Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 224

Bài 31: Có phải bảy lần không?

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 24 Thường Niên năm A hôm nay, chúng ta được thấy rõ tính tình bộc trực của thánh Phêrô qua cách người thưa chuyện với Đức Giêsu : “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ?

Thánh Phêrô hỏi mà như thể chính người đã có sẵn đáp án. Thánh nhân đang đợi cái gật đầu và lời tán thành của Đức Giêsu về con số 7 giàu tính biểu tượng trong truyền thống Sách Thánh. Như chúng ta đã biết, khi trả lời cho thánh Phêrô, dù không trùng quan điểm, nhưng Đức Giêsu cũng không xoá bỏ con số 7 trong đáp án của Người. Trái lại, Đức Giêsu đã tăng bội con số 7 này lên nhiều lần để nhấn mạnh rằng, việc tha thứ không hạn định là đặc trưng của những người con cái Chúa.

Nhân đây, tôi sẽ cùng với anh chị em, chúng ta tìm hiểu thêm về một số điểm liên quan đến con số 7 và những con số khác nữa trong Bài Tin Mừng của Chúa Nhật 24 Thường Niên, liên quan đến chủ đề tha thứ như số 3, số 7, rồi 70 lần 7, hay 10 ngàn yến vàng, và 100 đồng bạc.

Thứ nhất, sở dĩ thánh Phêrô có vẻ tự tin mà đưa ra lời đề nghị “tha đến bảy lần” là vì các Rápbi thường dạy người ta phải sẵn lòng tha thứ cho nhau. Có những vị dạy người ta phải tha thứ cho anh em mình tối đa ba lần. Ví dụ như Rápbi Giôxếp ben Khamina. Ông nói rằng : “Khi người láng giềng xin anh tha thứ, thì anh không được tha quá ba lần.” Còn Rápbi Giôxếp ben Giơhuđa thì bảo : “Nếu có ai đó xúc phạm đến anh lần thứ nhất, hãy tha cho người ấy ; Nếu người ấy xúc phạm đến anh lần thứ hai, cũng hãy tha cho người ấy ; Nếu người ấy ngoan cố xúc phạm đến anh lần thứ ba, thì vẫn phải tha cho người ấy ; Trường hợp người ấy xúc phạm lần thứ tư, thì đừng tha nữa !”

Thưa anh chị em,

Những quan điểm mà chúng ta vừa nhắc lại ở trên hoàn toàn trùng với ý tưởng có trong sách ngôn sứ Amốt. Trong những chương đầu tiên của sách này, chúng ta đọc được một loạt những lời tố cáo mà vị ngôn sứ lập đi lập lại : “vì ba tội … và vì bốn tội …” (Am 1, 3.6.9.11.13 ; 2, 1.4.6). Ý nghĩa của kiểu nói này hàm ý rằng, Thiên Chúa sẽ tha cho dân này hay nước khác ba lần phản nghịch. Còn đến lần thứ bốn, Thiên Chúa sẽ đến để sửa trị họ. Như vậy, nếu người ta biết tha thứ cho nhau những ba lần, thì đã là rộng lượng như cách Thiên Chúa thể hiện trong sách ngôn sứ rồi.

Thứ hai, chúng ta thấy trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, thánh Phêrô có một bước tiến dài trong cái nhìn về việc tha thứ, giao hoà với người anh em xúc phạm đến mình. Có lẽ, thánh Phêrô đã lấy con số 3 vốn được sách Ngôn Sứ hay cách giảng giải của các Rápbi sau này rồi nhân đôi lên, để có được sáu lần tha thứ. Hơn thế nữa, thánh nhân cũng tự tin đề nghị phải tha thêm một lần nữa, nghĩa là vượt của con số 6 bất túc để đạt tới việc tha thứ đến bảy lần, con số 7 tròn đầy theo cách hiểu trong văn hoá Do Thái. Tuy nhiên, nói về việc tha thứ, đáp án của Đức Giêsu là phải làm tròn đầy sự tròn đầy. Tha thứ đến “bảy mươi lần bảy” nghĩa là tha thứ không giới hạn.

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Câu chuyện liên quan đến con số những lần tha thứ còn được Đức Giêsu cảnh báo bằng dụ ngôn về một người mắc nợ không biết xót thương. Trong dụ ngôn này, chúng ta lại bắt gặp những con số có thể khiến chúng ta phải nặng lòng suy nghĩ và quyết tâm sống tử tế hơn với nhau.

Dụ ngôn cho chúng ta biết người đầy tớ thứ nhất mắc nợ ông chủ của anh mười ngàn yến vàng.

Một yến hay nén vàng (talentôn / τάλαντον) thời xưa nặng khoảng 28-36kg, có giá sáu ngàn quan tiền, tương đương với tiền lương của sáu ngàn ngày công.

Một số nhà chú giải đã thử quy đổi và cho biết một yến vàng có giá trị khoảng một tỉ Việt Nam Đồng của chúng ta hôm nay. Vị chi, mười ngàn yến vàng sẽ có giá trị khoảng chừng mười ngàn tỉ đồng, tức một khoản nợ quá lớn đối với một người đầy tớ của vua hay một người lao công trong dinh tổng thống ! Người ta cũng ước tính được con số ngân quỹ của một tỉnh thành hạng trung của đế quốc La Mã thời xưa cũng chưa tới mười ngàn yến vàng. Chẳng hạn như thu nhập tổng cộng của tỉnh thành gồm chứa lãnh thổ xứ Iđumê, miền Giuđê và Samari cũng chỉ khoảng sáu trăm yến vàng, tức khoảng sáu trăm tỉ đồng. Còn thu nhập tổng cộng của tỉnh thành trù phú như đất Galilê cũng chỉ có ba trăm yến vàng, tức khoảng ba trăm tỉ đồng. Ấy là chưa kể, con số mười ngàn yến vàng còn lớn hơn cả số của cải của một tiểu vương có thể lo lót để được hưởng đặc quyền đặc lợi nào đó.

Trong khi đó, số tiền mà người đầy tớ thứ hai mắc nợ người thứ nhất chỉ là một khoản tiền rất nhỏ. Dụ ngôn cho biết con số chỉ là một trăm quan tiền.

Một quan tiền Rôma (đenarion / δηνάριον) tương đương với tiền công của một người làm trong một ngày. Ví dụ như trong dụ ngôn Thợ làm vườn nho, những người được thuê đã nhận tiền công nhật của họ là một quan (x. Mt 20, 1-16).

Như vậy, 100 quan tiền tương đương với 100 ngày công, tính ra chưa tới hai mươi triệu Việt nam đồng. Và như thế nó chỉ là khoản nợ nhỏ hơn những năm, sáu trăm ngàn lần khoản nợ mà người đầy tớ thứ nhất mang nợ nhà vua.

Chúa Giêsu có ý làm nổi bật sự khác biệt giữa hai món nợ và hai thái độ để cho thấy lòng nhân từ quảng đại của Thiên Chúa và sự vô lý của lòng dạ con người khi không sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác. Điều cần lưu ý là : trong dụ ngôn này, lý do thúc đẩy ta tha thứ cho anh em chính là tình thương hải hà của Thiên Chúa đối với chúng ta, chứ không phải vì anh em biết điều mà xin lỗi, cũng chẳng phải vì chúng ta cao thượng hay nhân đức không chấp nhặt lỗi lầm của họ.

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Học hỏi Lời Chúa tuần này, chúng ta dừng lại đôi chút ở những con số mà Tin Mừng gợi ra hay những nhà chú giải Kinh Thánh đã tìm hiểu, để cùng nhắc nhớ nhau một điều vô cùng quan trọng trong đời sống đức tin của mình. Đó là, tình thương và lòng nhân hậu của Chúa chúng ta là điều không thể đong đếm được. Và cũng chính vì lẽ này mà chúng ta cũng phải luôn biết sẵn sàng và hết lòng tha thứ cho nhau.

Để kết thúc bài tìm hiểu tuần này, chúng ta cùng chúc tụng Tình Thương vô biên của Thiên Chúa bằng Thánh vịnh Đáp Ca của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay :

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,

Người chậm giận và giàu tình thương

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,

toàn thân tôi hãy chúc tụng Thánh Danh !

Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi,

chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,

thương chữa lành các bệnh tật người.

Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,

bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.

Chúa là Đấng chẳng trách cứ luôn luôn,

không oán hờn mãi mãi.

Người không cứ tội ta mà xét xử,

không trả báo ta xứng với lỗi lầm.

Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất,

tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.

Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,

tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta.

Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,

Người chậm giận và giàu tình thương.

Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng  vụ - Lm Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP

Nguồn: tgpsaigon.net


zalo
zalo