Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 48

Bài 28: Tước hiệu Thiên Sai

TƯỚC HIỆU THIÊN SAI

“Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”

(Mt 16,13-20)

Tin Mừng Chúa nhật 21 Thường Niên năm A mời gọi chúng ta suy nghĩ về cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với các môn đệ, xoay quanh căn tính của Đức Giêsu trong mắt người đương thời. Khi Đức Giêsu hỏi : “Người ta nói Con Người là ai ?”, các môn đệ thưa : “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ.” Riêng ông Phêrô thưa : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 16). Rồi sau đó, Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô. Chúng ta sẽ tìm hiểu khái quát danh tánh các nhân vật đã được Mátthêu đề cập để dẫn đến lời tuyên tín cuối cùng của ông Phêrô : “Thầy là Đấng Kitô.”

Trước hết, “có kẻ bảo Đức Giêsu là Gioan Tẩy Giả”. Tin Mừng Luca 1, 76 cho biết rõ ông “là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, đi trước Chúa, mở lối cho Người, và bảo cho dân Chúa biết : Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên”.

Kế đến “có kẻ bảo Đức Giêsu là ngôn sứ Êlia”. Vị ngôn sứ này được biết đến trong Cựu Ước như “là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa, lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng … Ông đã làm bao việc lạ lùng, ông thật là vinh quang hiển hách ! Ai có thể tự hào được nên giống như ông ? Ông dùng lời của Đấng Tối Cao mà làm cho một kẻ chết trỗi dậy, thoát khỏi tay tử thần và cõi âm ty” (Hc 48,1-5).

Rồi lại “có người bảo Đức Giêsu là ngôn sứ Giêrêmia”, một ngôn sứ đã thi hành sứ mạng trong một bối cảnh rất phức tạp của Israel về mặt tôn giáo, chính trị và xã hội, vào thế kỷ thứ VI trước CN. Ngôn sứ Giêrêmia bị sỉ nhục, chế giễu và bị ngược đãi “vì lời Đức Chúa” (Gr 20, 8), nhưng ông cũng xác tín “lời Chúa cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt” (Gr 20, 9) khiến ông thuyết phục dân chúng hồi tâm trở về, tin tưởng và sống tương quan giao ước với Chúa cách mới mẻ.

Tóm lại, người đương thời so sánh Đức Giêsu với ba vị này không phải không có lý do. Ngay cả khi tất cả những so sánh trên là đúng, thì Đức Giêsu lại còn trổi vượt hơn thế nữa, vì Đức Giêsu là Con Thiên Chúa Tối Cao và là Thiên Chúa thật. Và bởi vì là Thiên Chúa, Đức Giêsu có quyền năng cứu chữa con người khỏi bệnh tật, sự dữ và tử thần. Đức Giêsu chính là Ngôi Lời vĩnh cửu, là Đấng đã thiết lập giao ước mới bằng chính máu mình. Người là Mặc khải trọn vẹn hoàn hảo trong cách tuyên tín của Phêrô : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.

Mời quý ông bà anh chị em tìm hiểu đôi chút về ngữ nghĩa của danh xưng Kitô này.

1. Trong Cựu Ước

Trong bản văn Cựu Ước, hạn từ “Mêsia” là phiên âm đơn giản của từ מָשִׁיחַ = māšîªḥ trong tiếng Hípri, từ này có nghĩa là “được xức dầu”. Thuật ngữ “Đấng Mêsia”, “Đấng được xức dầu” được áp dụng cho những ai đã được tuyển chọn : cho các tư tế như Chúa truyền cho ông Môsê : “Ngươi cũng xức dầu cho Aharon và các con ông ; ngươi sẽ thánh hiến họ làm tư tế phục vụ Ta” (Xh 30, 30) ; xức dầu cho vị thủ lãnh/hoàng tử/vua : Người ta phong vương và xức dầu cho hoàng tử (Salômôn), rồi vỗ tay hô lên : ‘Vạn tuế đức vua !’ (2 V 11, 12) ; xức dầu cho các vua và ngôn sứ : Ông (Êlia) đã xức dầu tấn phong các vua để họ cầm quyền xét xử, và xức dầu cho các ngôn sứ để họ nối nghiệp ông” (Hc 48, 8).

Mỗi người trong dân Israel khi được xức dầu, dù là thủ lãnh, ngôn sứ, thầy tư tế hay vị vua, đều là đại diện của Thiên Chúa, là trung gian của mối tương quan giao ước giữa Thiên Chúa với dân Người.

Như vậy, Đấng Mêsia là “Đấng được xức dầu của Thiên Chúa” hay còn gọi là “Đấng Thiên Sai”. Đây là một nhân vật được trông đợi và hy vọng xuyên suốt thời Cựu Ước. Niềm mong chờ Đấng Thiên Sai nảy sinh từ dân tộc Israel, trước nỗi thất vọng về các vua sau khi được xức dầu tấn phong, lên ngôi trị vì mà không sống xứng đáng hoặc không có khả năng thực hiện vai trò trung gian giữa Thiên Chúa với dân, không hướng dẫn dân chúng sống theo giao ước và giáo huấn Chúa ban tặng, khiến cho toàn dân xa lìa Chúa, sống khốn đốn lầm than dưới ách thống trị ngoại bang. Trong bối cảnh đó, những người nghèo khổ, những người nô lệ trong cảnh lưu đày tha thiết chờ mong Vị Cứu Tinh/Đấng Thiên Sai, với hy vọng rằng vị ấy sẽ thực thi công lý cho họ. Đã có thời kỳ vua Ba Tư là Kyrô được xem như Vị Cứu Tinh vì đã giải phóng dân Do Thái ra khỏi cảnh lưu đày ở Babylon vào thế kỷ VI trước CN. Tuy nhiên, chắc chắn rằng trước thời Kitô giáo, danh hiệu Mêsia được chỉ định một cách chính xác là người thuộc dòng dõi “vua Đavít”, Vị Cứu Tinh người Do Thái hằng mong đợi. Thật thú vị nếu chúng ta thu thập các hình ảnh và ẩn dụ khác nhau ngang qua lời hứa về Đấng Mêsia trong các bản văn Cựu Ước :

Đấng Emmanuen : “Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen” (Is 7, 14). Bất chấp tai hoạ sẽ giáng xuống Israel một ngày nào đó, ngôn sứ Isaia loan báo Đấng “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” sẽ đến, “sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đavít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời” (Is 9, 6).

Chồi non : Đấng Mêsia cũng được biểu thị như một chồi non mọc lên từ gốc rễ Đavít. Hình ảnh này thể hiện ý tưởng về một sự hồi sinh siêu nhiên, một sự tái sinh kỳ diệu : “Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít ; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực” (Gr 33, 15).

Người Tôi Tớ Đau Khổ : Có 4 bài ca về Người Tôi Tớ trong sấm ngôn của ngôn sứ Isaia mà đỉnh điểm là bài ca thứ tư ở chương 52–53. Những bài ca này dựa trên hoàn cảnh lịch sử thời ấy, nhưng hầu hết các nhà bình luận đều xem đó như một lời tiên đoán về cuộc sống, cái chết và sự phục sinh khải hoàn của Đức Giêsu Kitô. Đặc biệt bài ca thứ tư (Is 52, 13–53, 12) đã mô tả một Người Tôi Tớ trọn hảo, người đã thinh lặng gánh lấy hết tất cả tội luỵ thay cho toàn dân Israel : “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca ; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu … Người đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân ; nhưng thật ra, người đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi.

Con Người : Tước hiệu này được đọc thấy trong Đanien 7,13-14 : “Tôi đã thấy trong những thị kiến ban đêm, thì kìa : như một Con Người đang đến cùng với mây trời. Người tiến đến với Vị Kỳ Lão và chúng đem Người tới gần trước vị ấy. Quyền thống trị, vinh dự và vương quyền được trao cho Người ; mọi dân nước và ngôn ngữ đều phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền thống trị muôn đời, và vương quyền của Người sẽ chẳng bị diệt vong.” Theo cách trình bày của Đanien trong dòng văn chương Khải Huyền, thì Con Người cũng là tước hiệu của Đấng Mêsia, vì Đanien diễn đạt niềm hy vọng vào Đấng Thiên Sai của người Do Thái giáo.

2. Trong Tân Ước

Bản văn Tân Ước diễn dịch Mêsia māšîªḥ qua tiếng Hy Lạp bằng từ Χριστὸς = Christos, được phiên âm trong tiếng Việt là Kitô. Danh từ này đã trở thành một danh từ riêng ghép vào danh Giêsu, mà chúng ta thường đọc thấy trong Tân Ước : Đức Giêsu Kitô, dịch sát nghĩa danh này là “Đấng được xức dầu, Đấng cứu thoát”. Tuy nhiên, nhiều người đã không nhìn nhận Chúa Giêsu như vậy, nhất là khi Người chịu chết trên thập giá.

Tin Mừng Mátthêu cho thấy, người đương thời với Đức Giêsu đã đưa ra các nhân vật nổi trội trong Cựu Ước như ngôn sứ Êlia, Giêrêmia, Gioan Tẩy Giả để gán cho Đức Giêsu, nhưng trong thực tế, thay mặt cho các môn đệ khác, khi ông Simôn Phêrô xác quyết : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, chúng ta thấy chỉ có danh hiệu Đấng Kitô là vượt trội so với những danh hiệu nổi bật đã được kể ra. Và Đức Giêsu đã nói : “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” Sau đó, Đức Giêsu ra lệnh cho các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô.

Danh xưng Kitô quả là một mầu nhiệm kín ẩn và các môn đệ chỉ hiểu thấu trong cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giêsu và làm chứng cách sống động trong lời rao giảng tiên khởi Kerygma : “Thưa đồng bào Israel, xin nghe những lời sau đây. Đức Giêsu Nadarét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mạng của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em … Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi ... Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại ; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên” như trong Thánh vịnh đã ghi chép : “Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con.” Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này : Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,22-36).

Như vậy, những hình ảnh ám chỉ khác nhau trong Cựu Ước như Chồi Non, Đấng Emmanuen, Người Tôi Tớ đau khổ, Con Người đến trong vinh quang, là những hình ảnh báo trước ơn cứu thoát mà Đấng được xức dầu thực hiện và hoàn tất nơi chính Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa. Ngay phần mở đầu Tin Mừng, thánh Máccô đã không ngần ngại khẳng định “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1, 1). Và thánh Mátthêu cũng xác quyết : “Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Ápraham.” Rồi vài dòng sau đó : “Như thế, tính chung lại thì : từ tổ phụ Ápraham đến vua Đavít, là mười bốn đời ; từ vua Đavít đến thời lưu đày ở Babylon, là mười bốn đời ; và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời.” Mátthêu còn xác định : “bà Maria là mẹ của Đức Giêsu, cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,1-17).

Trong các Tin Mừng, Đức Giêsu chỉ thật sự xác định chính mình là Đấng Kitô trong vài trường hợp :

- sau lời tuyên xưng đức tin của Phê-rô : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, thì Người “cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Kitô” (Mt 16, 16 ; Mc 8, 29) ;

- sau lời của người phụ nữ Samari nói bên bờ giếng Giacóp : “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Và Đức Giêsu nói : “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (Ga 4,25-26) ;

- sau vụ bắt giữ Đức Giêsu trong Vườn Cây Dầu, vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Đức Giêsu : “Ông không nói lại được một lời sao ? Mấy người này tố cáo ông gì đó ?” Nhưng Đức Giêsu vẫn làm thinh, không đáp một tiếng. Vị thượng tế lại hỏi Người : “Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng đáng chúc tụng không ?” Đức Giêsu trả lời : “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến …” (Mc 14,60-62).

Niềm hy vọng về Đấng Thiên Sai đã được Thiên Chúa thực hiện cho dân Israel qua sự xuất hiện của Đức Kitô Giêsu và Nước Thiên Chúa giữa thế gian. Niềm hy vọng về Đấng Thiên Sai đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ con người, và chính Thiên Chúa đã tỏ rõ trong việc hoàn thành kế hoạch cứu độ con người nơi Đức Kitô Giêsu, Đấng sẽ mãi mãi là niềm hy vọng cho cả thế giới.

Hôm nay, mỗi người Kitô hữu chúng ta cần xác tín rằng : Chúa Giê-su chính là Đấng Kitô/Mêsia đích thực duy nhất vì Người đã hoàn thành sứ mạng của Chúa Cha cách hoàn hảo. Tuy nhiên, Chúa Kitô Giêsu không phải là một vị vua khải hoàn thống trị theo kiểu phàm nhân mong đợi, Người hiển trị muôn dân muôn nước trên toàn cõi địa cầu chỉ bằng tình thương và lòng thành tín, bằng lòng khoan dung và tha thứ không ngừng, để cuối cùng tội lỗi và sự dữ không còn lộng hành trong vương quốc yêu thương của Người.

Thường chúng ta hay đặt câu hỏi : Tại sao người Do Thái không tin Đức Kitô Giêsu đang khi họ chờ đợi Vị Cứu Tinh ? Theo người Do Thái giáo, Vị Cứu Tinh thật sự phải đáp ứng các tiêu chuẩn : xuất thân từ dòng dõi vua Đavít, phải là vị vua mang lại hoà bình trên toàn cõi đất, quy tụ được tất cả những người Do Thái trở về miền đất Israel, xây dựng lại đền thờ Giêrusalem, làm cho nhân loại chỉ tôn thờ kính tin một Thiên Chúa. Vì Chúa Giêsu không đáp ứng tất cả những yêu cầu này, nên người Do Thái khó chấp nhận Đức Giêsu như là Đấng Mêsia.

Hôm nay, chúng ta hãy tự chất vấn : “Đối với tôi, Chúa Kitô Giêsu là ai ?” Hãy dành thời gian gẫm suy trong thinh lặng để trả lời, để nhận thức được những giới hạn hoặc những hình ảnh sai lầm tôi đã có về Người. Chúa Thánh Thần đã ban ân sủng cho ông Phêrô và người phụ nữ Samari để họ nhận ra Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai, nghĩa là Đấng Kitô, Đấng cứu thoát. Chúa Thánh Thần cũng muốn ban dư đầy ân phúc ấy cho mỗi chúng ta, để chúng ta được cứu thoát. Ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, bí tích Thêm Sức, chúng ta đã được xức dầu. Việc xức dầu này làm cho mỗi người tín hữu nên giống với Chúa Giêsu Kitô “tư tế-ngôn sứ và vua”, cho phép chúng ta tham gia vào sứ mạng loan truyền ơn cứu thoát của Người đến tận cùng cõi đất.

3. Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng Thiên Sai, là Vua muôn vua, là Chúa các chúa, là Thánh Tử Hằng Hữu, được sinh ra chứ không phải được tạo thành : chúng con chúc tụng Chúa !

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Thượng tế của Giao Ước Mới, là Thẩm Phán sẽ ngự đến xét xử trần gian, là Con Người được siêu thăng cõi trời vinh hiển : chúng con ngợi khen Chúa !

Xin Chúa thương dạy chúng con luôn biết tin tưởng vững vàng, giữ lòng cậy dựa sắt son để được hưởng nhờ ơn cứu thoát và sự sống đời đời. Amen.

Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Nữ tu Maria Lê Thị Thanh Nga

Nguồn: tgpsaigon.net

----------------------------------------------------------------------------

 

 

zalo
zalo