Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 170

Bài 15: Lễ Ngũ Tuần và Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

LỄ NGŨ TUẦN
VÀ LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Chúng ta đã có dịp nghe hay đọc các bản văn Kinh Thánh trong đó nhắc đến ngày lễ Ngũ Tuần và ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Chắc hẳn không ít người trong chúng ta đặt câu hỏi : hai ngày lễ này là một hay là hai ? Chúng đánh dấu sự kiện gì ? Và liệu có sự liên đới nào giữa các sự kiện được tưởng niệm không ?

Để trả lời cho những thắc mắc đó, trong buổi học hỏi Kinh Thánh hôm nay, trước hết chúng ta sẽ bàn về nguồn gốc, ý nghĩa cũng như cách thức cử hành của hai ngày lễ Ngũ Tuần và lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét mối dây liên kết hai ngày lễ đặc biệt này.

Lễ Ngũ Tuần

Trước hết, chúng ta bàn về lễ Ngũ Tuần, một đại lễ có nguồn gốc trong Cựu Ước, từ thời ông Môsê.

Tên gọi “lễ Ngũ Tuần” được dịch từ danh từ “pentēkostḗ” trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “thứ năm mươi” ; bởi lẽ ngày lễ này được diễn ra vào ngày thứ năm mươi tính từ lễ Vượt Qua của người Do thái theo quy định được ghi rõ trong sách Lêvi :

Từ hôm sau ngày sa bát, ngày các ngươi đem bó lúa đến để làm nghi thức tiến dâng, các ngươi phải tính bảy tuần, bảy tuần chẵn. Các ngươi phải tính năm mươi ngày cho đến hôm sau ngày sa-bát thứ bảy, và các ngươi sẽ tiến dâng một lễ phẩm mới lên ĐỨC CHÚA” (Lv 23,15-16).

Có thể nói, lễ Ngũ Tuần là lễ hội duy nhất trong Cựu Ước được xác định bằng cách đếm số ngày (50 ngày) và lấy số ngày đó để đặt tên cho ngày lễ. Xin lưu ý, chữ “tuần” trong tên gọi là tiếng Hán Việt, có nghĩa là “mười”, như chữ tuần trong tuổi lục tuần, tức 60 tuổi, chứ không có nghĩa là một tuần lễ 7 ngày.

Trong tiếng Híp ri, lễ Ngũ Tuần được gọi là “ḥaḡ šāḇūʿôṯ” (khag shavuot), có nghĩa là “lễ Các Tuần” (x. Xh 34,22 ; Lv 23,15 ; Ds 28,26 ; Đnl 16,9-12). Ngoài ra, lễ hội còn được gọi là lễ Mùa Gặt (Xh 23,16) vì gắn liền với vụ thu hoạch mùa xuân ; hay “Ngày Hoa Trái Đầu Mùa” theo như cách gọi của tác giả sách Dân số :

Ngày hoa trái đầu mùa, khi dâng tiến ĐỨC CHÚA lễ phẩm mới vào lễ Các Tuần, anh em sẽ phải tập hợp để thờ phượng ĐỨC CHÚA, anh em không được làm một việc nặng nhọc nào” (Ds 28,26).

Truyền thống Do thái giáo hậu thời cử hành lễ Ngũ Tuần còn để tưởng niệm việc Thiên Chúa ban hành giao ước và Lề Luật tại núi Xi Nai, nhờ đó họ trở thành Dân Thiên Chúa (x. Xh 19,1).

Như đã đề cập trên đây, lễ Ngũ Tuần là một trong ba kỳ đại lễ của người Do thái và mỗi đại lễ đó kéo dài trong bảy ngày. Vậy người Do thái cử hành đại lễ này ra sao ?

Sách Đệ nhị luật ghi rõ :

Mỗi năm ba lần, tất cả đàn ông con trai của anh (em) phải đến trình diện ĐỨC CHÚA, ở nơi Người chọn : vào dịp lễ Bánh Không Men, lễ Ngũ Tuần và lễ Lều. Người ta sẽ không đến trình diện ĐỨC CHÚA tay không.

Như vậy, bổn phận trước hết của các nam nhân Do thái trong dịp lễ Ngũ Tuần là phải hành hương về Giêrusalem để trình diện Đức Chúa (x. Xh 34,23 ; 2 Sb 8,13). Vào thời Chúa Giêsu, các kiều bào Do thái ở khắp nơi trong đế quốc Rô-ma cũng tụ họp về Giêrusalem vào dịp lễ Ngũ Tuần để chu toàn Lề Luật.

Song song đó, theo truyền thống Do thái thì ngày lễ Ngũ Tuần là dịp thuận tiện để con cái Israen tạ ơn Thiên Chúa bằng việc dâng những hoa quả đầu mùa và những con vật đầu lòng trong đàn để làm lễ toàn thiêu hay lễ kỳ an (x. Lv 23,18-19). Một số nông sản phổ biến của nền nông nghiệp Do thái thời đó bao gồm : lúa mì, lúa mạch, nho, trái vả, lựu, ô liu và chà là.

Vì “lễ Ngũ Tuần” là lễ mừng sự kết thúc của mùa thu hoạch, nên Lề Luật quy định mọi người Do thái phải nghỉ ngơi và không được làm bất cứ công việc nặng nhọc nào trong suốt kỳ lễ (x. Lv 23,21 ; Ds 28,26). Thay vào đó, họ dành thời gian để nghiên cứu Lề Luật và đọc Sách Thánh, đặc biệt là sách Rút.

Chúng ta vừa tóm lược nguồn gốc và ý nghĩa của Lễ Vượt qua trong Cựu Ước. Bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu ngày lễ quan trọng của Kitô giáo, đó là lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Bản văn sách Công vụ Tông Đồ thuật lại một sự kiện đáng ghi nhớ xảy ra với các tông đồ vào ngày thứ 50 sau biến cố phục sinh của Đức Giêsu :

Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).

Như vậy, bản văn Kinh Thánh cho chúng ta biết biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trên các tông đồ xảy ra đúng vào ngày lễ Ngũ Tuần của người Dothái (x. Cv 2,1-4). Đây không phải là sự trùng hợp tình cờ nhưng nó cho thấy mối dây liên kết đặc biệt của hai biến cố quan trọng này.

Xét về mặt sự kiện

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống được cử hành vào thời điểm 50 ngày sau khi Đức Giêsu Kitô phục sinh tương tự như lễ Ngũ Tuần được cử hành sau ngày sa bát thứ bảy của lễ Vượt Qua trong Cựu Ước. Nếu cuộc phục sinh của Đức Giêsu mang ý nghĩa như một “cuộc vượt qua mới” thì “cuộc vượt qua” đó trùng với ngày mừng Lễ Vượt Qua của dân Israen (x. Mc 14–16 ; Ga 18–20).

Xét về mặt ý nghĩa

Vì có sự tương hợp về mặt sự kiện và thời gian nên lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống trong Tân Ước và lễ Ngũ Tuần trong Cựu Ước có những điểm song song về ý nghĩa.

Trước hết, lễ Ngũ Tuần và việc tuôn tràn Chúa Thánh Thần nhắc nhở và bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa và không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Người. Đây là dịp lễ tạ ơn Thiên Chúa là Đấng trung tín và là Đấng đã cho “Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết là hoa quả đầu mùa của những người đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,20).

Thứ đến, nếu lễ Ngũ Tuần là ngày khai sinh dân Chúa qua giao ước Xi-nai thì lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống có thể xem là lễ khai sinh Hội Thánh (Israen mới). Theo đó, các dân tộc ở tận cùng đế quốc Rôma : Pácthia, Mêđi, Êlam … và cả Rôma, đều được đón nhận Tin Mừng để trở thành một dân mới của Thiên Chúa (x. Cv 2,9-11). Như vậy, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống ở Giê-ru-sa-lem có thể được hiểu như một sự tái lập giao ước của Thiên Chúa. Tuy nhiên, đây không phải chỉ là tái lập giao ước Xinai (x. Xh 24,8) mà còn là một giao ước mới mà ngôn sứ Giêrêmia và ngôn sứ Êdêkien đã loan báo (x. Gr 31,31-34 ; Ed 11,17-20). Giao ước mới đó đã được Đức Giêsu thiết lập trong Bữa Tiệc Ly : “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Qua giao ước mới này, Thiên Chúa đã kêu gọi một dân mới bao gồm cả người Do thái lẫn người dân ngoại (x. Cv 28,28) trở thành một dân thuộc sở hữu của Người. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống làm cho lễ Ngũ Tuần có tầm mức quan trọng và phổ quát hơn.

Cuối cùng, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đã chữa lành những chia rẽ, thù hận và phân tán mà con người vì kiêu căng ngạo mạn đã bị phân tán bởi bất đồng ngôn ngữ như câu chuyện tháp Ba-ben mà sách Sáng thế tường thuật (x. St 11,1-9). Trong “lễ Ngũ Tuần mới”, Thánh Thần đã tuôn đổ ơn thánh để mọi người từ mọi ngôn ngữ, mọi chủng tộc được quy tụ lại với nhau trong Chúa Giêsu Kitô và làm nên một thân thể là Hội Thánh, đồng thời để muôn dân nghe được “những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11) cũng như để Lời Thiên Chúa đã được vang xa khắp cùng thế giới.

Tóm lại, nếu xét biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống như là sự tiếp nối của lễ Ngũ Tuần trong truyền thống Do thái, chúng ta thấy đối tượng và ý nghĩa của ngày lễ này đã có sự thay đổi : trước tiên là lễ tạ ơn mừng mùa thu hoạch, sau đó là lễ tưởng nhớ sự kiện lịch sử của Giao Ước Xi Nai, và cuối cùng trở thành lễ của ơn ban Thần Khí, mở ra một Giao Ước Mới cho nhân loại.

Chúng ta cầu nguyện với Thánh vịnh 51,12-15 :

Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,

đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.

Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,

đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,

và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con ;

đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi,

ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài.

Lm. Inhaxiô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG V

Nguồn: tgpsaigon.net

 

zalo
zalo