Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 36

Ảnh Hưởng Của Văn Hóa Nước Ngoài Trên Văn Hóa Việt Nam – Phần 1/3

Ảnh Hưởng Của Văn Hóa Nước Ngoài Trên Văn Hóa Việt Nam – Phần 1/3

 

Hoàng Thiên, OP.

 

     Dẫn Nhập

     Việt Nam là một nước được coi như là điểm hội tụ của các nền văn hóa Đông - Tây và dĩ nhiên cũng là nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hai nền văn hóa Phương Đông.

     Khi nói đến văn hóa Phương Đông cũng như nói đến sự ảnh hưởng của nó lên văn hóa Việt Nam thì người ta nghĩ ngay đến nền văn hóa vĩ đại Trung Hoa. Nền văn hóa Trung Hoa vừa mang tính cách đa dạng cả về văn hóa tinh thần lẫn văn hóa vật chất vừa có bề dày lịch sử vào hàng nhất nhì thế giới. Văn hóa Trung Hoa đã ảnh hưởng một cách sâu đậm đến hầu như toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt đối với văn hóa Việt Nam thì văn hóa Trung Hoa đã để lại nhiều dấu ấn và chứng tích đậm nét ăn sâu vào cả văn hóa tinh thần lẫn văn hóa vật chất. Nó đã gắn liền với các sinh hoạt trong đời sống của người dân Việt Nam từ xưa tới nay.

     Hoàn cảnh và thời gian thâm nhập vào Việt Nam

     Song song với mục tiêu chính trị - quân sự và thương mại, văn hóa Trung Hoa đã du nhập vào Việt Nam theo bước chân của các đạo quân xâm lược qua các thời kỳ xâm chiếm Việt Nam. Theo lịch sử Việt Nam, Trung Hoa xâm lược và cai trị Việt Nam trên một ngàn năm qua ba thời kỳ chính:

- Thời kỳ thứ nhất, thời nhà Triệu, từ năm 207 - 39 TCN

- Thời kỳ thứ hai, thời Đông Ngô, từ năm 43 - 543

- Thời kỳ thứ ba, thời nhà Đường, từ năm 603 - 939

     Ba cuộc xâm lược kéo dài này, là thời gian văn hóa Trung Hoa luôn hiện diện trên đất nước Việt Nam, còn người Việt thì luôn phải tiếp cận và phải sống với nền văn hóa khổng lồ này để rồi nó đi sâu vào trong máu thịt của hàng trăm thế hệ người Việt Nam và chiếm lĩnh hầu hết vị trí của văn hóa thuần túy Việt Nam. Ngoài ba cuộc xâm lược kéo dài này, còn có một số cuộc xâm chiếm khác nữa đã làm cho văn hóa Việt Nam trở nên điêu tàn nhường chỗ cho văn hóa Phương Tây.

     Trong mấy thế kỷ tiếp xúc và giao lưu với văn hóa Phương Tây, văn hóa Việt Nam đã chịu ảnh hưởng khá sâu đậm vào nhiều lĩnh vực, cả trên văn hóa tinh thần lẫn văn hóa vật chất. Thế nhưng tùy lúc tùy nơi, người Việt có thể chấp nhận hay chống đối, nhưng bao giờ cũng là một sự thâu hóa linh hoạt, tiếp nhận những gì có ích và biến đổi cho phù hợp với tính cách, điều kiện và nhu cầu của người dân.

     Thời gian và hoàn cảnh thâm nhập

     Thời gian thâm nhập của văn hóa Phương Tây có thể manh nha từ thế kỷ XVI - XVII khi các giáo sĩ Phương Tây đến truyền đạo Kitô giáo. Ngoài ra, song song với tôn giáo, văn hóa Phương Tây còn đi vào Việt Nam bằng con đường chính trị, kinh tế, thương mại,… Chúng ta có thể chia thời gian và hoàn cảnh thâm nhập của văn hóa Phương Tây thành 4 thời kỳ chính:

- Khởi đầu là thời kỳ thâm nhập của Kitô giáo

- Thời kỳ thực dân xâm lược và giao lưu với văn hóa Pháp (1858 - 1945)

- Thời kỳ giao lưu với văn hóa XHCN Max-Lênin (1945 trở đi)

- Thời kỳ hiện tại, giao lưu với văn minh văn hóa nhân loại.

***

PHẦN I: TÔN GIÁO

 

     I. PHẬT GIÁO

     1. Quá trình xâm nhập, phát triển và những bước thăng trầm của Phật giáo ở Việt Nam

     Đầu công nguyên (thế kỷ II) các nhà sư Ấn Độ đã đến Việt Nam theo đường biển và thiết lập ở Luy Lâu, trị sở quận Giao Chỉ, một trung tâm Phật giáo lớn.

     Đến thế kỷ IV - Việt Nam lại có thêm luồng Phật giáo Đại Thừa Bắc Tông từ Trung Hoa tràn vào Việt Nam và chẳng mấy chốc nó đã lấn át và thay thế luồng Nam Tông có từ trước đó. Vì thâm nhập vào Việt Nam trong bầu khí hòa bình nên Phật giáo đã phổ biến rộng khắp ngay từ thời Bắc Thuộc và tiếp tục phát triển sau này.

     Đến thời Lý - Trần Phật giáo Việt Nam phát triển tới mức cực thịnh. Nhiều chùa chiền được xây khắp cả nước. Dân chúng tô tượng, đúc chuông, sùng bái Phật Thích Ca.

     Sang đời nhà Lê, nhà nước tuyên bố lấy Nho giáo làm quốc giáo; Phật giáo bị phái Nho công kích, triều đình không săn sóc nên Phật giáo đi vào con đường suy thoái.

     Đến thời Pháp thuộc Phật giáo càng bị chèn ép và suy kém rất nhiều. Tuy nhiên cho đến nay số tín đồ Phật giáo vẫn chiếm một con số rất lớn tại Việt Nam và có nhiều ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người dân Việt Nam.

     2. Ảnh hưởng của Phật giáo đến văn hóa Việt Nam

     Phật giáo với tư cách là những giáo lý cao sâu, trừu tượng, thuần túy mang tính bác học hầu như lại ít ảnh hưởng tới đại đa số quần chúng. Cái ảnh hưởng lên lớp bình dân lại là những tư tưởng cơ bản nhưng đơn giản, dễ hiểu, nếp sống đạo đức, tác phong của các nhà sư.

     Từ khi du nhập, theo suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo luôn có mặt, gắn bó mật thiết với dân tộc và hầu như đã thấm sâu vào máu thịt của con người Việt Nam. Bởi vậy dù trực tiếp hay gián tiếp, hầu hết người Việt đều chịu ảnh hưởng của Phật giáo.

     a. Con người Việt Nam và thuyết nhân quả của Phật giáo

     Phật giáo cho rằng mối quan hệ cơ bản phổ biến của mọi sự vật hiện tượng là quan hệ nhân quả. Quan niệm này có ảnh hưởng rất lớn đến quan niệm về thế giới quan và nhân sinh quan của đại đa số người Việt. Người ta luôn nói với nhau: “gieo nhân nào thì gặt quả ấy”, “gieo gió gặt bão”, xem cái gì cũng là kết quả của một cái trước. Mỗi khi gặp sự việc gì xảy đến cho bản thân, người Việt dễ cho là phải có một nguyên nhân nào đó. Luật nhân quả có tác dụng trực tiếp là khuyên người ta làm thiện, tránh ác vì nhân nào thì quả ấy, thiện giả thiện báo, ác giả ác báo. Từ đây cũng dẫn đến quan niệm làm phúc để lại cho con cháu; cha ăn mặn, con khát nước. Trong nhiều trường hợp động lực thúc đẩy người Việt sống lương thiện chính là để tích đức lại cho con cháu.

     b. Người Việt và quan niệm về cái Tâm của Phật giáo

     Phật giáo cho rằng cái tâm con người rất quan trọng, nó chi phối tất cả con người ta, “nhất thiết duy tâm tạo”, mọi thứ đều do tâm tạo ra. Quan niệm này đã ảnh hưởng sâu xa đến cách cư xử của người Việt Nam. Ngay trong quan hệ giữa người với người ở nước ta từ xưa đến nay dân ta đều coi trọng cái tâm. Trong mọi việc, vấn đề quan trọng là tấm lòng, là thành tâm, thực bụng. Đây là truyền thống quý báu của người Việt Nam với sự góp phần rất lớn của Phật giáo. Nguyễn Du đã thấm nhuần tinh thần này của Phật giáo và đã thốt lên trong tác phẩm của mình: “Thiện căn ở tại lòng ta. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

     c. Lòng từ bi của Phật giáo và tâm hồn khoan dung của con người Việt Nam

     Lòng từ bi của Phật giáo đã thấm nhập vào tâm hồn người Việt vốn mang trong mình hòa tính và nữ tính - nét đặc trưng của văn hóa nông nghiệp - để tạo nên bản tính hiếu hòa, khoan dung nơi tâm hồn người Việt. Điều này được chứng nghiệm qua các cuộc chiến tranh ở nước ta. Các cuộc chiến tranh xảy ra ở nước ta đều xuất phát từ ý đồ xâm lược của kẻ ngoại xâm, người Việt chỉ chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của đất nước mình mà thôi. Trong các cuộc chiến khi mà kẻ địch không còn khả năng chống cự, người Việt không nỡ lòng nào giết họ. Trong nhiều trường hợp các tướng không những không giết quân giặc mà còn cấp thuyền, ngựa, lương thực cho họ được về nước. Tư tưởng này còn thể hiện rõ trong thái độ của Nguyễn Trãi: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo”.

     Quan niệm “nhu thắng cương”, “nhược thắng cường” đã được các thế hệ cha ông ta truyền lại cho nhau thể hiện rõ lòng khoan dung của người Việt, nhờ sự góp phần không nhỏ của Phật giáo.

     d. Phật giáo và các lễ hội ở Việt Nam

     Lễ hội đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa của người Việt. Trong số những lễ hội lớn có một phần đóng góp không nhỏ của Phật giáo. Đến ngày hội dân chúng không những tại địa phương mà có khi còn từ các tỉnh khác tới tham dự lễ hội rất đông. Nhiều lễ hội có nguồn gốc từ Phật giáo đã trở nên như máu thịt, như một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam. Một trong số những lễ hội đó có thể kể đến như Hội Chùa Hương ở tỉnh Hà Tây. Hội mở từ đầu tháng Giêng cho đến hết tháng Hai, ngày hội chính là ngày rằm tháng Hai. Hội Chùa Thầy mở vào ngày mồng bảy tháng ba âm lịch hằng năm tại tỉnh Hà Tây. Hội Đền Linh Sơn Thánh Mẫu tại núi Bà Đen, Tây Ninh. Hằng năm vào dịp xuân, từ mồng 10 tháng Giêng dân chúng các nơi tới hành hương lễ bái rất đông, nhất là ngày 15 tháng Giêng. Hội Miếu Bằng Lăng được tổ chức hằng năm vào ngày 15 và 16 tháng Ba âm lịch tại tỉnh An Giang,…

     II. NHO GIÁO

     1. Nho giáo và sự phát triển tại Việt Nam

     Ngay từ đầu công nguyên Nho giáo đã được truyền bá vào Việt Nam. Tuy nhiên, vì đây là thứ văn hóa của kẻ xâm lược áp đặt nên, ngoài một số người Việt đỗ đạt được bổ nhiệm làm quan trong bộ máy cai trị Trung Hoa, trong suốt thời kỳ Bắc thuộc (207 - 906 TCN), Nho giáo tuy đã được đưa vào Việt Nam nhưng chưa có chỗ đứng trong xã hội Việt Nam.

     Đến thời tự chủ, Nho giáo bắt đầu phát triển tại Việt Nam. Với sự kiện Lý Thái Tổ (Lý Nhân Tông) cho lập văn miếu thời Khổng Tử năm 1070, có thể coi đây là lúc Nho giáo được tiếp nhận chính thức.

     Nho giáo được xem là thịnh hành nhất trong thời nhà Lê khi mà Nho giáo được coi như là Quốc giáo. Nho giáo còn hưng thịnh cho đến thời Pháp thuộc từ năm 1858 thì bị Pháp lấn át và bãi bỏ các kỳ thi về Nho học. Và cứ như thế, Nho giáo dần mất chỗ đứng không những trong xã hội mà còn phai nhạt dần trong lòng người Việt.

     2. Ảnh hưởng của Nho giáo tại Việt Nam

     Nho giáo đã có một sự ảnh hưởng khá sâu rộng lớn đến nhiều mặt của cuộc sống của người Việt trong một thời gian dài. Nhiều khi Nho giáo lại uyển chuyển để thích nghi với nền văn hóa của Việt Nam để rồi bị Việt Nam hóa. Vì thế có nhiều điểm ta không biết được đâu là văn hóa thuần Việt Nam và đâu là ảnh hưởng của Nho giáo. Tuy thế Nho giáo đã để lại nhiều ảnh hưởng rõ nét trên hai bình diện chính là gia đình và xã hội.

     a. Gia đình

     Có thể khẳng định rằng văn hóa truyền thống của người Việt mang tính mẫu hệ giống như một số dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay như Chăm, Êđê, … Chính Nho giáo đã mang vào Việt Nam quan niệm phụ hệ.

     Nho giáo coi gia đình là đơn vị để xây nên sự vững mạnh cho đất nước nên gia đình cần phải có trật tự trên dưới rõ ràng. Với địa vị độc tôn của người cha trong gia đình, có quyền quyết định mọi việc trong nhà giống như một ông vua có quyền tuyệt đối trên các quan và thần dân.

     Trong gia đình con cái phải tuyệt đối vâng lời cha mẹ, ngay cả trong việc hôn nhân con cái cũng phải theo sự hướng dẫn của cha mẹ: cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Ngoài ra con cái phải sống với cha mẹ cho tròn chữ hiếu và hiếu là một việc bắt buộc đối với bổn phận làm con: “Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

     Thế nào là sống tròn chữ hiếu? Con cái được xem là có hiếu khi biết săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ thật chu đáo khi còn sống khỏe mạnh cũng như lúc đau yếu, khi về già. Lúc cha mẹ qua đời còn phải chu toàn chữ hiếu bằng cách lo tang tế đàng hoàng, lại còn phải nhang khói đầy đủ để thờ phượng cha mẹ nữa.

     Người phụ nữ bị xem là bị lệ thuộc vào người đàn ông trong suốt cuộc đời của mình. Với quan niệm tam tòng: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, nghĩa là ở gia đình phải theo cha, lấy chồng phải theo chồng và chồng chết thì phải theo con. Quan niệm nam tôn nữ ti hay trọng nam khinh nữ, mặc dù đã bị khúc xạ do bản chất mẫu hệ của văn hóa Việt Nam, nhưng đã một thời ảnh hưởng rất mạnh và nay vẫn còn hằn sâu trong tâm thức của người Việt, nhất là ở các vùng quê: nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô.

     b. Xã hội

     Nho giáo nhấn mạnh đến vấn đề đạp nghĩa trong cuộc sống thường ngày giữa người với người, đề cao chữ nhân trong cách ứng xử của con người vì nhân và nghĩa là hai đức tính được đề cao hàng đầu trong Ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín). Người Việt đã chịu ảnh hưởng sâu xa của quan niệm này, vì thế cho đến ngày nay người Việt vẫn luôn coi trọng đạo nghĩa. Sống với nhau phải có đạo nhân, nghĩa, không làm những việc trái với luân lý, nghĩa là trái với những điều được vạch ra trong Ngũ thường. Hơn nữa, trong các mối quan hệ thì phải biết tôn trọng lẫn nhau, lại phải biết kính trên, nhường dưới.

     Một nét ảnh hưởng nữa có thể kể đến là các loại nghi thức tế tự. Bao nhiêu nghi thức tiết lễ của Nho giáo đã dần được áp dụng trong việc phụng thờ của các tôn giáo khác, đáng kể hơn hết là trong đạo Thờ Phụng Tổ Tiên, đạo thờ Thần,…

     III. ĐẠO GIÁO (LÃO GIÁO)

     1. Bối cảnh hình thành Lão giáo và sự truyền bá vào Việt Nam

     Vào thời Lão Tử, người đời chuộng lễ nghĩa, chú ý rất nhiều đến những điều vụn vặt, làm bận tâm trí con người và vì những điều câu nệ tỉ mỉ đã làm mất đi cái khoáng đạt của tâm hồn. Trước tệ đoan đó, Lão Tử có ý muốn sửa đổi lại để con người sống theo lẽ tự nhiên. Vì thế với tôn chỉ vô vi, Lãi Tử đã lập nên Lão giáo.

     Lão giáo thâm nhập vào Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ II qua các đạo sĩ chạy lánh nạn đến Việt Nam. Ngay khi đến Việt Nam, Lão giáo đã tìm thấy những tín ngưỡng tương đồng đã có sẵn từ lâu vì người Việt từ xa xưa đã rất sùng bái ma thuật, phù phép; họ tin rằng các lá bùa, những câu thần chú có thể chữa bệnh, đuổi tà ma, tăng sức mạnh,… Đến thời Đinh Tiên Hoàng, văn hóa Lão giáo khá phát triển, nhưng không thịnh bằng đạo Phật và đạo Nho. Lão giáo ở Việt Nam chia làm hai phái chính: Lão giáo phù thủy và Lão giáo thần tiên.

     2. Ảnh hưởng của Lão giáo tại Việt Nam

     Vì Lão giáo được chia làm hai nhánh chính nên ảnh hưởng của nó tại Việt Nam cũng chia làm hai hướng rõ rệt, mối hướng ảnh hưởng lên từng tầng lớp khác nhau trong xã hội.

     Lão giáo phù thủy tác động khá sâu sắc đến tầng lớp bình dân khi họ tiếp cận văn hóa Lão giáo ở khía cạnh thần tiên, huyền bí; họ tin vào phép bói toán, tu luyện, phù thủy,… Do vậy, lối tiếp cận này đã dần mê tín dị đoan như xem bói, cúng, quảy, làm phép để trừ khử ma quỷ, lập đền miếu để thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Hải Thượng Lãn Ông,… và qua hệ thống đồng cốt để cầu xin giàu sang phú quý và chữa bệnh. Đền Ngọc Sơn (Hà Nội), điện Hòn Chén (Huế), điện Bà Chúa Xứ (An Giang) và các đền miếu khác là những nơi tín đồ Lão giáo thường tụ họp vào ngày rằm, mồng một hoặc các ngày lễ lớn khác để cầu xin, lên đồng, chữa bệnh,…

     Lão giáo thần tiên lại ảnh hưởng lên tầng lớp trí thức, đặc biệt là một số nhà Nho Việt Nam. Sinh không gặp thời, gặp chuyện bất bình ở chốn quan trường hay chỉ đơn giản là thích cuộc sống nhàn hạ, phóng khoáng, chán chường danh lợi, “nhìn xem phú quí tựa chiêm bao”, nên khi về già thường lui về sống ẩn dật, vui thú với thiên nhiên, bên chén rượu, bàn cờ, ngâm thơ; sống điều độ với tinh thần thanh thản trong khung cảnh thiên nhiên. Tiêu biểu có các nhà Nho như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Huy Ích, Nguyễn Công Trứ,…

     IV. KITÔ GIÁO

     Có tài liệu cho rằng chân phước Ordorico Di Pordenone đã đến Chiêm Thành (Việt Nam ngày nay) vào tiền bán thế kỷ XIV. Tuy nhiên không có bằng chứng chắc chắn là Kitô giáo đã được truyền vào Việt Nam thời đó.

     Từ sau năm 1550 một số tu sĩ Đaminh đã vào Việt Nam truyền giáo, đến năm 1586 lại có thêm các tu sĩ dòng Phanxicô vào Việt Nam, nhưng việc truyền giáo kém hiệu quả vì vấn đề bất đồng ngôn ngữ.

     Sang đầu thế kỷ XVII có thêm các tu sĩ Dòng Tên vào truyền giáo tại Việt Nam. Nhiều giáo sĩ Dòng Tên thông thạo tiếng Việt Nam, lại hoạt động khôn khéo nên mặc dù gặp khó khăn phức tạp, có khi đổ máu nhưng thu hút được khá nhiều người theo đạo và cứ thế việc truyền giáo phát triển với số Kitô hữu tăng lên đều đặn.

     Đến thế kỷ XVIII việc cấm đạo trở nên gay gắt, với các sắc chỉ cấm đạo của các chúa Minh Vương, Võ Vương, đặc biệt trong ba đời vua của triều Nguyễn là Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức có tất cả 14 sắc chỉ cấm đạo Công Giáo. Nhiều nhà thờ bị đốt phá, giáo dân bị tù đày, giáo sĩ bị giết,…

     Sau khi chiếm được Việt Nam, nhất là sau khi thiết lập được chế độ thống trị, Pháp đã dành cho các giáo sĩ của Hội Thừa Sai Paris nhiều điều kiện thuận lợi cho việc truyền giáo. Vì thế hàng ngàn cơ sở tôn giáo được triển khai xây dựng, số tín hữu ngày càng tăng nhanh.

     Mãi đến năm 1933, sau hơn 400 năm truyền đạo, Giáo hội Việt Nam mới được quyền tự quản với vị giám mục đầu tiên là Nguyễn Bá Tòng. Năm 1960 hàng giáo phẩm Việt Nam được chính thức thành lập và từng bước xây dựng và phát triển cho đến ngày nay.

 

š ® ¬ ® ›

 

https://catechesis.net/anh-huong-cua-van-hoa-nuoc-ngoai-tren-van-hoa-viet-nam-3/ (cập nhật ngày 11.5.2023)

 

---Còn tiếp---

zalo
zalo