Ngày tháng: 09/11/2024
Đang truy cập: 14

Bài 48: Ba Vua, các Đạo Sĩ hay các nhà Chiêm Tinh?

BA VUA, CÁC ĐẠO SĨ HAY CÁC NHÀ CHIÊM TINH?

Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng - Nữ tu Maria Lê Thị Thanh Nga - Dòng Đức Bà Nữ Kinh Sĩ Thánh Âu tinh

Chúa nhật tới đây, chúng ta mừng lễ Hiển Linh, mừng biến cố Thiên Chúa tỏ mình cho chư dân qua cuộc nhập thể làm người của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Trong bài học hỏi lần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những người liên quan cách đặc biệt đến lễ Hiển Linh. Đó là các nhà chiêm tinh, còn được gọi là các đạo sĩ hay Ba Vua.

Tin Mừng theo thánh Mátthêu 2, 1-12

2 1 Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem2 và hỏi : “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” 3 Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. 4 Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. 5 Họ trả lời : “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng : 6 Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời.” 7 Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8 Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng : “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” 9 Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10 Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11 Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và một dược mà dâng tiến. 12 Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

-o-o-o-o-o-

Trong bốn quyển Tin Mừng, chỉ có tác giả Mátthêu kể lại câu truyện các nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem bái lạy Hài Nhi Giêsu (Mt 2, 1-12). Bản văn này được đưa vào phụng vụ lễ Hiển Linh.

Hạn từ Hiển Linh có gốc Hy Lạp là  Ἐπιφάνια (số nhiều của Ἐπιφάνεια). Trong Tân Ước, thuật ngữ này được dùng để nói về sự xuất hiện hay sự tỏ hiện của Chúa Giêsu Kitô trước muôn dân.

Tin Mừng Mátthêu kể rằng có những nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, họ đã được một ngôi sao dẫn đường đến với một Hài Nhi vừa mới sinh, nằm trong máng cỏ. Câu truyện về ngôi sao dẫn đường xem ra đã làm ứng nghiệm sấm ngôn của vị chiêm tinh Bilơam thuộc dân ngoại về một ngôi sao xuất hiện, trong sách Dân số 24,15-17 : “Sấm ngôn của Bilơam, sấm ngôn của người mắt vẫn mở. Sấm ngôn của người nghe các lời Thiên Chúa, và biết những tư tưởng của Đấng Tối Cao, được Đấng Toàn Năng cho nhìn linh thị … Đó là một vì sao mọc lên từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel. Những người Do Thái giáo xưa đã coi đây là lời tiên báo về Đấng Mêsia, Vị Cứu Tinh của dân Israel, còn Kitô giáo thì hiểu lời này báo trước sự xuất hiện của Đức Giêsu Kitô.

Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng, ngành Chiêm tinh học có nguồn gốc lâu đời từ vùng Lưỡng Hà, vào thế kỷ 2 trước Công nguyên, sau đó lan sang Hy Lạp cổ đại, La Mã cổ đại, Ả Rập và châu Âu. Trong tiếng Hy Lạp, các nhà chiêm tinh được gọi là μάγοι (magoï, danh từ ở số nhiều). Thuật ngữ Hy Lạp μάγοι trong thời Cổ đại thường ám chỉ các thành viên của đẳng cấp tư tế trong tôn giáo Ba Tư, chuyên về chiêm tinh và thiên văn, hai ngành học này về sau liên kết với nhau, được chứng thực đã có từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Sau đó, thuật ngữ này chỉ định một cách tổng quát hơn những cá nhân có kiến ​​thức vượt trội trong nền văn hoá cổ đại, đó là các nhà chiêm tinh hoặc các pháp sư.

Các nhà chiêm tinh thường dự đoán những sự kiện tương lai trong cuộc sống dựa trên vị trí của các thiên thể. Họ không phải là vua như chúng ta vẫn thường gọi Ba Vua. Gốc gác hoàng tộc của các nhà chiêm tinh xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ 3, từ ông Tertullianô, một giáo phụ gốc Carthage ở châu Phi và là một nhà bút chiến chống lại dị giáo đương thời. Ngài muốn nhấn mạnh đến các nhà chiêm tinh là vua theo cách nói của Thánh vịnh 71,11 đã chép : “Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự.” Còn con số 3 thì được giáo phụ Origênê đề cập muộn thời hơn một chút. Trong một bài giảng về sách Sáng thế, chính Origênê là người đầu tiên đặt con số của các nhà chiêm tinh là ba, có lẽ dựa trên ba món quà dâng tặng Hài Nhi Giêsu (vàng, hương, một dược).

Một số truyền thống Kitô giáo lần đầu tiên xác định ​​danh tánh của 3 vị là vào khoảng thế kỷ thứ 8, cho rằng tên của 3 vị chiêm tinh là MelchiorGaspard và Balthazar (phổ biến trong văn phẩm Excerpta latina barbari, gốc tiếng Hy Lạp). Và đây là bức chân dung của 3 nhà thông thái do Jacques de Voragine, một nhà biên niên sử người Ý đã phác hoạ như sau :

- Vị đầu tiên tên là Melchior, là một cụ già với mái tóc trắng và bộ râu dài, đã dâng vàng cho Hài Nhi Giêsu như dâng cho một vị vua (vàng tượng trưng cho Vương quyền của Đấng Kitô).

- Vị thứ hai là Gaspard, còn trẻ, không có râu, nước da màu đỏ, dâng nhũ hương để tỏ lòng tôn kính Thiên tính của Đức Giêsu.

- Vị thứ ba, gương mặt đen và đầy râu, tên là Balthazar, với một dược trong tay, đây là một loại hương liệu dùng để ướp xác người chết ở thời Cổ đại, báo trước cái chết của Đức Giêsu.

Vào đầu thời Trung Cổ, các nhà thần học Kitô giáo đã liên kết ba nhà thông thái với ba lục địa được biết đến vào thời đó gồm châu Âu, châu Á và châu Phi. Do đó, hình ảnh ba nhà thông thái biểu trưng cho tính phổ quát của Ơn Cứu Độ do Chúa Gisu Kitô mang đến, không chỉ dành cho dân tộc Do Thái mà còn cho toàn thể nhân loại. Ba vị còn là biểu tượng cho tuổi trẻ, tuổi trung niên và tuổi già, nên Ơn Cứu Độ của Chúa được hiểu là dành cho muôn thế hệ. Phương Tây thời Trung Cổ tôn kính MelchiorGaspard và Balthazar như những vị thánh và Giáo Hội Công Giáo còn cho biết thánh tích của 3 vị được lưu giữ từ thế kỷ 12, tại vương cung thánh đường Cologne thuộc nước Đức, trong khi truyền thống Chính thống giáo thì bảo tồn các tráp đựng vàng, nhũ hương và một dược tại tu viện thánh Phaolô trên núi Athos.

Dù sao trong Tin Mừng, thánh Mátthêu chỉ kể về các nhà chiêm tinh, các nhà thông thái từ phương Đông, từ thế giới ngoại giáo đã đến Giêrusalem. Tâm hồn của các nhà chiêm tinh hướng về Thiên Chúa đồng thời với bước chân của họ hướng về Bêlem. Họ tìm kiếm Chúa, nhưng chính Chúa là Đấng đã dẫn dắt cuộc tìm kiếm từ bước đầu cuộc hành trình. Họ tìm kiếm Chúa khi nhìn lên bầu trời và tìm kiếm Chúa từ cõi lòng thâm sâu, họ khao khát tìm kiếm khi đặt thẳng những câu hỏi về Đấng Kitô với mọi người, buộc người Do Thái từ nhà vua đến các thượng tế, kinh sư phải nhớ lại Sách Thánh đã từng báo trước rằng “Tại Bêlem, miền Giuđê, sẽ là nơi vị lãnh tụ chăn dắt dân Israel sẽ ra đời.

Khi nhìn thấy một ngôi sao khác lạ trên bầu trời, và với một ý tưởng mơ hồ lan truyền xung quanh, rằng người Do Thái đang chờ đợi Vị Cứu Tinh cũng là Vua của họ, thì các nhà chiêm tinh thấy phải lên đường, dõi theo ánh sao mà đi và khám phá cho bằng được Vua dân Do Thái là ai. Đối với họ, đây là một cuộc hành trình phải thực hiện, không trì hoãn. Liền sau đó, họ được vua Hêrôđê cho vời đến cách bí mật để thăm dò tình hình. Thánh Mátthêu cho thấy các nhà chiêm tinh không hề sợ hãi trước mọi vua chúa và quyền lực. Họ mạnh mẽ và hăng hái bởi lòng can đảm thánh thiêng. Họ ra đi trên những nẻo đường quanh co, nhưng với ánh sao sáng, đó cũng là con đường duy nhất dẫn họ đến với Chúa để tôn kính bái thờ.

Thánh Âu Tinh từng giải thích : “Từ tâm hồn khát khao tìm kiếm của các nhà chiêm tinh, đã khai mào những gì cần triển nở và lan toả cho toàn thể vũ trụ nhân sinh” (Bài giảng 201). Và thánh Tôma Aquinô coi hình ảnh các nhà chiêm tinh là dấu hiệu cho thấy “Không có một phận người nào bị loại trừ khỏi Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô” (Tổng luận Thần học III, Q. 36, art. 3). Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI đã từng lấy hình ảnh các nhà chiêm tinh làm chủ đề cho Ngày Giới Trẻ Thế giới ở Cologne năm 2005. Ngài đã suy gẫm rất lâu về các nhà chiêm tinh, về “những con người có tâm hồn khắc khoải”, vì đó là hình ảnh của “những người tìm kiếm Thiên Chúa”, “thuộc mọi nền văn hoá, mọi lối suy nghĩ và mọi nếp sống”, những người đang trên đường nỗ lực “nhận ra sự thật về bản thân, về Thiên Chúa và về thế giới”.

Một điểm thú vị nữa trong Tin Mừng, đó là sau khi đã gặp gỡ, bái thờ Vua dân Do Thái, các nhà chiêm tinh không trở lại “con đường cũ” để tường trình với vua Hêrôđê, nhưng đã chọn “một lối khác mà về xứ mình”. Điều này giúp người tín hữu chúng ta càng xác tín rằng : không một ai đã gặp Đức Giêsu mà lại muốn tiếp tục sống và đi trên lối mòn xưa cũ nữa. Phải chọn lựa thay đổi, phải kiên cường giữ vững đức tin, không nao núng sợ hãi trước bất cứ thế lực nào.

Thánh Mátthêu có ý định gì khi mở đầu Tin Mừng bằng câu truyện về những người dân ngoại đến bái lạy Hài Nhi Giêsu ? để rồi khi kết thúc Tin Mừng, tác giả tường thuật lời Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh mời gọi các môn đệ : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” ? Chắc chắn thánh Mátthêu muốn chúng ta hiểu rằng : nhân vật Giêsu lịch sử, một Thiên Chúa làm người để cứu thoát con người, Đấng Kitô ấy, không dành riêng cho dân Israel, nhưng là Vị Cứu Tinh của muôn dân muôn nước, của cả nhân loại chúng ta ngày nay.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, khi Ngài trao vương quyền cho Đức Giêsu Kitô, Con Một Ngài và cũng là Con của Đức Trinh Nữ Maria, thì dân nghèo đã được nghe Tin Mừng cứu độ, và từ phương xa, các nhà chiêm tinh đã đến thờ lạy. Hôm nay, xin Chúa làm cho triều đại của Đức Giêsu Kitô mau đến trên khắp mặt đất này, để Người đem bình an cho nhân loại được Chúa yêu thương, để Người bênh vực quyền lợi của những ai nghèo hèn khốn khổ.

Ước gì mọi sắc tộc trần gian

nhờ Người được chúc lành,

và muôn dân thiên hạ

ngợi khen Người có phúc.

Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel,

chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.

Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,

Ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu. Amen. Amen.”

(Tv 72, 17-19)

Nguồn: tgpsaigon.net


zalo
zalo