Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 233

Bài 76: “Tông đồ

Kính thưa quý ông bà anh chị em,

Bài Tin Mừng Chúa Nhật XV Thường niên, năm B, sắp tới (Mc 6,7-13) kể lại việc Đức Giêsu sai Nhóm Mười Hai ra đi thi hành sứ vụ. Nhóm Mười Hai gồm 12 môn đệ được Đức Giêsu tuyển chọn cách đặc biệt. Việc được Đức Giêsu sai đi làm cho các các ông trở thành những người được gọi là apostolos, nghĩa là người được sai đi, mà ta hay gọi là tông đồ.

Trong bài học hỏi tuần này, chúng ta cùng tìm hiểu chủ đề “Tông đồ” hay “Được sai đi” theo Kinh Thánh.

I. Từ ngữ

Tông đồ thường được hiểu là những người được Đức Giêsu tuyển chọn cách đặc biệt từ giữa các môn đệ của Người, như Tin Mừng ghi lại : “Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6,13 ; x. Mt 10,1-2 ; Mc 3,13-16).

Danh từ Tông đồ là từ Hán việt, trong đó  chữ “đồ” nghĩa là “học trò” như ta nghe nói đến các danh xưng “đồ đệ” hay “môn đồ”, “tông” có nghĩa là “gốc”, “nguồn gốc”. Tuy nhiên, Tân Ước dùng danh từ Hy Lạp “apostolos” để gọi các tông đồ theo nghĩa là người được sai phái, được cử đi làm điều gì đó mà ở nơi các tông đồ thì đó là sứ mạng Đức Giêsu trao phó cho các ông.

1. Tiếng Hípri

Kinh Thánh Cựu Ước có động từ sa-lakh, šalaḥ (שָׁלַח) nghĩa là sai, sai đi, để cho đi, phân tán, ... Từ này được dùng theo những ý nghĩa khác nhau :

a/ Để nói về hành động của một người sai ai đó đến với ai hoặc đến một nơi nào đó (St 28,5 ; 37,13) hoặc sai mang thứ gì đó đến người nào đó (Tl 3, 15 ; 1 V 21,8 ; 2 V 5, 5). Thiên Chúa cũng thường được miêu tả theo cách này :

“Ta đã không ngừng sai đến với các ngươi tôi tớ của Ta là các ngôn sứ, để nói với các ngươi” (Gr 35, 15).

“ĐỨC CHÚA đã sai ông (Môsê) thực hiện mọi điềm thiêng dấu lạ tại nước Ai Cập” (Đnl 34, 11).

Người sai đến/mang đến những điềm thiêng dấu lạ để giải thoát Israel khỏi Ai Cập : “Người sai mòng đến cắn, ếch nhái làm tan hoang” (Tv 78, 45),

Người cũng sai đến/gửi đến những phúc lộc : “Kẻ phàm nhân được ăn bánh thiên thần, Chúa gửi đến cho họ dồi dào lương thực” (Tv 78, 25).

b/Thiên Chúa cũng chỉ định sứ mạng cho ai đó và sai đi làm sứ giả cho Người, chẳng hạn Chúa sai các ngôn sứ đến loan báo một sứ điệp hay một cảnh báo cho dân Người :

“ĐỨC CHÚA sai ông Nathan đến với vua Đavít” (2 Sm 12, 1) ;

Chúa nói với ngôn sứ Êdêkiên : “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta” (Ed 2, 3 ; x. Gr 1, 7 ; 25, 4).

Quan trọng nhất là Thiên Chúa sai Đấng Mêsia đến : “ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn… Người sai tôi đi an ủi mọi kẻ khóc than” (Is 61,1-2).

Trong Tân ước, apostolos có lúc được dùng theo nghĩa thường để chỉ một ai đó được sai đi (x. Ga 13, 16), có khi nhằm đến một đặc sủng được ban một số người trong cộng đoàn Hội Thánh (x. 1 Cr 12, 28), và nhất là khi áp dụng cho Nhóm Mười Hai là những môn đệ được Đức Giêsu sai đi để thực thi một sứ mạng nhân danh Đức Giê-su và với thẩm quyền của chính Người, như được ghi lại trong đoạn Tin Mừng Chúa nhật tuần này : “Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6,7.13).

2. Tiếng Hy Lạp

Có hai động từ căn bản nói về việc “sai đi” là apostellô (ἀποστέλλω) và pempô (πέμπω).

Động từ apostellô có nghĩa là sai/phái bởi (ai), và nhấn mạnh cả người sai và người được saiTừ đây có danh từ apostolos nghĩa là người được sai phái bởi (ai), sai đi bởi (ai). Danh từ này chúng ta thường dịch là tông đồ, tuy không sát nghĩa.

Còn động từ pempô cũng có nghĩa là sai/phái, nhưng nhấn mạnh về phía người sai đi.

Như đã bàn ở trên, động từ pempô nhấn mạnh đến người sai đi. Động từ apostellô mang tính thần học nhiều với nghĩa là sai ai đi để phục vụ trong Vương Quốc của Thiên Chúa, với trọn vẹn quyền hành Thiên Chúa ban.

“Thầy chỉ được sai đến (apostello) với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi” (Mt 15, 24)

“Ông (Êlia) không được sai đến (pempo) giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarépta” (Lc 4, 26)

Riêng đối với Tin Mừng Gioan, hai động từ này được sử dụng với nghĩa đặc biệt hơn. Động từ apostellô được Đức Giêsu sử dụng khi Người nói đến quyền bính của Người đối với mọi người cũng như đối với các môn đệ : “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 17), “Như Chúa Cha đã sai ThầyThầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21).

Còn đối với động từ pempô trong Tin Mừng Ga, Đức Giêsu sử dụng công thức ho pempsas me (Đấng đã sai tôi) (Ga 5, 37 ; 6, 44 ; 8, 18 ; 12, 49 ; 14, 24) để khẳng định việc Chúa Cha cũng can thiệp và cộng tác vào trong lời nói và việc làm của Đức Giêsu. “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi ; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi” (Ga 12,44-45).

Trong hai động từ này, động từ apostellô phát sinh danh từ apostolos có nghĩa là người được sai đi bởi (ai), mang tính thần học cao, nên chúng ta cùng tìm hiểu về ý nghĩa của danh từ này.

II. Ý nghĩa của danh xưng apostolos - người được sai đi

Chúng ta biết, trong Tân Ước, từ apostolos dùng để nói về một người được sai đi¸ và được sai đi với quyền hành được ban cho (x. Mc 6, 7)Do đó, từ apostolos có những ý nghĩa sau :

1/ là một từ mang nghĩa pháp lý, để chỉ một người có trách nhiệm làm đại diện cho một người nào đó như Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Thầy bảo thật anh em : ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13,6).

2/ chỉ một người đại diện cho một đoàn thể và được uỷ thác hợp luật. Chẳng hạn như ông Titô và một người nữa được sai đi thực hiện cuộc lạc quyên tại Côrintô : “Cùng với anh Titô, chúng tôi cử một người anh em rao giảng Tin Mừng nổi tiếng trong khắp các Hội Thánh. Không những thế, anh lại được các Hội Thánh chỉ định cùng đi với chúng tôi lo việc lạc quyên, một việc nghĩa chúng tôi đảm nhận, để tôn vinh Chúa và biểu lộ lòng hăng hái của chúng tôi” (2 Cr 8,18-19).

3/ chỉ những người có sứ mạng công bố sứ điệp Tin Mừng : “Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6,7.13).

Đối với thánh Phaolô, apostoloi (những người được sai đi) không phải là những viên chức của một đoàn hội, mà là những thủ lãnh, những vị chỉ huy của Đức Kitô, mà nhờ các vị, Hội Thánh được xây nên (1 Cr 12, 28). Nói cách khác, apostoloi không gắn kết với đoàn hội của cá nhân nào, mà luôn gắn kết với một toàn thể là chính Hội Thánh có Đức Kitô làm Đầu (1 Cr 12, 28 ; Ep 1, 22 ; 2, 11 ; Cl 1, 18). Theo nghĩa này, những người được sai đi cũng giống như các ngôn sứ trong Cựu Ước (x. Ep 2, 20 ; 3, 5) là những người dọn đường cho Đấng phải đến.

Trong thư Hípri, Đức Giêsu được gọi là ho apostolos vị sứ giả (Hr 3, 1), với nghĩa là Đức Giêsu là Đấng duy nhất được Thiên Chúa sai đến trần gian, và trong Đức Giêsu, mặc khải chung cuộc của Thiên Chúa được hoàn trọn (Hr 1, 2).

III. Kết

Đức Giêsu là Đấng Chúa Cha cử đến với nhân loại. Ngay từ đầu sứ vụ, Người "kêu gọi những kẻ Người muốn chọn, và thành lập nhóm Mười Hai để các ngài ở với Ngừời và để Người sai đi rao giảng" (x. Mc 3,13-14). Từ đó, các ngài là "những người được sai đi" (đó là ý nghĩa của từ Hy Lạp Apostoloi). Qua các ngài, Đức Kitô tiếp tục sứ mạng của Người : "Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em" (Ga 20, 21) (x. 13, 20; 17-18). Như vậy, thừa tác vụ của các ngài "nối tiếp sứ mạng của Đức Kitô". Chúa phán với nhóm Mười Hai : "Ai đón tiếp anh em, là đón tiếp Thầy" (Mt 10,40) (x. Lc 10,16) [Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo số 858].

Không chỉ các ngôn sứ, các môn đệ, hay các nhân vật trong Kinh Thánh được mệnh danh là những apostoloi, những người được sai đi, mà mỗi chúng ta, những Kitô hữu, đều là những người được Đức Giêsu sai đi để cộng tác vào trong việc loan báo Tin Mừng, để công bố ơn cứu độ của Thiên Chúa, để làm chứng cho mọi người về Thiên Chúa đầy lòng xót thương. Đó là những sứ vụ mà Đức Giê-su là apostolos vĩ đại nhất, đã hoàn trọn và trở thành gương mẫu cho mỗi chúng ta noi theo.

Cầu nguyện : Hiệp với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, chúng ta cầu nguyện cho những người đang được sai đi loan báo Tin Mừng giữa thế gian :

“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con.

Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.

Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.

Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,12-19)

Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng vụ - Linh mục Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng, OP

Nguồn: tgpsaigon.net


zalo
zalo