Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 68

Bài 5: Mù Lòa theo quan điểm Kinh Thánh

MÙ LÒA
THEO QUAN ĐIỂM KINH THÁNH

Tin Mừng Chúa nhật IV Mùa Chay năm A giới thiệu với chúng ta Đức Giêsu là Ánh Sáng khi Người chữa lành một người mù tự bẩm sinh và đem lại cho anh ta ánh sáng để nhận biết Đức Giêsu và tuyên xưng rằng: “Người là một vị ngôn sứ” (Ga 9,17). “Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người” (Ga 9,38). Còn bài trích sách Samuen thì nhắc nhở rằng: “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 16,7).

Vậy, trong buổi học hỏi Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng của mù lòa theo Kinh Thánh.

Mù lòa là thứ tật nguyền được Kinh Thánh đề cập đến rất nhiều lần, thậm chí là nhiều hơn bất kỳ thứ bệnh tật hoặc khiếm khuyết nào nơi con người. Ngoài ra, khi kể chung với các loại bệnh tật hoặc khiếm khuyết khác, các tác giả Sách Thánh thường xếp mù lòa ở vị trí hàng đầu. Ví dụ, khi liệt kê những người thuộc dòng dõi Aharon nhưng không được tế lễ, tác giả sách Lêvi đã xếp theo thứ tự: người đui mù, què quặt, dị tướng, dị hình, người bị gẫy chân gẫy tay,… (Lv 21,17-21). Điều này cho thấy, đối với người Do thái, mù lòa là một thứ khiếm khuyết thể lý trầm trọng và đáng sợ. Ngoài ra, mù lòa còn có ý nghĩa biểu tượng quan trọng trong việc diễn giải mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa.

Để hiểu được ý nghĩa biểu tượng của mù lòa, chúng ta hãy mượn các câu chuyện tạo dựng trong sách Sáng Thế (St 1-3) để tìm hiểu xem đâu là ý nghĩa của việc nhìn thấy và sự mù lòa trong đó.

Các câu đầu tiên của sách Sáng Thế cho thấy thị giác đóng vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo. Cụ thể là, sau mỗi hoạt động tạo dựng thì Thiên Chúa thấy các thụ tạo Người làm ra rất tốt đẹp (x. St 1,4.10.12.18.21.25.31). Động từ thấy (רָאָה : rāaʰ) trong tiếng Hípri hàm chứa nhận thức trên cả hai phương diện vật chất cũng như tinh thần, tức là thấy cái xuất hiện ra bên ngoài (vật lý) và thấy cái ẩn tàng ở bên trong (tinh thần). Có thể gọi đó là thị giác của Thiên Chúa.

Phần con người, khi được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27), thì cũng được chia sẻ thị giác tuyệt vời của Người. Nhờ đó, con người có thể thấy Thiên Chúa và thấy mọi sự như Thiên Chúa thấy (St 2,25). Thật vậy, tác giả sách Sáng thế cho biết Thiên Chúa đặt con người vào trong vườn Êđen (x. St 2,8.9), nơi Thiên Chúa trồng mọi thứ cây “trông thì đẹp” [bề ngoài] và “ăn thì ngon” [bề trong] (x. St 2,9). Cũng vậy, Ađam và Evà nhìn thấy nhau như là những thụ tạo tốt đẹp của Thiên Chúa. Điều này cho thấy Thiên Chúa mong muốn Ađam và bà Evà có khả năng nhìn như Thiên Chúa để thấy những thụ tạo ấy đẹp và tốt lành như thế nào. Theo đó, có thể nói rằng ngay thuở ban đầu, mù lòa không nằm trong kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người rất tốt đẹp và cho con người sở hữu khả năng nhìn  thấy theo nhãn quan của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, câu chuyện tạo dựng đã không dừng lại ở đó. Trong St 3,4-7, con rắn nói với người đàn bà rằng ngày nào con người ăn trái cây mà Thiên Chúa cấm không được ăn kia, thì mắt họ sẽ mở ra và họ sẽ nên như Thiên Chúa biết điều thiện và ác. Động từ mở mắt (pāqaḥ ʿāyin) trong tiếng Hípri thường được dùng để chỉ việc phục hồi thị giác cho người bị mù. Theo đó, con rắn đã dẫn dụ người đàn bà tin rằng con người đã bị Thiên Chúa đánh lừa, bị Thiên Chúa bịt mắt, hay nói cách khác bị Thiên Chúa làm cho mù lòa, không thể thấy điều phải thấy. Lập luận này của con rắn khiến cho lời dụ dỗ ăn trái của cây biết lành biết dữ trở nên hợp lý và cấp thiết đối với ông bà nguyên tổ mặc dù nó đi ngược lại với điều Thiên Chúa đã căn dặn. Và tác giả sách Sáng Thế cho biết, nguyên tổ đã làm theo lời con rắn vì tin rằng việc họ nổi loạn sẽ chẳng đưa đến cái chết, nhưng sẽ giúp con người có được thị giác thần linh, thị giác đặc biệt mà Thiên Chúa không muốn con người sở hữu.

Quả thật, có một sự biến đổi sau khi Ađam và Evà ăn trái cấm. Kinh Thánh nói : mắt hai ông bà mở ra và cái họ thấy đầu tiên chính là sự trần truồng của họ, một sự trần truồng khiến hai ông bà sợ hãi và xấu hổ (x. St 3,7.10). Chỉ trước đó mấy câu thôi, bản văn Sáng thế cho chúng ta biết rằng trước khi ăn trái cấm, “con người và vợ mình, cả hai đều trần truồng mà không xấu hổ trước mặt nhau” (St 2,25), còn sau khi được mở mắt, con người nhìn thấy sự trần truồng của mình thì xấu hổ, sợ hãi và tìm cách trốn tránh Thiên Chúa. Như vậy, sự biến đổi thị giác của con người trước và sau khi sa ngã mà tác giả Sách Thánh muốn nhấn mạnh ở đây liên quan đến cách mà con người thấy chứ không phải cái mà họ thấy.

Đỉnh cao của câu chuyện được trình bày như một nghịch lý. Đó là ngay vào lúc mắt Ađam và Evà mở ra thì đó lại chính là lúc mà ông bà trở nên mù lòa; bởi lẽ việc mở mắt đó đã ngăn không cho họ thấy Thiên Chúa là đối tượng tuyệt mỹ của việc thấy (St 3,8), và nó cũng lấy mất quà tặng Thiên Chúa đã ban cho họ là khả năng nhìn chính mình cũng như các thụ tạo khác theo nhãn quan thánh thiện của Thiên Chúa (x. St 3,7.10). Câu chuyện sáng tạo kết thúc với việc con người bị trục xuất khỏi vườn Êđen, mang theo sự mù lòa là sản phẩm của sự bất tín và nổi loạn của chính mình (St 3,23-24).

Từ câu chuyện của sách Sáng thế, có thể nói mù lòa là một tình trạng hư hỏng hoặc khiếm khuyết trong cách nhìn của con người và là sự sai lệch so với trật tự tạo dựng ban đầu của Thiên Chúa. Vì thế, mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mù lòa, nhưng theo quan điểm Kinh Thánh, mù loà xuất phát từ sự sa ngã nguyên thủy của con người, là hậu quả của việc nổi loạn chống Thiên Chúa và kéo theo sự mù lòa tâm linh.

Ở đây xin trích dẫn thêm một số đoạn Kinh Thánh để minh chứng điều đã nói trên.

Trong sách Đệ nhị luật, ông Môsê cảnh cáo dân Ítraen rằng:

Nếu anh em không nghe tiếng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, không lo đem ra thực hành tất cả những mệnh lệnh và thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh em hôm nay, thì những lời nguyền rủa sau đây sẽ đến với anh em và bao trùm anh em: ĐỨC CHÚA sẽ làm cho anh em bị điên khùng, mù lòa, loạn trí. Anh em sẽ mò mẫm giữa trưa, như người mù mò mẫm trong bóng tối, và sẽ không thấy đường mà đi. Mãi mãi, anh em sẽ chỉ là người bị áp bức, bị bóc lột, mà không ai cứu (Đnl 28,15.28-29).

Hoặc lời Thiên Chúa cảnh báo dân Ítraen qua miệng ngôn sứ Isaia rằng:

Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ, nhưng đừng hiểu, cứ nhìn thật kỹ, nhưng đừng nhận ra. Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù; kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành (Is 6,9-10).

Hoặc như lời Đức Chúa phán với ngôn sứ Êdêkien rằng:

Hỡi con người, ngươi đang sống giữa một nòi phản loạn, giữa những kẻ có mắt để nhìn mà không thấy, những kẻ có tai để nghe mà không nghe, vì chúng là một nòi phản loạn (Ed 12,2).

Tóm lại, Kinh Thánh cho biết rằng, chính vì sự nổi loạn và cứng lòng của mình, ông bà nguyên tổ và các con cháu đã trở nên mù lòa tức là mất đi thị giác thần linh mà Thiên Chúa đã ban tặng từ buổi đầu tạo dựng. Sự mù lòa này khiến cho con người dù mắt vẫn mở nhưng không còn khả năng thấy mọi sự như Thiên Chúa thấy nữa. Một khi nhãn quan bị mù mờ sẽ kéo theo phán quyết lệch lạc và hành động sai trái.

Vậy, Mùa Chay là dịp thuận tiện để chúng ta xin Thiên Chúa khôi phục thị giác thánh thiện cho chúng ta, để chúng ta có thể nhìn và thấy vẻ đẹp của Thiên Chúa cũng như vẻ đẹp của muôn loài muôn vật mà Thiên Chúa đã tác tạo, để chúng ta tôn vinh Thiên Chúa và bước đi trong ánh sáng của Người.

Cầu nguyện bằng Thánh vịnh 119

 

Lạy Chúa, xin dạy con đường lối thánh chỉ,

 

con nguyện đi theo mãi đến cùng.

Xin cho con được trí thông minh,

để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ.

Trên đường mệnh lệnh Chúa, xin dẫn con đi,

vì con ưa thích đường lối đó.

Xin hướng lòng con nghiêng về thánh ý,

không ngả theo lợi lộc tiền tài.

Xin giữ mắt này khỏi nhìn theo những gì hư ảo,

và cho con được sống nhờ đường lối của Ngài.

(Tv 119,33-37)

 

Lm. Inhaxiô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

Nguồn: https://tgpsaigon.net

zalo
zalo