Bài 79: Manna và Bánh Trường Sinh
Dẫn nhập
Phụng vụ Lời Chúa của Chúa nhật XVIII Thường Niên năm B cho chúng ta nghe bài đọc 1 trích sách Xuất hành, kể lại việc Thiên Chúa ban manna để nuôi dân Israel suốt hành trình bốn mươi năm trong sa mạc tiến về Đất Hứa. Còn trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan 6,24-35, Đức Giêsu cho người Do Thái biết rằng: manna ngày xưa chỉ là hình bóng báo trước thứ bánh đích thực mà Thiên Chúa sẽ ban cho loài người. Đó là bánh hằng sống, bánh trường sinh mà Đức Giêsu khẳng định là chính Người : “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói” (6, 35).
Trong bài học hỏi hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của manna mà Thiên Chúa đã ban cho dân Người trong sa mạc và manna đích thực là chính Đức Giêsu, là bánh trường sinh dưỡng nuôi các tín hữu trong cuộc lữ hành tiến về quê trời.
I. Manna trong Cựu Ước
Man-na có nguồn gốc từ tiếng Hípri là man hu (מָ֣ן ה֔וּא) nghĩa là “cái gì đây ?” (x. Xh 16, 15), là thức ăn Thiên Chúa đã ban cho dân Israel trong sa mạc (x. Xh 16,1-36). Sách Xuất hành kể rằng khi con cái Israel tới sa mạc Xin, nằm giữa Êlim và núi Xinai, thì họ oán trách ông Môsê đã khiến họ phải chết đói vì không có gì ăn. Thấy vậy, Đức Chúa đã phán với ông Môsê rằng Người sẽ ban thức ăn hằng ngày cho dân là chim cút và manna (x. Xh 16,11-15). Về manna thì con cái Israel chỉ cần lấy đủ ăn trong ngày, không được giữ lại qua đêm, vì hôm sau manna sẽ bị phân huỷ và sinh ra giòi bọ (x. Xh 16,16-18). Riêng ngày thứ sáu, họ sẽ lấy manna gấp đôi cho cả ngày thứ bảy nữa, vì đó là ngày Sa Bát, sẽ không có manna rơi xuống, dân được nghỉ ngơi và không phải đi lượm manna (x. Xh 16,22-30).
Theo mô tả của sách Xuất hành, thì manna là “một thứ gì nho nhỏ, mịn màng, như sương muối” xuất hiện trên mặt đất vào mỗi buổi sáng sau khi lớp sương phủ quanh trại bốc lên (x. Xh 16,13-14). Dân Israel thấy thế thì thắc mắc, họ “liền hỏi nhau : ‘man-hu ?’ vì họ không biết đó là cái gì” (Xh 16, 15). Sau đó, ông Môsê cho họ biết rằng “Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em ăn” (Xh 16, 16). Vì thế, thứ bánh đó được dân Israel đặt tên là manna. “Manna như hạt ngò và trông nó như nhựa hương” (Ds 11, 7), “màu trắng và mùi vị tựa bánh tráng tẩm mật ong” (Xh 16, 31).
Man-na chứng tỏ tình thương của Thiên Chúa đối với dân Người, như lời Người phán với ông Môsê : “Ta đã nghe tiếng con cái Israel kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng : Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi” (Xh 16, 12).
Sách Khôn ngoan cho thấy tình thương và sự quan phòng đặc biệt của Thiên Chúa đối với dân riêng của Người khi ban manna cho họ. Tác giả sách Khôn ngoan đã sử dụng lối diễn tả sự tương phản bằng những hình ảnh song đối : Thiên Chúa giáng hình phạt và tai ương trên những kẻ thù ghét và bách hại dân, khiến chúng phải tiêu vong. “Ngược lại, Chúa đã lấy lương thực thiên thần mà dưỡng nuôi dân Chúa, dọn sẵn cho họ bánh bởi trời, bánh họ không nhọc nhằn tìm kiếm, bánh có muôn hương vị, thoả mãn mọi sở thích” (Kn 16, 20).
Tv 78, 24 cũng nói : “Người khiến manna tựa hồ mưa đổ xuống, và ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ.”
Tv 105, 40 viết : “Họ đòi ăn, Người cho chim cút đến, và cho họ no nê bánh bởi trời.”
Như vậy manna, bánh thiên thần, hoặc bánh bởi trời, bánh có mùi vị tựa bánh tráng tẩm mật ong, đó là thứ lương thực vừa biểu lộ tình thương ngọt ngào của Thiên Chúa dành cho con cái của Người, vừa trở thành một thức ăn đáp ứng mọi khao khát của người ăn, vì nó biến đổi tuỳ theo ước muốn của từng người (x. Kn 16, 21). Manna là của ăn đàng (lương thực đi đường) cho dân Israel, và còn được gọi là “bánh của các bậc dũng mãnh” (Tv 78, 25 bản Hípri), vì manna là lương thực ban sức mạnh cho dân Israel, để họ có sức chịu đựng các thử thách trong hành trình sa mạc. Chỉ khi dân Israel đặt chân tới đồng bằng Giêrikhô, vào đúng ngày Lễ Vượt Qua, thì lúc đó không còn manna nữa, và dân Israel bắt đầu dùng thổ sản địa phương (x. Gs 5, 12).
Để kỷ niệm phép lạ manna trong sa mạc, theo lệnh của Chúa, dân Israel đã lấy một đấu manna, đổ vào một cái bình, đặt trong Hòm Bia Chứng Ước (x. Xh 16,32-35), cùng với cây gậy của Aharon và hai tấm bia Giao Ước khắc Mười Điều Răn (x. Hr 9, 4). Manna được lưu giữ trong nơi Cực Thánh để nhắc nhớ rằng suốt bốn mươi năm trong sa mạc, dân Israel đã được Thiên Chúa nuôi dưỡng bằng manna cho tới khi họ tới được ranh giới đất Canaan (x. Xh 16,32-35 ; Gs 5, 12).
II. Bánh trường sinh trong Tân Ước
Vì Israel đã ăn manna trong hành trình tiến về Đất Hứa (x. Gs 5, 12) nên đối với họ, không lương thực nào cao trọng bằng manna, bánh của Thiên Chúa, bánh từ trời xuống. Nhưng dù sao thì manna cũng chỉ nuôi sống con người cách tạm bợ, bởi vì những ai ăn thứ bánh ấy vẫn đói và vẫn phải chết. Vì thế trong diễn từ về bánh hằng sống tại hội đường Caphána-um (x. Ga 6), Đức Giêsu đã xếp manna vào loại “lương thực mau hư nát” không đem lại sự sống đời đời (x. Ga 6, 27a), như Đức Giêsu đã nói với người Do Thái : “Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, và đã chết” (Ga 6, 49).
Chúng ta hãy dừng lại để phân tích về “diễn từ bánh hằng sống” trong chương 6 của Tin Mừng Gioan.
Trước hết, chúng ta lưu ý đến lời của đám đông dân chúng nói với Đức Giêsu : “Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép : Người đã cho họ ăn bánh bởi trời” (6, 31). Với lời này, tác giả Gioan vừa gợi đến manna trong sa mạc (x. Xh 16), vừa nối kết với dấu lạ hoá bánh ra nhiều mới diễn ra (Ga 6,1-15), đồng thời dẫn vào đề tài Đức Giêsu là “bánh bởi trời, bánh đích thực” (6, 32c), “bánh đem lại sự sống” (6,35a.48), “bánh hằng sống” (51a), “bánh từ trời xuống” (6,41b.50a.51a.58a). Thật vậy, lời của đám đông đã dẫn vào mặc khải của Đức Giêsu khi Người nói : “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian” (6,32-33). Ở đây Đức Giêsu nối kết “bánh bởi trời” là manna trong quá khứ mà đám đông nói đến trước đó (x. 6, 31) với “bánh bởi trời, bánh đích thực” trong hiện tại (x. 6, 32) và định nghĩa về “bánh Thiên Chúa ban” là gì (x. 6, 33).
Qua mặc khải này, Đức Giêsu khẳng định ba điều về “bánh bởi trời” trong hiện tại :
- Thứ nhất, không phải ông Môsê mà là Chúa Cha đã ban bánh bởi trời ;
- Thứ hai, đối tượng lãnh nhận quà tặng bánh bởi trời không phải là con cái Israel trong sa mạc, mà là đám đông, là thính giả trong hiện tại (bản văn dùng đại từ huy-min - ὑμῖν, ngôi thứ hai số nhiều, tức là “các ông” hay “các người”), là những người đang đối thoại với Đức Giêsu ;
- Thứ ba, đặc điểm của bánh bởi trời trong hiện tại là bánh thật, bánh đích thực. Tính từ “thật” xác định giá trị của bánh này trổi vượt mọi thứ bánh khác, kể cả manna mà Thiên Chúa đã ban cho con cái Israel trong sa mạc.
Tiếp đến, Đức Giêsu định nghĩa bánh thật hay bánh đích thực là gì. Đó là “bánh của Thiên Chúa, bánh từ trời xuống, bánh ban sự sống cho thế gian”. Đến đây thì Đức Giê-su nói rõ hơn “bánh đem lại sự sống” đó là chính Người khi quả quyết rằng : “Chính tôi là bánh đem lại sự sống” (6, 35a.48), có nghĩa là Đức Giêsu đã đồng hoá Người với “bánh đem lại sự sống”.
Sau cùng, Đức Giêsu đã mạnh mẽ tuyên bố : “bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Không chỉ một lần, Đức Giêsu nhắc đi nhắc lại rằng : “Thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” (x. 6,51-58). Chính điều này đã khiến người Do Thái không chấp nhận và cả các môn đệ cũng thấy chướng tai.
Bánh của dấu lạ mà Đức Giêsu đã làm cho đám đông dân chúng được ăn no (x. Ga 6,5-13) là “lương thực mau hư nát” (6, 27a), trong khi “bánh đem lại sự sống” (6, 35) là “lương thực thường tồn đem lại sự sống đời đời” (6, 27b).
Cụm từ “bánh đem lại sự sống” (6, 35a) muốn diễn tả căn tính thần linh và sứ vụ của Đức Giêsu. Quả thật, “bánh đem lại sự sống” ở đây không phải là bánh vật chất do con người làm ra, cũng không phải là manna (x. Ga 6, 31), hay bánh trong dấu lạ hoá bánh ra nhiều (x. Ga 6,5-13), nhưng bánh đó chính là Đức Giêsu. Nói cách khác chính Đức Giêsu là bánh đem lại sự sống đích thực cho con người (x. Ga 6,35a.48). Lời khẳng định này nhấn mạnh đến khía cạnh sự sống đích thực khi Đức Giêsu là Đấng mặc khải, Người nói lời Thiên Chúa, và giáo huấn của Người là lương thực đem lại sự sống đời đời cho con người. Ai ăn “bánh đem lại sự sống” là sống mối tương quan gắn bó kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu như Người đã nói : “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (Ga 14, 20). Và ai ăn “bánh đem lại sự sống” là “ăn thịt và uống máu” Đức Giêsu (x. Ga 6,51-56), thì người đó được hiệp thông sâu xa với Người trong biến cố Thập Giá.
Kết luận
Manna mà Thiên Chúa ban từ trời cho dân Do Thái trong sa mạc là hình ảnh tiên trưng cho bánh hằng sống, được hiện tại hoá qua bí tích Thánh Thể. Chính Đức Giêsu đã hiến thân làm “thức ăn linh thiêng” (x. 1 Cr 10, 3), là “bánh hằng sống”, để ban sự sống đời đời cho thế gian như Người đã nói : “Chính tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51). Bánh hằng sống từ trời xuống đó được đồng nhất hoá với “thịt” (sarx - σάρξ) của Đức Giêsu. Khi nói “thịt tôi”, Đức Giêsu ám chỉ Ngôi Lời nhập thể (x. Ga 1, 14) và chỉ toàn diện con người cụ thể của Đức Giêsu, qua đó đưa đến mầu nhiệm Thánh Thể. Ngày xưa manna chỉ nuôi sống thân xác, còn ngày nay Thánh Thể nuôi sống linh hồn con người, là cốt lõi của sự sống, là cùng đích sự sống con người. Như vậy Mình và Máu Chúa chính là cốt lõi của đời sống Kitô hữu, nghĩa là đời sống Kitô hữu phải được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa.
Cầu nguyện: Chúng ta cùng cầu nguyện bằng thánh vịnh 105 :
Hãy tạ ơn CHÚA, cầu khẩn danh Người,
vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân.
Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa,
và suy gẫm mọi kỳ công của Người.
Hãy tự hào vì danh thánh Chúa,
tâm hồn những ai tìm kiếm CHÚA, nào hoan hỷ.
Hãy tìm CHÚA và sức mạnh của Người,
chẳng khi ngừng tìm kiếm Thánh Nhan.
Hãy nhớ lại những kỳ công Người thực hiện,
những dấu lạ và những quyết định Người phán ra,
hỡi anh em, dòng dõi Ápraham tôi tớ Chúa,
con cháu Giacóp được Người tuyển chọn !
Bấy giờ Israel trẩy sang Ai Cập,
và Giacóp kiều ngụ đất Kham.
Chúa cho Dân Người tăng thêm gấp bội,
cho họ mạnh hơn cả đối phương.
Người khiến chúng thay lòng đổi dạ, mà đâm ra thù ghét,
dùng mưu mô chống lại các tôi tớ Người.
Chúa phái tôi tớ Người là Môsê,
phái Aharon, kẻ Người tuyển chọn,
đến loan báo những điềm thiêng dấu lạ
trong toàn cõi đất Kham.
Còn dân riêng của Người, Người đưa ra,
mang theo bạc với vàng ;
bằng ấy chi tộc mà không ai lảo đảo.
Chúa giăng mây làm màn che phủ họ
và cho lửa hồng soi sáng ban đêm.
Họ đòi ăn, Người cho chim cút đến,
và cho họ no nê bánh bởi trời.
Người xẻ đá, nước liền vọt ra
chảy thành sông giữa vùng sa mạc.
Ấy là vì Chúa nhớ lại lời thiêng đã hứa
cùng Ápraham, tôi tớ của Người.
(Tv 105,1-6.23-27.37-42)
Nguồn: tgpsaigon.net