Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 67

Bài 69: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần

Bài 69: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần

Chúa nhật tới đây chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm chính yếu và nền tảng nhất của Kitô giáo. Trong các bài đọc Lời Chúa của phụng vụ thánh lễ, lời mặc khải quan trọng và rõ ràng nhất về Ba Ngôi chính là lời Đức Giêsu truyền dạy các môn đệ : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19).

Trong bài học hỏi lần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những bước đi của Sách Thánh từ ý niệm độc thần về một Thiên Chúa duy nhất đến niềm tin về Thiên Chúa Ba Ngôi, từ những hình bóng tiềm tàng đến mặc khải trọn vẹn.

Với lý trí tự nhiên, con người có thể nghiệm ra có Thiên Chúa, nhưng con người không thể nhận biết mầu nhiệm Thiên Chúa nếu không được Người mặc khải cho (x. GLHTCG số 50). Thật vậy, theo dòng thời gian, chính Thiên Chúa đã từng bước tự tỏ mình để con người có thể nhận biết Người là ai, khởi đầu là qua các tổ phụ, rồi đến các ngôn sứ và cuối cùng là qua chính Ngôi Lời đã trở nên người phàm là Đức Giêsu Kitô (x. Hr 1,1-2 ; Ga 1, 14).

Qua các bản văn Tin Mừng, Đức Giêsu đã chứng thực rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, là Đấng Sáng tạo, quan phòng và Cứu độ (Mc 12, 29 ; Mt 6, 25 ; Ga 3,16-17), Đấng duy nhất tốt lành (Mt 19, 17), và danh của Người là Cha và Con và Thánh Thần (Mt 28, 19).

Trước tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu về tính duy nhất của Thiên Chúa, rồi đến các kiểu nói ẩn tàng trong Cựu Ước về một Thiên Chúa đa ngôi vị, và sau đó là về “công thức” Ba Ngôi trong Mt 28, 19.

1. Một Thiên Chúa duy nhất

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi có căn cốt từ một xác quyết nền tảng và quan trọng bậc nhất trong toàn bộ Kinh Thánh đó là niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất như lời kinh Sơma cho thấy : “Nghe đây, hỡi Israel ! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất” (Đnl 6, 4).

Niềm tin này được truyền thống Do Thái thu tập qua những lời tuyên xưng đến từ chính các dân ngoại, chẳng hạn như lời tuyên xưng của ông Gítrô người Mađian : “Giờ đây, tôi nhận biết rằng ĐỨC CHÚA cao cả hơn hết mọi thần minh” (Xh 18, 11) ; hay lời của tướng Naaman người Aram  : “Nay tôi biết rằng trên khắp mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel” (2 V 5, 15) ; hay cô Rakháp người Giêrikhô thì quả quyết Thiên Chúa của Israel là đấng duy nhất ngự chốn trời cao cũng như nơi đất thấp (x. Gs 2, 11) ; và nhất là lời tuyên tín của dân Israel vào Đức Chúa là Đấng duy nhất giải thoát và cứu độ (x. Xh 20,2-3). Chính niềm tin này đã làm nên căn tính của dân Chúa. Vì vậy, nếu dân bất trung, bất tín vào một Đức Chúa duy nhất thì hậu quả tất yếu sẽ là diệt vong và tan rã (x. Đnl 6,14-15). Từ khởi nguyên cho đến tận cùng, chỉ có Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa của cả nhân loại, “là Đức Chúa duy nhất và Danh Người là Danh duy nhất” (Dcr 14, 9).

Kinh Thánh Tân Ước cũng cho thấy một bức tranh đầy màu sắc đa thần nơi các dân ngoại :

“Trong khi ông Phaolô […] ở Athêna, ông nổi giận vì thấy thành phố nhan nhản những tượng thần” (Cv 17,16)

Tại Lýtra, sau phép lạ chữa người bại liệt, dân chúng đã “gọi ông Banaba là thần Dớt, ông Phaolô là thần Hécmê” (Cv 14, 12)

Để chống lại ông Phaolô, dân Êphêxô đã “hò hét suốt gần hai tiếng đồng hồ : ‘Vĩ đại thay, thần Áctêmi của người Êphêxô !’” (Cv 19, 34).

Nhưng thánh Phaolô quả quyết với các tín hữu Côrintô rằng : “Ngẫu tượng chẳng là gì trên thế gian, và cũng chẳng có thần nào ngoài Thiên Chúa độc nhất. […] Đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta ; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu” (1 Cr 8,4.6).

Các bản văn Tân Ước minh chứng rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa xuất phát từ Thiên Chúa duy nhất trong tư cách là “Con một đầy tràn ân sủng và sự thật”, hợp nhất hoàn toàn làm một với Thiên Chúa Cha (x. Pl 2, 11 ; Cv 5, 32 ; Ga 1, 14 ; 10, 30 ; 17, 1). Thật vậy, Đức Giêsu được nhận biết và tuyên xưng là CHÚA (Kyrios) với tước vị và danh hiệu chỉ dành riêng cho một mình ĐỨC CHÚA duy nhất của Israel : là Đấng Hiện Hữu (x. Xh 3, 14//Ga 8, 24) ; là Khởi Nguyên và Tận Cùng (x. Kh 22,12-23//Is 44, 6).

2. Những kiểu nói ám chỉ Ba Ngôi trong Cựu Ước

Chúng ta biết là hạn từ “Ba Ngôi” hay “Thiên Chúa Ba Ngôi” không có trong Kinh Thánh và mầu nhiệm Ba Ngôi được nhận biết là nhờ vào mặc khải của Đức Giêsu cũng như giáo huấn của các tông đồ cách riêng là tông đồ Phaolô. Tuy nhiên, từ trong Cựu Ước đã có những kiểu nói diễn tả cách ẩn tàng ý niệm về một Thiên Chúa đa ngôi vị.

Danh từ Êlôhim (אֱלֹהִים)

“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa (Êlôhim) sáng tạo trời đất” (St 1, 1). Ngay câu đầu tiên này của bộ Kinh Thánh, đã xuất hiện danh từ Êlôhim, được dịch là “Thiên Chúa”, và hạn từ này còn xuất hiện hơn 2500 lần nữa trong Kinh Thánh Hípri. Êlôhim (אֱלֹהִים) là danh từ dạng số nhiều của Êlôah (אֱלוֹהַּ‎) nghĩa “Thần”, “Thiên Chúa”. Kinh Thánh Cựu Ước đã dùng từ số nhiều Êlôhim để gọi Thiên Chúa của Israel như một ám chỉ rằng Thiên Chúa không đơn độc.

Trong câu chuyện Thiên Chúa ghé thăm ông Ápraham, St 18,1-3 kể rằng : “ĐỨC CHÚA hiện ra với ông Ápraham tại cụm sồi Mamrê […]. Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói : “Thưa Ngài (Ađônai), nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài”. Ở đây, bản văn cho biết Đức Chúa hiện ra trong hình hài của ba người khách nhưng ông Ápraham lại thưa chuyện như chỉ với một người khi dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ hai số ít (ngài) để đối thoại với Chúa.

Câu chuyện này đã gợi hứng cho hoạ sĩ người Nga Andrei Rublev vẽ lên bức icôn nổi tiếng về Ba Ngôi.

Kiểu nói số nhiều về Thiên Chúa

Cựu Ước còn dùng những kiểu nói cho thấy Thiên Chúa đa ngôi vị, chẳng hạn như :

“Thiên Chúa phán : ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta’” (St 1, 26). Ở đây Thiên Chúa nói với chính mình như với một cộng đồng khi đại từ “chúng ta” được dùng đến ba lần.

Trong trình thuật tháp Baben, khi con người kiêu ngạo xây một ngọn tháp chọc trời, Thiên Chúa tự nhủ : “Nào ! Chúng ta xuống và làm cho tiếng nói của chúng phải xáo trộn” (St 11, 7)

Khi kể lại ơn gọi của mình, ngôn sứ Isaia viết : “Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán : ‘(chúng) Ta sẽ sai ai đây ? Ai sẽ đi cho chúng ta ?’ Tôi thưa : ‘Dạ, con đây, xin sai con đi’” (Is 6, 8). Ở đây, đại từ ngôi thứ nhất số nhiều “chúng ta” cũng được dùng cho Thiên Chúa.

Cựu Ước còn có những kiểu nói ám chỉ ba ngôi vị mà sau này khi trở nên ứng nghiệm nơi Đức Giêsu đã cho thấy là nhằm đến Ba Ngôi Thiên Chúa, chẳng hạn như :

“Đây là người tôi tớ Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến, Ta cho thần khí Ta ngự trên người” (Is 42, 6)

Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi” (Is 61, 1 ; x. Lc 4, 18)

3. “Công thức” Ba Ngôi trong phép rửa

Theo Tin mừng Mátthêu, trước lúc thăng thiên, Đức Giêsu đã truyền lệnh cho các môn đệ : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28, 19). Đây là mệnh lệnh làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi được tác giả Mátthêu trình bày rõ ràng, độc nhất, không thấy ở đâu khác trong Kinh Thánh.

Sách Công vụ Tông Đồ thì nhắc đến phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô (x. Cv 2, 38 ; 8, 16 ; 10, 48), và phép rửa trong Thánh Thần (x. Cv 1, 5).

a- Phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô

Phép rửa nhân danh Chúa Giêsu được đặt trong bối cảnh người lãnh nhận là “nhà Israel” sau khi họ đã nghe giảng và đã tin nhận Đức Giêsu là Đức Chúa và là Đấng Kitô (x. Cv 2, 38). Thánh Phêrô mời gọi “nhà Israel” sám hối, và chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội, để nhận được ân huệ là Thánh Thần (x. Cv 2,33-38 ; 8,36-38). Chính vì vậy, Phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô luôn gắn liền với lời tuyên xưng đức tin được đặt trong bối cảnh lịch sử cứu độ của một Thiên Chúa duy nhất (x. Gl 4,4-6). Vì chỉ có một Thiên Chúa là Cha ; chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô ; và chỉ có một Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết (x. Pl 2, 11 ; Rm 8, 11).

b- Phép rửa trong Thánh Thần

Phép rửa nhân danh Chúa Giêsu còn được gọi là phép rửa trong Thánh Thần (x. Cv 1, 5). Thánh Phaolô khẳng định : “Dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, tất cả chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần khí để trở nên một thân thể” (1 Cr 12, 13). Phép rửa trong Thánh Thần chính là công trình cứu độ do Đức Giêsu thực hiện để ban ơn huệ Thánh Thần là đời sống mới (x. Ed 11,19-20, Cv 11,16-18, Rm 8, 6). Thật vậy, không thể tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa nếu không có Thánh Thần (x. 1 Cr 12,3-6), vì Thánh Thần làm chứng về Đức Giêsu (x. Ga 15, 26) ; thì cũng vậy, không thể nói về Thánh Thần mà không có Chúa Giêsu và Chúa Cha, vì Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha (x. Ga 15, 26), cũng như Đức Kitô từ Chúa Cha mà đến (x. Ga 16, 28).

Thánh Thần được Kinh Thánh mô tả là một ngôi vị (x. Cv 19, 21 ; Mt 4, 1). Người là một ngôi vị có danh xưng và tước hiệu : là Đấng Bảo Trợ, là Thần Khí sự thật (x. Ga 14,16-17), là Đấng thấu suốt mọi sự, ngay cả những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa (x. 1 Cr 12, 11). Thiên Chúa đã nhờ Thần Khí mà mặc khải (x. 1 Cr 2, 10), dạy dỗ (x. Hr 3,7-8), tái sinh (x. Ga 3,3.5). Thần Khí đã hiện diện từ công trình tạo dựng cho tới công trình cứu chuộc (x. St 1, 2 ; Lc 1, 35 ; 4,14-15 ; Mc 1, 12 ; Rm 1,3-4), và là Đấng hướng dẫn các tín hữu trong đời sống mới và dẫn đưa đến chân lý vẹn toàn (x. Rm 8, 13 ; Ga 16, 13).

c- Phép rửa nhân danh Ba Ngôi

Công thức thanh tẩy nhân danh Ba Ngôi đã được sử dụng rất sớm trong phụng vụ phép rửa thời Giáo hội sơ khai. Sách Giáo Huấn Của Mười Hai Tông Đồ (Điđakhê, quãng năm 90-100) có chỉ dẫn về nghi thức rửa tội giống như trong Tin Mừng Mátthêu với công thức là “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.

Dù công thức phép rửa là “công thức Kitô” hay “công thức Ba Ngôi”, dù tên gọi có thể là “phép rửa nhân danh Đức Giêsu” (Cv 2, 38), “phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 11, 16), hay “phép rửa nhân danh Ba Ngôi” (Mt 28, 19), nhưng đạo lý về phép rửa chỉ là một (x. 1 Cr 6, 11 ; 2 Cr 1,21-22 ; 1 Pr 1, 2), vì “Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa” (Ep 4,4-5).

Nhiều bản văn Tân Ước, cách riêng là các thư của thánh Phaolô tuy có ám chỉ (x. Cv 5,30-32 ; 1 Cr 6, 11) hoặc minh nhiên nhắc đến cả ba ngôi vị (x. 2 Cr 13, 13 ; Ep 1,3) nhưng không xác định tương quan giữa các ngôi vị là Cha - Con - Thánh Thần theo một trình tự như thấy trong “công thức” Ba Ngôi của Mátthêu, ví dụ như lời vinh tụng ca trong thánh thi Êphêxô : “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1, 3), và cũng thế, trong lời chào chúc của thánh Phalolô ở cuối thư 2 Cr : “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2 Cr 13, 13).

Suy nguyện

Chúng ta cùng suy nguyện bằng một trong những lời nguyện chúc cổ xưa nhất mang chiều kích Ba Ngôi, trích thư gửi tín hữu Êphêxô :

“Nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng.

Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn ; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết.

Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa. Xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới, xin tôn vinh Người trong Hội Thánh và nơi Đức Kitô Giêsu đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Ep 3,14-21).

Nguồn: tgpsaigon.net


 

zalo
zalo