Ngày tháng: 31/12/2024
Đang truy cập: 31

Bài 53: Ngươi phải thờ cha kính mẹ

NGƯƠI PHẢI THỜ CHA KÍNH MẸ

Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ - Lm Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP

Đối với văn hóa Việt Nam chúng ta, những ngày đầu năm mới là những ngày của sum họp, của gặp gỡ, và thăm viếng. Trong những ngày Tết, đi đến đâu chúng ta cũng thấy rộn ràng niềm vui, thấy những nụ cười, những câu chúc tốt đẹp và những gương mặt rạng rỡ. Như vậy, ngày xuân không chỉ đẹp bởi sắc mai vàng hay sắc đào hồng thắm, mà còn đẹp nhờ lòng hiếu kính tri ân của hàng con cháu đối với các bậc tổ tiên, ông bà cha mẹ.

Trong cảnh sắc tươi mới của ngày xuân đầu xuân, phụng vụ Lời Chúa cùa ngày Mùng Hai Tết nhắc nhớ chúng ta về lòng thảo kính đối tổ tiên, ông bà cha mẹ.

Như chúng ta đã biết, gia đình là thiết chế đầu tiên do Thiên Chúa thiết lập và là thực thể căn bản nhất làm nên xã hội. Đối với dân Israel, niềm tin vào Thiên Chúa được khởi đầu và nuôi dưỡng nơi  gia đình, và đời sống tôn giáo của gia đình là nền tảng cho đạo đức cá nhân. Trong Mười Điều Răn Thiên Chúa thiết lập và ban cho dân Israel, thì có ba điều liên quan đến gia đình, trong đó điều răn thứ tư đề cập đến mối tương quan giữa con cái với cha mẹ, còn điều răn thứ sáu và thứ chín thì đề cập đến hôn nhân và tính dục.

Trong buổi học hỏi Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem Kinh Thánh nói sao về lòng thảo kính cha mẹ, cách riêng là trong điều răn thứ tư.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Về căn bản, phải “thảo kính cha mẹ” vì cha mẹ đã cho con cái sự sống, nên ta mang ơn cha mẹ về chính cuộc đời mình. Nguyên tắc này được công nhận trong các nền văn hóa, đặc biệt là trong văn hoá Việt Nam qua những câu cao dao tục ngữ như:

“Công cha đức mẹ cao dày,

Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.

Nuôi con khó nhọc đến giờ,

Trưởng thành con phải biết thờ song thân”.

Hay là:

“Công cha nghĩa mẹ cao vời,

Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.

Nên người con phải xót xa,

Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao.

Đội ơn chín chữ cù lao,

Sanh thành kể mấy non cao cho vừa”.

Thưa quý ông bà và anh chị em, đó quả là những lời thấm thía nhắc nhớ ơn đức của mẹ cha, dù vậy, công cha nghĩa mẹ vẫn khó có lời nào diễn tả cho hết được.

Kinh Thánh dạy thảo kính cha mẹ

Động từ thờ kính, thảo kính trong tiếng Hípri là kabađ (כָּבַד) có nghĩa trước tiên là “nặng, đè nặng”:

+ “Tiếng kêu trách Xơđôm và Gômôra thật quá lớn ! Tội lỗi của chúng quá nặng nề !” (St 18,20);

+ “Tội của nó đè nặng trên nó” (Is 24,20) ;

+ Tội chồng chất ngập đầu ngập cổ, như gánh nặng vượt quá sức con (Tv 38,5).

Nhưng động từ kabađ (כָּבַד) cũng có nghĩa là coi trọngtôn vinh như trong bản Thập Điều : “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ” (Xh 20,12) ;

Hay là:

Dân này chỉ đến gần Ta bằng miệng, tôn vinh Ta bằng môi, còn lòng chúng thì xa Ta lắm (Is 24,15 ; x. 1 Sm 2,30 ; Tv 21,24 ; Cn 3,9).

Như vậy, theo nghĩa của hạn từ kabađ, thảo kính cha mẹ là điều hệ trọng, là bổn phận nặng nề hay gánh nặng đối với con cái, chẳng hạn khi vâng phục và phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng hạn từ kabađ cũng lại diễn tả lòng tôn kính quý yêu của con cái dành cho cha mẹ mình. Lòng thảo kính cha mẹ mà thiếu nặng nhọc hy sinh thì chỉ là đầu môi chót lưỡi.

Trong khi đó trong tiếng Hy Lạp thì người ta dùng động từ timaô (τιμάω) có nghĩa là sợ, kính sợ để diễn tả lòng thảo kính cha mẹ. Chẳng hạn như khi ông Tôbít nhắn nhủ con trai ông là Tôbia rằng :

Hãy thảo kính mẹ con và đừng bỏ rơi người bao lâu người còn sống. Con hãy ăn ở đẹp lòng người và đừng làm điều chi phiền lòng người cả (Tb 4,3).

Hoặc như lời tác giả sách huấn ca khuyên :

Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc (Hc 3,8)

Thánh Phaolô thì dùng động từ êusêbêô (εὐσεβέω) có nghĩa là tôn kính, kính trọng để khuyên răn :

Con cháu phải học cho biết ăn ở hiếu thảo đối với gia đình mình, và đền ơn đáp nghĩa các bậc sinh thành. Đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa (1 Tm 5,4).

Kinh Thánh không chỉ nhiều lần dạy kẻ làm con phải thảo kính và vâng lời cha mẹ (Xh 20,12 ; Lv 19,3 ; Cn 1,8 ; Ep 6,2), mà con dạy rằng con cái không bao giờ được ngược đãi hoặc khinh rẻ mẹ cha, và kẻ nào mà làm như thế sẽ bị nguyền rủa (x. Đnl 27,16). Chẳng hạn như lời cảnh cáo trong sách Châm Ngôn  :

Kẻ nào giương mắt chế giễu cha, và coi thường chuyện vâng lời mẹ, sẽ bị quạ ở lũng sâu móc mắt, và bị loài diều hâu rỉa thịt (Cn 30,17).

Và Đức Giêsu cũng dạy rằng :

Thiên Chúa dạy : Ngươi hãy thờ cha kính mẹ ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử (Mt 15,4).

Đức Giêsu đã nói với anh thanh niên giàu có rằng :

Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn […] “Ngươi phải thờ cha kính mẹ”, và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình” (Mt 19,17.19).

Tại sao phải thảo kính cha mẹ ?

Đối với dân Israel, việc thảo kính cha mẹ không chỉ vì con cái mang ơn cha mẹ mà còn bởi vì khi Thiên Chúa thiết lập và ban giới răn “thảo kính cha mẹ”, Người muốn rằng tương quan với Thiên Chúa thể hiện trước hết trong tương quan gia đình.

Thiên Chúa muốn thiết lập tương quan với mỗi người trong đó, tương quan gia đình là nền tảng. Cách chúng ta tôn kính cha mẹ cho thấy cách chúng ta tôn kính Thiên Chúa, và lòng thảo kính cha mẹ dạy chúng ta biết tôn kính Thiên Chúa. Việc thảo kính cha mẹ còn dạy chúng ta biết tôn trọng quyền bính trong đời sống công cộng.

Thật vậy, Mười Điều Răn tạo nên hai hướng tương quan cơ bản của Israel khi bước vào đời sống giao ước với Đức Chúa, trong đó ba giới răn đầu đặt ra các nguyên tắc hướng dẫn mối tương quan của Israel với Đức Chúa, và bảy giới răn sau đặt ra các nguyên tắc hướng dẫn mối tương quan của Israel với cộng đồng giao ước, và rộng hơn nữa là với gia đình nhân loại.

Với góc nhìn này, chúng ta thấy sự chuyển tiếp từ những giới răn hướng dẫn nguyên tắc tương quan giữa Israel với Thiên Chúa sang mối tương quan mà Chúa muốn giữa con người với nhau bắt đầu bằng tương quan giữa con cái với cha mẹ.

Theo đó, giống như mối tương quan với Đức Chúa là khởi đầu của đời sống thánh thiêng, thì mối tương quan giữa con cái với cha mẹ là khởi đầu của đời sống xã hội, tức là khởi đầu tất yếu của mọi mối tương quan giữa con người với nhau. Đồng thời, điều răn thứ tư “thảo kính cha mẹ” trở thành nền tảng cho các điều răn tiếp theo sau đó.

Thảo kính cha mẹ còn mang ý nghĩa rộng hơn là phục tùng hoặc vâng lời cha mẹ, vì thảo kính là chân nhận tầm quan trọng và tư cách  của cha mẹ như là “những người đại diện của Thiên Chúa” trong việc dưỡng dục con cái. Không những thế, con cái còn phải “thảo kính cha mẹ” vì đó là mệnh lệnh mà Đức Chúa đã truyền cho tất cả những ai muốn tham gia vào đời sống giao ước với Thiên Chúa.

Song song với lệnh truyền con cái phải thảo kính cha mẹ, Kinh Thánh cũng cho thấy sự bất kính đối với cha mẹ bị xem là tội nghiêm trọng đối với đời sống giao ước, và án phạt dành cho những kẻ bất kính đối với cha mẹ mình là tử hình, vì lẽ kẻ làm con mà bất kính và ngỗ nghịch với cha mẹ thì không chỉ có tội đối với bậc sinh thành mà còn phạm tội bất tuân lệnh truyền của Đức Chúa (x. Xh 21, 15.17 ; Lv 20,9 ; Đnl 21, 18-21 ; 27,16).

Dĩ nhiên, khi Thiên Chúa yêu cầu con cái hiếu kính cha mẹ của mình, hẳn Thiên Chúa cũng biết rằng có một số cha mẹ khó yêu, nhưng cha mẹ khó yêu không có nghĩa là con cái không cần tôn kính cha mẹ, và được phép xa lánh cha mẹ. Vì thế, thưa anh chị em, khi ban giới răn “thảo kính cha mẹ” thì Thiên Chúa cũng ban lời hứa tuyệt vời và quý giá đó là “sống lâu và sống tốt”. Sách Xuất Hành ghi:

Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi (Xh 20,12).

Điều này cũng được thánh Phaolô nhắc lại trong thư gởi tín hữu Êphêxô:

Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này (Ep 6,2-3).

Như vậy, nói một cách đơn giản, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn cho những ai hiếu kính cha mẹ mình.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,

biết cả khi con đứng con ngồi.

Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,

đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,

mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.

Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,

thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.

Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,

bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con.

Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm,

quá cao vời, con chẳng sao vươn tới !

Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,

dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.

Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,

công trình Ngài xiết bao kỳ diệu !

Hồn con đây biết rõ mười mươi.

Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì,

khi con được thành hình trong nơi bí ẩn,

được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu.

Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy ;

mọi ngày đời được dành sẵn cho con

đều thấy ghi trong sổ sách Ngài,

trước khi ngày đầu của đời con khởi sự.

Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con,

xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ.

Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác

thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời.

(Tv 139,1-6.13-16.23-24)

Nguồn: tgpsaigon.net


zalo
zalo