Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 230

Bài 30: Tình huynh đệ trong cộng đoàn Hội Thánh

Đoạn Tin Mừng đọc trong Chúa nhật XXIII Thường niên tới (Mt 18, 15-20) trích từ bài giảng thứ tư của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu và được gọi là “bài giảng về đời sống Hội Thánh” (Mt 18, 1-35).

Trong bài học hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu về tình huynh đệ trong cộng đoàn Hội Thánh trước khi nói đến việc sửa lỗi huynh đệ như được nói đến trong bài Tin Mừng.

I. Tình huynh đệ trong Hội Thánh

Hạn từ “anh em” (huynh đệ) trong tiếng Híp Ri là “ăkh” (אָח) và trong tiếng Hy Lạp là “adelphos” (ἀδελφος)] đều nhằm chỉ đến tình huynh đệ theo huyết thống của những người cùng một mẹ sinh ra, như hai anh em Cain và Aben (x. St 4,2). Bên cạnh đó, từ ngữ “anh em” này còn được dùng để chỉ đến những người cùng gia tộc (St 13,8 ; Lv 10,4), cùng chi tộc (x. 2 Sm 19, 12-13), hay cùng dân tộc (x. Đnl 25,3 ; Ed 18,18). Ngoài ra, từ ngữ “anh em” cũng được dùng để chỉ đến mối tương quan giữa các dân cùng tổ tiên như dân Ê-đôm là dòng dõi Êxau và dân Israel thuộc dòng dõi Gia Cóp (x. Đnl 2,4 ; Am 1,11).

Tuy nhiên từ ngữ “anh em” trong Kinh Thánh không chỉ giới hạn ở tình huynh đệ theo huyết thống, mà Kinh Thánh còn sử dụng từ “anh em” để chỉ đến tương quan giữa những người quí mến nhau (x. 2 Sm 1,26), giữa những người cùng phục vụ một công việc chung (2 Sb 31,15), giữa những người bạn (x. G 6,15)… Chúa Giêsu cũng thường gọi các môn đệ là “anh em” (Mt 23,8), và Chúa khẳng định những ai thi hành ý Chúa Cha đều là anh em của Ngài (Mt 12,50). Song song đó từ ngữ “anh em” cũng dùng để chỉ những người cùng một đức tin trong Hội Thánh (x. Cv 11,29 ; 1 Cr 5,11), chẳng hạn như thánh Phaolô gọi các cộng sự viên của ngài là “người anh em” (1 Cr 1,1 ; 2 Cr  1,1).

Tóm lại, hạn từ “anh em” được các Kitô hữu tiên khởi sử dụng để diễn tả tình yêu huynh đệ dành cho nhau trong Đức Kitô, và từ ngữ “anh em” được sử dụng rộng rãi nhằm trình bày tình yêu và tình huynh đệ trong vương quốc của Chúa qua mọi thời. Và đó cũng là đặc tính để nhận biết các cộng đoàn Kitô giáo thời sơ khai :

Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau (Ga 13,35).

II. Cộng đoàn Hội Thánh

Sau khi dùng một loạt dụ ngôn để giúp các môn đệ lãnh hội mầu nhiệm Nước Trời (Mt 13,1-52), Chúa Giêsu bắt đầu thiết lập Hội Thánh (Mt 16, 16-18), và Hội Thánh đó chính là cộng đoàn những người được chọn từ giữa thế gian (x. Ga 15,19), nhưng không thuộc về thế gian (x. Ga 17, 14-16). Và Chúa Giêsu  cho biết Hội Thánh ấy sẽ phát triển không ngừng trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên để Hội Thánh đạt được điều đó, Chúa Giêsu đã đưa ra những nguyên tắc về “đời sống trong cộng đoàn Hội Thánh” mà người môn đệ phải tuân theo (Mt 18, 1-35), trong đó có nguyên tắc [1] “sửa lỗi người anh em” và [2] “cầu nguyện chung”.

1. Việc sửa lỗi anh em (Mt 18, 15-18)

Các câu 15-18 của bài giảng về Hội Thánh như một khuôn mẫu được đề ra nhằm trả lời cho câu hỏi : “Nên làm gì với những người có tội ?” Vấn đề này cũng được thánh Luca đề cập, nhưng mang tính nghiêm khắc hơn (x. Lc 17,4). Theo thánh Mátthêu, cách cư xử với người phạm lỗi trong cộng đoàn Hội Thánh được gợi hứng từ lòng thương xót và mang tính tiệm tiến. Theo đó, người môn đệ phải thực hiện theo ba bước : [1] đi sửa lỗi với riêng người ấy ; [2] đi cùng với hai hoặc ba nhân chứng, và [3] đi thưa với Hội Thánh.

a. Đi sửa lỗi với riêng người ấy (câu 15)

Câu 15a :“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.

Tội được đề cập ở đây chắc chắn là một tội công khai, chứ không chỉ đơn giản là một xúc phạm cá nhân, vì có một vài thủ bản thêm “chống lại anh” (εἰς ϭε) có lẽ do ảnh hưởng của Lc 17,4 và cũng để hài hoà với câu hỏi của thánh Phêrô ở câu 21: “Nếu anh em con xúc phạm đến con…”.

Sửa lỗi động từ Hy Lạp elenkhô [ἐλεγχω] có nhiều nghĩa : sửa lỗi, khiển trách (x. Lc 3,19 ; Ga 3,20 ; 1 Tm 5,20), làm cho rõ, chứng minh (x. Ga 8,46) ; răn bảo (x. Kh 3,19) v.v… và bản Bảy Mươi (LXX) đã dùng từ này để dịch câu Lv 19,17:

Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó (Lv 19,17).

Câu 15b “Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em”.

Từ chinh phục do động từ kerđainô (κερδαινω) còn có nghĩa là “được lợi”, “sinh lợi”. Đây là một thuật ngữ của Hội Thánh tiên khởi : tất cả việc sửa lỗi huynh đệ này nhằm mục đích, để “thu phục” anh em (x. 1 Cr 9,19-21) chứ không phải để “đánh mất anh em”. Đó chính là ý muốn của Chúa Cha trong câu trước đó :

Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất (c.14),

Và cũng là điều mà Chúa đã nói qua miệng ngôn sứ Êdêkien :

Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống (Ed 33,11).

b. Đi với hai hay ba nhân chứng (câu 16)

Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.

Bước thứ hai này dựa theo tinh thần trong sách Đệ nhị luật 19,15 :

Phải căn cứ vào lời của hai nhân chứng hay căn cứ vào lời của ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét (19,15).

Trong cả hai câu vừa nêu ra, từ được giải quyết (Mt 18,16) và được cứu xét (Đnl 19,15) đều dịch từ một động từ Híp Ri và Hy Lạp có nghĩa là vững vàng, chắc chắn, đứng vững, kiên cố hay củng cố.

Trong ngữ cảnh của đoạn văn Tin Mừng, việc có thêm hai hay ba người không chỉ mang tính pháp lý, mà còn để có thêm người góp phần khuyên nhủ theo tình huynh đệ, để người phạm lỗi được cảm thông và can đảm trở về.

c. Thưa với Hội Thánh (câu 17)

Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

Từ “Hội Thánh” (ekklêsia [ἐκκλησία]) chỉ được đề cập hai lần trong Tin Mừng Mátthêu : ở đây (Mt 18,17) và ở Mt 16,18 khi Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh trên Đá Tảng Phêrô; dù vậy có lẽ từ “Hội Thánh” ở đây chỉ đến một cộng đồng Kitô hữu địa phương.

Vì có thể xảy ra trường hợp người phạm lỗi không chịu tiếp nhận bất kỳ sự sửa lỗi nào (kể cả riêng tư cũng như công khai), thì trường hợp đó có thể đi đến việc Hội Thánh quyết định xem người đó “như một người ngoại hay một người thu thuế” (c. 17b), tức là “rút phép thông công”. Và hành động ra “vạ tuyệt thông” này đã được Chúa Giêsu trao cho Nhóm Mười Hai :

Dưới đất, anh em ràng buộc … trên trời cũng ràng buộc ; anh em tháo cởi, trên trời cũng tháo cởi (c. 18).

Theo truyền thống rápbi, “cầm buộc” có nghĩa là “cấm”, còn “tháo cởi” là “cho phép”, nhưng theo nghĩa của Tin Mừng ở đây thì “cầm buộc” có nghĩa là “rút phép thông công”, còn “tháo cởi” là  “tha thứ” (so sánh Ga 20,23 ).

Tuy nhiên, có lẽ nên hiểu hình phạt “rút phép thông công” ở đây không có nghĩa là để loại trừ vĩnh viễn, nhưng nhằm răn đe để khơi gợi khả năng hối cải của tội nhân vì sức mạnh đích thực mà Chúa ban cho Hội Thánh của Người là bí tích của sự tha thứ, theo đó “tháo cởi” thì tốt hơn là “cầm buộc”.

2. Cầu nguyện chung (Mt 18, 19-20)

Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.

Ngay cả khi mọi cách đều trở nên vô hiệu, thì vẫn còn một điều nữa chúng ta có thể làm cho tội nhân, đó chính là cầu nguyện.

Các câu 19-20 nói về việc cầu nguyện chung, đây không phải việc ngẫu nhiên mà phải đặt trong tương quan với điều trước đó, tức là cc. 15-18 về việc phải làm khi một người anh em phạm lỗi, cùng với việc người ấy không chịu hối cải, thì điều có thể làm và phải làm luôn luôn và bằng mọi cách, đó là “hợp ý cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu”, vì đó chính là cách giải quyết hiệu quả nhất. Bởi vì, khi có sự đồng tâm nhất trí trong cầu nguyện, thì Chúa Cha, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho, vì có Chúa Giêsu hiện diện ở giữa cộng đồng (c. 20).

Kết luận

Việc sửa lỗi anh em trong cộng đồng không phải việc dễ dàng. Việc này đòi hỏi phải khôn ngoan, tinh tế, thiện chí và can đảm. Kinh Thánh kể lại trường hợp vua Đavít phạm tội, sau đó ngôn sứ Nathan được Chúa sai đến để giúp vua nhận ra tội vua đã phạm. Vị ngôn sứ đã mở đầu bằng một ngụ ngôn, rồi sau đó đã cho nhà vua biết tội của mình và chính vua phải thốt lên : “Tôi đắc tội với Đức Chúa” và vua Đavít đã ăn năn sám hối. Kết quả là Đức Chúa đã bỏ qua tội của nhà vua (x. 2 Sm 12, 1-15).

Mỗi chúng ta, thưa quý ông bà và anh chị em, trong nhiều trường hợp, chúng ta cũng là những tội nhân và chúng ta cần sự tha thứ. Vậy, chúng ta cũng mượn lời vua Đavít qua Thánh vịnh 51 (50) để cầu nguyện kết thúc bài học hôm nay :

Lạy Thiên Chúa,

xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,

mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm,

tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Amen.

Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng  vụ - Lm Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP

Nguồn: tgpsaigon.net


zalo
zalo