Ngày tháng: 03/04/2025
Đang truy cập: 90

Bài 102: Sao Đức GiêSu Lại Chịu Phép Rửa?

Bài 102: Sao Đức GiêSu Lại Chịu Phép Rửa?

Trong trình thuật biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, tác giả Mátthêu viết rằng : “Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói : ‘Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi !’” (Mt 3,13-14). Đó là thắc mắc của thánh Gioan Tẩy giả, và có lẽ cũng là thắc mắc của nhiều người rằng : Tại sao Đức Giêsu là Đấng vô tội, là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần để thanh tẩy tội lỗi lại bước xuống sông Giođan mà xin ông Gioan làm phép rửa cho mình ?

Trong buổi học hỏi Dưới Ánh Sáng Lời Chúa hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu một số điểm nhấn chung quanh việc Đức Giêsu muốn ông Gioan làm phép rửa cho Người, và đó cũng là câu trả lời cho tựa đề của bài học hỏi hôm nay : Sao Đức Giêsu lại chịu phép rửa ?

Đọc các trích đoạn Lời Chúa trong phụng vụ lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa hôm nay (Is 40,15.9-11 ; Tv 103,1b-2a.2b-4.24-25.27-28.29-30 ; Tt 2,11-14 ; 3,4-7 ; Lc 3,15-16.21-22), chúng ta thấy các Bài Đọc Sách Thánh làm rõ lên chủ đề Phép Rửa, một chủ đề nổi bật và cũng thể hiện rõ sứ điệp của toàn bộ các bài đọc Sách Thánh trong lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa vào Chúa nhật này.

Trong Bài đọc I, ngôn sứ Isaia công bố : “Hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta. Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện” (Is 40,3.5).

Quả vậy, lời loan báo mở một con đường cho Đức Chúa, chuẩn bị một lối đi khoáng đạt, không còn chướng ngại nào để cho vinh quang Đức Chúa tỏ hiện, bấy giờ đã được ông Gioan thực hiện và được Đức Giêsu thành toàn (x. Is 3-5 ; Lc 3,21-22). Việc Đức Chúa mặc khải vinh quang của Người như Isaia hướng đến chính là cảnh tượng “trời mở ra”, chính là sự kiện Ba Ngôi Thiên Chúa cùng tỏ hiện và chính là việc Đức Giêsu, Con yêu dấu của Chúa Cha, bắt đầu khai mạc sứ vụ công khai của Người (x. Lc 3, 23).

Trước đó, cùng với dân chúng, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa của ông Gioan. Lời Thánh vịnh hôm nay cũng nhắc nhớ việc Chúa tạo dựng con người trong sách Sáng Thế (x. Tv 103,29-30 ; St 2,7), và con người sống được là nhờ sinh khí Thiên Chúa ban cho.

Và với việc “làm phép dìm” (tiếng Hy Lạp là báptítdô) mà Đức Giêsu muốn ông Gioan làm cho mình, Người cũng cho thấy việc sẵn sàng bước vào một thực tại mà rồi đây Người cũng sẽ trải qua trong kiếp nhân sinh, đó là bị “lấy sinh khí lại” và “tắt thở ngay” nghĩa là phải chết giống như mọi người (x. Tv 103, 29). Đó là cách để thực hiện việc “Người tự hiến để cứu độ chúng ta”, để “thanh luyện chúng ta” và để thể hiện “lòng từ bi và nhân ái của Người” một cách cụ thể như Bài Đọc II cho chúng ta biết (x. Tt 2, 14 ; 3, 4).

Phép rửa mà ông Gioan đã làm cho Đức Giêsu, như thế, giống như một lời giới thiệu về “Phép Rửa ban ơn tái sinh và đổi mới do Thánh Thần thực hiện” (Tt 3, 5) khi Đức Giêsu phục sinh và đưa tất cả những ai chịu Phép Rửa ấy vào “sự sống đời đời như chúng ta vẫn hy vọng” (Tt 3, 7).

Trong bầu khí cùng nhau học hỏi Dưới Ánh Sáng Lời Chúa hôm nay về chủ để Đức Giêsu Chịu Phép Rửa, xin được nêu lên một vài câu hỏi để chúng ta cùng nhau đi tìm câu trả và khám phá thêm sứ điệp Lời Chúa hôm nay :

1. Tại sao Đức Giêsu muốn ông Gioan làm phép rửa cho Người ?

Sách Thánh và Giáo Lý cho chúng ta biết rằng, Đức Giêsu làm người như hết thảy chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Ngay cả khi chịu cám dỗ như chúng ta, Người vẫn không phạm tội (x. Mt 4,1-11). Điều này làm cho chúng ta cảm thấy khó hiểu, khó hiểu như chính ông Gioan, trước việc Người muốn ông làm phép rửa cho Người. Tuy nhiên, Đức Giêsu không để cho ông Gioan và cả chúng ta nữa phải bối rối lâu thêm. Đọc câu Mt 3, 15 chúng ta sẽ có ngay lời giải đáp. Trước thắc mắc của ông Gioan, Đức Giêsu nói : “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Phép rửa ông Gioan làm cho Đức Giêsu diễn ra ở thời điểm mà ông đang làm phép rửa cho dân chúng và giúp họ tỏ lòng sám hối. Ông cũng tuyên bố rằng việc đứng trong dòng dõi ông Ápraham không đủ để bảo đảm cho ơn cứu độ. Ông rao giảng sứ điệp về một tiến trình sám hối, chịu phép rửa và sống ngay chính. Đức Giêsu còn hơn thế nữa, Người là Đấng Công Chính của Đức Chúa, nhưng đã bước xuống dòng nước Hòa Giang để “nên giống anh em mình trong mọi sự” (Hr 2, 17), “mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta, để đền tội chúng ta” (Rm 6, 3).

2.  Tại sao việc ông Gioan làm phép rửa cho Đức Giêsu lại quan trọng đến vậy ?

Đức Giêsu chẳng cần sám hối, cho nên, phép rửa Người nhận từ ông Gioan chỉ là dấu hiệu cho biết Người chính là Đấng Mêsia. Đây là dấu hiệu mà chính ông Gioan cũng nhận thức rõ, việc ông dọn đường cho Đấng Mêsia ngự đến cũng kết thúc vào lúc ấy. Như đã trình bày ở trên, trình thuật về việc Đức Giêsu chịu phép rửa còn mở ra cảnh tượng tuyệt vời về mối hiệp thông chí ái của Ba Ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, trao tặng sự sống mới cho con người. Ngày nay cũng vậy, mỗi khi có người chịu phép rửa, công thức nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần lại được công bố và cảnh tượng Ba Ngôi lại tái hiện : “Trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng : ‘Con là Con yêu dấu của Cha ; Cha hài lòng về Con’” (Lc 3,21-22).

Phép rửa mà Đức Giêsu đón nhận không có cùng lý do để đón nhận như của các tín hữu chúng ta hôm nay. Phép rửa ấy là để xác nhận căn tính Mê-si-a của Đức Giê-su và tỏ bày thiên ý muốn “xuống thế làm người” để chuộc đền tất cả tội lỗi và cái chết của loài người. Đức Giê-su muốn tất cả những ai làm môn đệ của Người ra “đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

3. Phép Rửa nhắc nhớ chúng ta những gì ?

Trước hết, Phép Rửa cho chúng ta ý thức mình là người được tha thứ tội lỗi, là người được đón nhận ân huệ là Chúa Thánh Thần. Khi chịu phép rửa, hay được dìm vào trong dòng nước, chúng ta được đón nhận ơn tha tội mà chính Đức Giêsu đã trao ban qua cái chết và sự phục sinh của Người, như lời thánh Phaolô xác quyết : “Anh em đã cùng được mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết” (Cl 2, 12).

Thứ hai, Phép Rửa là biểu tượng của niềm tin của chúng ta (x. Cv 8,12-13). Kiểu mẫu mà chúng ta bắt gặp trong Tân Ước là khi một người nào đó tin theo Đức Kitô Giêsu, người ấy tỏ lòng sám hối và chịu phép rửa. Sách Cv kể chuyện viên thái giám người Êthióp đã được phó tế Philípphê giải thích Kinh Thánh cho và ông đã tin vào Đức Giêsu. “Dọc đường, các ông tới một chỗ có nước, viên thái giám mới nói : “Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không ?” Ông Philípphê đáp : “Nếu ngài tin hết lòng, thì được.” Viên thái giám thưa : “Tôi tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa.” Ông truyền dừng xe lại. Ông Philípphê và viên thái giám, cả hai cùng xuống chỗ có nước, và ông Philípphê làm phép rửa cho ông quan” (Cv 8,36-38).

Phép rửa cũng là dịp thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi mà người tin tuyên xưng như chúng ta thấy trong lệnh truyền của Đức Giêsu : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19).

Thứ ba, Phép rửa là biểu tượng của việc được mai táng và trỗi dậy trong đời sống mới cùng với Đức Giêsu như lời thánh Phaolô nhắn nhủ các tín hữu Rôma : “Anh em không biết rằng : khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao ? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai tang với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4).

Trước khi kết thúc bài tìm hiểu về chủ đề Phép Rửa, xin mời quý ông bà anh chị em cùng nhau đọc lại một trích đoạn rất ý nghĩa, từ Sắc Chỉ Công Bố Năm Thánh 2025 của Đức Thánh Cha Phanxicô :

“Quả thế, niềm hy vọng phát sinh từ tình yêu và dựa trên tình yêu tuôn trào từ Trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu trên thập giá : ‘Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy’ (Rm 5, 10). Và sự sống của Người được biểu lộ nơi đời sống đức tin của chúng ta, khởi đầu bằng phép Rửa, tăng triển trong sự mở lòng trước ân sủng của Thiên Chúa, được sinh động bởi niềm hy vọng luôn được đổi mới và nên vững mạnh nhờ tác động của Chúa Thánh Thần” (Spes non confundit, 3).

Nguồn: tgpsaigon.net


zalo
zalo