“HOANG ĐỊA” & Ý NGHĨA CỦA “HOANG ĐỊA” THEO KINH THÁNH
Mặc dù chúng ta còn đang ở trong những ngày đầu Năm Mới là quãng thời gian của lễ hội và vui chơi như cách mà người ta quen ví: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, tuy nhiên ngay chính quãng thời gian “vui chơi” đó, thì Hội Thánh lại mời gọi con cái mình bước vào Mùa Chay Thánh, còn được xem là quãng thời gian “đi vào hoang địa” để bắt đầu cho một “cuộc chiến đấu thiêng liêng” trường kỳ và gian khổ. Và một cách cụ thể, trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay này, thánh Máccô sẽ cho chúng ta biết việc Chúa Giêsu được Thần Khí thúc đẩy vào ở trong hoang địa suốt bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú và có các thiên sứ hầu hạ (Mc 1, 12-13).
Nhưng “hoang địa” là gì? Nó ở đâu? Tại sao Hội Thánh lại mời gọi chúng ta đi vào đó? Trong buổi học hỏi Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm câu trả lời cho những vấn đề đặt ra ở trên, để từ đó chúng ta có thể mạnh dạn đi vào “hoang địa” và có được quãng thời gian ân sủng của Mùa Chay Thánh này.
I. Ý nghĩa của “hoang địa” hay “sa mạc” trong Kinh Thánh
1. Thuật từ “hoang địa” hay “sa mạc”
Kinh Thánh đề cập đến các thuật từ “hoang địa”, “sa mạc”, “hoang mạc”, “vùng đất hoang”, “đồng vắng”, “nơi hoang vắng”, “nơi thanh vắng”… khoảng 300 lần. Sở dĩ Kinh Thánh nhiều lần đề cập đến các thuật từ này là vì ký ức sâu đậm của dân Israel trong những năm họ phải “lang thang trong sa mạc”. Những trải nghiệm của họ về khung cảnh hoang vu, về những lúc đói khát, về những cuộc tìm kiếm Thiên Chúa, về những cuộc chiến đẫm máu để sinh tồn và tiến về Đất Hứa… tất cả đã in sâu trong tâm trí dân Israel không thể phai nhạt. Và để chỉ những nơi như thế, các bản văn Kinh Thánh Híp-ri thì dùng các thuật từ như:
+ Thuật từ miđbar [מִדְבָּר] hiểu là “hoang địa” hay “sa mạc” (x. St 16,7; 21, 14.20.21; 36,24; 37,22; Xh 3,18; 5, 1.3; 7,16; 8,23; 19,2; Lv 7,38; 16,22; Ds 1, 1.19).
+ Thuật từ arabah [עֲרָבָה] hiểu là “vùng đất hoang vu”, “đồng vắng” (x. G 24,5; 39,6; Is 35,1; Gr 2,6; 31,26).
+ Thuật từ siyah (צִיָּה) hiểu là “vùng đất khô cằn không có nước”, “hoang mạc” (Is 35,1).
Chẳng hạn như khi ngôn sứ Isaia đã từng loan báo niềm vui Thiên Sai cho dân Israel, ông đã dùng cả ba thuật từ trên : “Vui lên nào, hỡi sa mạc [midbar] và đồng khô cỏ cháy [si-=yah], vùng đất hoang [arabah], hãy mừng rỡ trổ bông” (Is 35,1).
Trong khi đó các bản văn Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp thì dùng thuật từ êremos [ἔρημος] để chỉ đến những vùng đất hoang vu, khô cằn này (x. Mc 1, 12.35; 6, 31.32; Mt 4,1; 11,7; 14,13; Lc 4,42; 7,24; Cv 21,38; Kh 12, 6.14; 17,3).
Như vậy, những thuật từ Hípri cũng như Hy Lạp trên đây đều được các tác giả Sách Thánh dùng để chỉ đến những khu vực hoang vu không có những điều kiện thích hợp cho con người sinh sống.
2. Những “hoang địa” hay “sa mạc” được đề cập trong Kinh Thánh
Một số khu vực “hoang địa” hay “sa mạc” cụ thể được đề cập trong Kinh Thánh, như:
+ Sa mạc Bơe Seva thuộc khu vực cực nam của đất Canaan, nơi mà bà Haga sau khi bị đuổi khỏi nhà ông Ápraham, bà đã bồng cậu Ítmaen lang thang trong đó (x. St 21,14). Phần đất này về sau được chia cho chi tộc Simêôn (x. Gs 19,1-9).
+ Sa mạc Sua nằm ở phía bắc bán đảo Xinai chắn ngang tuyến đường nối liến Ai Cập với đất Canaan, vì thế ngay từ những ngày đầu ra khỏi Ai Cập, thì dân Israel đã gặp phải thử thách lớn khi họ lang thang suốt ba ngày trong sa mạc này mà không tìm được nước uống (x. Xh 15,22).
+ Sa mạc Xinai nằm về phía cực nam của bán đảo Xinai, đối diện với núi Xinai, nơi Thiên Chúa ban cho dân Israel Mười Điều Răn và ký giao ước với họ để trở thành dân của Thiên Chúa (x. Xh 19,2; Lv 7,38; Ds 1, 1.19; 3,4).
+ Sa mạc Paran nằm về phía đông nam đất Cađê, nơi ông Môsê đã sai các thám tử đi thám thính đất Canaan (x. Ds 13,3), tuy nhiên sau khi nghe các thám tử trở về bảo rằng đó là vùng đất của những người khổng lồ thì toàn dân Israel đã nổi loạn định sát hại ông Môsê và ông Aharon, khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận muốn tiêu diệt họ (x. Ds 14,10-12).
+ Sa mạc Xin nằm về phía đông bắc đất Cađê, nơi ông Môsê đã dùng gậy gõ vào một tảng đá khiến nước trào ra thành mạch nước Mơriva cho dân Israel dùng (x. Xh 17,1; Ds 27,14).
Tất cả những sa mạc này đều là những sa mạc mà dân Israel đã phải đương đầu trong hành trình bốn mươi năm tiến về Đất Hứa.
II. Ý nghĩa biểu tượng của “hoang địa” hay “sa mạc”
Như đã nói, “hoang địa” hay “sa mạc” có thể xem là một chủ đề quan trọng trong Kinh Thánh, vì sau khi Thiên Chúa giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, thì Thiên Chúa không đưa họ đi thẳng vào Đất Hứa, mà Thiên Chúa lại chọn đưa họ đi vào trong đồng vắng suốt 40 năm. Và chúng ta có thể đặt câu hỏi: “Tại sao Thiên Chúa lại làm như thế?”. Hẳn là Thiên Chúa phải có một kế hoạch nào đó dành cho dân của Chúa, vì thế việc khám phá ý nghĩa của “sa mạc” có thể giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về hành trình tâm linh của mỗi người.
1. “Hoang địa” là nơi gặp gỡ và trò chuyện
Như đã biết, hành trình bốn mươi năm về Đất Hứa của dân Israel hầu như đi trong “hoang địa”, nơi mà họ luôn phải đối diện với mọi khó khăn thử thách, và “hoang địa” vốn là một nơi vô vọng như thế nhưng đã được Thiên Chúa dùng để làm nơi Người trò chuyện với dân Người.
Không những vậy Kinh Thánh còn kể cho chúng ta biết chính tại những nơi hoang vắng như thế, Thiên Chúa đã gặp gỡ và trò chuyện riêng với những người mà Chúa muốn tuyển chọn để trao sứ vụ cho họ. Chẳng hạn như :
+ Thiên Chúa trò chuyện với ông Môsê khi ông diện kiến Thiên Chúa nơi bụi gai cháy bừng bừng trên núi Khôrếp trong vùng hoang địa. Đó cũng là nơi Thiên Chúa cho ông biết danh của Ngài, đồng thời Thiên Chúa giao phó cho ông sứ mạng giải thoát Israel khỏi Ai Cập (x. Xh 3, 1-10).
+ Khi ngôn sứ Êlia chạy vào sa mạc để trốn tránh sự truy sát của bà hoàng hậu Idơven, thì Thiên Chúa đã xuất hiện trong cơn gió hiu hiu để trò chuyện với ngôn sứ, và trao cho ông sứ vụ xức dầu phong vương cho các vua Aram và Israel (1 V 19,12b-16).
Mỗi câu chuyện trên đều chất chứa những điều kỳ diệu. Thiên Chúa xuất hiện để gặp gỡ, trò chuyện và trao sứ vụ cho mỗi người trong nơi hoang vắng, giữa những thời điểm có thể nói là hết sức khó khăn, hiểm nguy và kiệt sức của họ.
2. “Hoang địa” là nơi Thiên Chúa bày tỏ sự quan phòng của Người
Điều đáng ngạc nhiên là “hoang địa” vốn là nơi cằn cỗi lại trở thành nơi dồi dào ơn thánh Chúa. Kinh Thánh chứa đầy những câu chuyện về việc Thiên Chúa cung cấp thực phẩm, nước uống một cách kỳ diệu để nuôi dân (x. Xh 16, 26.35; 17,6), và qua đó minh chứng lòng “yêu thương và thành tín” của Thiên Chúa, cũng như trình bày quyền năng vô song của Người trong việc đáp ứng nhu cầu của con người trong bất kỳ hoàn cảnh nào, môi trường nào. Theo đó, chúng ta có thể tin tưởng mãnh liệt rằng cho dù “hoang địa” của chúng ta có khắc nghiệt và cằn cỗi đến đâu, thì vẫn luôn có Thiên Chúa ở đó chờ đợi để chu cấp cho chúng ta.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu đôi nét về ý nghĩa của hạn từ “hoang địa” hay “sa mạc” và ý nghĩa biểu tượng của nó trong Kinh Thánh. Theo đó, kể từ hành trình lang thang trong sa mạc của dân Israel đến cuộc thử thách Đức Giêsu chịu trong hoang địa, tất cả đều cho chúng ta thấy sức mạnh biến đổi của sự cô tịch nơi hoang địa, nơi mà con người có thể gặp gỡ và trò chuyện với Thiên Chúa, đồng thời đó cũng là nơi mà con người nhận biết được sự quan phòng của Thiên Chúa. Vậy, khi Hội Thánh mời gọi con cái mình đi vào “hoang địa” trong Mùa Chay Thánh, là Hội Thánh muốn chúng ta hãy ôm lấy “hoang địa” cuộc đời này bằng đức tin, vì bên trong sự rộng lớn hoang tàn của nó vẫn ẩn chứa vô số ý nghĩa về sự gặp gỡ, trò chuyện với Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta có thể nhận ra ý Chúa muốn nơi cuộc đời của mình mà can đảm tiến bước.
Cầu nguyện:
Hãy đến đây ta reo hò mừng CHÚA,
tung hô Người là Núi Đá độ trì ta,
vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ,
cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.
Bởi ĐỨC CHÚA là Chúa Trời cao cả,
là Đại Vương trổi vượt chư thần,
nắm trong tay bao vực sâu lòng đất,
giữ chủ quyền muôn ngọn núi vút cao.
Đại dương Chúa đã tạo thành là của Chúa,
lục địa do tay Người nhào nắn cũng thuộc về Người.
Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục,
quỳ trước tôn nhan CHÚA là Đấng dựng nên ta.
Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ,
còn ta là dân Người lãnh đạo,
là đoàn chiên tay Người dẫn dắt.
Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa !
[Người phán] : “Các ngươi chớ cứng lòng
như tại Mơriva, như ngày ở Maxa trong sa mạc,
nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức
và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.
Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán,
Ta đã nói : Đây là dân tâm hồn lầm lạc,
chúng nào biết đến đường lối của Ta,
nên Ta mới thịnh nộ thề rằng :
Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta.”
(Tv 95,1-11)
Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ - Lm Gioan Nguyễn Thiên Minh, OP
Nguồn: tgpsaigon.net