Ngày tháng: 03/05/2024
Đang truy cập: 5

CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG TRONG GIA ĐÌNH - Phần 5/6 - Lm. Giuse Đinh Quang Vinh

CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG TRONG GIA ĐÌNH – Phần 5/6

“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta”

› ® ¬ ® š

     IV. GIA ĐÌNH TĂNG CƯỜNG SỰ HIỆP THÔNG

    3. Có tự do để tình yêu thăng hoa

     “Luận lý của tình yêu luôn là luận lý của tự do”[136]. Một khoảng trống tự do để tình yêu thăng hoa là điều cần thiết. Tình yêu nơi Ba Ngôi chí thánh vừa là nguồn cội vừa là mô phỏng cho tình yêu nhân loại. Một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi, đồng bản thể, không chia nhau một thần tính duy nhất, nhưng mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa trọn vẹn, mỗi Ngôi Vị có một khoảng không gian để phân biệt, để tự do nhưng vẫn chung nhau trọn vẹn trong tình yêu. [137]

      “Khi người ta ý thức được cái khoảng cách vô tận luôn luôn hiện diện giữa hai con người thì một đời sống tuyệt diệu ở bên cạnh nhau là điều có thể xảy ra được. Như thế đôi bên phải học để yêu cái khoảng cách phân cách họ và nhờ khoảng cách này mà mỗi bên nhận ra người kia trọn vẹn, nổi bật trên bầu trời” (Rilke) [138]. Tình yêu vợ chồng cần đạt tới đỉnh cao của sự tự do, khi có một không gian độc lập lành mạnh: Khi mỗi người khám phá ra Thiên Chúa mới thực sự là chủ nhân và là trung tâm điểm của cuộc sống người kia. Để rồi từ khước tham vọng chiếm hữu nơi thầm kín riêng tư và bí mật nhất của người mình yêu, đừng yêu cầu người kia phải hoàn toàn thỏa mãn các nhu cầu của mình. Như Dietrich Bonhoeffer đã diễn tả rất hay rằng: “Hành trình tâm linh của mỗi người cần giúp người ấy đạt được sự ‘vỡ mộng’ về người kia, để thôi mong chờ từ người kia điều gì đó vốn chỉ thuộc về tình yêu Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi một sự lột trần nội tâm. Khoảng không gian độc quyền mà mỗi người trong vợ chồng dành riêng cho tương quan cá vị của họ với Thiên Chúa, không chỉ cho phép chữa lành các thương tích của đời sống chung, mà nó còn cho phép tìm được trong tình yêu Thiên Chúa ý nghĩa đời mình. Mỗi ngày chúng ta cần khẩn cầu sự tác động của Chúa Thánh Thần để sự tự do nội tâm này có thể xảy ra”. [139]

     Chứng tự yêu mình thái quá - libido narcissque khiến người ta chỉ nhìn thấy bản thân mình, khao khát thỏa mãn cho nhu cầu của mình, từ chối quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Não trạng đó dễ tìm đến một lối sống độc lập khiến cho lý tưởng chung sống trong đời hôn nhân đổ vỡ [140]. Quan hệ yêu đương là một cuộc phiêu lưu cá nhân vượt qua dục năng tự mê của mỗi người để đến với người kia. Nơi địa đạo của đời sống yêu thương, mỗi người phải chạm trán với ước muốn của người khác, phải kháng cự lại cơn lốc cũ mèm của tiếng sét ái tình hay phải lòng phải dạ để hoàn thành ước muốn được kết hợp trọn vẹn giữa tình yêu, tình dục và hạnh phúc. Huyền nhiệm nằm ở chỗ: “Tình yêu giống như cầm thủy ngân trong tay, nếu mở tay ra thì nó còn; nếu nắm chặt tay lại thì nó tuột” [141]. Hy vọng tìm được tình yêu nơi phần nửa còn lại nơi người kia luôn luôn là cảm nhận hão huyền vì sớm hay muộn con người bị lột mặt nạ. [142]

      “Yêu là cho những gì mình không có, đến với người mình chẳng thích” (Jacques Lacan). Một khi không có sự hiệp thông trong tình yêu, con người bị dồn nén để sống trong giả tạo. Trong bầu khí đó, sự thiêng liêng hóa của cảm xúc và dục tính cá nhân bị đánh bật khỏi võ đài yêu thương. Tiến thoái lưỡng nan khi vừa toan tính thôn tính người kia vừa không muốn người ấy là tù nhân của chính mình. Freud và Schopenhauer ví họ như những con nhím tìm cách xích lại khi lạnh cóng (cần tình yêu) nhưng những chiếc lông sắc nhọn (tính ái kỷ, ảo tưởng về sự hoàn hảo, tính mau phai nhạt của tình yêu, sợ hãi cái chết) đẩy chúng xa nhau. Theo Freud, Carl Jung và Scott Peck, chính khi tìm cách tống khứ đau khổ (cô đơn, phản bội) và tư tưởng đau khổ đã khiến nó quay trở lại để gây khủng hoảng và thử thách cho quan hệ yêu thương: “Để tránh né những đau khổ thường tình, người ta luôn luôn gặp rối loạn tâm thần. Người lành mạnh tâm thần là người phụng sự cho sự thật bằng mọi giá. Tâm bệnh xảy ra khi ý muốn của ý thức cá nhân người ta quyết liệt tẩy chay ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn thuộc vô thức của mình” [143].  Não trạng siêu nhân của Nietzsche khiến con người khinh bỉ tha thứ cho chính mình và cho tha nhân, các vết thương vì thế không dễ lành lặn. "Ghét linh hồn mình, chính là không thể tha thứ cho chính mình, là không hiện hữu, mà cũng chẳng thể là mình. Một người bị bó buộc nhìn ra ngoài lòng thương xót dịu dàng của Thiên Chúa chỉ rơi vào sự thù hận và khinh miệt chính mình thôi" (Bernanos). [144]

      “Tình yêu không thể bị ép buộc” (Boris Pasternak) [145]. Lời rao giảng về Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá luôn luôn mang tính thời vì nó có sức đem lại chữa lành cho con người [146]. Khi lòng thù hận đã ngấm sâu vào tận xương tủy người ta, nó xóa nhòa mọi kỷ niệm đẹp thời yêu thương, nó cắn rứt làm cho con người không thể tha thứ, trước là cho chính mình, sau là cho tha nhân. Giải pháp được 80% phụ nữ chọn lựa là cắt đứt mọi mối quan hệ. Lòng kiêu hãnh trỗi dậy nơi nạn nhân để đánh bật phạm nhân khỏi võ đài yêu thương, để xây dựng cho mình một tượng đài cô lập đầy tự mãn đang nở rộ trong văn hóa hưởng thụ và chủ nghĩa cá nhân. Phải lên án, phải gán cái xấu lên người khác, phải đẩy trách nhiệm lên người khác để tránh nhận ra cái tôi hung bạo, thù hằn và đau khổ của mình. “Làm người là nhận trách nhiệm” (Saint-Exupéry) [147]. Khi từ chối trách nhiệm, người ta ngấm ngầm từ chối sự sống. Khi cưỡng bức tình yêu để sống trong sợ hãi, khi rời khỏi sự hiệp thông trong gia đình [148], con người dâng cho vị thần của sự kiêu hãnh những của lễ là chính sự cô đơn khép kín, một mối tình mới đầy ô nhơ, những đứa con mang đầy tổn thương từ cha mẹ, xa rời đời sống cộng đoàn. “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga 4,18).

     2. Món quà của sự không hoàn hảo

     Muốn sống hiệp thông và yêu thương, con người phải có một ý chí mạnh mẽ và một trái tim rộng mở để cưỡng lại chủ nghĩa hoàn hảo [149].  Khi mong muốn cho mọi sự trở nên hoàn hảo, con người trở nên vong thân, cảm thấy hổ thẹn, sợ hãi, tổn thương và hèn nhát. Củng cố sự hiệp thông hay sống yêu thương chính là can đảm để đi ra khỏi vòng luẩn quẩn của sự hoàn hảo để sống sáng tạo, để đem lại phẩm giá cho chính mình và tha nhân, để dừng làm tổn thương tha nhân, để thôi tạo ra mâu thuẫn, để thêm tin tưởng nhau. Khởi đầu nhìn nhận mình bất toàn sẽ giúp mỗi người can đảm [150] nói lời xin lỗi, để động lòng trắc ẩn [151], để yêu lấy bản thân mình, để cai việc nghiện kiểm soát (an addiction to control) mọi chuyện kể cả trong tình yêu, để tự nhủ: “Đúng vậy, mình chưa hoàn hảo và dễ bị tổn thương, đôi khi còn sợ hãi nhiều thứ, nhưng điều đó không phủ nhận được sự thật rằng mình dũng cảm, xứng đáng được yêu thương và đón nhận”.

      “Tình yêu không đi cùng với quyền lực tối thượng” (Sophie Schlumberger) [152]. Tình yêu thương hay sự hiệp thông là điều quan trọng nhất trong cuộc đời. Với một trái tim rộng mở trước những phán xét và tự phán xét, mỗi cá nhân cần sẵn sàng chiến đấu chống lại chủ nghĩa hoàn hảo bằng cách tin rằng mình xứng đáng được yêu thương, quan tâm, lắng nghe, tôn trọng và chấp nhận ngay trong thời điểm hiện tại, không cần điều kiện này nọ, chẳng đợi lúc này lúc khác: Tình yêu thương hay sự hiệp thông được nuôi dưỡng không chỉ bằng việc trân trọng những ưu điểm nơi bản thân hay nơi tha nhân mà còn bằng một tấm lòng vượt qua sự hổ thẹn, trách móc, dày vò trước sự bất toàn của bản thân và tha nhân. Đây là bước khởi đầu để con người đi từ cảm xúc đến hành động đầy trách nhiệm trong việc sống yêu thương hay củng cố sự hiệp thông.

      “Khiêm nhường chống lại thất vọng” [153]. Muốn sống, yêu thương và hòa nhập vào đời với tất cả sự tự tin và với tất cả trái tim, người ta phải can đảm nhìn thẳng vào những bất toàn, khó khăn, sợ hãi cũng như việc dễ tổn thương của mình và của tha nhân với một lòng trắc ẩn và khiêm nhường sâu xa. Loại bỏ dần chủ nghĩa hoàn hảo vừa là cách tập yêu thương và bớt dày vò bản thân. Thất vọng là tên gọi khác của sự hổ thẹn hay xấu hổ về sự bất toàn của mình, về chuyện không suôn sẻ trong công việc, về cả chuyện thành công vượt ngoài ý muốn, về nỗi giằng xé trong nội tâm. Nó gặm nhấm giá trị, nhân cách và lý tưởng sống của một người vì nó không cho người đó sống con người thật của mình, làm những điều mình cần làm (Magaret Young). Vượt qua nỗi thất vọng hay hổ thẹn là một nghệ thuật sống con người thật của mình. Nó giúp con người vượt qua căng thẳng, trầm cảm, kiệt sức, lực bất tòng tâm, rối loạn thần kinh thực vật, nghiện ngập, giận dữ, trách móc, oán giận, bóng tối, đau đớn không thể giải tỏa và nhất là dẹp bỏ ý định trở thành mẫu người hoàn hảo (Anna Quindlen) để sống con người thật của mình và để bắt đầu có được niềm vui, lòng biết ơn, lanh lẹ và thoải mái. Chúng là chất keo cần thiết của sự hiệp thông, là chất xúc tác cho tình yêu, đức tin, niềm hy vọng và hạnh phúc thăng hoa.

     Chủ nghĩa hoàn hảo thay vì làm phát huy tiềm năng bản thân thì nó lại bóp nghẹt khả năng phát triển bản thân khi loay hoay để làm hài lòng người khác, để hoàn hảo hóa mọi việc, để làm việc tốt thay vì lo cải thiện bản thân. Bóng tối của chủ nghĩa hoàn hảo làm tê liệt cuộc sống ở mọi cấp độ. Một khi nó trở thành chất gây nghiện cho niềm tin của mình, nó khiến ta tự hủy hoại mình khi dẫn đường cho lối tư duy theo cảm xúc và viển vông, chăm chút vẻ bên ngoài sao cho thật tuyệt, lời nói sao cho thật màu mè, tự trách vì “Mình không đủ giỏi”.

     Việc cải thiện bản thân bắt đầu từ việc quên đi chuyện ganh đua thiệt hơn, dẹp bỏ lối sống đầy lo âu để sống sáng tạo, biết ơn, điềm tĩnh, an nhiên và hạnh phúc hơn. Họ dành thời gian để vui chơi, nghỉ ngơi và quên đi địa vị xã hội như một cái mác đang đè bẹp cái tôi, không cho cá nhân sống con người thật một cách thoải mái. Hiệu quả công việc không phải là thước đo giá trị con người. Công việc không thể che đậy con người thật và đem lại sự chữa lành vết thương của bản thân. Sự an nhiên giúp dọn dẹp tâm hồn có được một không gian mở ra cho những cảm nhận, suy nghĩ, mơ ước và tự chất vấn. Một khi thôi nghi ngờ bản thân và cởi trói khỏi não trạng quan trọng hóa, người ta có khả năng để làm những việc ý nghĩa, giàu tính nhân văn, gia tăng khả năng riêng. Lãng phí tiềm năng bản thân khiến đời ta khốn cùng vì phá vỡ mất mối hiệp thông giữa ta với người khác và với Thiên Chúa.

      “Người không biết hài hước giống như cỗ xe không có nhíp. Nó liên tục bị xóc mỗi khi vấp phải hòn đá nhỏ trên đường” (Henry Ward Beecher) [154]. Hài hước để cười vào chính mình, để quá quan trọng hóa cái tôi, để yêu và sống vui giây phút hiện tại hơn là nuối tiếc quá khứ hay chờ đợi thiên đường ở tương lai. Một tiềm năng chi phối chất lượng sống của con người chính là chỉ số đo lường cảm xúc của một con người (EQ = Emotional Quotient). Chỉ số này cao đồng nghĩa với việc họ sống rất giàu tình cảm, luôn thấu hiểu, giúp đỡ mọi người xung quanh, được nhiều người yêu mến và tôn trọng, có khả năng thành công trong cuộc sống. Tiếng cười, âm nhạc và nhảy múa tạo ra mối dây liên kết về mặt cảm xúc và tâm hồn.

      “Hãy luôn vui mừng trong Chúa. Tôi nhắc lại, hãy vui lên!” (Pl 4,4). Các thánh vui tươi và rất biết đùa, biết tỏa ra tinh thần tích cực và đầy hy vọng. Đó là hoa trái của lòng bác ái, của sự hiệp thông với người mình yêu, của việc sống trong Chúa Thánh Thần (Rm 14,17). Thời đại của Chúa Giêsu mà hiện ta đang sống trong đó phải là thời đại của niềm vui, “niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em” (Nkm 8,10). Đức Maria đã hớn hở vui mừng về niềm vui mà Đức Giêsu mang đến (Lc 1,47), niềm vui trong Chúa Thánh Thần (Lc 13,17). Và Đức Giêsu muốn cho niềm vui đó ngự trị nơi các môn đệ của Người (Ga 15,11). Chính niềm vui mà Đức Giêsu mang đến, niềm vui biết mình được yêu thương có thể che lấp những lúc khó khăn, những thời khắc của thập giá để có lòng vững tâm, thanh thản, hy vọng và no thoả tinh thần. Niềm vui Kitô giáo thường được đi kèm với một cảm thức hài hước. Niềm vui trong tình hiệp thông thì quảng đại trao ban (Cv 20,35) và vui vẻ dâng hiến (2Cr 9,7). Đức thánh cha Phanxicô để nghị cầu nguyện xin ơn hài hước qua kinh Tôi đề nghị cầu nguyện bằng kinh được cho là của Thánh Tôma More:

      “Lạy Chúa, xin ban cho con trí lĩnh hội, và cả điều để lĩnh hội.  Xin cho con thân thể khỏe mạnh, và tính hài hước tốt đẹp cần thiết để giữ sức khỏe đó. Xin cho con một linh hồn đơn sơ biết quý tất cả những gì tốt đẹp, đừng dễ dàng sợ hãi trước mặt sự dữ, nhưng biết tìm cách đặt lại mọi chuyện vào đúng chỗ của nó. Xin cho con một linh hồn không buồn chán, không càu nhàu, thở dài hay than van, cũng không căng thẳng quá độ, vì những điều này ngăn cản một chuyện: Con chính là ‘con’. Lạy Chúa, xin cho con một trí hài hước tốt đẹp. Xin cho con ơn có thể nói một câu đùa để tìm được chút vui vẻ trong đời, và có thể chia sẻ niềm vui đó với người khác”. [155]

     Thần học gia Tin Lành Peter Berger cho rằng Thiên Chúa là tình yêu, và hài hước là một phần quan trọng không thể chối cãi của tình yêu. Hài hước cùng với bông đùa lành mạnh và trêu chọc vui vẻ là một phần dầu mỡ giúp chúng ta duy trì mối quan hệ lâu dài, bất chấp sự quen thuộc quá mức, tổn thương, thất vọng, và nhàm chán không thể tránh khỏi thế nào cũng xuất hiện trong hầu hết mọi mối tình. Hài hước giúp tình yêu ổn định. Vì thế hài hước là một phần bẩm sinh của tình yêu, là một phần phẩm tính của Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ có óc hài hước, mà còn là người tạo ra hài hước, thì hài hước là một phẩm chất quan trọng trong sự toàn vẹn và thánh thiện [156]. Mẹ thánh Têrêsa Avila sống nhiệm nhặt, thánh thiện, nhưng không kém hài hước, bông đùa mang tính xây dựng. Khi đi lập nhà ở Cid Campeador, cây cầu ở sông Arlazon đã bị lũ cuốn trôi mẹ vẫn vui vẻ và tin tưởng nói: “Chúa đã giúp ta băng qua vũng sình, Ngài cũng sẽ giúp ta vượt qua con sông này”. Tay trong tay mẹ dẫn đầu các nữ tu xuống dòng nước lạnh như đá. Giữa dòng sông mẹ bị trượt chân, dòng nước cuốn mẹ đi nhưng mẹ không la, không sợ chỉ cầu xin Chúa: “Làm sao Chúa đặt nhiều khó khăn như thế trên đường chúng con đi?”. Rồi Chúa hiện ra và trả lời: “Đó là cách Ta thích xử với các bạn của Ta”. Mẹ Têrêsa không do dự đáp lại với óc trào phúng cố hữu của mình: “Lạy Chúa, thảo nào Chúa chỉ có ít bạn!”. [157]

     Tác giả Brené Brown cho rằng rủi ro đánh mất chính mình nguy hiểm hơn rất nhiều so với rủi ro để cho người khác nhìn thấy con người thật bên trong của mình. Vì thế cần tự nhủ trước khi đi ngủ vào mỗi đêm: “Phải, mình không hoàn hảo, dễ tổn thương và đôi khi sợ hãi, nhưng điều đó không thay đổi sự thật rằng mình cũng dũng cảm, xứng đáng được yêu thương và đón nhận”. Một ngày mới bắt đầu hãy nguyện cầu: “Lạy Chúa, xin ban ơn cứu độ, lạy Chúa, xin thương giúp thành công” (Tv 118, 25) và đừng quên nguyện thêm: “Chuyện đời tôi quan trọng vì bản thân tôi cần được xem trọng. Tôi sẽ bước vào đời với cảm giác tự do khi không còn giả vờ như mọi chuyện đều ổn và mong muốn mọi sự phải hoàn hảo”. Chính ở khởi đầu nhìn nhận sự bất toàn của bản thân mà con người bắt đầu nghiêng từ đời sống nhân bản sang đời sống tâm linh, đời sống hướng về Thiên Chúa và về đời sống vĩnh cữu [158]. Với đức tin, con người có được lòng dũng cảm để chạm vào thế giới bí ẩn, để vượt qua nỗi sợ hãi đang diễn ra nơi nội tâm hay nơi thế giới để có thể thư giãn và cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con sự bình yên trong tâm hồn để chấp nhận những gì con không thể thay đổi, xin cho con sức mạnh để thay đổi những điều có thể, và sự sáng suốt để nhận ra sự khác biệt. Amen!”

› ® ¬ ® š

     Footnote

[136] ĐTC PHANXICÔ, Tông thư Patris Corde. Số 7.

[137] SGLC 253

[138] ALAIN HOUZIAUX, Sách đã dẫn. Tr. 68.

[139] AL 320

[140] AL 39

[141] PHILIPPE JULIEN, Người rời cha, người rời mẹ - Tu quitteras ton père et ta mère; Aubier – 2000.

[142] PLATON, Buổi tiệc – Le Banquet.

[143] MORGAN SCOTT PECK, THE Road less traveled - Con đường chẳng mấy ai đi, Lm. Giuse Lê Công Đức chuyển dịch, quyển 1, đề mục: Ân sủng và tâm bệnh: Thần thoại Orestes.

[144] JEAN MONBOURQUETTE, Làm sao tha thứ? – Comment pardonner? , Lm. Trần Minh Huy chuyển ngữ; NXB Novalis – Tủ sách Cho một tương lai tốt đẹp hơn – 2001. Tr. 162.171.

[145] HĐGMVN – UBGLĐT, Docat – Phải làm gì? Số 226; ĐHY CARLO MARIA MARTINI, Sách đã dẫn. Tr. 75.

[146] 1Cr 2,2.

[147] SAINT-EXUPÉRY, Cõi người ta – Terre des Homme, Bùi Giáng dịch, NXB Văn nghệ, TP HCM – 2005,. Tr. 57- 58.

[148] SGLC 2218

[149] BRENÉ BROWN, PH.D., L.M.S.W.; Món quà của sự không hoàn hảo - The gifts of imperfection – Sao phải cố là người khác, trong khi bạn có thể là chính mình? Dịch giả: Uông Xuân Vy và Vi Thảo Nguyên. NXB Phụ Nữ, TP.HCM – 2010; Tr. 20.

[150] Courage = coraggio = cor (trái tim) + aggio (premium; praemere: lấy) = nói ra suy nghĩ trong đầu, bày tỏ cảm xúc trong lòng.

[151] Compassion = com + pati (mang, nỗi khổ) = chia sẻ nỗi đau.

[152] BRENÉ BROWN, PH.D., L.M.S.W.; Sách đã dẫn. Tr. 82.

[153] THOMAS MERTON, Hạt giống chiêm niệm, Phong Trào Văn Hóa xuất bản, Sài Gòn – 1966, tr. 145.

[154] ROBYN D. WAL SER. PH.D, DARRAH WESTRUP, PH. D; Sách đã dẫn; Tr. 119.

[155] ĐTC PHANXICÔ, Tông huấn “Gaudete et Exsultate” – Vui mừng và hân hoan; 19/03/2018. Số 122-128.

[156] RON ROLHEISER,O.M.I.; Óc Hài Hước của Thiên Chúa; https://ronrolheiser.com/oc-hai-huoc-cua-thien-chua/ ngày 13/5/2023

[157] RENÉ FÜLÖP-MILLER, Thánh nữ Têrêxa Avila – Vị thánh hay xuất thần; Đặng Xuân Thành dịch; NXB Thuận Hóa, Huế - 1999. Tr. 114-115.

[158] SGLC 1812–1829.

Thanh Xá ngày 15/05/2023

Lm. Giuse Đinh Quang Vinh

---Còn tiếp---

zalo
zalo