả của hôn nhân” (GS 48). Ơn gọi hôn nhân đã được khắc ghi trong chính bản tính của người nam và người nữ, như chính họ phát xuất từ bàn tay Đấng Tạo Hoá. Như vậy sự cao cả của việc kết hợp trong hôn nhân có nguồn gốc thần linh. Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng con người vì tình yêu, cũng đã kêu gọi họ đến tình yêu, đó là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của mọi nhân vị. Thật vậy, con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa, Đấng chính “là Tình Yêu” (1Ga 4,8.16). Vì Thiên Chúa đã dựng họ có nam có nữ, nên tình yêu hỗ tương của họ là một hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bất diệt Thiên Chúa dành để yêu con người. Dưới mắt Đấng Tạo Hóa, tình yêu này là tốt, là rất tốt. Và tình yêu này, được Thiên Chúa chúc phúc, được nhắm đến việc sinh sôi nảy nở (St 1,28). Bằng sự trao hiến bản thân cách trọn vẹn và dành riêng cho nhau, người vợ và người chồng hướng tới sự hiệp thông hữu thể của họ nhằm đạt được sự hoàn thiện bản thân của nhau, để cộng tác với Thiên Chúa trong việc truyền sinh và giáo dục những sinh mệnh mới [50]. Kinh Thánh đã khẳng định rằng, người nam và người nữ được tạo dựng cho nhau (St 2,18), trong bình đẳng với nhau, trợ giúp nhau (St 2,24), hiệp thông với nhau: “Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19,6). [51]
Hôn nhân là một định chế khôn ngoan của Ðấng Tạo Hóa nhằm thực hiện kế hoạch tình yêu của Người nơi nhân loại. Hơn nữa, hôn nhân Kitô giáo là một bí tích: «Ân sủng của bí tích vừa là một ơn gọi vừa là một lệnh truyền để vợ chồng Kitô giáo giữ lòng chung thuỷ mọi ngày suốt đời, bất chấp mọi khó khăn và thử thách, với lòng vâng phục thánh ý Chúa cách quảng đại: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6)». [52]
® ¬ ®
Footnote
[29] SGLC 232-237; 1107.
[30] SGLC 238 – 260.
[31] SGLC 369-373; 383; YouCat 64; SGLC 368.
[32] AL 82.
[33] Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate – Bác ái trong chân lý, 29/06/2009. Số 28.
[34] Phanxicô, Bài giảng trong Thánh Lễ tại Puebla de Los Angeles (28/01/1979), 2: AAS 71 (1979), 184.
[35] AL 11.
[36] SGLC 2205.
[37] AL 71-75; 120.
[38] Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 9.
[39] Mulieris Dignitatem, số 6-8.
[40] Nguyên văn: “Hence the three ways of loving in the Trinity that express three Persons absolutely distinct and correlative (tương quan; tương liên): paternAL Love, filiAL Love, and I dare quAL ify the Third as nuptiAL Love because it’s not only a two-way but a three-way reciprocity, the Spirit being a distinct Third that proceeds in the modAL ity of fecundity from reciprocity, something that gives it essentiAL ly and personAL ly the right of citizenship in the triple and divine correlation of Love”.
[41] CardinAL Marc Ouellet, P.S.S., Woman in The light of The Trinity and of Mary-Church, web: https://zenit.org/2020/03/05/feature-cardinAL -ouellet-on-woman-in-the-light-of-the-trinity-and-of-mary-church/ [12/03/2023]. Đhy Marc Ouellet, P.S.S., Phụ Nữ dưới Ánh Sáng của Mầu Nhiệm Ba Ngôi và của Hội Thánh với Đặc Tính Maria; Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính; Hiệu đính: Lm. Phanxicô Xaviê. Nguyễn Hai Tính, S.J.; Logos – Suy tư Thần học và Mục vụ số 06 suy tư chủ đề “Người trẻ và gia đình”. NXB Tôn Giáo – Hà Nội, 2021, tr. 59-91.
[42] Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 85.
[43] Bruno Ferrero, Sdb., Cha mẹ hài lòng với phương pháp giáo dục của thánh Don Bosco, Lm. Giuse Đinh Quang Vinh chuyển ngữ, NXB Hồng Đức, 2016. Tr. 16.
[44] SGLC 2205.
[45] HĐGM Việt Nam, Thư Mục vụ năm 2008, số 15.
[46] FC 18-19.
[47] HĐGM Việt Nam, Thư Mục vụ năm 2008, số 7.
[48] DCE 16-18.
[49] Đhy Carlo Maria Martini, Sách đã dẫn. Tr. 94-95.
[50] Humanae vitae, số 8.
[51] SGLC 1602-1605.
[52] FC 20; Sự thật và ý nghĩa tính dục, số 28-30
Thanh Xá ngày 15/05/2023
LM. Giuse Đinh Quang Vinh
---Còn tiếp---