Ngày tháng: 09/05/2025
Đang truy cập: 21

Bài 113 : Sao chỉ có ba môn đệ chứng kiến Đức Giêsu hiển dung

Bài 113 : Sao chỉ có ba môn đệ chứng kiến Đức Giêsu hiển dung

TGPSG---Mở đầu bài Tin Mừng Chúa Nhật Thứ II Mùa Chay năm C, thánh Luca viết rằng : “Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa” (Lc 9,28b-29).

Các đoạn Tin Mừng song song theo thánh Mt và Mc cũng kể lại tương tự, theo đó chỉ có ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan được chứng kiến biến cố Đức Giêsu hiển dung, còn các môn đệ khác thì không. Sao chỉ có ba môn đệ này mà thôi ? Trong bài học hỏi này, chúng ta cùng lược qua một số ý kiến về vấn đề này.

1. Ba môn đệ thân tín

Khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu chọn mười hai tông đồ (x. 6,12-16). Trong Nhóm Mười Hai, Phêrô, Giacôbê và Gioan được coi là các môn đệ thân tín của Đức Giêsu.

Chúng ta thường nghe nói đến bốn môn đệ đầu tiên được Đức Giêsu gọi, đó là Simon Phêrô và Anrê cùng với Giacôbê và Gioan. Tuy nhiên, không như các tác giả nhất lãm khác, thánh Luca đã chỉ nhắc đến ba môn đệ đầu tiên được Đức Giêsu gọi bên bờ biển hồ Galilê, là Simon Phêrô, Giacôbê và Gioan (x. Lc 5,1-11). Các ông là những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu vì thế cũng là những môn đệ ở cùng Đức Giêsu lâu nhất trong cuộc đời tại thế của Người.

Kinh Thánh không cho biết lý do Phêrô, Giacôbê và Gioan trở thành nhóm thân cận của Đức Giêsu, nhưng lại cho thấy Nhóm Ba này đã có mặt và chứng kiến những sự kiện quan trọng trong sứ vụ của Người : trong phép lạ phục sinh con gái ông trưởng hội đường Giaia (x. Lc 8,49-56), khi Đức Giêsu hiển dung (x. Lc 9, 28 ; Mc 9,2-3), và trong cơn sầu não của Đức Giêsu tại vườn Cây Dầu trước khi Người bị bắt (x. Mt 26,36-38 ; Mc 14, 33). Cả ba biến cố này đều liên quan đến sự chết và sự phục sinh. Phép lạ hồi sinh con gái ông Giaia chứng tỏ quyền năng của Đức Giêsu trên sự chết ; cuộc hiển dung tiên báo vinh quang phục sinh của Người sau khi chịu chết ; cuối cùng là trong vườn Cây Dầu, khởi đầu cho cuộc vượt qua, chết và sống lại của Đức Giêsu.

Phêrô, Giacôbê và Gioan được đi sâu vào mầu nhiệm của Đức Giêsu, đã chứng kiến ​​những khoảnh khắc vinh quang nhất và những thử thách đen tối nhất trong cuộc đời Đức Giêsu.

Trong cộng đoàn tín hữu sơ khai ở Giêrusalem, xem ra Phêrô, Giacôbê và Gioan đã đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo. Phêrô rao giảng đầu tiên vào ngày lễ Ngũ Tuần ; Phêrô và Gioan luôn đứng lên thay cho các môn đệ, hai ông bị điệu ra trước thượng hội đồng Do Thái, được sai đến với người Samari khi họ lãnh nhận Thánh Thần. Còn Giacôbê thì bị vua Hêrôđê chém đầu (x. Cv 12,1-2), trở thành tông đồ đầu tiên chịu tử đạo. Ngoại trừ danh sách mười một tông đồ mà trong đó Phêrô, Giacôbê và Gioan cũng đứng đầu (x Cv 1, 13) thì trong suốt sách Công vụ Tông đồ, không ai trong Nhóm Mười Hai, ngoài Phêrô, Giacôbê và Gioan được nhắc rõ danh tánh trong đời sống của Hội thánh sơ khai. Điều này khiến chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chọn Phêrô, Giacôbê và Gioan làm môn đệ thân tín là để các vị lãnh nhận trách nhiệm nhiều hơn trong Hội thánh sơ khai, đúng như lời Đức Giêsu đã nói : “Ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12, 48).

2. Chứng kiến Đức Giêsu hiển dung

Phêrô, Giacôbê và Gioan được chọn riêng ra để chứng kiến cuộc hiển dung của Đức Giêsu. Tại sao Người lại chỉ chọn ba người trong Nhóm Mười Hai và cho họ được chiêm ngắm vinh quang của Người ? Trong các môn đệ, xem ra họ là một nhóm đặc biệt. Có lẽ về đường tâm linh, họ tiến bộ hơn những người khác nên họ có thể hiểu được phần nào ý nghĩa của cuộc hiển dung.

Tuy nhiên, ba môn đệ này cũng là những người khiếm khuyết. Ông Phêrô đã quyết liệt phản đối cuộc khổ nạn của Thầy Giêsu (x. Mt 16, 22), còn Giacôbê và Gioan thì ham mê chức quyền danh vọng khi muốn ngồi bên tả bên hữu Thầy trong vinh quang (x. Mc 10, 37). Họ cần phải được lĩnh hội một số bài học thiêng liêng, niềm tin của họ phải được kiện cường hầu đủ sức đương đầu với những gian nan khốn khó sắp xảy đến. Xét vì lời tuyên xưng long trọng của vị tông đồ trưởng (x. Mt 16,16-19) thì Đức Giê-su chọn Phêrô cũng là phải lẽ, trong khi đó, Gioan là “người môn đệ được Đức Giêsu thương mến” (Ga 13, 23), còn Giacôbê sẽ là người đầu tiên trong Nhóm Mười Hai phải chịu tử đạo khi bị vua Hêrôđê Ácríppa chém đầu (x. Cv 12, 2).

Khi Đức Giêsu thăng thiên, các tông đồ được giao phó sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân (x. Mt 28,18-20). Nhưng Phêrô, Giacôbê và Gio-an là những người giữ vai trò quan trọng trong cộng đoàn Kitô hữu sơ khai. Trong sách Công vụ tông đồ, Phêrô và Gioan nhiều lần xuất hiện như hai vị đứng đầu các tông đồ và cộng đoàn tín hữu ở Giêrusalem (x. Cv 3,1.3; 4, 19 ; 8, 14)

Chú giải biến cố hiển dung, thánh Tôma Aquinô đã đặt câu hỏi : Tại sao lại có ba tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan ? Và tại sao chỉ có ba vị này ? Rồi người trả lời : Vì Phêrô nhiệt thành nhất trong các tông đồ : “Con sẽ thí mạng sống vì Thầy” (Ga 13, 37) ; Gioan thì được yêu mến nhiều hơn khi được gọi là “người môn đệ Chúa yêu” (x. Ga 13, 23), còn Giacôbê là tông đồ đầu tiên chết vì Tin Mừng (x. Cv 12, 2). Cả ba vị đều trổi vượt : Phê-rô là tông đồ trưởng của Đức Giêsu, Gioan đứng đầu trong lòng mến của Thầy, và Giacôbê là tông đồ đầu tiên hy sinh mạng sống vì Thầy.

Có một cách giải thích về vai trò của Phêrô Giacôbê và Gioan khi cho rằng các ngài tiêu biểu cho đức tin, đức cậy và đức mến.

Phêrô, tông đồ của đức tin khi ông là người đầu tiên và thay mặt cho các tông đồ tuyên xưng rằng : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Ông cũng tỏ bày niềm tin tưởng trung thành vào Đức Giêsu khi nhiều người đã bỏ Thầy mà đi : “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69).

Nhưng Phêrô cũng cho thấy một đức tin kém cỏi qua câu chuyện ông bị chìm xuống khi đang đi trên mặt biển (x. Mt 14,30-31) và nhất là khi ba lần chối Thầy (x. Mc 14,66-72). Tuy vậy, Đức Giê-su đã cầu nguyện cho ông : “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22, 32).

Sau biến cố phục sinh, với Phêrô, Thiên Chúa đã thực hiện những điều kỳ diệu đến nỗi sách Công vụ tông đồ nói rằng khi ông đi ngang qua thì chỉ cần cái bóng của ông cũng có thể chữa lành các bệnh nhân (x. Cv 5, 15).

Ông đã trở thành người lãnh đạo Hội Thánh sơ khai khi chủ trì cuộc bầu chọn tông đồ Mátthia (x. Cv 1,12-26) : “Trong những ngày ấy, ông Phêrô đứng lên giữa các anh em, có khoảng một trăm hai mươi người đang họp mặt” (Cv 1, 12). Vào ngày lễ Ngũ Tuần, ông là người đầu tiên đứng lên làm chứng về Đức Kitô phục sinh : “Bấy giờ, ông Phêrô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với những người Do Thái” (Cv 2, 14). Bài giảng đầu tiên của Phêrô đã làm cho ba ngàn người tin theo và chịu phép rửa (x. Cv 2, 41). Là người đứng đầu, ông Phêrô đi khắp nơi rao giảng Đức Kitô và thăm viếng các hội thánh : “Bấy giờ ông Phêrô rảo khắp nơi, xuống thăm cả dân thánh cư ngụ tại Lốt” (Cv 9, 13).

Giacôbê và Gioan là con ông Dêbêđê, được gọi là “con của thiên lôi” hay “con của sấm sét” vì sự táo bạo của hai anh em này (x. Mc 3, 17; Lc 9, 54). Họ cũng là những kẻ đầy tham vọng khi muốn ngồi bên tả bên hữu đấng Mêsia uy quyền (x. Mt 20, 21 ; Mc 10, 37). Nhưng cả hai đều sẵn sàng uống chén đắng của Đức Giêsu dù họ chưa hiểu gì (x. Mt 20, 22). Cuối cùng, cả hai đều chịu đau khổ vì Chúa Kitô.

Giacôbê là con người của đức cậy. Ông là tông đồ đầu tiên chịu tử đạo, mà các vị tử đạo đặc biệt nêu gương về niềm hy vọng vào Thiên Chúa, Đấng ban cho những kẻ bị bách hại “phần thưởng lớn lao ở trên trời” (Mt 5, 12). Sách Công vụ tông đồ đã chép : “Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan” (x. Cv 12,1-2).

Gioan là môn đệ của tình yêu. Trong tất cả các tông đồ, chỉ có người môn đệ Đức Giêsu thương mến đã dõi theo và ở lại với Thầy trong cuộc khổ nạn cho đến khi Người tắt thở trên thập giá. Ông là người cuối cùng trong Nhóm Mười Hai đã chết sau khi chịu nhiều cực hình và bị lưu đày vì đức tin như chính ông ghi lại trong sách Khải huyền : “Tôi là Gioan, một người anh em của anh em, tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Đức Giêsu. Lúc ấy, tôi đang ở đảo gọi là Pátmô, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giêsu” (Kh 1, 9).

Cầu nguyện

Chúng ta cùng cầu nguyện qua bài Thánh thi lễ Chúa Hiển Dung :

Muôn lạy Ðức Giêsu Cứu Chúa

Là Hào Quang phát tự Hào Quang,

Xin thương ghé mắt dịu dàng

Nhận lời cầu khẩn hát mừng thiết tha.

Dung nhan Chúa vượt xa chính ngọ,

Áo trắng như tuyết phủ non ngàn,

Hiển dung trên đỉnh thiên san

Ðể cho các vị chứng nhân ngắm nhìn.

Này ngôn sứ kề bên môn đệ,

Cựu tân hai thế hệ khác nhau,

Giờ đây ý hợp tâm đầu

Tin Ngài Con Ðấng Tối Cao giáng trần.

Lời Thánh Phụ vang ngân trong gió

Gọi Ngài là Thánh Tử dấu yêu,

Chúng con xưng tụng hòa theo:

Ngài là Vua Cả thiên triều muôn năm.

Xưa đã mặc xác phàm yếu đuối

Cứu loài người thoát khỏi hư vong,

Giờ xin biến đổi chúng con

Thành phần thân thể oai phong của Ngài.

Xin dâng Chúa đôi lời tán tụng

Ôi Giêsu cao cả vinh quang,

Thánh Linh, Thánh Phụ chứng rằng :

Ngài là Thánh Tử Cha hằng yêu thương.

Lm Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng, OP - Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ
Nguồn: tgpsaigon.net

zalo
zalo