Ngày tháng: 22/12/2024
Đang truy cập: 58

Bài 50: Được Gọi Làm Môn Đệ

ĐƯỢC GỌI LÀM MÔN ĐỆ

 

Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ - Lm Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP

Tin Mừng Chúa nhật III Thường niên, năm B (Mc 1, 14-20) kể lại việc Đức Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên bên Biển Hồ Galilê để họ trở thành “những kẻ lưới người như lưới cá” (Mc 1,17). Trong bài học hỏi lần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về ơn gọi làm môn đệ Đức Giêsu.

Trong đời thường, chúng ta thường nghe nói về ai đó đi tìm một vị thầy để xin thọ giáo mà người ta thường gọi là “tầm sư học đạo”. Như vậy chính môn sinh chủ động tìm thầy, chọn vị thầy lý tưởng để thọ giáo. Trái với đời thường, trong Kinh Thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước, chính Thiên Chúa chọn và gọi những ai Người muốn để trao ban cho họ một sứ mạng và sai họ đi.

I. Ý nghĩa từ ơn gọi

Trong Tân Ước, hạn từ ơn gọi khởi đi từ ý nghĩa động từ Hy Lạp kalêô (καλέω) và danh từ klêsis (κλῆσις). Từ kalêô có nhiều nghĩa, ở đây chỉ nêu ra những nghĩa thường gặp là : gọi, kêu gọi hay mời gọi một người nào đó, cũng có nghĩa là triệu tập (x. Mt 2,7 ; 20,8). Kalêô cũng mang ý nghĩa như một mệnh lệnh (x. Mt 25,14 ; Cv 4,18 ; 24,2) hoặc cũng có nghĩa là gọi tên hay đặt tên cho ai như lời thiên sứ bảo ông Dacaria rằng : “Ông phải đặt tên cho con là Gioan” (Lc 1,13) và với thánh Giuse rằng : “Ông sẽ gọi tên (καλέσεις) con trẻ là Giêsu” (Mt 1,21).

Nghĩa sâu xa hơn cả của từ kalêô (καλέω) chính là việc triệu tập, mời  gọi  của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, từ những người lãnh đạo dân cho đến các ngôn sứ, đều do Thiên Chúa kêu gọi. Cũng như từ kalêô của Tân Ước, động từ Híp Ri qara (קָרָא) có nghĩa là gọi, đặt tên (x. St 1, 5.8 … ; 2, 19-20) ; triệu tập (x. Xh 19,7). Từ này cũng dùng khi diễn tả việc Thiên Chúa kêu gọi một người để trao cho một sứ mạng, như chuyện ông Bilơam, được Đức Chúa kêu gọi và sử dụng ông như một khí cụ để bảo vệ dân Người và thực hiện kế hoạch kỳ diệu của Người (x. Ds 22). Rất nhiều trường hợp cho thấy việc kêu gọi là sáng kiến của Thiên Chúa, Người chọn lựa theo ý muốn của Người, như khi gọi Ápraham, một người đã già, không con cái, để trở nên tổ phụ của một dân (x. St 12), hay như Môsê được Chúa gọi từ giữa bụi cây cháy bừng (x. Xh 3,4). Như vậy trong suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa luôn hành động cùng với những con người để thực hiện kế hoạch của Người nhằm cứu độ toàn thể nhân loại. Và theo từ ngữ của thần học, chúng ta có từ ơn gọi hay ơn thiên triệu để chỉ việc Thiên Chúa chọn và kêu gọi những kẻ Người muốn trao ban một sứ mạng.

Trở lại với động từ kalêô (καλέω) với nhiều nghĩa như đã nói ở trên, chúng ta chú ý cách riêng đến nghĩa ơn gọi, đặc biệt là ơn gọi làm Kitô hữu, làm môn đệ Đức Kitô.

Do động từ này, trước hết có tính từ klêtos (κλητός) có nghĩa là người được gọi (Mt 22,14 : Kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít). Thánh Phaolô nhiều lần sử dụng từ này để chỉ những người được gọi để trở thành Tông Đồ của Đức Kitô (x. Rm 1, 1.6 ; 1 Cr 1,1), hay để trở thành dân thánh (x. Rm 1,7 ; 1 Cr 1,2).

Còn từ ơn gọi hầu hết được tìm thấy trong các thư của Thánh Phaolô dưới dạng danh từ klêsis (κλῆσις) tất cả là 10 lần và 1 lần trong thư của Thánh Phêrô. Thánh Phaolô phân biệt ân sủngơn gọi (Rm 11,29). Người được ơn gọi không phải do sự khôn ngoan hay bởi quyền thế của mình (x. 1 Cr 1,26) ; vì thế thánh nhân khuyên nhủ những ai được kêu gọi thì phải sống xứng đáng với ơn gọi của mình (x. Ep 4,1) ; và Thánh Phêrô cũng nhắn nhủ phải cố gắng làm cho ơn gọi của mình được trở nên vững mạnh để không bị vấp ngã (2 Pr 1,10).

II. Ơn gọi làm môn đệ Đức Giêsu

Ngay từ những ngày đầu sứ vụ rao giảng, Đức Giêsu đã kêu gọi một số người đi theo Người và trở nên môn đệ của Người. Đức Giêsu không tìm đến những nơi quyền quý, những đô thị hay kinh thành Giêrusalem, với những học viện của các kinh sư, ở đó không thiếu những người tài năng thông thái để tìm môn đệ. Trái lại, Chúa lại đến miền Galilê, miền đất của dân ngoại (x. Is 8,23 / bản LXX) và Người đi dọc theo bờ biển. Những người cư ngụ nơi đây chắc hẳn đa số sinh sống bằng nghề chài lưới. Chính trong khung cảnh này, Đức Giêsu đã kêu gọi những môn đệ đầu tiên : Simôn và Anrê ; Gioan và Giacôbê (x. Mc 1,16.19). Đó là những ngư dân chân chất, ít học, mưu sinh bằng sức lao động của mình. Bản văn không nói ra, nhưng theo lẽ thường, các ông cũng đã nghe biết ít nhiều về Đức Giêsu qua những lời rao giảng của Người. Nhưng để làm nổi bật sáng kiến của Đức Giêsu khi chính Người lên tiếng kêu gọi các ông, đồng thời cũng đề cao thái độ của các ông, sẵn sàng đáp lại tiếng gọi một cách quả cảm và quyết liệt, Tin Mừng thuật lại : khi nghe Chúa gọi các anh hãy theo tôi, lập tức các ông bỏ lại tất cả gia đình, nghề nghiệp để đi theo Người (x. Mc 1, 17.20).

Như vậy, để được trở nên môn đệ của Đức Giêsu phải là những người được Chúa kêu gọi, tức là được ơn gọi và sẵn sàng từ bỏ mọi sự để đi theo Người. Tin Mừng theo Thánh Máccô mô tả có rất nhiều người đi theo Đức Giêsu để nghe Người giảng dạy (x. Mc 3,7-8), nhưng không phải tất cả đám đông đi theo Chúa đều là môn đệ của Người, mà phải là những ai được Người kêu gọi để họ “ở với Người và để Người sai đi” (Mc 3,14).

Tin Mừng Gioan thì dùng kiểu nói dành cho các môn đệ là “ở lại với Người” (Ga 1,39). Động từ ở lại trong tiếng Hy Lạp là menô (μένω) mang nhiều ý nghĩa : vẫn, mãi, luôn, vững chắc, tồn tại. Khi đi với giới từ en (ἐν) có nghĩa là ở lại trong. Tin Mừng Thánh Gioan, và đặc biệt trong các thư của ngài, từ menô (μένω) được sử dụng có tới 20 lần. Người môn đệ đích thực phải là người ở lại trong Đức Giêsu (x. Ga 8,31) thì mới có thể mang lại hiệu quả cho sứ vụ của mình. Để minh hoạ cho việc người môn đệ phải ở lại trong Người cần thiết như thế nào, Đức Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho mà diễn tả : “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Và để làm rõ hơn, Chúa giải thích việc ở lại trong Người tức là tuân giữ lời của Người, tuân giữ các điều răn của Người (x. Ga 15,7.10).

Trong lời kêu gọi hai ông Simôn và Anrê có một chi tiết khá thú vị. Tin Mừng cho biết hai ông làm nghề đánh cá (x. Mc 1,16), chính lúc hai ông đang làm công việc hằng ngày (quăng lưới xuống biển) thì Đức Giêsu lên tiếng gọi :“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá (c.17). Đức Giêsu dùng hình ảnh cụ thể lấy từ nghề nghiệp hiện tại của các ông là nghề đánh cá, để hướng các ông đến một công việc mới, đó là : thâu nạp những kẻ tin vào Nước Trời, giống như việc quăng lưới bắt cá. Như thế, việc làm trước đây chỉ là công việc nhằm mục đích nhất thời là phương kế sinh nhai ; nay các ông đi theo Thầy Giêsu để tham dự sứ vụ trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa. Có thể nói lời kêu gọi những môn đệ đầu tiên mang tính cách tiêu biểu cho mọi ơn gọi. Rất nhiều trường hợp Chúa gọi người nào thì cũng gọi ngay trong những sinh hoạt thường ngày của người ấy. Như ông Môsê được gọi khi đang chăn chiên (x. Xh 3,1-2) ; như ông Ghítôn được gọi khi đang đập lúa, để được trao sứ mạng giải thoát Israel khỏi tay quân Mađian (x. Tl 6, 11-16) ; như Samuen được gọi khi còn là cậu bé (x. 1 Sm 3, 3-10) ; như Amốt đang chăn cừu thì được gọi làm ngôn sứ (x. Am 7, 14-15) v.v… Đức Giêsu cũng làm như thế, những người được gọi đi theo Chúa làm môn đệ : người thì đang quăng lưới xuống biển (x. Mt 4,18-19 ; Mc 1,16-17), như Mátthêu đang thu thuế (x. Mt 9,9 ; Mc 2,14 ; Lc 5, 27-28) ; Nathanaen đang ngồi dưới cây vả (x. Ga 1,48) và thậm chí như Saolô đang hăng say bắt bớ các môn đệ của Chúa (x. Cv 9, 1-5 ; 22, 4-7).

Qua mọi thời, biết bao nhiêu ơn gọi đủ mọi sắc thái trong Hội Thánh, trong các dòng tu, cộng đoàn, các gia đình, nơi các thánh, chính là những hoa trái của những ơn gọi khác nhau, mà Thánh Phaolô đã giải thích rằng, Thiên Chúa “đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô” (Ep 4,1.11-12). “Thiên Chúa đã kêu gọi mỗi người thế nào, thì cứ sống như vậy : đó là điều tôi truyền dạy trong mỗi Hội Thánh” (1 Cr 7,17).

Tóm lại, mỗi tín hữu chúng ta ở mọi bậc sống, đều mang trong mình một ơn gọi làm môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi sống cho xứng với ơn gọi mà Thiên Chúa đã ban.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,

biết cả khi con đứng con ngồi.

Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,

đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,

mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.

Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,

thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.

Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,

bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con.

Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm,

quá cao vời, con chẳng sao vươn tới !

Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,

dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.

Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,

công trình Ngài xiết bao kỳ diệu !

Hồn con đây biết rõ mười mươi.

Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì,

khi con được thành hình trong nơi bí ẩn,

được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu.

Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy ;

mọi ngày đời được dành sẵn cho con

đều thấy ghi trong sổ sách Ngài,

trước khi ngày đầu của đời con khởi sự.

Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con,

xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ.

Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác

thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời.

(Tv 139,1-6.13-16.23-24).

Nguồn: tgpsaigon.net


zalo
zalo