Bài 68
THẾ GIỚI CỦA NGÀY LỄ NGŨ TUẦN
1. Dẫn nhập
Năm mươi ngày sau lễ Phục Sinh, Giáo Hội cử hành lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, đánh dấu một biến cố trọng đại đã xảy ra mười ngày sau khi Chúa Giêsu Thăng Thiên. Tin Mừng Gioan cho chúng ta biết, vào chiều ngày phục sinh, khi hiện ra với các môn đệ, Đức Giêsu đã trao ban Thánh Thần cho các ông (x. Ga 20, 22). Nhưng sau đó 50 ngày, vào dịp lễ Ngũ Tuần của người Do Thái, Chúa Thánh Thần đã xuống trên các môn đệ cách long trọng và dồi dào, nhờ đó các ông đã mạnh dạn rao giảng về Đức Giêsu Phục Sinh. Biến cố này đã được tường thuật trong bài đọc 1, trích sách Cv 2,1-11.
Lễ Ngũ Tuần của Do Thái giáo là đại lễ được cử hành vào ngày thứ 50 tính từ lễ Vượt Qua theo quy định trong sách Lêvi (x. Lv 23,15-16). Và sự kiện Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy trên các tông đồ cũng xảy ra vào ngày thứ 50 sau biến cố phục sinh của Đức Giêsu (x. Cv 2,1-4). Thật là một sự trùng hợp lạ lùng : nếu lễ Ngũ Tuần của Do Thái giáo được xem là ngày khai sinh của dân Israel qua việc ban giao ước và Lề Luật tại núi Xinai, sau khi họ rời khỏi Ai Cập 50 ngày (x. Xh 19), thì biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ vào ngày lễ Ngũ Tuần là ngày khai sinh Hội Thánh, là Israel mới, bao gồm mọi dân nước trên địa cầu.
Vì thế tác giả Luca đã nói đến những người từ các sắc dân khắp nơi cho đến tận cùng của đế quốc Rôma :
- Pácthia, Mêđi, Êlam, Mêxôpôtamia, ở miền cực đông của đế quốc, thuộc miền Lưỡng Hà và vịnh Ba Tư (Irăng, Irắc, Kuwait ngày nay) ;
- Các dân Tiểu Á như Cáppađôkia, Pontô, Axia, Phyghia, Pamphylia (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ);
- Các dân vùng xa xôi phía nam như Ai Cập, Libya giáp giới Kyrênê (thuộc Phi Châu) ;
- Các dân thuộc bán đảo Ả Rập (ngày nay là Ả Rập Sauđi, Yêmen, Ôman, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập, Barain…)
- Cho đến dân từ đảo Cơrêta giữa Địa Trung Hải (nay thuộc Hy Lạp).
- Cả người Giuđê và những người từ Rôma đến,
- Người Do Thái và người đạo theo.
Họ là khách hành hương về Giêrusalem dịp lễ Ngũ Tuần. Họ đến từ khắp các nơi mà người Do Thái bị phân tán do biến cố lưu đày năm 587 tr.CN.
Thánh Luca kể tên các dân tộc từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ dân văn minh cổ thời đến các dân kém quan trọng. Cả Rôma cũng được nghe Tin Mừng. Tóm lại, toàn thể nhân loại quy tụ chung quanh Đức Giêsu.
Dân chúng khắp bốn phương tụ hội về Giêrusalem. Thánh Thần đã mở trí cho họ đón nhận Lời mặc khải. Ngôn ngữ không còn là rào cản. Thánh Thần làm cho họ hiểu được tất cả về Đức Giêsu (x. Cv 2, 8). Như vậy, có thể nói ngày lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem khi Thánh Thần hiện xuống là một cuộc tụ họp đông đảo các dân khắp hoàn cầu, để nhờ tác động của Thánh Thần, họ được quy tụ nên một, trở thành dân mới của Thiên Chúa.
2.Thánh Thần hợp nhất các dân tộc trong Chúa Kitô
Có thể nói, một trong những điều đặc biệt của biến cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đó là ơn “nói các thứ tiếng khác” được ban cho các tông đồ : “Ai nấy đều được đầy Thánh Thần, và bắt đầu nói các thứ tiếng khác, theo như Thần Khí ban cho họ phát ngôn” (Cv 2, 4). Đó là ân huệ đầu tiên của Thánh Thần được ban cho các tông đồ. Các ông nói được các thứ tiếng khác ở đây phải hiểu thế nào, phải chăng là các ông nói tiếng lạ hay tiếng nước ngoài ? Thưa, hẳn là không phải như vậy ! Thánh Thần không phải ban cho các tông đồ ơn nói được các thứ tiếng lạ khiến chẳng ai hiểu được gì, nhưng là ơn thông hiểu ngôn ngữ để các ông rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh cho mọi dân. Bởi vì theo Cv 2,6-11, thì người ta nghe các tông đồ nói bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình : “Họ sửng sốt, thán phục và nói : ‘Những người đang nói đó không phải là người Galilê cả ư ? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta ?’” (Cv 2,7-8).
Ở đây tác giả Luca có ý nói rằng các tông đồ được ơn diễn tả về Thiên Chúa, về Đức Giêsu cho người khác hiểu được ; hoặc hiểu được mọi sự dưới ánh sáng của Thánh Thần. Không những thế, ơn “nói các thứ tiếng khác” còn làm cho người ta được hợp nhất thay vì chia rẽ do “ngôn ngữ bất đồng”. Chính nhờ Thánh Thần mà, tuy đa ngôn ngữ nhưng không có sự chia rẽ, mà hợp nhất trong cùng lời rao giảng và trong sự đón nhận lời rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh.
Do đó, biến cố Thánh Thần Hiện Xuống đã chữa lành những chia rẽ và bất đồng, mà nhân loại vì kiêu ngạo đã bị phân tán bởi không thể hiểu nhau nữa như được tường thuật trong câu chuyện tháp Baben (x. St 11,1-9). Danh sách các dân tộc trong Cv 2,9-11 nhắc chúng ta nhớ đến 70 sắc dân được nói đến trong St 10, mà sau đó chính họ đã xây tháp Baben, “một tháp có đỉnh cao chọc trời” để gây danh tiếng lẫy lừng (x. St 11, 4). Vì thế Thiên Chúa đã giáng phạt bằng cách làm xáo trộn tiếng nói của loài người. Tháp Baben trở thành biểu tượng của sự chia rẽ, phân tán nhân loại do sự bất đồng ngôn ngữ. Trái lại, trong ngày lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem, nhờ ân sủng của Thánh Thần, sự khác biệt tiếng nói giữa các dân tộc đã bị xoá bỏ, mọi người từ mọi ngôn ngữ, mọi dân tộc được quy tụ lại và hợp nhất trong Chúa Kitô, làm nên một thân thể là Hội Thánh, đồng thời để muôn dân được nghe “những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 11).
3. Tính phổ quát của Hội Thánh Chúa Kitô
Ơn “nói các thứ tiếng khác” được ban cho các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần còn là một phép lạ làm nên tính phổ quát của Hội Thánh, qua đó cho thấy mục đích của Thiên Chúa là đưa Tin Mừng đến với muôn dân trên khắp hoàn cầu. Điều này làm cho Hội Thánh được khai mở đến tận cùng trái đất. Quả thật, danh sách các dân tộc được quy tụ theo Cv 2,9-11 nói lên tính phổ quát của công cuộc loan báo Tin Mừng do các tông đồ đảm nhiệm.
Người Do Thái cho rằng lãnh thổ lý tưởng của họ chính là phần đất Thiên Chúa hứa ban cho tổ phụ Ápraham : “Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai Cập đến Sông Cả, tức sông Êuphơrát” (St 12, 18).
Đất Hứa theo St 12, 18
Như vậy, miền đất của họ chỉ nằm từ biên giới Ai Cập ngược lên phía đông bắc, cho đến tận sông Êuphơrát. Thế nhưng trong Cv 2,9-11, xuất hiện các dân nước thuộc những vùng, vượt khỏi ranh giới lý tưởng của người Do Thái. Như vậy, dân mới của Thiên Chúa thì phổ quát và vượt xa cho đến “tận cùng trái đất”. Tin Mừng của Đức Kitô là cho mọi dân tộc, vì thế, tác giả Luca đã kể tên các dân tộc từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, gồm 12 thứ ngôn ngữ như là biểu tượng : “những kiều dân Rôma”, thế giới bên Tây ; “người Do Thái cũng như người đạo theo”, nói lên sự hợp nhất giữa dân Israel với thế giới ; “người đảo Cơrêta hay người Ả Rập”, đại diện cho Đông phương và Tây phương, các hải đảo và đại lục.
Thế giới của ngày lễ Ngũ Tuần theo Cv 2,1-12
Như vậy, thế giới của ngày lễ Ngũ Tuần là thế giới của mọi dân nước, được quy tụ chung quanh Đức Kitô để hình thành một dân thánh mới, tức Hội Thánh của Đức Kitô. Thuở xưa trong Cựu Ước, các ngôn sứ đã loan báo mọi dân nước từ khắp nơi sẽ quy tụ trên núi Xion : “… Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng : ‘Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Giacóp, để Người dạy ta biết đường lối của Người…’” (Is 2,2-3 ; Mk 4,1-2), thì nay lời loan báo trên của ngôn sứ Isaia và ngôn sứ Mikha đã được ứng nghiệm trong ngày lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem.
Kết
Tóm lại, trong thời gian lễ Ngũ Tuần, người người từ khắp bốn phương quy tụ về Giêrusalem (x. Cv 2, 5). Họ đại diện cho tất cả các dân các nước mà Thiên Chúa muốn cứu độ, hết thảy không trừ một ai, như lời khẳng định của thánh Phêrô : “Thật vậy, lời hứa đã được ban cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những ai mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi” (Cv 2, 39) và “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10,34b-35).
Những người hành hương về Giêrusalem dự lễ Ngũ Tuần sẽ nhận được lời rao giảng rằng Đấng Mêsia mà họ trông đợi, đã đến, đã chịu chết, và đã được Thiên Chúa cho sống lại như lời thánh Phêrô trong bài giảng sau đó : “Đức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa uỷ nhiệm đến với anh em… Đức Giêsu đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ ngoại giáo đóng đinh Người mà giết đi…, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2,22-23.36). Và chính nhờ ơn huệ của Thánh Thần, họ đã được mở lòng mở trí để đón nhận lời công bố về Đức Kitô Phục Sinh qua lời rao giảng tiên khởi của thánh Phêrô (x. Cv 2,37-41).
Nguồn: tgpsaigon.net