Ngày tháng: 21/11/2024
Đang truy cập: 92

Ảnh Hưởng Của Văn Hóa Nước Ngoài Trên Văn Hóa Việt Nam - Phần 3/3 - Hoàng Thiên, OP.

Ảnh Hưởng Của Văn Hóa Nước Ngoài Trên Văn Hóa Việt Nam - Phần 3/3

 

Hoàng Thiên, OP.

 

PHẦN VI: SỰ ẢNH HƯỞNG VỀ ẨM THỰC

 

     I. ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG HOA

     1. Các món ăn

     Từ xưa, người nước ta vẫn sinh hoạt bằng nghề cày cấy và nghề chài lưới, cho nên đồ ăn chủ yếu của ta là gạo và cá. Gạo là hoa màu chính của đồng ruộng Việt Nam cũng như cá là sản phẩm chính của sông ngòi và biển cả đất nước. Ngoài hai thứ đồ ăn chủ yếu trên, ta còn ăn nhiều thứ rau đậu trồng ở vườn hay mọc tự nhiên ở đồng (rau cải, rau dền, ray đay, rau mồng tơi, rau muống, rau ngổ, đậu, cà, khoai, sắn,…), thịt các thứ gia súc gà, vịt, lợn,… và thỉnh thoảng có thêm một ít thịt trâu bò và một gia cầm, dã thú đánh hoặc săn được như: cò, chim mỏ thác, le le, cun cút, đa đa, hươu, nai, chồn, cáo thỏ, lợn rừng. Trước kia người vùng quê dùng các thứ thức ăn này trong các dịp lễ hội, Tết, ngày giỗ. Nhưng nay thời thế đã đổi khác cũng là do ảnh hưởng của Tàu nên các món ăn của ta cũng thay đổi, buổi sáng có thêm một số món ăn như bánh bao, xíu mại, phở, miến canh, cháo gà, còn trong những dịp lễ lạc hay đãi khách với người dân vùng quê thì nấu các món ăn bình dân, người khá giả hơn thì nấu các món ăn đặc biệt và ngon hơn. Những nhà sang trọng thì dùng sơn hào hải vị nấu toàn các món ăn của Tàu như: Da tê, gân hươu, yến sào, bào ngư, hải sâm, bong bóng, vây cá,…

     2. Trà

- Nghệ thuật uống trà

     Người Việt Nam thường uống nước hay uống trà sau bữa ăn cốt để súc miệng, hoặc uống để giải khát khi trời nóng. Nhưng không nghĩ rằng uống trà là cả một nghệ thuật. Là nghệ thuật vì uống trà có một sự cầu kỳ khác, uống trà Tàu không giống như uống trà sen. Muốn thưởng thức hương vị của trà, không phải uống bất kỳ lúc nào cũng thấy ngon và càng không phải uống với bất cứ ai cũng thưởng thức được hương vị thơm ngon của trà. Ta cứ tưởng tượng buổi sáng trời lạnh với một ấm trà và buổi tối trời lạnh với một ấm trà sen thì sẽ thấy hương vị uống trà khác nhau.

- Cách thức uống trà và hai loại trà tiêu biểu: trà Tàu và trà Sen

     Cũng như bất cứ dân tộc nào trên thế giới, đồ uống trước tiên là nước, rồi nước đó được đem pha chế thành các đồ uống khác. Nước, ta thường dùng là nước làm sạch. Người Việt Nam thường uống nước đã đun sôi hay với lá chè xanh, trà, lá vối, gạo rang,… làm nước uống hằng ngày.

     Nói đến đồ uống, không thể bỏ qua được trà Tàu. Đây cũng là búp những cây trà được người Tàu hái rồi phơi ủ chế cho thành một thứ trà ngon, khi pha ra thì có một mùi vị tuyệt vời.

     Qua nếp sống của ta, trong công việc giao tiếp chén nước trà dự phần rất nhiều. Về việc uống trà đã được người Trung Hoa nghiên cứu rất kỹ lưỡng từ xưa, và tạo ra những đồ ấm chén, lò siêu dành riêng để pha trà. Những đồ ấm chén này có từ thời nhà Tống đến nhà Minh và sang nhà Thanh. Chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, ta có lối uống trà của người Tàu rất hợp với mình, nhất là ở miền Bắc về mùa lạnh.

     Người sành uống trà biết phân biệt hương vị các thứ trà lại hiểu khí chất mỗi loại, loại nào phải pha chế thế nào uống mới đậm nước nồng hương, loại nào cần uống thật đặc, loại nào uống đặc vừa cho hợp. Ấm pha thế nào thì tốt, chén uống thế nào thì ngon, cho đến lò than và siêu nước cũng phải nấu thế nào cho mau. Đấy là những điều khó khăn của nghệ thuật pha trà. Người không nghiện và sành uống trà thì không sao hiểu được. Cần phải có nghiên cứu và biết tinh tường.

     Ở nước ta uống trà Tàu sành là một biểu tượng phong lưu. Nhiều người nghiện trà Tàu, hễ sáng không có một chén trà đậm thì không làm được gì cả. Có người nhịn ăn thì được nhưng không thể nào nhịn được trà.

     Trong các loài trà ướp hoa, chỉ có trà ướp hoa sen là chuộng hơn cả. Uống trà Tàu cầu kỳ ở chỗ pha trà, trái lại uống trà sen thì cầu kỳ lại chính là ở chỗ ướp trà với hoa sen. Trà sen ướp thì công phu cầu kỳ như vậy, nhưng đến lúc uống thì rất giản dị, không phức tạp như uống trà Tàu. Trà sen pha vào ấm nào cũng được và có thể uống bất kỳ chỗ nào, thời gian nào cũng đều có thể thưởng thức được ấm trà sen.

     II. ẢNH HƯỞNG CỦA TÂY PHƯƠNG

     1. Thức ăn - Uống

     Xưa nay bất cứ ở đâu dinh dưỡng vẫn là nguồn lương thực cần thiết để duy trì sự sống. Người ta không ai nhịn ăn, nhịn uống mà sống mãi được. Ta có câu “Dân dĩ thực vi tiên”, người dân lấy ăn làm đầu, và Tây Phương cũng nói ăn để mà sống. Người xưa thường nói: “ăn lấy no, uống lấy khỏi khát”. Ăn uống là điều cần thiết của con người.

     Dân Việt Nam ăn mỗi ngày ba bữa: bữa sáng hay còn gọi là bữa ăn điểm tâm, bữa trưa và bữa chiều. Người ở vùng quê, họ cho cả ba đều là bữa ăn chính; còn người dân sống ở thành thị, người thương gia, buôn bán chỉ ăn hai bữa chính, họ coi bữa sáng chỉ là bữa ăn phụ, bữa ăn lót dạ mà thôi. Vì không phải làm việc đồng áng, việc nặng nhọc vất vả do ảnh hưởng lối sống Tây Phương, người ta ăn bánh mì, sữa là những món ăn có thời Pháp thuộc cũng được người Việt dùng để ăn điểm tâm.

     Trong cách ăn, mâm cơm của người Việt Nam dọn ra bao giờ cũng có đồng thời nhiều món: cơm, canh, rau, dưa,… Với người nông dân ở vùng quê, bữa sáng người ta cũng ăn nhiều như hai bữa kia. Và người ta theo đúng câu tục ngữ “Ăn lấy chắc mặc lấy bền”, người ta phải ăn no, ăn những thức ăn no lâu để có thể chịu đựng được với công việc làm. Những người nhà nông thường họ rất ít ăn cháo, ăn xôi hay bánh trái gì mà người ta ăn cơm hoặc một thứ ngũ cốc hay hoa màu khác để thay cơm: ngô khoai, củ mì, củ sắn,…

     Bữa trưa: trong bữa này, gia đình quây quần bên mâm cơm, tạo nên cảnh gia đình đoàn tụ cùng với cơm nóng, canh nóng làm cho bữa ăn của cả nhà vui vẻ và ngon miệng. Bữa ăn thường là thịt, cá, dưa, xáo, rán hoặc nấu canh tuỳ theo từng gia đình. Một số gia đình dùng theo lối Tây, dùng cơm Tây, ăn bánh mì thay cơm, món này ta thường gặp trong các nhóm đi chơi, đi du lịch, tham quan,…

     Cũng giống bữa trưa, buổi chiều là bữa ăn chính của người Việt Nam. Từ thức ăn đến đồ ăn đều giống như bữa trưa, nghĩa là cơm, cá, thịt, rau,… Trong bữa ăn, người thành thị sống kiểu Tây Phương họ thường dọn, cá, thịt,…

     Người Việt Nam không những chịu ảnh hưởng về các món ăn của Tây mà ngay cả đồ uống cũng bị Tây hoá. Về đồ uống ngoài các loại mà người dân Việt Nam thường dùng thì ngày nay trong những bữa tiệc như tiệc cưới hỏi, sinh nhật, tiếp đãi khách,… thì có bia, nước ngọt,… nếu tiệc sang trọng hơn thì có các loại rượu Tây như Champapne, whisky, cognae,…

     2. Cách thức tổ chức tiệc

     Người dân Việt Nam thường tổ chức tiệc mừng, tiệc đãi khách tại nhà để tiện cho việc bếp núc, nhưng với những gia đình khá giả thì họ lại thích tổ chức tiệc tại nhà hàng vừa lịch sử vừa đỡ phải bận rộn với việc nấu nướng. Ngày nay ở các nơi thành thị các món ăn đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của Tây Phương, họ ăn các món Tây và sắp xếp tổ chức bữa tiệc theo kiểu Tây. Vì thế mà các món ăn được dọn lên cho khách mời theo thực đơn từng món một để tiện việc ăn uống. Bên cạnh đó, một số nơi còn tổ chức tiệc đứng, thường họ dọn các món ăn và đồ uống ra cùng lúc để khách tự chọn và tự phục vụ các món ăn đồ uống theo sở thích.

***

PHẦN VII: SỰ ẢNH HƯỞNG VỀ NGHỆ THUẬT

 

     Về lãnh vực nghệ thuật, chúng ta thấy, mặc dầu văn hóa và người Trung Hoa ngự trên đất nước Việt Nam hơn một ngàn năm qua nhiều thời kỳ nhưng hầu như không thấy để lại dấu ấn nào rõ nét từ âm nhạc - sân khấu - hội hoạ cho tới thời trang, điện ảnh,v.v… trong khi đó văn hóa phương Tây mới du nhập vào Việt Nam mấy thế kỷ gần đây nhưng thực sự đã ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam trên lãnh vực này khá rõ. Nó đã để lại những dấu ấn nghệ thuật ăn sâu vào trong đời sống của người Việt Nam mà nhiều khi ta không biết.

     1. Nghệ thuật hội hoạ điêu khắc

     Trong nghệ thuật hội hoạ - điêu khắc, văn hóa Việt Nam đã thực sự chịu ảnh hưởng và tiếp nhận từ nền hội hoạ - điêu khắc phương Tây rất nhiều như mang tính cách bút pháp tả thực và đã có những thể loại tranh sơn dầu, tranh bột màu có giá trị (Vd. Tranh sơn dầu và tranh bột màu xuất hiện ở phương Tây từ thế kỷ XV).

     Truyền thống nghệ thuật Việt Nam mang tính ước lệ, biểu trưng nhưng do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, nhất là từ thời phục hưng với tinh thần đề cao giá trị con người, lấy con người làm chủ đề sáng tác, tả thực. Cho nên nghệ thuật hội hoạ Việt Nam cũng mang nhiều tính cách phương Tây, Ở các trường đại học, các trường mỹ thuật khoa hội hoạ điêu khắc mang tính hiện thực phương Tây đã được đưa vào chương trình giảng dạy từ lâu. Ngày nay, ở những thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều phòng trưng bày, triển lãm tranh của nhiều hoạ sỹ trong và ngoài nước. Vào những năm 50 của thế kỷ XX này hội hoạ Việt Nam đã có những tác phẩm sơn dầu tuyệt tác của hoạ sỹ Ngô Ngọc Viễn, Trần Văn Cẩn,… Đây là kết quả của sự ảnh hưởng và giao lưu văn hóa với phương Tây.

     2. Nghệ thuật sân khấu

     Với bút pháp tả thực của nghệ thuật phương Tây lại thêm tính phân biệt rõ ràng các thể loại bi, hài kịch cũng đã xuất hiện trên sân khấu Việt Nam với thể loại kịch nói và tác động đến sự ra đời của nghệ thuật cải lương.

     Vào những năm 20 cuối thể kỷ XX, Nam Bộ chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây sớm nhất nên đã hình thành nghệ thuật cải lương, một sản phẩm của việc cải cách sân khấu hát bội truyền thống. Trong sân khấu cải lương, ảnh hưởng của bút pháp tả thực phương Tây, hát được giảm bớt thay vào đó là nói được tăng lên; các điệu bộ ước lệ, biểu trưng được giảm bớt và thay vào đó là các động tác giống như thật ngoài đời; phong cảnh đạo được chú trọng hơn.

     Như vậy cải lương và kịch nói cũng là kết quả của sự ảnh hưởng và giao lưu văn hóa với phương Tây mà có đôi lúc người ta cứ tưởng như là văn hóa thuần tuý của mình.

     3. Nghệ thuật âm nhạc

     Song song với các nghệ thuật khác, đối với âm nhạc kể cả nhạc cụ của phương tây đã thực sự có chỗ đứng trong sinh hoạt đời sống văn hóa - xã hội Việt Nam. Nhất là những năm gần đây, âm nhạc và nhạc cụ phương Tây được công chúng Việt Nam đón nhận rất nồng nhiệt. Nó đã trở thành như một lĩnh vực sinh hoạt văn hóa trong đời sống cộng đồng. Đặc biệt, đối với giới trẻ thì âm nhạc phương Tây có thể nói được là một phần không thể thiếu đối với họ. Từ các thể loại như nhạc Jazz - Disco - Pop - Rock,… đều trở nên quen thuộc và phổ biến với giới trẻ Việt Nam. Các tác phẩm cổ điển của Môzart, Bethoven, Chopin,… cũng được người Việt Nam tiếp nhận cách trân trọng từ người thưởng thức cũng như người biểu diễn.

     Ở các nhạc viện, các phân khoa nhạc hiện đại và nhạc cổ điển phương Tây đã được đưa vào chương trình giảng dạy từ lâu.

     Âm nhạc ảnh hưởng của phương Tây hay còn gọi là tân nhạc phát sinh trong nền âm nhạc Việt Nam các thể loại mang tính phụng tự của Kitô giáo, nhạc ca khúc, nhạc sôlô, nhạc hoà tấu, nhạc kịch.

     Tất cả những loại nói trên là kết quả của sự ảnh hưởng từ phương Tây.

     4. Nghệ thuật điện ảnh

     Cùng với sự du nhập của các lãnh vực nghệ thuật khác, điện ảnh cũng sớm có mặt ở Việt Nam. Lãnh vực nghệ thuật này là hoàn toàn của phương Tây, Việt Nam không có. Nó được manh nha vào năm 1879 do một người Anh tên là Eadweard Muybridge và đến năm 1895 thì anh em nhà August và Luois Lurminer, người Pháp phát minh thành hệ thống chiếu và được đưa ra trình diện ở Paris. Nghệ thuật điện ảnh ra đời từ đấy, không biết nó vào Việt Nam từ khi nào nhưng rạp chiếu bóng đầu tiên ra đời ở Việt Nam là rạp Pathe - Hà Nội vào năm 1920. Đối với Sài Gòn xưa, buổi chiếu phim đầu tiên cũng là đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức vào khoảng cuối tháng 9-1898 trước dinh Tổng đốc chợ Lớn (nay là đường Lê Quang Liêm). Đến ngày nay thì điện ảnh không còn xa lạ đối với người dân Việt Nam nữa. Điện ảnh được xem như món ăn tinh thần của mọi thành phần trong xã hội.

     5. Nghệ thuật nhiếp ảnh

     Nhiếp ảnh là hình nghệ thuật mà người Việt Nam được tiếp cận do sự du nhập từ văn hóa phương Tây. Nhiếp ảnh ra đời do Etiên Marrey, người Pháp, phát minh máy chụp ảnh vào lúc đầu chỉ là chụp ảnh thông thường nhưng dần dần phát triển thành ngành nghệ thuật nhiếp ảnh lan rộng khắp thế giới. Cũng giống như điện ảnh, nhiếp ảnh du nhập vào Việt Nam không rõ lúc nào nhưng hiện nay ở các thành phố, thành thị và các gia đình khá giả việc chụp ảnh trong các dịp lễ hội đã trở thành như một nhu cầu, nhất là đối với giới trẻ.

     Hiện Việt Nam đã có rất nhiều câu lạc bộ nhiếp ảnh và hội nhiếp ảnh chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp. Việt Nam đã có những nhiếp ảnh gia nổi tiếng.

     6. Thời trang

     Thuần tuý văn hóa Việt Nam, trang phục xưa cho tới thời Pháp thuộc, thường là áo tứ thân, yếm, guốc gỗ dành cho phụ nữ; khố, quần áo sớ, áo ngắn,… giày dành cho nam giới. Chất liệu của các trang phục nói trên thường là tơ tằm truyền thống và các chất liệu khác như đay, gai,… miễn làm sao càng bền càng tốt. Người Việt Nam xưa có một quan niệm về trang phục thật thiết thực “ăn lấy chắc, mặc lấy bền”. Nói vậy nhưng do khoa học và công nghệ phát triển cùng với sự hiện diện của văn hóa và con người phương Tây mà Việt Nam đã có nhiều sự đổi thay trong trang phục cách nhanh chóng.

     Từ khi phương Tây vào Việt Nam thì cùng lúc trang phục kiểu phương Tây và thời trang của họ cũng bắt đầu hiện diện ở Việt Nam và từ từ được người Việt Nam tiếp nhận càng ngày càng mạnh mẽ từ quần Tây áo Veston, quần Jean, Jupe, giày dép,v.v… Đây thực sự là một sự tiếp nhận trọn vẹn chứ không phải là ảnh hưởng. Còn sự ảnh hưởng văn hóa phương Tây và kết quả đầu tiên của nó là vào những năm 30 của thế kỷ XX này chiếc áo dài cổ truyền Việt Nam đã được cải tiến thành áo dài tân thời ngày nay. Đây là bước mở cho quá trình phát triển thời trang ở Việt Nam. Đến nay thời trang đã trơ thành ngành học ở các trường mỹ thuật. Trên phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình) có chương trình Thời Trang & Cuộc Sống. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh thường có biểu diễn thời trang.

     Tất cả những điểm vừa trình bày trên đây là kết quả của sự ảnh hưởng văn hóa nước ngoài qua con đường chính trị, quân sự, thương mại và giao lưu. Những lãnh vực văn hóa này đã thực sự trở thành những nhu cầu không thể thiếu được đối với cộng đồng người Việt Nam ngày hôm nay. Văn hoá Việt Nam đã tiếp nhận và đang tiếp tục phát triển những lãnh vực này thành những phân ngành, những bộ môn nằm trong chương trình và hệ thống giáo dục - đào tạo chính qui manh tính hàn lâm thực sự và đồng thời cũng đưa những lãnh vực này vào trong những ngành nghề của cuộc sống.

***

PHẦN VIII: SỰ ẢNH HƯỞNG VỀ CÁC NGÀY LỄ HỘI

 

     Do chịu ảnh hưởng và kế thừa nhiều nền văn hóa trong đó văn hóa Trung Hoa và phương Tây là chủ yếu, đã tạo cho Việt Nam một nền văn hóa với nhiều lễ tết khác nhau mang nhiều nội dung khác nhau. Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu những ngày lễ tết khá nổi bật và phổ biến trong năm có nguồn gốc từ hai nền văn hóa lớn này.

     Sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa để lại cho văn hóa Việt Nam một số lễ hội đặc biệt như sau.

     1. Tết Nguyên Đán

     Ăn theo lịch âm, vào ngày mồng 1 tháng Giêng gọi là Tết; tết là do người Việt Nam đọc trại từ chứ Tiết. Theo lịch sử Trung Hoa thì lịch Âm có từ đời nhà Hà và lấy tên 12 chi đặt cho 12 tháng; tháng đầu là tháng Dần tức tháng Giêng được chọn làm tháng đầu năm và người ta ăn Tết vào ngày đầu của tháng Dần. Về sau nhà Ân thay đổi lấy tháng Sửu làm đầu năm, đến thời nhà Chu lại lấy tháng Tý nhưng đến thời nhà Tần lại lấy tháng Hợi và đến thời nhà Hán Vũ Đế lại đổi lại tháng Dần và được cố định từ đó đến nay.

     Như vậy Tết Nguyên Đán mà Việt Nam có bây giờ có nguồn gốc sâu xa từ Trung Hoa. Nó là kết quả sự ngự trị của văn hóa Trung Hoa trên đất nước Việt Nam suốt cả ngàn năm.

     2. Lễ Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng)

     Theo Phật giáo, nguồn gốc của lễ Thượng Nguyên như sau: tất cả những ngày mồng Một và ngày Rằm mỗi tháng đều được coi là ngày của Phật. Trong những ngày mồng Một và ngày Rằm Phật tử tăng ny có bổn phận làm lễ cúng Phật, đi lễ chùa tụng kinh. Đúng ra người ta phải lấy ngày mồng Một tháng Giêng làm lễ Thượng Nguyên mới phải vì đây là ngày đầu năm nhưng ngày này trời về đêm lại quá tối nên mới trọn ngày Rằm tháng Giêng vì đây là Rằm đầu tiên. Phật tử đi lễ chùa tụng kinh niệm Phật như là kể lại các sự tích của Phật và chư vị Bồ Tát. Người Phật giáo tin rằng trong ngày rằm Đức Phật sẽ giáng lâm trước các chùa để chứng độ lòng thành của Tăng Ny Phật Tử. Tuy nhiên người Việt Nam thuần tuý thờ ông bà, tổ tiên vì yêu mến sự thiện cũng như ảnh hưởng và đã lấy ngày này để cúng tỏ lòng biết ơn ông bà tổ tiên đồng thời cũng để tỏ lòng biết ơn Đức Phật, Thổ Công,…

     Như vậy nguồn gốc của lễ Thượng Nguyên là từ đạo Phật tức là Trung Hoa đưa sang và người Việt Nam đã tiếp nhận rồi làm thay đổi từ từ cho đến ngày nay đã thành phổ biến đối với tất cả những ai theo đạo ông bà ở Việt Nam.

     3. Tết Đoan Ngọ (5-5 Âm lịch)

     Cũng như những ngày lễ khác, người Việt Nam đã bắt chước người Trung Hoa ăn Tết Đoan Ngọ từ thời rất xa xưa.

     Về sự tích tết Đoan Ngọ, thực ra ban đầu đây chỉ là ngày người dân làm lễ để đánh dấu một thời tiết mới, mừng sự trong sáng quang đãng của khí trời nhưng về sau để cho ngày này thêm phần ý nghĩa tín ngưỡng - tôn giáo, người ta kỷ niệm luôn ngày Khuất Nguyên tự vẫn. Về sau ngươi ta kỷ niệm luôn sự tích Lưu - Nguyễn, hai người đi hái lá thuốc lạc vào cõi thiên thai.

     Khuất Nguyên làm chức tả đồ nước Sở dưới triều Hoài Vương thời Thất Quốc bên Trung Hoa (307 - 246 TCN). Ông là người có tài, liêm chính hay ngăn cản nhà vua. Sau khi vua Hoài Vương qua đời Tương Vương lên ngôi và thường bị Khuất Nguyên can ngăn khi làm việc chẳng hay nên Tương Vương bắt Khuất Nguyên đi đày. Khuất Nguyên làm bài thơ Hoài Sơn rồi buộc đá vào mình nhảy xuống sông Mịt Loan tự tử khi đi qua đó, hôm đó nhằm ngày 5 tháng 5 âm lịch. Nghe tin đó vua rất ân hận thương tiếc cho Khuất Nguyên và làm cỗ đưa ra bờ sông cúng Khuất Nguyên. Cũng xong vua bỏ lễ xuống sông nhưng tôm cá ăn hết sau đó Khuất Nguyên hiện về nói nếu sau này còn cúng thì khi bỏ lễ xuống sông nhớ gọi lại lấy dây buộc chặt khỏi cá tôm ăn hết. Từ đấy về sau cứ ngày mồng 5 tháng 5 là dân chúng khắp nơi làm cỗ đưa ra các bờ sông để cúng Khuất Nguyên và đến ngày nay cũng thế. Theo sự tích này, ở Việt Nam ngày nay kỷ niệm hay làm giỗ Khuất Nguyên không phải là chủ yếu trong tết Đoan Ngọ. Dân Việt Nam sáng tạo ra nhiều tập tục phù hợp với những sự tích và rất thực tế như giết sâu bọ, hái thuốc vào giờ ngọ, tắm sông vào giờ ngọ… Đến ngày này học sinh đi tết thầy cô giáo, bệnh nhân đi tết thầy lang, con rể đi tết ông bà,… và có giỗ cúng gia tiên.

     Tết Đoan Ngọ đã đi vào cuộc sống của người Việt Nam từ xa xưa và nay có vẻ như càng ngày càng lớn mạnh hơn. Tuy nhiên cách thức ăn tết này lại rất khác nhau, nó hầu như tuỳ thuộc vào tín ngưỡng, tôn giáo, địa phương.

     4. Tết Trung Thu

     Tết Trung Thu còn được gọi là tết trông trăng và có khi lại gọi là tết trẻ con vì người ta thường sắm nhiều đồ chơi cho trẻ trong những ngày này.

     Tết Trung Thu có từ thời Đường Minh Hoàng; tích truyền rằng vào đêm rằm tháng Tám nằm mơ thấy đạo sỹ đưa lên cung trăng chơi nhà vua đăm mình trong cảnh đẹp thần tiên lộng lẫy. Tan giấc mộng, vua nuối tiếc cảnh trăng thu ở cung trăng bèn đặt ra tết Trung Thu để về sau vào ngày đó ngắm trăng, ngâm vịnh. Bắt đầu từ triều đình rồi phổ biến trong toàn dân và sau đó nó theo chân của những đạo quân sang xâm chiếm Việt Nam và trở thành một ngày Tết như của người Việt Nam vậy.

     Ngày nay, Tết Trung Thu càng ngày càng in đậm vào đời sống dân Việt Nam không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng nào. Nó đã được biến đổi theo tính cách của người Việt Nam và rất gần gũi với mọi người dân.

     Trên đây là những ngày lễ tết khá phổ biến mà văn hóa Việt Nam đã kế thừa từ nền văn hóa Trung Hoa. Ngoài ra còn có những ngày lễ tết khá quen thuộc và phổ biến khác nữa như lễ Vu Lan, tết Thanh Minh,… mà ở đây không thể trình bày chi tiết.

     Cùng với sự ảnh hưởng, chúng ta không thể bỏ qua sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đối với văn hóa Việt Nam trong phạm vi những ngày lễ tết. Dưới đây là một số ngày lễ tết của phương Tây đưa đến cho văn hóa Việt Nam.

     Trước hết là tết Dương lịch, ngày Tết này thuộc là tết cổ truyền của phương Tây. Nhưng do tính cách hội nhập toàn cầu và sự ảnh hưởng mạnh mẽ của lịch tây mà Việt Nam cũng đã ăn Tết này theo phương Tây. Tuy nhiên người Việt Nam ăn tết này không lớn lắm, chỉ có ở học đường, công sở nhà nước và tầng lớp công nhân viên mới ăn tết này thôi vì họ được hưởng quyền lợi (nghỉ làm nhưng lại được hưởng lương trong ngày này).

     Sau tết Dương lịch là lễ Noel, song hành với sự du nhập của Kitô giáo lễ Noel đã được tổ chức ở Việt Nam từ những năm đầu khi các nhà truyền giáo có mặt. Nhưng trước đây lễ Noel mang duy nhất một tính chất tôn giáo dành riêng cho các Kitô hữu. Gần đây, khi Việt Nam giao lưu văn hóa, mở rộng quan hệ với phương Tây và tiếp nhận nền văn minh từ phương Tây vào thì lễ Noel, ngoài ý nghĩa tôn giáo, đã trở thành lễ hội cho cộng đồng nhất là đối với giới trẻ và dân thành thị.

     Ngoài hai lễ tết này ra còn có những ngày khác nữa mà những năm gần đây rất được nhiều người quan tâm như ngày 14 tháng 2; 8 tháng 3; 1 tháng 4; 1 tháng 5 ;…

     Trên đây là những ngày lễ tết tương đối quen thuộc với văn hóa Việt Nam do ảnh hưởng của nền văn hóa Tây phương.

     Tóm lại, hai nền văn hóa Đông - Tây, đã để lại những dấu ấn rõ nét trên lãnh vực lễ hội trong văn hóa Việt Nam và những dấu ấn này có lẽ chẳng bao giờ mất đi nhưng sẽ được phát triển mang tính chất Việt Nam hơn. Điều này còn phụ thuộc vào cách tiếp nhận của cộng đoàn.

     THAY LỜI KẾT

     Nền văn hóa Việt Nam đã được thừa hưởng và chịu sự chi phối của nhiều nền văn hóa lớn từ nước ngoài trong nhiều lãnh vực khác nhau, mà trên đây chúng ta vừa tìm hiểu được phần nào sự ảnh hưởng đó qua hai nguồn văn hóa chính, đó là Trung Hoa và Tây phương. Ngoài hai nguồn này, văn hóa Việt Nam còn chịu sự ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác như Ấn Độ, Campuchia, Nga,… trong nhiều lãnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, quân sự, tư tưởng,… Bài này chỉ như một gợi mở cho những ai có nhiệt huyết muốn đào sâu văn hóa dân tộc, góp phần vào việc bảo tồn và phát triển những gì là tinh hoa của văn hóa Việt Nam.

https://catechesis.net/anh-huong-cua-van-hoa-nuoc-ngoai-tren-van-hoa-viet-nam-3/ (cập nhật ngày 11.5.2023)

zalo
zalo