Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 216

Bài 27: Người Do Thái Với Người SaMaRi Và Dân Ngoại | Dưới ánh sáng Lời Chúa

NGƯỜI DO THÁI VỚI NGƯỜI SAMARI VÀ DÂN NGOẠI

Đức Giêsu với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacóp

Dẫn nhập

Trong bài Tin Mừng của Chúa nhật XX thường niên năm A, hẳn là độc giả cảm thấy khó hiểu về thái độ của Đức Giêsu đối với người phụ nữ dân ngoại đến xin Người chữa cho con gái của bà đang bị quỷ ám. Lúc đầu Đức Giêsu tỏ ra ghẻ lạnh và phân biệt đối xử khi Người không đáp lời hoặc buông ra những câu kỳ lạ như : Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi” (Mt 15, 24) và “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con” (Mt 15, 26). Nhưng ở cuối câu chuyện, Chúa lại khen bà ấy và chữa lành lập tức cho con gái bà : “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy” (Mt 15, 28).

Hẳn là Đức Giêsu không ghẻ lạnh hay phân biệt đối xử với bất kỳ ai, nhất là những người nghèo hèn, đau khổ. Xem ra Người muốn nhắc nhở các môn đệ và dân chúng về thái độ thù ghét cố hữu giữa người Do Thái với người Samari và dân ngoại. Lời khen tặng và việc chữa lành lập tức cho con gái người phụ nữ Canaan là bài học sống động về tình người và tình huynh đệ giữa mọi người.

Trong bài học hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu những căn cớ của mối tương quan không tốt đẹp giữa người Do Thái với người Samari và dân ngoại.

Các sách Tin Mừng đã nhiều lần nói đến mối tương quan không được tốt đẹp hay thuận thảo giữa người Do Thái với người Samari cũng như dân ngoại. Người Samari và dân ngoại thường bị người Do Thái khinh dể và tránh tiếp xúc (x. Lc 17,17-18). Ngay cả khi sai mười hai tông đồ đi rao giảng, Đức Giêsu cũng ra chỉ thị : “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari” (Mt 10, 5). Tuy nhiên, tác giả sách Tin Mừng thứ tư xem ra tế nhị hơn đối với người Samari, khi kể lại câu chuyện Đức Giêsu xin người phụ nữ Samari nước uống ở bờ giếng Giacóp (x. Ga 4,1-42). Từ những câu chuyện kể trên, chúng ta thử tìm hiểu đôi chút về lịch sử người Do Thái cũng như của người Samari và dân ngoại, được nói đến trong Kinh Thánh liên quan đến sự xuất hiện của họ, và đâu là mối tương quan giữa họ với nhau trong lịch sử của dân Do Thái và chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

I. Người Do Thái

Tiếng Hípri là Giơhuđi (יְהוּדִי) ; (Ιουδαῖοϛ).

Người Do Thái là danh từ chỉ một sắc tộc tôn giáo và cũng là một dân tộc có nguồn gốc từ dân Israel. Dân Israel là con cháu của tổ phụ Giacóp vì ông còn có tên là Israel (x. St 35, 10). Israel theo tiếng Hípri (יִשְׂרָאֵֽל) có nghĩa là “người đấu với Thiên Chúa” (St 32, 29). Ông Israel có mười hai con trai làm thành mười hai chi tộc, và trở thành một dân tộc (x. St 49,1-28). Đó là nguồn gốc của dân Israel là dân được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của Người (x. Đnl 14, 2 ; Xh 19, 5). Thiên Chúa còn lập Giao Ước với dân Israel và Người trở thành “Thiên Chúa của Israel” (x. Is 17, 6 ; Gr 7, 3 ; Ed 8, 4), còn dân Israel trở thành “dân của Thiên Chúa” (x. Is 1, 3 ; Am 7, 8 ; Gr 12, 14). Như vậy, dân Israel không chỉ là một dân thuộc về lịch sử chính trị như các dân tộc khác, mà còn là một dân thánh được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của Người. Dân Israel như là trung tâm của lịch sử thánh, để Thiên Chúa thực hiện ý định cứu rỗi của Người cho toàn thể nhân loại.

Từ một dân tộc, Israel sau đó trở thành vương quốc Israel được thống nhất dưới thời vua Đavít (x. 2 Sm 2, 4 ; 5, 3). Đến thời vua Salômôn, vào khoảng thế kỷ thứ 10 tCN, khi vua Salômôn qua đời, vương quốc Israel liền bị phân tranh (x. 1 V 12, 16). Mười chi tộc hợp thành nước Israel (còn gọi là Épraim hay Samari) ở phía Bắc với kinh đô là Samari, và hai trung tâm phụng tự là Bêthen và Đan (x. 1 V 12,28-31). Còn hai chi tộc Giuđa và Bengiamin làm thành nước Giuđa ở phía Nam với kinh đô và Đền Thờ ở Giêrusalem. Đến năm 721 tCN, nước Israel ở phía Bắc bị đế quốc Átsua xâm chiếm. Sau đó vào năm 587 tCN, nước Giuđa ở phía Nam cũng rơi vào tay đế quốc Babylon và Đền Thờ Giêrusalem bị phá huỷ, còn dân bị đi lưu đày ở Babylon. Ít lâu sau vào năm 538 tCN, đến lượt đế quốc Babylon bị sụp đổ, Kyrô vua đế quốc Ba Tư ra chiếu chỉ cho dân Israel được hồi hương và tái thiết Đền Thờ Giêrusalem ở nước Giuđa. Khi trở về quê hương, họ đã xây dựng lại Đền Thờ Giêrusalem dù gặp nhiều khó khăn và chống đối của dân Samari. Đến thế kỷ thứ 3 tCN, dân Israel lại bị xâu xé bởi các cường quốc Xyri, Ai Cập, Hy Lạp rồi Rôma. Và đến năm 70 sau CN, Đền Thờ Giêrusalem bị phá huỷ, dân Israel rơi vào tay người Rôma và bị người Rôma đàn áp bách hại, khiến họ phải tản mác khắp các xứ sở, nhưng vẫn sống còn và luôn mong đợi Đấng Mêsia đến giải thoát.

Lướt qua lịch sử dân Israel trên đây, có thể nhận thấy danh từ “người Do Thái” được dùng để gọi dân Israel thuộc nước Giuđa ở miền Giuđê phía Nam (x. 2 V 14, 21). Nhưng sau thời lưu đày ở Babylon, thuật ngữ “người Do Thái” được dùng để chỉ tất cả con cháu Giacóp và những ai theo đạo Do Thái (x. Nkm 1, 2 ; 4, 6), vì chỉ những người Israel sống sót sau thời lưu đày (tức là những người trước đó là dân nước Giuđa) mới giữ được danh tính Israel, còn dân nước Israel ở phía Bắc đã bị tứ tán sau cuộc xâm lược của người Átsua năm 721 tCN và bị hoà lẫn với các dân tộc khác. Từ thực tế lịch sử này, sau thời lưu đày, sự xung đột giữa người Do Thái ở Giuđê và người Samari ở vùng Samari bắt đầu xảy ra.

II. Người Samari

Tiếng Hípri là Sômơrôn (שֹׁמְרוֹן) ; tiếng Hy Lạp là Samaritês (Σαμαρῖτης).

Nguồn gốc người Samari gắn liền với lịch sử dân Israel. Theo niên biểu của lịch sử Israel trong Cựu Ước như đã nói trên, năm 721 tCN, nước Israel ở phía Bắc bị đế quốc Átsua xâm chiếm. Vua Átsua là Xác gôn II đã đưa một số dân Israel ở Samari đi lưu đày ở Átsua, và đem các dân ngoại từ các nơi khác đến Samari thế chỗ người Israel (x. 2 V 17, 24). Các dân ngoại này đem theo thần linh của họ, nhưng dần dần họ cũng tôn thờ cả Thiên Chúa của dân Israel ở Samari. Họ từ bỏ tín ngưỡng đa thần của họ và chấp nhận luật Môsê. Trong khi đó, những người dân Israel còn ở lại Samari phải sống chung đụng với các dân ngoại từ các nơi khác đến. Điều này dẫn đến sự lai tạp tôn giáo giữa các dân ngoại với người Israel tại Samari (x. 2 V 17,24-40). Theo thời gian, người Israel tại Samari đã bị pha trộn với các dân ngoại qua hôn nhân, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng từ các tập tục và tôn giáo của dân ngoại, nên không còn là người Israel thuần chủng về mặt huyết thống cũng như không còn thuần khiết về tôn giáo nữa.

Chính nguồn gốc lịch sử này đã dẫn đến sự xung đột giữa người Israel và người Samari sau thời lưu đày. Cụ thể năm 538 tCN, vua Kyrô của đế quốc Ba Tư đánh chiếm Babylon và cho dân Israel được hồi hương về lại Giuđê. Dân Israel đã tổ chức tái thiết tường thành và xây dựng lại Đền Thờ Giêrusalem. Dân Samari muốn được góp phần xây dựng lại Giêrusalem, nhưng người Israel ở Giuđê không chấp nhận, vì cho rằng dân Samari không còn mang dòng máu Israel nguyên tuyền nữa, và xem người Samari là dân ngoại, thế là xung đột không ngừng xảy ra (x. Er 4,1-5). Những xung đột trên đã dẫn đến việc người Samari xây đền thờ của họ trên núi Garidim để thờ phượng Thiên Chúa. Sự kiện này càng đào sâu sự chia rẽ giữa người Israel và người Samari.

Vì những lý do lịch sử trên đây, vào thời Đức Giêsu, người Do Thái không giao tiếp với người Samari và họ thường tránh đi vào vùng đất người Samari (x. Ga 4). Hai bên thường có sự nghi kỵ và xung đột nhau (x. Lc 9,51-53). Giới lãnh đạo Do Thái còn dùng từ “người Samari” để nguyền rủa Đức Giêsu mà chất vấn rằng : “Chúng tôi gọi ông là người Samari và là người bị quỷ ám thì chẳng đúng lắm sao ?” (Ga 8, 48).

Thế nhưng, Tin Mừng Gioan lại kể câu chuyện Đức Giêsu gặp một phụ nữ Samari để xin nước uống và chủ ý bắt chuyện với chị (x. Ga 4,7-9), khiến các môn đệ phải ngạc nhiên (x. Ga 4,27). Cũng vậy, trong Tin Mừng Luca, khi trả lời một thầy thông luật hỏi ai là người thân cận của ông, Đức Giêsu kể một dụ ngôn đề cao một người Samari vì đã đối xử nhân hậu với nạn nhân của kẻ cướp (x. Lc 10,25-37). Và trong câu chuyện mười người phong hủi được Đức Giêsu chữa lành, mà chỉ có một người biết trở lại tạ ơn Đức Giêsu, người đó lại là người Samari (x. Lc 17,11-19).

Trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa không loại trừ người Samari. Bằng chứng là khi sống lại, Chúa Giêsu đã nhắc đến miền Samari khi trao sứ vụ truyền giáo cho các môn đệ (x. Cv 1, 8). Giáo Hội tiên khởi cũng đã đem Tin Mừng đến với người Samari (x. Cv 8,1-8). Khi biết dân Samari đã đón nhận lời Thiên Chúa, ông Phêrô và Gioan đã từ Giêrusalem đích thân đến tận Samari cầu nguyện cho họ để họ lãnh nhận Thánh Thần (x. Cv 8,14-17), nhờ đó sự chia rẽ giữa người Do Thái và người Samari được giảm bớt, và Giáo Hội tại Samari phát triển tốt đẹp (x. Cv 9, 31).

Vậy còn các dân ngoại thì sao, họ có được đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa hay không ? Chúng ta tìm hiểu xem Kinh Thánh nói gì về họ.

III. Dân ngoại

Tiếng Hípri là Gôi (ג֣וֹי) ; tiếng Hy Lạp là Et-nos (ἔθνος).

Đối với người Do Thái, những người không cùng chủng tộc với họ, tức là không phải con cháu tổ phụ Ápraham, thì bị coi là dân ngoại. Trong Cựu Ước, các dân ngoại thường thờ các tượng thần và tà thần (x. Đnl 7,4-6). Họ không nhận biết Thiên Chúa nên bị nguyền rủa (x. Xh 20, 5), bị dân Israel khinh thường và thậm chí coi họ là thù địch. Trong thời chinh phục đất Canaan, sự xung đột và chiến tranh giữa dân Israel và các dân ngoại liên tục xảy ra. Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn loại trừ bất cứ dân nào ra khỏi chương trình cứu độ của Người, như ngôn sứ Isaia đã loan báo, các dân ngoại sẽ nhận biết Thiên Chúa và sẽ tới Giêrusalem để học biết lề luật của Người (x. Is 2,2-4 ; 66,18-21). Vì thế, dân Israel phải trở thành ánh sáng thu hút mọi dân nước đến phụng thờ Thiên Chúa như ngôn sứ Isaia đã loan báo : “… Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49, 6 ; 42, 6 ; 60).

Thế nhưng, đa phần Israel lại khước từ trách nhiệm làm ánh sáng cho dân ngoại. Câu chuyện ngôn sứ Giôna minh hoạ cho thái độ khước từ này, khi ông được sai đến với dân ngoại ở Ninivê để rao giảng và kêu gọi họ sám hối. Vì thành kiến hẹp hòi với dân ngoại, Giôna đã bất tuân lệnh Chúa. Sau khi bị quăng xuống biển và được Chúa cứu, ông mới miễn cưỡng rao giảng cho dân Ni-ni-vê. Ông còn tỏ thái độ bực tức khi Chúa tỏ lòng thương xót và tha thứ cho họ nhờ đã  sám hối (x. Gn 3,10–4, 11).

Kết

Qua vài nét tìm hiểu về nguồn gốc và lịch sử của dân Do Thái, dân Samari và dân ngoại được nói đến trong Kinh Thánh, chúng ta nhận thấy một điều quan trọng, đó là từ muôn đời, Thiên Chúa đã yêu thương tất cả mọi người, không riêng dân Do Thái, dân Samari, mà còn cả các dân ngoại, trong đó có chúng ta, để hết thảy được trở thành con cái của Chúa nhờ Đức Kitô (x. Ep 1,3-14). Người đã “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1 Tm 2,4). Chính vì vậy, Đức Giêsu đã hy sinh chịu chết trên thập giá và đã phục sinh là để cho cả người Do Thái lẫn dân ngoại được phúc lành của ơn cứu độ, như Người đã hứa với tổ phụ Ápraham xưa (x. St 12,2-3 ; Gl 3,6-14). Cái chết của Chúa Giêsu đã hoà giải dân Do Thái với dân ngoại : “Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại thành một ; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” (Ep 2,11-14), để từ nay trong Đức Giêsu Kitô “không còn phải phân biệt Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người” (Cl 3,11).

 Cầu nguyện

Thời cánh chung, núi đền thờ Chúa

đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao,

vươn mình trên hết mọi ngọn đồi.

Dân dân lũ lượt đưa nhau tới,

nước nước dập dìu kéo nhau đi.

Rằng : “Ðến đây, ta cùng lên núi Chúa,

lên đền thờ Thiên Chúa nhà Gia-cóp,

để Người dạy ta biết lối của Người

và bước theo đường Người chỉ vẽ.

Vì từ Xion, thánh luật ban xuống,

từ Giêrusalem, lời Chúa phán truyền.

Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia

và phân xử cho muôn dân tộc.

Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,

rèn giáo mác nên liềm nên hái.

Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,

và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.

Hãy đến đây, nhà Giacóp hỡi,

ta cùng đi, nhờ ánh sáng Chúa soi đường!” (Is 2,2-5)

Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng - Linh mục Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng, OP

Nguồn: tgpsaigon.net

------------------------------------------------------------------------

zalo
zalo