Ngày tháng: 03/04/2025
Đang truy cập: 56

Bài 108: Phúc cho anh em

Bài 108: Phúc cho anh em

TGPSG -- Trong những ngày Tết vừa qua, chúng ta trao cho nhau những lời chúc xuân và năm mới tốt đẹp. Chúng ta ước mong và cầu chúc cho nhau phúc lành, bình an, sức khoẻ, niềm vui, hạnh phúc, thành công v.v. và những điều ấy thường không đến tất cả với chúng ta. Trong bài Tin Mừng Chúa nhật VI Thường niên, năm C này, chúng ta sẽ được nghe những lời chúc phúc của Đức Giêsu, tuy rất khác so với các lời chúc của chúng ta nhưng là những lời chúc phúc đích thực và bền vững cho những người tin cậy vào Chúa. Trong bài học hỏi lần này, chúng ta cùng tìm hiểu xem Kinh Thánh nói gì về các lời chúc phúc và ý nghĩa của những lời ấy đối với chúng ta là các tín hữu.

Trước hết, chúng ta cùng lắng nghe Tin Mừng theo thánh Luca :

Khi ấy, Đức Giêsu ở trên núi xuống cùng với Nhóm Mười Hai, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, có nhiều môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng đến từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn. Thấy vậy, Đức Giêsu ngước mắt nhìn các môn đệ và nói :

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em.

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.

“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.

“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

“Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6,17-26).

Dẫn nhập
Tin Mừng Mátthêu có Bài Giảng Trên Núi (ch. 5–7), thì Tin Mừng Luca cũng có một bài giảng tương tự, nhưng ít chi tiết hơn, quen gọi là Bài Giảng ở Đồng Bằng (x. Lc 6,17-49). Bài Tin Mừng Chúa Nhật tới là một tiết đoạn trong bài giảng này, gồm những lời chúc phúc và những lời nguyền rủa của Đức Giêsu. Cụ thể là bốn lời chúc phúc (mối phúc) cho những người nghèo khó, đói khát, khóc than, bị oán ghét ; và bốn lời nguyền rủa (mối hoạ) cho những người giàu có, no đủ, vui cười, được ca tụng tán dương. Nói đến đây, chúng ta liên tưởng đến một vấn đề hiện sinh quan trọng, có liên quan mật thiết đến cuộc sống mà con người trong mọi thời và ở mọi nơi vẫn hằng quan tâm, đó là vấn đề họa phúc trong cuộc đời.

Cựu Ước nhiều lần đề cập đến những lời chúc phúc hoặc nguyền rủa. Chẳng hạn, khi mô tả viễn cảnh dân Chúa tiến vào Đất Hứa, sách Đệ nhị luật nói đến lời chúc lành của Đức Chúa được ban cho dân, nếu họ biết nghe và thi hành các lệnh truyền của Người : “Anh (em) sẽ được chúc phúc trong thành, anh (em) sẽ được chúc phúc ngoài đồng. Con cái của lòng dạ anh (em), hoa màu của đất đai anh (em), đàn con của gia súc anh (em), bò con, chiên con của anh (em) đều được chúc phúc. Giỏ của anh (em) và cối nhồi bột của anh (em) sẽ được chúc phúc. Anh (em) sẽ được chúc phúc khi đi vào, anh (em) sẽ được chúc phúc khi đi ra” (Đnl 28,3-6) ; Tác giả Thánh vịnh ca khen rằng : “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi” (Tv 1, 1) ; hoặc trong sách ngôn sứ Amốt, Đức Chúa cảnh cáo dân Israel với những lời chúc dữ nếu họ từ bỏ giao ước đã ký kết với Người : “Khốn cho những ai biến lẽ phải thành ngải đắng và vứt bỏ công lý xuống đất đen” (Am 5, 7) ; tác giả sách Khôn Ngoan thì viết : “Vô phúc cho kẻ xem thường lẽ khôn ngoan, coi khinh lễ giáo” (Kn 3, 11) Quả thật, những lời chúc phúc hay những lời nguyền rủa không chỉ được nói đến từ thời Đức Giêsu, nhưng đã được bắt nguồn từ kinh nghiệm của Israel trong suốt chiều dài lịch sử của họ. Trong phạm vi giới hạn của bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu đôi nét chính yếu về ý nghĩa của sự chúc phúc trong Kinh Thánh.

I. Từ ngữ trong Kinh Thánh
Trong Kinh Thánh Hípri có danh từ bơrakah (בְּרָכָה) có nghĩa là phúc lành, ơn huệ, ơn phúc hay món quà (x. St 12, 2 ; Tl 1, 15 ; Ml 3, 10), và động từ barak (בָרַךְ) với nhiều nghĩa cần chọn lựa khi dịch qua tiếng Việt.

1. Giáng phúc hay ban phúc : Chỉ có Thiên Chúa là nguồn mọi phúc lành, chính Người ban phúc cho con người (x. St 2, 17 ; Tv 5, 13 ; 29, 11).

2. Chúc phúc hay chúc lành : Con người dù ở địa vị nào cũng không thể đem lại phúc lành hay ơn huệ cho người khác, mà chỉ có thể chúc cho người khác điều tốt lành, cầu chúc cho người khác được may mắn. Ông Ixaác định chúc phúc cho con trưởng là Ê-xau (x. St 27,4), nhưng lại bị lừa nên đã chúc lành cho Giacóp (x. St 27,23).

3. Chúc tụng : động từ barak cũng có nghĩa là chúc tụng. Con người chỉ có thể và phải luôn chúc tụng Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc. Thánh vịnh dùng rất nhiều lần động từ barak theo nghĩa này (x. Tv 16, 7 ; 26, 12 ; 34, 2 ; 66, 8 ; 104, 1...).

Như vậy, động từ barak (בָרַךְ) được sử dụng với những nghĩa khác nhau tùy theo cách thức diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa với con người (ban phúc), hay giữa con người với nhau (chúc phúc), hoặc con người với Thiên Chúa (chúc tụng). Trong thực tế, đôi khi chúng ta vẫn gặp cách dịch như “xin Thiên Chúa chúc phúc” (x. 1 Sm 15, 13), điều đó không sai, nhưng chưa chuẩn xác. Khi con người chúc phúc hay chúc lành cho nhau là họ cầu xin Thiên Chúa ban phúc lành cho người mình muốn chúc phúc và xác tín rằng người ấy sẽ được ban phúc lành. Chẳng hạn ông Aharon chúc phúc cho dân Israel : “Nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh (em) !” (Ds 6, 24).

Động từ barak (בָרַךְ) còn để diễn tả tâm tình con người muốn được chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa về những ơn phúc Người đã ban cho : “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh ! Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người” (Tv 103,1-2). Khi chúc tụng Thiên Chúa, chúng ta tôn thờ cảm tạ Người và nhìn nhận Người là Đấng quyền năng và vinh quang, Đấng ban phát muôn ơn lành cho con người. Lời chúc tụng Thiên Chúa còn được xem như lời chào khi mọi người gặp nhau. Khi gặp nhau, người Israel thường nói với nhau những lời chúc tụng Thiên Chúa. Chẳng hạn, trong sách Rút, khi ông Bôát từ Bêlem đến đã nói với các thợ gặt rằng : “Xin Đức Chúa ở cùng các anh !”, và họ đáp lại với ông bằng lời chúc phúc như sau : “Xin Đức Chúa chúc phúc cho ông” (R 2, 4).

II. Hiệu quả của lời chúc phúc
Sự chúc phúc hay lời cầu chúc điều tốt lành cho người khác đặc biệt có hiệu quả khi lời chúc đó được nói ra từ những người quyền bính như các tư tế, các vua, hay người đứng đầu trong gia đình. Chẳng hạn như người cha chúc phúc cho con cái (x. St 27), anh em trai chúc lành cho chị em gái (x. St 24, 60) ; nhà vua chúc phúc cho dân chúng (x. 2 Sm 6, 18 ; 1 V 8, 55) ; theo truyền thống tư tế, các tư tế có vai trò quan trọng nên thường chúc phúc cho dân chúng (x. Lv 9, 22). Như vậy ở đây chúng ta có thể hiểu rằng những người có quyền bính là những người có được phúc lành của Chúa, và do đó, họ cũng có thể chúc phúc cho những người dưới quyền. Khi làm như vậy, họ truyền lại phúc lành của Chúa cho những người được họ chúc phúc. Hiệu lực của lời chúc lành hay chúc phúc này thường được hiểu là những ơn phúc sinh sôi nảy nở nơi con người, sinh vật, hay sự màu mỡ, phì nhiêu của đất đai, hoa lợi của mùa màng.

Lịch sử của dân Israel có thể nói là một chuỗi những phúc lành của Thiên Chúa tuôn đổ trên dân riêng của Người. Trong bản tường thuật tạo dựng thứ nhất, thuở ban đầu, khi thực hiện công trình tạo thành vũ trụ và các sinh vật, Thiên Chúa đã ban phúc cho chim trời và cá biển rằng : “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển ; và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất.” (St 1, 22) ; sau khi tạo dựng người nam người nữ, Thiên Chúa cũng ban phúc lành cho họ (x. St 1, 28). Mỗi lời chúc phúc trên đây luôn mang ý nghĩa của một lệnh truyền là hãy sinh sôi thật nhiều. Sau khi hoàn tất công việc tạo dựng trong sáu ngày, “Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (St 2, 3), đó là nguồn gốc và ý nghĩa của ngày sa-bát (x. Xh 20,8-11). Rồi sau nạn Hồng Thủy, Thiên Chúa giáng phúc cho ông Nôê và con cái ông, là những người còn sót lại sau Hồng Thủy, cũng với lệnh truyền “hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều, cho đầy mặt đất” (St 9, 1).

Thiên Chúa đặc biệt ban phúc cho các tổ phụ Ápraham (x. St 12,2-3), Ixaác (x. St 26,3-4), và Giacóp (x. St 28, 13tt). Công thức và nội dung của các lời chúc phúc thì cũng như nhau, đó là ơn phúc được sinh sôi nảy nở, với dòng dõi đông con nhiều cháu. Tổ phụ Giacóp được ban phúc trong cuộc “vật lộn” vào ban đêm với một người lạ mặt (được hiểu là Thiên Chúa) tại Pơnuên (x. St 32,23-31). Giacóp còn là trung gian của Thiên Chúa để phúc lành của Người được ban xuống cho nhạc phụ của ông là Laban (x. St 30,27.30). Giuse cũng được xem là người trung gian, qua đó Thiên Chúa giáng phúc cho Pôtipha, người Ai Cập, thái giám của Pharaô và cả nhà ông ấy (x. St 39, 5). Đặc biệt dòng dõi của Ápraham được xem là mẫu mực của phúc lành của Thiên Chúa được ban cho mọi dân tộc (x. St 12, 3 ; 18, 18 ; 22, 18 ; 28, 14). Điều này cho thấy là các tổ phụ Israel và dòng dõi họ sẽ là trung gian nhờ đó ơn phúc của Thiên Chúa được ban cho chư dân. Tuy vậy, các dân khác cũng có thể xin Thiên Chúa ban phúc lành cho họ như Người đã ban phúc lành cho Ápraham. Ngôn sứ Isaia tiên báo sẽ đến ngày Israel cùng với Ai Cập và Átsua được chúc phúc : “Ngày ấy, Israel sẽ cùng với Ai Cập và Átsua làm thành bộ ba. Đó là phúc lành ngay giữa cõi đất, mà Đức Chúa các đạo binh sẽ ban cho khi Người phán : “Ta giáng phúc cho Ai Cập, dân của Ta, cho Átsua, công trình tay Ta làm ra, và cho Israel, cơ nghiệp của Ta.” (Is 19,24-25). Phúc lành của Chúa thường được diễn tả như là phần thưởng dành cho những ai tuân giữ lề luật của Người (x. Đnl 11, 26tt ; 15,4-5.18).

Lời chúc lành trọng thể trong một mức độ nào đó, thường được tuyên bố từ một người đại diện cho Thiên Chúa. Chẳng hạn ông Nôê chúc phúc cho các con là Sêm và Giaphét. Lời chúc phúc của người cha ban cho người con trưởng thường là một lời chúc phúc quan trọng mang tính sống còn, như thấy trong lời chúc phúc của Ixaác cho Giacóp (x. St 27,28-29), liên quan đến sự phong phú, thịnh vượng, đất đai màu mỡ, phì nhiêu và quyền bính để điều hành gia tộc. Với lời chúc phúc, người cha thông truyền, chia sẻ chính sự sống, cũng như sức lực và quyền bính của mình cho người con trai của ông. Qua câu chuyện Giacóp tranh lời chúc phúc của cha mình là Ixaác (x. St 27), chúng ta thấy lời chúc phúc có một tầm quan trọng trong đời sống thực tế của con người. Đặc biệt, một khi lời chúc phúc được tuyên ra thì không thể rút lại hay hủy bỏ được như lời ông Ixaác nói với Êxau sau khi đã chúc phúc cho Giacóp : “Cha đã chúc phúc cho nó, và dù sao nó vẫn được chúc phúc” (St 27, 33), “Em con đã dùng mưu gian mà đến, và đoạt lời chúc của con” (St 27, 35). Khi Giacóp chúc phúc cho các con của Giuse (x. St 48), có một chi tiết đáng lưu ý, đó là lời chúc phúc đi kèm với hành động đặt tay, qua đó phúc lành được tuôn đổ xuống cho người được chúc phúc (x. St 48,14-22)

III. Phúc lành và lời chúc phúc trong Tin Mừng
Lời chúc phúc hay chúc lành được dịch từ tiếng Hy Lạp là “εὐλογία” gồm hai từ “εὐ” là tốt, “λογία” là lời, danh từ này phát xuất từ động từ “êulôgheô” (εὐλογέω) nghĩa là ban phúc lành, chúc phúc, chúc tụng. Xét về ý nghĩa thì cũng không khác với từ ngữ chúc phúc hay chúc lành được hiểu theo ngôn ngữ của Cựu Ước. Thiên Chúa chính là nguồn ân sủng và là Đấng ban ân phúc cho con người. Sự giáng phúc hay ban phúc lành của Thiên Chúa hiện diện nơi Đức Giêsu Kitô và qua Đức Giêsu Kitô, như lời thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Êphêxô : “Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1, 3). Theo thánh Phaolô, nội dung của lời giáng phúc chính là ân sủng hay phúc lành của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô : “Cầu chúc ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em” (2 Cr 13, 13).

Trong Tin Mừng, động từ “êulôgheô” (εὐλογέω) được sử dụng khá nhiều, nhưng hầu hết có nghĩa chúc tụng : Mt 14, 19 ; 21, 9 ; 23, 39 ; Mc 6, 41 ; 8, 7 ; Lc 9, 16 ; 24, 30). Lời chúc tụng trong những trường hợp này ngầm hiểu như những lời tạ ơn Thiên Chúa. Cuối cùng, trước khi được rước lên trời, Đức Giêsu đã giơ tay ban phúc lành (εὐλογέω) cho các tông đồ và sau đó các tông đồ trở lại Giêrusalem lòng đầy vui mừng hoan hỉ, và các ông luôn ở trong Đền Thờ mà chúc tụng (εὐλογέω) Thiên Chúa (x. Lc 24,50-53). Nhờ việc được ban phúc này mà các tông đồ được tăng thêm sức mạnh để thi hành sứ mạng Chúa Kitô trao phó cho các ông. Đặc biệt, Đức Giêsu mời gọi các môn đệ hãy chúc lành cho những kẻ nguyền rủa mình : “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6, 28). Dựa vào dạy của Đức Giêsu, thánh Phaolô cũng khuyên các tín hữu Rôma hãy chúc lành cho những kẻ bách hại mình : “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa” (Rm 12, 14).

Lời tuyên phúc trong Kinh Thánh thường được mở đầu với hạn từ ashrê (אַשְׁרֵי) trong tiếng Hípri hay makarios (μακάριος) trong tiếng Hy Lạp như một tán thán từ dành cho kẻ được chúc phúc, chúng ta có thể thấy rõ trong các mối phúc của Đức Giêsu (x. Mt 5,3-11 ; Lc 6,20-22). Hạn từ này có nghĩa là được chúc phúc, có phúc, hạnh phúc và thường được dịch là phúc thay, phúc cho, hạnh phúc thay, thật có phúc.
“Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi” (Tv 1, 1)
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó… Phúc thay ai hiền lành…” (Mt 5,3-4)

“Hạnh phúc thay người giữ đức công minh và hằng thực thi điều chính trực !” (Tv 108, 3).

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó… Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói… Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc…” (Lc 6,20-21)

“Hỡi Israel, ngươi thật có phúc ! Ai được như ngươi, hỡi dân được Chúa cứu !” (Đnl 29, 33)

“Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe !” (Mt 13, 16)

Qua giáo huấn của Kinh Thánh và nhất là của Đức Giêsu, chúng ta thấy hạnh phúc thực sự không thể tìm thấy theo cách của thế gian, vì nó chỉ mang lại sự thỏa mãn giả tạo, tạm thời và hời hợt. Phúc lành thực sự chỉ đến trong mối tương quan với Thiên Chúa. Các mối phúc mà Đức Giêsu tuyên bố xem ra trái nghịch với những gì người ta thường tìm kiếm và mâu thuẫn với lối sống thế gian, thậm chí là còn bị thế gian chống đối. Nhưng đó là những mốt phúc thật của người môn đệ Đức Giêsu.

Kết
Chúng ta kết thúc bài học hỏi này bằng việc lắng nghe lời dạy Đức Thánh cha Phanxicô trong tông huấn Hãy Vui Mừng và Hân Hoan :

“Các Mối Phúc tựa như thẻ căn cước của người Kitô hữu. Vì vậy, nếu ai hỏi: “Ta phải làm gì để trở nên một Kitô hữu tốt ?” thì câu trả lời rất đơn giản. Chúng ta phải làm, mỗi người theo cách riêng của mình, điều Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Bài Giảng về các Mối Phúc. Trong các Mối Phúc, chúng ta tìm thấy một chân dung của vị Tôn Sư, và chúng ta được mời gọi phản chiếu chân dung ấy trong cuộc sống hằng ngày của mình”.

“Mặc dù những lời của Chúa Giêsu có thể nghe thi vị, nhưng rõ ràng chúng đi ngược những gì người ta thường làm trong xã hội. Cho dù chúng ta thấy sứ điệp của Chúa Giê-su hấp dẫn, thế giới vẫn đẩy chúng ta hướng tới một lối sống khác. Các Mối Phúc không hề dễ dãi hay hời hợt, mà hoàn toàn ngược lại, chúng ta chỉ có thể thực hành các Mối Phúc nếu Chúa Thánh Thần đổ đầy sức mạnh của Ngài trên chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi sự yếu đuối, ích kỷ, tự mãn và kiêu căng của mình” (Gaudete et Exsultate, 63.65).

Nữ tu Maria Lê Thị Thanh Nga - Dòng Đức Bà Nữ Kinh Sĩ Thánh Âu tinh - Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ
Nguồn: tgpsaigon.net


zalo
zalo