Ngày tháng: 09/11/2024
Đang truy cập: 17

Bài 3: Núi - Một biểu tượng Kinh Thánh

NÚI - MỘT BIỂU TƯỢNG KINH THÁNH

Các bản văn Kinh Thánh được hình thành tại vùng Cận Đông cổ, gắn liền với lịch sử và địa lý của nó. Có thể nói rằng địa lý là môi trường sống, còn lịch sử là cách con người thích nghi để tồn tại và phát triển. Đề cập đến yếu tố địa lý trong Kinh Thánh, chúng ta không chỉ hình dung đến những sa mạc hay hoang địa khô cằn, nắng cháy mà còn kể đến biển cả, sông suối, núi đồi, đồng bằng v.v. hoặc mang ý nghĩa biểu tượng, hoặc là nơi ghi dấu những sự kiện hay những câu chuyện về mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa.

Trong buổi học hỏi Kinh Thánh hôm nay, chúng ta tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng của “núi” vốn là một yếu tố địa lý gắn liền với nhiều câu chuyện trong Kinh Thánh, cụ thể là trình thuật Chúa Hiển Dung của Chúa nhật II Mùa Chay này.

Trước hết, thưa anh chị em, biểu tượng núi được tìm thấy trong nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, được xem là biểu tượng của sức mạnh, của quyền lực và của sự ổn định. Núi cũng thường được coi là nơi trú ẩn, hoặc là rào cản ngăn cách giữa thế giới này và thế giới khác.

Thật vậy, xét về cấu tạo địa lý và dáng vẻ bên ngoài thì núi là yếu tố tự nhiên nổi bật vì núi vươn cao lên trời, trổi cao trên đất và phân rẽ các khu vực trên mặt đất. Do đó quan niệm dân gian thường cho rằng đỉnh núi là thế giới của thần linh, chẳng hạn như đỉnh núi Olympia trong thần thoại Hy lạp, hay đỉnh núi Kailash ở Tây Tạng được tín đồ Ấn Giáo xem là nơi trú ngụ của thần Shiva... Vì thế, khi một người “lên núi” cũng hiểu là người đó đang đi lên cao và đang đến gần với các thần linh của mình.

Ngoài ra, núi cũng được xem là nơi trú ẩn an toàn vì núi cao luôn ở thế đối nghịch với vực thẳm. Nếu vực thẳm thuộc về bóng tối và là nơi ẩn nấp của những con quái vật, thì núi thuộc về ánh sáng, là nơi các thần ngự trị và là biểu tượng sức mạnh siêu phàm (điều này cũng được trình bày qua câu chuyện Sơn Tinh-Thủy Tinh trong kho tàng cổ tích Việt Nam).

Tất cả những quan niệm về núi như thế cách nào đó cũng được diễn tả trong Kinh Thánh. Một cách cụ thể, núi được xem là nơi mà con người đến gần hơn Thiên Chúa, đồng thời cũng là nơi mà Thiên Chúa thường tỏ mình ra cho con người. Điều này được trình bày qua nhiều câu chuyện trong Kinh Thánh:

[1] chuyện tổ phụ Ápraham đem Ixaác lên núi để sát tế dâng Thiên Chúa. Núi này sau được gọi là “núi Đức Chúa sẽ liệu” vì Người đã liệu cho ông một con cừu mắc sừng trong bụi cây làm của lễ thay cho Ixaác (x. St 22,14).

[2] chuyện ông Môsê lên núi Xinai gặp Đức Chúa và nhận Thập Điểu (x. Xh 19).

[3] chuyện ngôn sứ Êlia gặp gỡ Đức Chúa trên núi Khôrếp (x. 1 V 19,12tt)

[4] chuyện Đức Giêsu Hiển Dung trên núi Tabo (x. Mt 17,2; Mc 9,2; Lc 9,28).

[5] chuyện Đức Giêsu chịu đóng đinh trên Núi Sọ (x. Mt 27,33; Mc 15,22; Lc 23,33; Ga 19,17).

Hơn nữa, núi còn tượng trưng cho Thiên Chúa là nơi nương ẩn, là sức mạnh chở che cho những ai tin cậy vào Người:

ĐỨC CHÚA vạn vạn tuế!

chúc tụng Người là núi đá cho tôi trú ẩn.

Tôn vinh Thiên Chúa là núi đá độ trì tôi.

(2 Sm 22,47)

Lạy ĐỨC CHÚA là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con;

lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn.

(Tv 18,3)

Thực tế, Kinh Thánh đề cập đến rất nhiều ngọn núi như: núi Ararát, nơi chiếc tàu của gia đình ông Nôê đậu lại sau Hồng Thuỷ (x. St 8,4). Núi Gơrdim, nơi dân Ítraen công bố phúc lành sau khi chiếm thành Ai (x. Đnl 11,29; Gs 8,33). Núi Nơvô ở đất Môáp, nơi ông Môsê đứng trông về Đất Hứa trước khi ông qua đời (x. Đnl 32,49; 34,1). Núi Cácmen, nơi ngôn sứ Êlia đấu với các ngôn sứ thờ Baan và Asêra (x. 1 V 18,16-46; 2 V 2,25). Núi Ôliu, nơi Đức Giêsu cầu nguyện trước khi bước vào Cuộc Thương Khó (x. Lc 22,39), và cũng là nơi Người lên trời (x. Cv 1,9-12)...

Dù vậy, trong số núi non mà Kinh Thánh đề cập, núi Xinai và núi Xion được xem là đặc biệt quan trọng. Hai núi này quan trọng không phải vì độ cao hay sự hùng vĩ, nhưng vì chúng gắn liền với mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân của Người.

Thật vậy, chính tại núi Xinai, ông Môsê đã nhận được Mười Điều Răn, qua đó Thiên Chúa thiết lập giao ước với dân Ítraen, để “dân là dân của Thiên Chúa, và Thiên Chúa là Thiên Chúa của dân” (Xh 19,24). Núi Xinai cũng là nơi Thiên Chúa nhiều lần tỏ mình ra trò chuyện với ông Môsê cũng như với dân Ítraen (Xh 19,2-3.11; 24,9; 19,16.18).

Trong khi đó, núi Xion cũng được gọi là Núi Thánh, là nơi Chúa ngự như lời ca ngợi trong Sách Thánh:

Núi thánh Người thật nguy nga hùng vĩ,
là niềm vui cho toàn thể địa cầu.
Núi Xion, bồng lai cực bắc,
là kinh thành của Đức Đại Vương.

(Tv 48,3)

Hoặc:

“Đến đây, ta cùng lên núi CHÚA,
lên Nhà Thiên Chúa của Giacóp,
để Người dạy ta biết lối của Người
và bước theo đường Người chỉ vẽ.”

(Mk 1,2)

Hoặc:

Càng tiến lên, họ càng mạnh bước,
đến chiêm ngưỡng Chúa Trời,
ngự trên núi Xion.

(Tv 84,8)

Tóm lại, thưa anh chị em, trong Kinh Thánh núi không chỉ là một yếu tố địa lý đơn thuần mà núi còn là không gian linh thánh, nơi Thiên Chúa tỏ mình cho con người, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa, và nơi Người cư ngụ. Vì thế, trong tâm tình của Mùa Chay Thánh, mỗi người cũng được mời gọi “lên núi”, tức là đi vào “không gian linh thánh” trong tâm hồn, trong gia đình, nơi công sở, chỗ chúng ta hiện diện, để chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe lời Người chỉ dẫn, nhờ đó một ngày kia tất cả chúng ta cũng được vĩnh viễn ở cùng Thiên Chúa trên Núi Thánh của Người.

Cầu nguyện với Thánh Vịnh

Con yêu mến Ngài, lạy CHÚA là sức mạnh của con;
lạy CHÚA là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con;
lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn,
là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.
Tôi kêu cầu CHÚA là Đấng xứng muôn lời ngợi khen,
và tôi được cứu thoát khỏi quân thù.
Sóng tử thần dồn dập chung quanh,
thác diệt vong làm tôi kinh hãi,
màng lưới âm ty bủa vây tứ phía,
bẫy tử thần ập xuống trên tôi.
Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu CHÚA,
kêu lên Người là Thiên Chúa của tôi.
Từ thánh điện, Người đã nghe tiếng tôi cầu cứu,
lời tôi khấn nguyện vọng đến tai Người.

(Tv 18,2-7)

 

Lm. Inhaxiô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện TGP. Sài Gòn và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

(Nguồn: tgpsaigon.net)

zalo
zalo