Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 17

Bài 8: Lễ Vượt Qua

LỄ VƯỢT QUA

 

Phụng vụ Lời Chúa từ Chúa Nhật Lễ Lá đến Đêm Canh Thức và Lễ Phục Sinh nhiều lần nhắc đến Lễ Vượt Qua. Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu một số điều liên quan đến Lễ này, từ Sách Thánh Cựu Ước, cho đến hình ảnh Đức Kitô là Chiên Vượt Qua và là Đấng dẫn đưa chúng ta tới ngày mừng Tiệc Cưới Con Chiên trong cuộc Khải Hoàn Cánh Chung mà Tân Ước loan báo.

Lễ Vượt Qua là lễ hội cổ xưa nhất của người Do thái, có từ hơn ba ngàn năm trước. Lễ Vượt Qua có lẽ được ghép chung từ hai lễ hội mùa xuân khác nhau, là “Lễ Bánh Không Men” và “Lễ Vượt Qua” (Xh 34,18-25; Mt 26,17; Mc 14,1; Lc 22,1).

Lễ Vượt Qua bắt đầu vào xế chiều ngày 14 tháng thứ nhất (Xh 12,6), còn Lễ Bánh Không Men cử hành trong bảy ngày liền sau đó, tức là từ ngày 15 đến ngày 21 (Xh 12,15; Lv 23,5tt; Ds 28,16tt; 2 Sb 35,1.17). Tuy được ghép chung lại nhưng tên gọi “Lễ Bánh Không Men” vẫn không mất đi. Theo sử gia Giôxếp Flaviô thì danh xưng “Lễ Vượt Qua” thường được sử dụng để ám chỉ cả hai cuộc lễ. Sách chú giải Kinh Thánh Do thái cũng cho thấy việc kết hợp hai lễ này.

Thời Cựu Ước

Các chỉ dẫn liên quan đến Lễ Vượt Qua chủ yếu xuất hiện trong Ngũ Thư. Trình thuật trong sách Xuất hành (Xh 12,1-13,16) phác hoạ bối cảnh lịch sử và các chỉ thị về bữa tiệc cuối cùng bên Ai Cập như sau:

(1) Cử hành vào ngày trăng rằm (Xh 12,6), trong “tháng đầu tiên” (Xh 12,2) của mùa xuân, tức là tháng Avíp cũng gọi là tháng Nisan (x. Xh 13,3 tt; Đnl 16,1). Ngày lễ đánh dấu thời điểm bắt đầu mùa gặt lúa mạch.

(2) Ngày mùng mười trong tháng, tùy theo số người trong nhà mà chọn con chiên một tuổi hoặc con dê non, toàn vẹn (Xh 12,3-5).

(3) Ngày mười bốn tháng ấy, chiên phải được sát tế lúc chập tối (12,6).

(4) Phải nhúng bó hương thảo vào máu trong chậu mà bôi lên khung cửa những căn nhà dân chúng họp nhau dự tiệc chiên (cc. 12,7.22).

(5) Chiên phải được nướng trên lửa cả đầu, chân và lòng. Không được làm gãy xương của nó (cc. 12,9.46).

(6) Phải ăn với rau đắng và bánh không men (12,8).

(7) Bất cứ thứ gì dùng không hết đều phải đốt đi (12,10).

(8) Phải vội vã dùng bữa với lưng thắt gọn, chân đi dép và tay cầm gậy (12,11).

(9) Tất cả các thế hệ Israel phải mừng Lễ Vượt Qua như là thánh chỉ vĩnh viễn (cc. 12,14.24.47).

(10) Các nô lệ và ngoại kiều được phép dùng chung bữa, miễn là họ đã được cắt bì (cc. 12,44. 48).

Ngày mười lăm tháng Avíp (Nisan) là ngày khởi đầu Lễ Bánh Không Men kéo dài bảy ngày. Suốt thời gian đó, toàn bộ bánh có men đều bị bỏ đi (12,15.17-20; 13,6tt). Ngày đầu tiên và ngày thứ bảy được dành riêng cho các buổi thờ phượng. Người ta cũng không được làm việc gì ngoài việc dọn bữa (12,16).

Lễ Vượt Qua là dịp để người cha dạy dỗ con cái. Chính ông phải giải thích ý nghĩa của lễ mừng khi con cái ông đặt câu hỏi (12,16tt; 13,8.14). Vì những đòi buộc khi thực hành lễ nghi như vậy mà thuật ngữ Hípri Hagađa (dịch sát là “giải thích, kể lại”) càng gia tăng thêm tầm quan trọng trong đời sống cộng đoàn. Việc kể lại những kỳ công trong suốt lịch sử Israel (vd. Đnl 26,5-9; Gs 24; 1 Sm 12; x. Cv 7) làm cho ký ức về cuộc Xuất Hành luôn sống động và mãi được gìn giữ “cho các thế hệ mai sau” (Xh 12,42).

Thời Tân Ước

Lễ Vượt Qua trong Tân Ước thuở còn đền thờ là dịp lễ rất nhộn nhịp. Đông đảo người hành hương xa gần trẩy hội lên thành thánh (x. Ga 11,55). Các quán trọ để khách hành hương vừa nghỉ ngơi vừa hành lễ mọc lên khắp nơi (x. Mc 14,15). Các chủ nhà trọ chuẩn bị sẵn nơi chốn để khách hành hương sát tế thú vật và ăn tiệc. Để giúp xoa dịu sự oán hận âm ỉ của người Do thái, nhà cầm quyền La mã cho phóng thích tù nhân vào dịp này (Mc 15,6-15).

Những ngày trước Lễ Vượt Qua, Giêrusalem huyên náo hơn vì hoạt động mua bán. Nhiều khách hành hương cũng là dân buôn. Họ tranh thủ đến sớm để mua bán hoặc trao đổi các sản vật (x. Mt 21,12tt; Ga 2,13-16). Những người hành khất cũng có mặt sẵn sàng ở các cổng thành náo nhiệt. Nhưng điều quan trọng nhất đối với khách hành hương lúc này là việc mua chiên và dê để sát tế ở đền thờ. Con chiên được chọn từ ngày mùng mười tháng Nisan. Nhóm gia đình, hay bạn bè khoảng mười người, buộc phải ăn hết toàn bộ con chiên trong một bữa. Không được chừa lại phần nào sang ngày hôm sau.

Trọn ngày trước đêm Lễ Vượt Qua là để chuẩn bị cho Đại Lễ. Lên đền thờ sớm nhất là hàng ngũ tư tế, bao gồm tất cả hai mươi bốn nhóm gia tộc tư tế thay vì chỉ có một nhóm như thường nhật. Nhiệm vụ trước hết của họ là đốt bỏ bánh có men. Đây là số bánh mà người ta đốt đèn lục lọi trong từng nhà vào đêm hôm trước để đem đi đốt sạch vào sáng hôm sau. Giữa trưa, tất cả các công việc đều phải dừng lại.

Buổi chiều được dành riêng cho việc sát tế chiên theo nghi lễ. Việc hiến tế tại đền thờ bắt đầu vào khoảng 3 giờ chiều và được chia làm ba phiên. Khi sân đền thờ đã nêm cứng người dâng lễ phiên thứ nhất thì các cổng đền thờ sẽ được đóng lại. Tiếng tù và cất lên và việc hiến tế được bắt đầu. Trong khi hiến vật được đưa lên, các thầy Lêvi sẽ hát thánh vịnh Halen (Tv 113-118). Con chiên được lột da, rồi lấy mỡ và hai quả cật mà đốt trên bàn thờ (x. Lv 3,3-5). Trước khi rời khỏi đền thờ, người dâng chiên lấy phần thịt chiên gói trong mảnh da của chính nó, rồi vác trên vai và rời đi với bạn bè để chuẩn bị bữa tiệc vượt qua. Và ngay tức thì, phiên dâng lễ tiếp theo lại lũ lượt tiến vào sân đền thờ.

Tiệc Lễ Vượt Qua ban đêm được tổ chức tại gia hoặc trong một căn phòng đã được đặt trước (x. Mt 26,17-19 ...). Tại sân trong của căn nhà, người ta nướng phần thịt chiên còn nguyên ống chân, trên một bếp lò bằng đất, còn que xiên thịt thì làm bằng thân cây lựu. Trong nhà, mọi người tề tựu trong lễ phục màu trắng. Sàn căn phòng đặt sẵn các gối đệm để tựa lưng và các bàn nhỏ để đặt thức ăn. Chỗ đầu căn phòng là chỗ ngồi của người chủ tiệc.

Thời Tân Ước, việc cử hành Lễ Vượt Qua có nhiều điểm được thêm vào. Thời ấy, người ta làm theo một “quy trình thết tiệc”. Đây là lễ hội mừng ngày được tự do, nên người ta sẽ ngả lưng mà dự tiệc (x. Xh 12,11). Mỗi người “tự xem mình như thể là người vừa ra khỏi đất Ai Cập”. Tiệc mừng bao gồm nhiều món mang tính biểu tượng, gồm có thịt chiên nướng, rau đắng, bánh không men, món xốt kharôxét và rau sống trộn giấm. Các thời điểm ứng với bốn lần nâng ly là những lúc biểu lộ niềm vui. Rượu nho có thể được pha với nước và ủ nóng. Nghi thức rửa tay, cầu nguyện và hát thánh vịnh Halen (Tv 113-118) cũng phải tuân thủ đúng mực. Điểm mấu chốt theo truyền thống Israel chính là khi đứa con cất tiếng hỏi về việc mừng lễ: “Thưa cha, tại sao đêm nay khác với các đêm khác?” Khi đó, người cha trả lời toát yếu lịch sử về những lần Thiên Chúa can thiệp để giải thoát Israel khỏi Ai Cập.

Buổi lễ kết thúc muộn nhưng nhiều người dự tiệc vẫn tỏa ra đường phố Giêrusalem để tiếp tục mừng lễ. Những người khác thì trở lại núi đền thờ để chờ thời khắc các cổng đền được mở lại vào giữa đêm, hầu có thể dành trọn thời giờ còn lại để thờ phượng và cầu nguyện.

Từ những gì được Tân Ước ghi lại, chúng ta thấy rõ ràng Đức Giêsu đã thiết lập Thánh Lễ ở thời điểm ứng với lần nâng ly rượu thứ ba, tức tuần rượu sau khi dùng xong Tiệc Vượt Qua (x. 1 Cr 11,25). Chén rượu ấy được hiểu là “chén cứu độ”, và gắn liền với truyền thống của các Rápbi về lời hứa thứ ba trong bốn lời hứa cứu chuộc ở Xh 6,6tt: “Ta sẽ chuộc các ngươi về.” Đức Giêsu liên kết chén rượu này với cái chết đem lại Ơn Cứu Độ khi nói, “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20; x. 1 Cr 11,25). Tuy nhiên, trong Bữa Tiệc Ly, Người không uống tuần rượu thứ tư (x. Mc 14,25). Chén rượu ấy như thể “chén hoàn tất” (x. Xh 6,7) vì Thiên Chúa hứa sẽ đưa dân riêng của Người cùng đi với Người. Như vậy, bữa tiệc chưa kết thúc của Đức Giêsu là một lời cam kết rằng, ơn cứu độ sẽ được hoàn tất trong đại yến tiệc Mêsia sẽ đến, khi Người “uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa” (Mc 14,25; x. Mt 26,29; Kh 3,20; 19,6-9). Bữa Tiệc Ly kết thúc với việc hát phần thánh vịnh Halen thứ hai (Mt 26,30; Mc 14,26).

Khi ám chỉ cái chết của Người là hiến lễ, Đức Giêsu so sánh chính Người với Chiên Vượt Qua (x. Kh 5,12, “Con Chiên đã bị giết”). Thánh Gioan Tẩy Giả gọi Người là “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29.36). Thánh Phaolô cũng cho biết: “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (1 Cr 5,7). Còn thánh Phêrô mô tả con cái Thiên Chúa được cứu chuộc “nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô” (1 Pr 1,18tt …). Còn cộng đoàn được cứu chuộc bằng máu này thì được gọi bằng tên mới là Nhóm “Bánh Không Men” (1 Cr 5,7). Ý nghĩa của lời ngôn sứ về cái chết của Đức Kitô, “Không một khúc xương nào của Người bị đánh giập” chính là sự hoàn tất những lời Sách Thánh đã nói về Chiên Vượt Qua (Xh 12,46; Ds 9,12; x. Tv 34,20 [Mt 21]).

Xin được kết thúc bài tìm hiểu chủ đề Lễ Vượt Qua hôm nay bằng lời kính chúc quý ông bà anh chị em Tam Nhật Thánh thật sốt sắng, Một Đêm Vượt Qua “khác với các đêm khác”, và một Mùa Phục Sinh tràn đầy ân phúc của Đấng Chiến Thắng Tử Thần. Amen.

 

Lm. Inhaxiô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

Nguồn: tgpsaigon.net

zalo
zalo