Ngày tháng: 21/11/2024
Đang truy cập: 81

CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG TRONG GIA ĐÌNH - Phần 3/6 - Lm. Giuse Đinh Quang Vinh

CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG TRONG GIA ĐÌNH – Phần 3/6

“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban chho con, để họ nên một như chúng ta”

› ® ¬ ® š

III. NGUYÊN NHÂN PHÁ VỠ SỰ HIỆP THÔNG

     “Hãy học hỏi từ những sai lầm của người khác. Bạn đâu có sống đủ lâu để phạm tất cả mọi sai lầm (Eleanor Roosevelt). Hôn nhân dưới sự kiểm soát của tội lỗi đe dọa sự hiệp thông bởi sự bất hoà, óc thống trị, sự bất trung, lòng ghen tương và sự xung đột, những điều đó có thể đưa đến hận thù và đoạn tuyệt. Theo đức tin, sự xáo trộn này xuất phát từ tội lỗi. Nguyên tội, một sự chia lìa khỏi Thiên Chúa, đưa đến hậu quả đầu tiên là chia lìa sự hiệp thông nguyên thủy giữa người nam và người nữ. [53]

     1. Tội lỗi phá hủy sự hiệp thông

     Trước hết, tội là sự xúc phạm đến Thiên Chúa, là cắt đứt sự hiệp thông với Ngài. Đồng thời tội làm tổn thương cho sự hiệp thông với Hội Thánh khi phá hủy sự hiệp thông giữa con người với nhau [54].Thiên Chúa muốn tại lập sự hiệp thông trong Hội Thánh, vì vậy Hội Thánh cũng là nguồn cội của sự hiệp thông trong gia đình Kito giáo[55]. Ngược lại, gia đình Kitô Giáo bày tỏ và thể hiện một cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh. [56]

     “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,4). Tội đầu tiên mà con người sa ngã vào và đó cũng là tội phá vỡ sự hiệp thông và tiếp tục phá vỡ sự hiệp thông cho đến con người cuối cùng trên trần gian: Muốn trở nên người hoàn hảo cách dễ dàng nhất. Cái hay khi con người bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng là để họ không còn sống cho những ảo tưởng của mình, họ phải nhìn nhận rằng đời sống hằng ngày khiến họ không thể tưởng mình như hoàng tử hay công chúa đang sống trong lâu đài thần tiên chỉ có trong truyện cổ tích (Sophie Schlumberger) [57]. Khi sự hợp nhất của nhân loại bị tội lỗi phá vỡ, Thiên Chúa lập tức có ý định cứu độ nhân loại khi can thiệp qua những con người khiêm nhường bé nhỏ, những người chấp nhận sự không hoàn hảo để phó mình cho sự quan phòng của Thiên Chúa [58]. Đức Trinh Nữ Maria là thụ tạo khiêm nhường, trinh khiết và vâng phục Thiên Chúa nhất trong mọi loài thụ tạo; ngược lại ma quỷ là tên vô cùng kiêu căng, ô uế và nổi loạn trước Thiên Chúa [59]. “Chỉ khi chấp nhận sự giới hạn của mình, chúng ta mới có thể hiểu điều gì đó, trong khi nếu chúng ta nổi loạn, chúng ta vẫn còn ở lại trong bóng tối”. [60]

      “Những điều mạc khải cho biết, kinh nghiệm riêng của chúng ta cũng xác nhận. Khi nhìn vào trong lòng, con người thấy mình bị lôi kéo về những điều sai trái, và ngụp lặn trong muôn vàn sự dữ, vốn là những điều không thể xuất phát từ Đấng Tạo Hóa tốt lành. Khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguồn gốc của mình, con người cũng đã phá đổ sự quy hướng cần thiết về cùng đích tối hậu, đồng thời phá vỡ toàn bộ sự hòa hợp của mình đối với chính bản thân, đối với những người khác và đối với mọi loài thụ tạo”. [61]

     Diễm tình ca được trình bày trong Thánh vịnh 128 không phủ nhận một thực tế đắng cay vốn ghi dấu trên toàn bộ Thánh Kinh. Đó là sự hiện diện của đau khổ, sự ác và bạo lực có sức phá vỡ đời sống gia đình và sự hiệp thông thân mật trong đời sống và tình yêu. Không phải là vô cớ mà diễn từ của Đức Kitô về hôn nhân lại được đưa vào cuộc tranh luận về li dị [62]. Lời Chúa không ngừng chứng thực chiều kích tăm tối vốn đã được để lộ ra ngay từ thưở ban đầu, khi mà do tội lỗi, tương quan yêu thương và trong sáng giữa người nam và người nữ biến thành sự thống trị: “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” (St 3,16). Mối hiệp thông trong gia đình bị lòng kiêu ngạo, hà tiện, ganh tị, nóng giận, dâm dục, mê ăn uống, làm biếng đục khoét và phá vỡ. Sự hiệp thông bị phá vỡ là nguyên nhân của những đau khổ giày vò và giết chóc đẫm máu, nó trải dài qua nhiều trang Thánh Kinh và đang diễn ra ngay trước mắt của chúng ta. Lời thú nhận đắng cay của ông Gióp khi bị bỏ rơi đang nói lên tâm trạng của biết bao nhiêu mảnh đời đau khổ vì chia ly: “Anh em tôi, Người đẩy họ xa tôi. Người quen biết coi tôi như người dưng nước lã. Hơi thở tôi khiến vợ tôi ghê tởm, mùi hôi thối xông ra làm cho anh em tôi gớm ghiếc” (G 19,13.17). Nỗ lực để trở về sống hiệp thông trong một gia đình, mở rộng ra một nhân loại đại đồng luôn luôn gặp những trở ngại về một cái tôi hoàn hảo ngấm ngầm trong lòng của con người như trong lòng người anh cả từ chối đứa em bỏ nhà cha mẹ đi hoang [63]. Thiên Chúa vẫn cứ luôn là người Cha nhân hậu đến lau sạch nước mắt để con người tìm lại sự hiệp thông sau khi họ trải qua những khủng hoảng, đau khổ bởi tự do mà họ đã chọn lựa, đã lạm dụng [64]. Ngay trong sự hiệp thông, đau khổ làm cho con người dễ dàng mở ra mối liên kết với người khác, một sự liên kết vượt qua mọi rào cản và khác biệt [65]. Đau khổ có thể có giá trị cứu chuộc đối với tội lỗi của những người khác khi con người trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và kết hợp họ vào cuộc khổ nạn sinh ơn cứu chuộc của Người, Đấng bằng cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá của Người đã đem lại cho đau khổ một ý nghĩa mới. [66]

     Bắt đầu bằng ơn gọi của tổ phụ Abraham, đạt đỉnh cao nơi Giao ước mới do chính Đức Kitô thiết lập và ngang qua Hội Thánh, Thiên Chúa tái lập sự hiệp thông bị phá hủy do tội lỗi. Khi nhập thể làm người, Thiên Chúa kiên quyết thực hiện đời sống hằng ngày với tất cả vui buồn của kiếp người để giải thoát con người khỏi những ảo tưởng. Hội Thánh trở nên mái nhà của sự hiệp thông cho nhân loại: “Trên đời này, không ai phải thiếu gia đình; vì Hội Thánh là nhà và là gia đình cho tất cả mọi người, nhất là cho những ai ‘đang vất vả mang gánh nặng nề’ (Mt 11,28)” [67]. Hội Thánh là gia đình của Thiên Chúa giữa trần gian [68]. Nơi đó, “Hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Ngài tiếp nhận” (Cv 10,35). Nếu tội lỗi là loại vi trùng phá vỡ sự hiệp thông thì chính sự hối cải của các trái tim và với ân sủng của Thiên Chúa thúc đẩy sự hiệp thông của con người với nhau, với Thiên Chúa và với Hội Thánh. [69]

      “Cuộc hành trình của mọi đôi bạn và gia đình thường rất vất vả, khó khăn và chán ngán. Trong số những sự đe dọa và hủy diệt niềm vui của các đôi vợ chồng và gia đình, thì tội lỗi là kinh khủng nhất: Không chỉ như giới hạn không thể tránh được cho mọi người, nhưng tội lỗi còn là một sự hỗn loạn về luân lý. Trái tim của những đôi vợ chồng đầy những sự cứng cỏi và tham lam. Khả năng yêu thương và trao ban, sống trong sự hiệp thông có khuynh hướng biến mất, để cho tính ích kỷ thắng thế. Người kia, chồng hay vợ, không còn là đối tượng của tình yêu để trao ban, nhưng là đối tượng của ích kỷ để chiếm đoạt, sử dụng như một đồ vật. Vẻ đẹp ban đầu của phẩm giá con người bị biến dạng. Tính ích kỷ gây chia rẽ, chống đối: Tội lỗi trở nên nguyên nhân của việc tan rã đôi vợ chồng hay gia đình”. [70]

     2. Phi nhân vị hóa tình dục

     “Khi eros (tình ái) bị hạ giá xuống thành sex (tình dục), trở thàng hoá, thành "vật phẩm”; người ta có thể mua hay bán nó, thật vậy, chính con người cũng trở thành hàng hoá” [71]. Khi tình dục bị phi nhân vị hóa và trở thành bệnh hoạn, nó luôn trở thành cơ hội và phương tiện cho người ta tự khẳng định mình và thỏa mãn cách ích kỉ các ham muốn và bản năng của mình [72]. Não trạng “sử dụng và vứt bỏ” khiến một cá nhân thao túng thân xác của tha nhân và xem như nó như một đồ vật để sử dụng bao lâu nó còn đem lại thỏa mãn, và bị khinh thường khi nó không còn hấp dẫn nữa. Sử dụng người khác như các đồ vật cũng sẽ bị người khác sử dụng, thao túng và bỏ rơi [73]. “Người ta bỏ tôi như vứt cái khăn giấy” là câu nói các nhà tâm lý trị liệu thường được nghe. Thay đổi đối tượng để tìm cảm giác mới là một loại độc hại kiểu ma túy trong quan hệ yêu đương, kiểu tiêu thụ người như tiêu thụ hàng hóa (Jacques Arènes) [74]. Chủ nghĩa tiêu thụ chỉ biến con tim thành nặng nề. Nó có thể mang lại cho ta những khoái cảm ngẫu hứng và chóng qua, nhưng không phải là niềm vui. [75]

     Ý nghĩa của tình dục bị bóp méo bởi não trạng hưởng thụ ích kỷ dẫn đến những hình thức cố hữu của sự thống trị, ngạo mạn, lạm dụng, lệch lạc và bạo lực tình dục. Não trạng đó chôn vùi phẩm giá của người khác, bóp nghẹt tiếng gọi vươn đến yêu thương, phá vỡ sự hiệp thông ngay từ lòng người. Vì thế, tình dục cũng có thể trở thành một nguồn của đau khổ và của sự thao túng. Nó chỉ trở thành hành vi đích thực của tình yêu và sự hiệp thông khi nó được tiến hành trong trật tự luân lí đúng đắn [76], theo ý muốn của Thiên Chúa khi chúng được thực hiện một cách “hợp với nhân tính thực sự” [77]. Không hợp với nhân tính khi đó là sự ham muốn vô trật tự hay hưởng thụ vô độ khoái lạc tình dục; chỉ tìm khoái lạc để hưởng thụ, chứ không nhằm mục đích sinh sản và kết hợp trong tình yêu [78]. Sự hiệp thông vì thế bị đe dọa bởi sự ham hố vô độ. Ở đây, bản chất cấu trúc hiệp thông trong mối quan hệ liên vị bị phá vỡ, phẩm giá cá nhân bị phủ nhận cả nơi người bị trị và người thống trị. Khi tính dục mất hết mọi ý nghĩa, nó chỉ còn là cách để thoát li bản thân và chối bỏ vẻ đẹp của sự kết hợp vợ chồng. Khi tình dục là cách để thoát li bản thân, nó đã khiến người ta như mất hết lý trí để tìm kiếm bất chấp uy tín, danh phận, tiền tài, thành tựu, con cái và gia đình. [79]

     Phải từ chối bất kì một hình thức nô lệ hoặc phục tùng tình dục nào. Tình yêu và sự hiệp thông được kiến tạo và thực hiện bởi sự tự hiến cho nhau, yêu người phối ngẫu như chính thân xác mình, thuộc về nhau theo cách tự do chọn lựa, với lòng trung tín, kính trọng và quan tâm lẫn nhau [80]. Cách tốt nhất là có thể nhìn thấy hình ảnh của Đức Kitô ở nơi người phối ngẫu để có thể sống đức bác ái yêu thương [81]. Sự tự do của con người kết hiệp với nhau do sự khôn ngoan và ý muốn của Thiên Chúa thu xếp [82]. Tính dục và phục vụ không tách rời nhau trong tình bạn này giữa vợ chồng, vì nó được đặt định để người này giúp người kia sống viên mãn, không loại trừ nhau và loại trừ chính mình [83]. “Bất cứ ai muốn trao hiến tình yêu thì cũng phải đón nhận tình yêu như một quà tặng”. [84]

     3. Chủ nghĩa của sự hoàn hảo

     Cần phải để tang hay đem chôn vùi chủ nghĩa hoàn hảo vì nó là nguyên nhân của nhiều thất bại trong tình yêu, phá vỡ hiệp thông ở cấp độ cá nhân, gia đình hay cộng đoàn. Thói kiêu ngạo luôn muốn biến mình thành người hoàn hảo trong bất cứ lãnh vực nào, kể cả tình yêu. Chủ nghĩa hoàn hảo muốn lý tưởng hóa mọi sự, kể cả cái tôi của mình lúc nào cũng là giỏi nhất, hiệu năng nhất, chuẩn không cần chỉnh (Sophie Schlumberger) [85]. Chính vì muốn là người hoàn hảo mà con người có thể mang ảo tưởng tự mình đã đủ cho mình về mọi lãnh vực kể cả yêu thương. Đã là người hoàn hảo thì không cần được tha thứ bởi Thiên Chúa hay từ tha nhân. Đã là người hoàn hảo thì không phải mang ân nghĩa gì với ai, kể cả Thiên Chúa. Làm sao một người có thể sống hiệp thông và yêu thương người khác khi không biết đứng vào vị trí của người khác để thông cảm với họ, để thấy mình cũng đầy bất toàn, tổn thương, bất hạnh theo gương Đức Giêsu. [86]

     “Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8). Nghĩ mình là người hoàn hảo thì đương nhiên người ấy có cảm tưởng rằng mọi tư tưởng, lời nói, việc làm đều hoàn hảo tất tần tật. Não trạng kiêu ngạo đầy nguy hiểm nấp mình cách tinh tế trong chủ nghĩa hoàn hảo. Chủ nghĩa hoàn hảo là thói kiêu ngạo âm thầm làm tổ trong sâu thẳm trái tim con người, kể cả nơi những người sống một cuộc sống xem ra có vẻ đạo đức sốt sắng. Đức thánh cha Phanxicô kể rằng: “Có một nhà dòng nữ kia [87], vào những năm 1600-1700, vào thời Jansenism (thuyết Jansen) [88], rất nổi tiếng. Họ là những nữ tu vô cùng hoàn hảo và họ nói rằng mình vô cùng trong sạch giống như các thiên thần vậy. Nhưng họ kiêu ngạo như ma quỷ. Đó là một điều xấu. Tội lỗi chia rẽ tình huynh đệ; tội lỗi khiến chúng ta xem mình tốt lành hơn người khác, làm cho chúng ta tin rằng mình giống như Chúa”. [89]

     Chủ nghĩa hoàn hảo khiến con người có thể nghĩ rằng mình yêu thương và tha thứ cho anh em chỉ bằng khả năng của mình mà không cần đến ơn Chúa. Họ quên điều mà Đức Phanxicô gọi là “mầu nhiệm của mặt trăng”. Mặt trăng chỉ phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Con người chỉ là phản chiếu ân sủng và ánh sáng hoàn hảo của Thiên Chúa. Tự bản thân một người không thể tỏa sáng yêu thương nếu không có người khác và người khác phái đánh thức tình yêu ở trong bạn, làm cho bạn hiểu ý nghĩa của sự hiện hữu ở trong người này như thế nào. Chúng ta yêu thương và tha thứ bởi vì chúng ta được yêu thương và tha thứ. Và nếu ai đó không được chiếu sáng bởi ánh sáng của mặt trời thì sẽ trở thành giá lạnh như trái đất trong mùa đông. [90]

     “Kiêu ngạo là cội rễ mọi sự dữ và là thất bại của mọi điều lành” (thánh Vincent Phaolô). Chủ nghĩa hoàn hảo là yêu mình đến mức sẵn sàng chẳng cần đến ai, kể cả Thiên Chúa. Đó là cái bẫy khiến Satan vui thích vì con người đã học đòi bắt chước thói xấu kiêu ngạo của nó. Chủ nghĩa hoàn hảo là cái bẫy ma quỷ làm cho người kiêu ngạo trở nên khoác lác [91], tưởng mình tốt lành và quan trọng để làm họ xa rời ý muốn Thiên Chúa [92], chọn việc của Chúa thay vì chọn Chúa. Chỉ có người khiêm nhường và can đảm mói có thể tự nhủ: “Hãy chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa!” . [93]

     “Tính kiêu ngạo làm chúng ta ghét những người ngang hàng chúng ta vì sợ họ bằng chúng ta; ghét những người kém chúng ta vì sợ họ sẽ bằng chúng ta; và ghét những người trên chúng ta vì họ ở trên chúng ta” (Thánh Gioan Vianney). Nếu chủ nghĩa hoàn hảo hay sự kiêu ngạo giết chết tình yêu và phá vỡ sự hiệp thông thì sự khiêm nhường chính là hạt giống làm trổ sinh tình yêu đích thực. “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5,5; Gc 4,6). Một khi loại bỏ được chủ nghĩa hoàn hảo, con người biết mình được yêu không điều kiện, không cần phải xứng đáng, thoải mái nhận niềm ưu ái dịu dàng, buông mình để nhận một món quà bất ngờ. Món quà lớn nhất của việc chấp nhận mình bất toàn đó chính là khởi đầu cho tình yêu và sự hiệp thông. “Khiêm nhượng là nhân đức duy nhất ma quỷ không thể bắt chước được. Nếu như thói kiêu ngạo khiến các thiên thần trở thành ma quỷ, thì khiêm nhường ắt hẳn cũng có thể biến ma quỷ trở nên thiên thần” (Thánh Gioan Climacus). [94]

     4. Ba khe hở theo thánh Biển Đức [95]

     Nhìn dưới khía cạnh tu đức theo thánh Biển Đức, cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa hoàn hảo có ba khe hở hay ba cám dỗ mà ma quỷ lợi dụng để làm phân rã nhân vị, làm phân tán sự hiệp thông hay phá hủy cấu trúc cơ bản của tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân.

     Bất cứ ai không liều mình mở lòng ra với Thiên Chúa trong tinh thần vâng phục sẽ dễ dàng bị thế gian, ma quỷ và xác thịt hạ gục bởi danh vọng, lợi lộc và lạc thú:

     1) Tham lam: Biểu tượng con heo chúi mõm vào máng ăn; thể hiện khát lạc thú và tiền bạc. Thánh Phaolô cho biết:“Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau xâu xé” (1Tm 6,10).

     2) Được nhận biết và yêu thương: Biểu tượng con công vênh vang với bộ lông sặc sỡ; thể hiện qua việc tìm kiếm vinh quang và danh vọng. Đức Giêsu biết những người Do Thái không tin vào Người vì họ không có lòng yêu mến Thiên Chúa, chỉ tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất. [96]

     3) Kiêu ngạo: Biểu tượng con chim ưng; thể hiện quyền lực tối thượng [97], chinh phục quyền lực, luôn luôn có lý, không bao giờ xin lỗi, mọi người phải đến báo cáo, mình luôn là tiếng nói cuối cùng trong mọi chuyện, không để cấp dưới tự giải quyết vấn đề, bất chấp sáng kiến cá nhân và phẩm giá [98], luôn lấy lựa chọn của mình làm tiêu chuẩn chứ không theo lựa chọn của Chúa (Sophie Schlumberger) [99]. “Kiêu ngạo là phủ nhận Thiên Chúa, là sáng kiến của ma quỷ” (Thánh Gioan Climacus). [100]

     Phương pháp chiến đấu để có thể lách qua các cám dỗ hoàn hảo đó chính là: Làm việc vì đức ái, để Thần Khí của Thiên Chúa thúc đẩy, tham dự vào sự cứu rỗi của Đức Giêsu (qua đau khổ, yếu kém, giới hạn, sai lầm và cả tội lỗi) [101], lớn mạnh trong lòng mến và sau cùng là chịu đựng thử thách và cám dỗ cho Hội Thánh, với Hội Thánh và trong Hội Thánh. Các vũ khí chiến đấu chính là cầu nguyện [102] và chiêm niệm (tìm vinh danh Thiên Chúa, sùng kính Đức Mẹ để bớt kiêu ngạo, bớt vênh vang), lãnh nhận các bí tích (đặc biệt Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giải Tội; tập chết đi cho tội lỗi và sống lại với Đức Kitô), làm phúc bố thí (tập dâng hiến và quên mình để bớt tham lam), sống chay tịnh (hy sinh vui thú, sửa mình qua con đường tu trì). Khiêm nhường là nền tảng của cầu nguyện. [103]

     Với sự trợ giúp của bởi ân huệ của Chúa Thánh Thần, con người sống tình yêu với Thiên Chúa và hiệp thông với anh em ao ước để chết đi ước muốn tham lam, phù phiếm và kiêu ngạo, nỗ lực sống khiêm tốn và từ bỏ cái tôi kềnh càng. Con đường của sự trọn hảo, hiệp thông và yêu thương phải đi qua thập giá. Nó đòi hỏi sự khổ chế và hy sinh hãm mình khi nhận ra sự bất toàn của cá nhân, gia đình hay tập thể. Đó là những bước cần thiết để dẫn con người tới việc sống trong bình an và hoan lạc của các mối phúc. [104]

      “Con hãy ổn định linh hồn, giảm thiểu ước muốn, sống bác ái, hiệp thông với cộng đoàn Kitô hữu, tuân giữ lề luật và tín thác vào Chúa Quan Phòng” (Thánh Augustinô) [105]. Để chữa lành những vết thương do tội lỗi, vợ chồng cần đón nhận sự trợ giúp đầy lòng thương xót của Thiên Chúa để rồi trong bầu khí thinh lặng và đối thoại họ dâng lời cầu nguyện:

      “Lạy Thiên Chúa, chúng con dâng lên Chúa mọi khó khăn trong cuộc hành trình. Xin ban cho chúng con qua đức tin, có thể nhận biết Chúa đang hoạt động như thế nào, và Đức Giêsu Kitô đang hiệp nhất các gia đình và nhân lại như thế nào; và các thử thách, đau khổ, và đau đớn có thể trở thành những lối đi đưa chúng con đến hiệp nhất, hiệp thông trong ân sủng của Chúa Giêsu trên thập giá, Đấng đã hiến mạng sống của Ngài vì mọi người. Amen”. [106]

› ® ¬ ® š

 

[53] SGLC 1606-1608.

[54]SGLC 1440; 1445.

[55] SGLC 761.

[56] SGLC 2204–2206.

[57] ALAIN HOUZIAUX, Tại Sao Có Quá Nhiều Thất Bại trong Tình Yêu? – Pourquoi Tant D’Échecs en Amour?; bản dịch tiếng Việt: Xavier Trần Thiên An, Atôn & Đuốc Sáng – 2007; tr. 74.

[58] SGLC 56; 2554.

[59] GABRIELE AMORTH, Nuovi Racconti Di Un Esorcista – Truyện mới kể của một nhà trừ tà, Edizioni Dehoniane Roma, 10/1992, Tr. 213- 222; Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt chuyển ngữ dưới tựa đề Quyền Năng Đức Mẹ Maria Đối Với Ma Quỷ, trang web: http://dongkhiettam.com/vi/news/cau-nguyen-hang-ngay-voi-me-khiet-tam/quyen-nang-duc-me-maria-doi-voi-ma-quy-1039.html [19/05/2023]. Video PADRE AMORTH: il diavolo e l'esorcista. 10 interviste: https://youtube.com/clip/UgkxG3erb5Dtc_z6-EjG5XsBZvNCjWllt6Z6 [19/05/2023].

[60] ĐHY CARLO MARIA MARTINI, Sách đã dẫn. Tr. 45.

[61] GS 13; SGLC 401.

[62] Mt 19,3-9.

[63] Lc 15,11-32.

[64] Kh 21,4; AL 19-22.

[65] ĐHY CARLO MARIA MARTINI, Sách đã dẫn. Tr. 108.

[66] SGLC 1502; 1505.

[67] SGLC 1658.

[68] DCE 21.

[69] SGLC 761- 762; 1896.

[70] ĐHY CARLO MARIA MARTINI, Sách đã dẫn. Tr. 88.

[71] DCE 5.

[72]GIOAN PHAOLÔ II, Thđ. Evangelium Vitae (25/3/1995), 23: AAS 87 (1995), 427.

[73] AL 61.

[74] ALAIN HOUZIAUX, Sách đã dẫn. Tr. 57.

[75] GE 128.

[76] HV, 13: AAS 60 (1968), 489.

[77] GS, 49. Giáo luật 1061.

[78] SGLC 2351.

[79] NANCY VAN PELT, Để Hôn Nhân Hoàn Hảo, tr. 55. Ep 5,22.28.

[80] Mt 25,40.

[81] ĐHY CARLO MARIA MARTINI, Sách đã dẫn. Tr. 8.

[82] DCE, 5.

[83] DCE, 7;

[84] AL 153-157.

[85] ALAIN HOUZIAUX, Sách đã dẫn. Tr. 83-86.

[86] SGLC 2741.

[87] Đức thánh cha Phanxicô đề cập đến Dòng nữ Xitô, thuộc đan viện Port-Royal-des-Champs. Dưới thời Jacqueline-Marie-Angélique Arnauld, còn được gọi là Mẹ Angélique (8/9/1591 – 6/8/1661) làm Đan viện mẫu, Đan viện Port-Royal đã trở thành một trung tâm của Jansenism. Về Mẹ Agnès và các đan sĩ của bà, Paul Philippe Hardouin de Beaumont de Péréfixe (1606 – 1671), Tổng Giám mục Paris, người tham gia vào cuộc chiến chống thuyết Jansen đã nói: "Các nữ tu này trong sạch như thiên thần, nhưng kiêu hãnh như ác quỷ - These sisters are as pure as angels, but as proud as devils" (FOURNET, PIERRE AUGUSTE. "Arnauld." The Catholic Encyclopedia Vol. 1. New York: Robert Appleton Company, 1907. 19 May 2018). Tu viện Port-Royal đã bị giải tán Sắc lệnh Unigenitus của Đức thánh cha Clement XI năm 1713. Tu viện sau đó bị san bằng và hiện nay là Bệnh viện Port-Royal, bệnh viện phụ sản hàng đầu của Paris.

[88] Dị thuyết do Giám mục Cornelius Jansen (1585-1638), tỏ ra bi quan về bản tính con người đã hư hỏng do tội nguyên tổ; chỉ những ai được tiền định mới được cứu; sống nghiêm ngặt về luân lý là dấu hiệu được tiền định. Antonio Casini, S.J. đấu tranh chống lại thuyết Jansenius trong một bài tranh luận về tình trạng bản chất thuần tuý (1687-1755). Nền luân lý của thánh Alphongsô de Liguori đã đánh bại nền luân lý Jansenius.

[89] ĐTC PHANXICÔ, Tất cả chúng ta đều là tội nhân và cần sự tha thứ, buổi tiếp kiến sáng thứ tư 10/04/2019.

[90] ĐTC PHANXICÔ, Tài liệu đã dẫn, ngày 10/04/2019.

[91] Gc 4,16.

[92] JOHN LABRIOLA, Cuộc chiến thiêng liêng, người dịch: Lm. Minh Anh, NXB Hồng Đức – Hà Nội, 2013; tr. 65; 88.

[93] ĐHY F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN, Năm chiếc bánh và hai con cá, Chương 2.

[94] JOHN LABRIOLA, Cuộc chiến thiêng liêng, người dịch: Lm. Minh Anh (Gp. Huế), NXB Hồng Đức – Hà Nội, 2013. Tr. 219.

[95] BERNARD DUCRUET, O.S.B.; Cuộc chiến đấu thiêng liêng theo thánh Biển Đức, An Nguyễn chuyển ngữ, Antôn và Đuốc Sáng.

[96] Ga 5,42-44.

[97] ALAIN HOUZIAUX, Sách đã dẫn. Tr. 82.

[98] HĐGMVN – UBGLĐT, Docat, Phải làm gì? Số 95. SGLC 1883-1885.

[99] ALAIN HOUZIAUX, Sách đã dẫn. Tr. 77-80.

[100] JOHN LABRIOLA, Sách đã dẫn. Tr. 90.

[101] Rm 2,28; 2Cr 12,10.

[102] SGLC 2725.

[103] SGLC 2559.

[104] SGLC 2015.

[105] JOHN LABRIOLA, Sách đã dẫn. Tr. 395.

[106] ĐHY CARLO MARIA MARTINI, Sách đã dẫn. Tr. 55.

Thanh Xá ngày 15/05/2023

Lm. Giuse Đinh Quang Vinh

---Còn tiếp---

zalo
zalo