Trong buổi học hỏi Kinh Thánh tuần này, xin được cùng quý ông bà anh chị em tìm hiểu về những cơn bão táp cuồng phong và sứ điệp từ phụng vụ Lời Chúa mà Chúa Nhật XII năm B sắp tới đây sẽ trình bày cho chúng ta biết.
Theo quan niệm của người xưa, biển khơi thường tượng trưng cho sức mạnh thù nghịch chống đối với Thiên Chúa (x. G 38,1-11). Theo đó, “một trận cuồng phong” trên biển (x. Mc 4, 37 ; Lc 8, 23) hoặc “một cơn biển động mạnh” (x. Mt 8, 24) đều nhằm ám chỉ đến một mãnh lực xấu xa chống lại Thiên Chúa và đe doạ con người.
Dù vậy, tác giả Máccô đã nói rằng “cả gió và biển cũng phải tuân lệnh Đức Giêsu” (4, 41b), điều đó cũng tương tự như việc các thần ô uế đã phải tuân lệnh Đức Giêsu mà xuất khỏi những người bị chúng ám (x. Mc 1, 27). Như vậy, cuồng phong bão tố chẳng khác gì thần dữ và việc dẹp yên sóng gió cũng tương đương với việc trừ quỷ.
Bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu một số đặc điểm của ba “trận cuồng phong” trong Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XII năm B sắp tới đây.
1. Trận cuồng phong trong trích đoạn Tin Mừng Mc 4,35-41
Trận cuồng phong này có những đặc điểm sau :
[1] Trận “cuồng phong” (λαῖλαψ : lailaps) nổi lên một cách bất ngờ là nguyên nhân tạo ra những ngọn sóng hung bạo “ập vào thuyền” của các môn đệ và Đức Giêsu.
[2] Trận “cuồng phong” làm cho con thuyền ngập nước và có nguy cơ chìm xuống biển.
[3] Trận “cuồng phong” khiến cho các môn đệ của Đức Giêsu hoang mang tột cùng. Họ tưởng như mình “chết đến nơi rồi”.
Tuy nhiên, đối với Đức Giêsu thì “trận cuồng phong” này chẳng hề tác động được gì đến Đức Giêsu, cho nên dù đang ở trên một con thuyền bị dập vùi giữa giông bão, thì Đức Giêsu vẫn “dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ”. Cuối cùng khi Đức Giêsu bị đánh thức thì không phải do bởi “sóng gió bão táp”, nhưng là bởi tiếng kêu cứu của các môn đệ đang cơn hoảng loạn giữa giông tố biển khơi.
Có thể nói trận cuồng phong bấy giờ giống như một “sân khấu” để Đức Giêsu thể hiện quyền năng của Người, quyền năng vượt trên thiên nhiên, khi Người “ngăm đe gió, và truyền cho biển : Im đi ! Câm đi !”, rồi “gió liền tắt và biển lặng như tờ”. “Trận cuồng phong” đã phải phục tùng lệnh truyền của Đức Giêsu. Cuối cùng, sau khi chứng kiến “trận cuồng phong” bị Đức Giêsu dẹp yên, các môn đệ đã băn khoăn tự hỏi: “Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh ?”.
2. Trận cuồng phong trong Bài Đọc 1, trích đoạn sách Gióp 38,1. 8-11
Danh từ tiếng Hy Lạp chỉ “trận cuồng phong” (λαῖλαψ : lailaps) trong Mc 4,35-41 cũng là từ ngữ được các dịch giả bản LXX sử dụng để dịch danh từ “bão táp” (סְעָרָה : sơarah) trong tiếng Hípri (G 38, 1), và “cơn bão táp” trong Bài Đọc 1 này có những đặc điểm sau :
[1] Tác giả sách Gióp 38, 1 mô tả: “Giữa cơn bão táp, ĐỨC CHÚA lên tiếng trả lời ông Gióp”. Hình ảnh “cơn bão táp” ở đây nhằm mở ra khung cảnh thần hiện như cách thế thường được mô tả trong Cựu Ước. Cụ thể ở đây là việc ĐỨC CHÚA hiện ra ngỏ lời cho ông Gióp và cho ông biết quyền năng của Người.
[2] “Cơn bão táp” ở đây giống như thể một dụng cụ Thiên Chúa dùng để giảng dạy một cách trực quan cho người học trò là ông Gióp. Quả thật ĐỨC CHÚA giảng giải một cách đầy sinh động và dễ hiểu nhu sau:
“Cửa đại dương, ai ra tay khép lại
khi nước tuôn trào từ đáy vực sâu,
khi Ta giăng mây làm áo nó mặc,
phủ sương mù làm tã che thân ?”.
[3] “Cơn bão táp” dù là một thế lực vần vũ trên bầu trời hay dưới lòng biển cả, thì nó vẫn bị ĐỨC CHÚA huấn luyện, thuần hoá và định liệu cho nó một vị thế hiện hữu :
“Đường ranh giới của nó, chính Ta vạch sẵn,
lại đặt vào nơi cửa đóng then cài”.
[4] Tác giả sách Gióp cho biết, đối với Đức Chúa thì “đại dương” hay “vực sâu”, “nước cuốn” hay “sóng cồn” cũng chẳng có chi là siêu phàm một khi ĐỨC CHÚA ra tay chế ngự :
“Rồi Ta phán : Ngươi chỉ tới đây thôi,
chứ không được tiến xa hơn nữa…”
Như vậy, bão tố cũng có chỗ đứng của nó và còn hơn thế nữa, như lời Thánh Vịnh Đáp Ca hôm nay cho biết sau đây.
3. Trận cuồng phong trong Thánh Vịnh 106,23-26. 28-31
Trong Thánh Vịnh 106 này, tác giả Thánh Vịnh cũng dùng danh từ “bão táp” (סְעָרָה : sơarah) giống như danh từ ““bão táp” (סְעָרָה : sơarah)” đã được tác giả sách Gióp sử dụng, tuy nhiên trong đoạn Thánh Vịnh này, “cơn bão táp” lại được hiểu như là cơ hội để con người dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì việc trải nghiệm sức mạnh của “bão táp” giữa biển khơi sẽ giúp con người chứng nghiệm được kỳ công mà ĐỨC CHÚA đã “thực hiện giữa dòng nước lũ”, và khi đó con người sẽ phải “kêu lên cùng CHÚA”. Và nhờ nhờ có sự can thiệp của ĐỨC CHÚA mà “bão táp” sẽ biến đổi thành “gió thoảng nhẹ nhàng”, và “sóng đang gầm, bỗng đâu im tiếng” giúp con người có thể “vui sướng, vì trời yên bể lặng” và đến được “bờ bến mong chờ” đúng như những gì Đức Giêsu đã làm trong bài Tin Mừng hôm nay.
Và tất cả những gì con người có thể làm sau khi bão tố qua đi là dâng lời tạ ơn Thiên Chúa nhưtâm tình của tác giả Thánh Vịnh đáp ca:
“Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”
Ở đây chúng ta thấy danh từ “tình thương” trong tiếng Hípri là (חֶסֶד : khesed) được dịch ra tiếng Hy Lạp là ἔλεος (eleos), và danh từ này ἔλεος (e-le-os) trong Tân Ước thường được dịch là “lòng trắc ẩn” (x. Lc 1, 78) hay “lòng thương xót” (x. Rm 11, 31). Tuy nhiên, trong Bài Đọc 2 trích từ thư thứ hai gởi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô lại sử dụng danh từ ἀγάπη (agapê) để nói về Tình yêu của Đức Kitô, Đấng “đã chết thay cho mọi người”. Chính tình yêu của Đức Kitô đã thôi thúc thánh nhân sống “cho Đấng đã chết và sống lại vì mình”.
Đến đây, chúng ta có thể đặt câu hỏi là : “Tình thương của CHÚA” và “tình yêu của Đức Kitô” có gì khác nhau trong khung cảnh Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay ?
Xin thưa, hai điều vừa nêu không có gì khác nhau, tuy nhiên, mỗi cụm từ lại nhấn mạnh đến những khía cạnh khác nhau. Cụm từ “tình thương của CHÚA” nhấn mạnh đến nội dung của tình thương đó là Ơn Cứu Độ. Trong khi cụm từ “tình yêu của Đức Kitô” nhấn mạnh đến cách thế cứu độ của Thiên Chúa là hiến trao mạng sống để con người được sống. Như vậy, có thể nói được rằng, từ những hình ảnh được cứu nguy hay giải thoát khỏi cơn bão tố thiên nhiên trong Bài Tin Mừng, Bài Đọc 1 và Thánh Vịnh hôm nay, Phụng Vụ Lời Chúa đưa chúng ta đi từ cảm nghiệm của con người được Thiên Chúa cứu độ đến việc con người nhận ra cách thế Thiên Chúa cứu độ và biết Đấng Cứu Độ là Đức Kitô và việc nhận biết đó sẽ khiến đưa chúng ta đến “ở trong Đức Kitô” và nhờ đó mà chúng ta trở thành “thụ tạo mới”.
Tạm Kết
Chúng ta đã bắt đầu buổi học hỏi Phụng Vụ Lời Chúa, Chúa Nhật XII năm B hôm nay, bằng việc tìm hiểu những đặc điểm xoay quanh “trận cuồng phong” mà các môn đệ và Đức Giêsu đã trải qua ở biển hồ Galilê năm xưa. Tuy nhiên, đến đây, chúng ta có thể nói được rằng, “cuồng phong” hay “phong ba bão táp” trong các bài đọc Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay lại được diễn tả như thể chúng là cơ hội để chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ và nhận biết tình yêu hy hiến mà Đức Giêsu Kitô đã dành cho nhân loại chúng ta. Đức Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa luôn “ở với” chúng ta trong mọi khoảnh khắc, kể cả những lúc sóng gió nguy nan nhất trong cuộc đời và ngay cả trong “cái chết”. Vậy, mong sao chúng ta giữ được mãi tâm tình tri ân này và có thể cất cao lời tung hô :
Alleluia, alleluia ! – Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta – Alleluia.
Nguồn: tgpsaigon.net