Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 71

Ba Mô Biểu Thần Học Cổ Điển - Phần 4/4 - Francis Schussler Fiorenza

BA MÔ BIỂU THẦN HỌC CỔ ĐIỂN [1] – Phần 4/4

Francis Schussler Fiorenza

TỔNG LƯỢC

NO PHOTO

 Cả ba phương pháp nghiên cứu thần học cổ điển (của Âugustinô, của Tôma và phương pháp Tân kinh viện) đều cho thấy có những yếu tố chung cũng như những điểm dị biệt lớn. Cả ba đều nhấn mạnh đến vai trò trọng yếu của truyền thống (đặc biệt là của Kinh Thánh), đến tính chất khoa học của bộ môn thần học, đến tầm quan trọng của cộng đồng Giáo Hội, và đến vai trò của kinh nghiệm. Dù thế, các cách thức nối kết và phối hợp bốn yếu tố vừa nêu lại với nhau, cũng vẫn khác nhau rất nhiều. Việc Âugustinô nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa tình trạng thanh luyện cá nhân và khả năng diễn giải chính xác về Kinh Thánh đã nhường bước cho mối quan tâm mà Tôma dành cho sacra doctrina, tức là dành cho một bộ môn được coi là bảng với những thẩm quyền và quy luật riêng; và từ mối quan tâm vừa nói của Tôma, đà chuyển biến cũng đã bước một bước khác để qua phương pháp thần học của học thuyết Tân kinh viện, đưa giáo huấn của Giáo Hội lên hàng đầu, giữ địa vị làm quy phạm trực tiếp (cận tín) của đức tin trong việc giải thích quy phạm gián tiếp (viễn tín) của đức tin, tức là cho công trình chú giải Kinh Thánh và truyền thống.

Tuy nhiên, không làm sao hiểu được các giai đoạn chuyển biến trên đây, nếu không biết lưu ý tới các giả thuyết hậu cảnh đã từng giúp cho mỗi một trong các phương pháp nghiên cứu thần học kia biết cách quan niệm về tính chất khoa học, cũng như về phương thức giải thích truyền thống. Không thể nào hiểu được Âugustinô mà không nhờ đến Tân học thuyết Platô, cũng như không thể nào hiểu được Tôma mà không nhờ đến học thuyết Aristốt; và cũng không thể thấu đạt được học thuyết Tân kinh viện mà không đi qua trung gian của học thuyết Kinh viện tiếp thụ qua lăng kính tư tưởng của Descartes và của chủ thuyết duy lý. Trong cả ba hình thái cổ điển tiêu biểu trên đây của thần học công giáo, đều thấy hiện rõ đơn thuần có một nỗ lực duy nhất, đó là: cố gắng làm sao để quan niệm cho chính xác, đúng với những tiêu chuẩn của thần học và của kỹ thuật phê bình, về đối tượng của đức tin Kitô; cho dù các hình thái ấy có chịu ảnh hưởng sâu đậm và phức tạp của các giả thuyết hậu cảnh chuyên biệt, thuộc lãnh vực lý thuyết và triết học.

zalo
zalo