Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 226

Bài 80: Đức Giêsu và thành Caphácnaum

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan 6,41-51.

41 Khi ấy, người Do Thái xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giêsu đã nói : “Tôi là bánh từ trời xuống.” 42 Họ nói : “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao ? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói : ‘Tôi từ trời xuống ?’” 43 Đức Giêsu bảo họ : “Các ông đừng có xầm xì với nhau ! 44 Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. 45 Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ : Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. 46 Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. 47 Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. 48 Tôi là bánh trường sinh. 49 Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. 50 Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. 51 Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

ĐỨC GIÊSU VÀ THÀNH CAPHÁCNAUM

Trong Chúa nhật XVIII tuần trước, chúng ta đã được nghe Thánh Gioan kể lại diễn từ của Đức Giêsu về Bánh Sự Sống tại Caphácnaum, Người đã xác định rằng “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ !” (Ga 6, 35).

Hôm nay, khi đọc tiếp Tin Mừng Thánh Gioan, chúng ta cũng nghe Đức Giêsu khẳng định một lần nữa rằng : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” Trước những lời lẽ xem ra kỳ dị này, người Do Thái “đã  xầm xì phản đối”, tỏ vẻ khinh thường gốc gác của Đức Giêsu.

Bối cảnh câu chuyện này vẫn đang diễn ra tại Caphácnaum. Vì thế, chúng ta hãy cùng tìm hiểu đôi hút về địa danh Caphácnaum vốn gắn liền với cuộc sống sứ vụ của Đức Giêsu. Vì sao một thành nổi tiếng như Giêrusalem lại không được Đức Giêsu chọn làm nơi xuất phát cho hành trình rao giảng ? Tại sao bốn Thánh sử Tin Mừng đều kể về Caphácnaum như là trung tâm sứ vụ công khai của Đức Giêsu tại Galilê ? Để trả lời những câu hỏi này, thiết tưởng chúng ta nên đọc lại Tin Mừng Mátthêu 4,12-17 :

Khi Đức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvulun và Náptali, để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói : Này đất Dơvulun, và đất Náptali, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan, hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại ! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi. Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.

Thánh Mátthêu đã liên kết địa danh Caphácnaum với việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa với dân Israel từ ngàn xưa, rằng một Vị Cứu Tinh sẽ xuất hiện và làm thay đổi vận mạng cả dân tộc. Vị Cứu Tinh ấy không ai khác hơn là chính Đức Giêsu.

Caphácnaum trong tiếng Hy Lạp là Καφαρναούμ (Kapharnaoum), có gốc tiếng Hípri כְּפַר נַחוּם (Kfar Naḥȗm) nghĩa là “ngôi làng Naḥȗm”, nhưng không có liên quan đến ngôn sứ Nakhum trong Cựu Ước. Ngôi làng này còn mệnh danh là “ngôi làng an ủi” theo truyền thống đức tin từ trước Công Nguyên. “Ngôi làng an ủi” nhấn mạnh tính liên tục trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Đấng đã phán với ngôn sứ Isaia : “Hãy an ủi, an ủi dân Ta” (Is 40, 1). Và thế là Isaia trải nghiệm “Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA”. Thật vậy, Thiên Chúa đã sai Isaia “đi an ủi mọi kẻ khóc than” (Is 61, 2), “những người bị áp bức đang khóc than mà không người an ủi” (Gv 4, 1). Và ngôn sứ Isaia đã xác tín “Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa, núi non hãy bật tiếng hò reo, vì ĐỨC CHÚA ủi an dân Người đã chọn, và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người” (Is 49, 13). Đấng Mêsia sẽ là trọng tâm kế hoạch yêu thương cứu thoát này. Người sẽ đến để an ủi muôn dân và chắc chắn sẽ không còn bóng đêm ở nơi đang bị ngặt nghèo… Đấng Mêsia “sẽ làm vẻ vang cho con đường ra biển, miền bên kia sông Giođan, vùng đất của dân ngoại. Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng” (x. Mt 4,12-17). Caphácnaum vì thế sẽ trở nên thành của Vị Cứu Tinh theo sấm ngôn.

Vị Cứu Tinh Giêsu đã sinh ra ở Bêlem, lớn lên ở Nadarét. Sau khi chịu phép rửa của ông Gioan, Người lui vào hoang địa, rồi đến khi nghe tin ông Gio-an bị bắt thì trở về Nadarét, đến nương náu ở Caphácnaum. Các thánh sử gọi đó là “thành của Người”, và “ngôi nhà” cho Người cư trú là nhà của hai ông Phêrô và Anrê, và đã trở nên ngôi nhà của Đức Giêsu như tác giả Máccô đã nói : “Người trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được” (Mc 3, 20).

Caphácnaum nằm trong vùng Galilê, phía tây bắc hồ Ghennêsarét, cách cửa sông Giođan khoảng bốn cây số. Đây là một thành nhỏ trên tuyến đường thương mại có niên đại từ đầu thời kỳ đồ đồng, nối liền Ai Cập với các nước phương bắc, rồi về sau Caphácnaum cũng nằm trong lãnh địa do Hêrôđê Antipa cai trị, có trạm thuế trên đường Gaulanitid, nơi Mátthêu buông bỏ bạc tiền quyền thế để đi theo Đức Giêsu (x. Mt 9, 9) và có cả một đội lính La Mã trú đóng tại đây dưới sự chỉ huy của một viên đại đội trưởng. Chính viên đại đội trưởng vào thời điểm ấy đã nài nỉ Đức Giêsu chữa lành cho đày tớ của ông : “Khi Đức Giêsu vào thành Caphácnaum, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin : “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” Người nói : “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp : “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh” (Mt 8,5-8). Chính lời nói này lưu truyền và được lặp lại cho đến ngày nay trong Giáo Hội, mỗi khi chúng ta tham dự thánh lễ và chuẩn bị đón rước Chúa Giê-su. Khi nghe viên đại đội trưởng nói thế, “Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng : “Tôi bảo thật các ông : tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế” (Mt 8, 10).

Một số chi tiết về các sinh hoạt tại làng Caphácnaum trong các thế kỷ đầu tiên đã cho phép chúng ta hiểu rõ hơn về nơi Đức Giêsu đã sinh sống và khai mở cho công cuộc rao giảng của mình. Caphácnaum là một làng chài từ triều đại Hasmona thời Hy Lạp cai trị, dù không bao giờ được đề cập trong Cựu Ước, nhưng được nhắc đến 17 lần trong các câu truyện Tin Mừng. Cư dân nơi đây sống lao động cực nhọc, trồng lúa mì cùng nhiều loại trái cây, sản xuất dầu ôliu và đặc biệt là đánh cá trên hồ. Những ngôi nhà tại đây làm bằng đá bazan, lợp mái đất trên cột kèo bằng cây, chứ không lợp ngói. Chính trong môi trường mộc mạc miền quê này, một xã hội bình dị của giới nông dân và ngư dân đã chứng kiến nhiều biến cố quan trọng trong hành trình rao giảng của Đức Giêsu.

Thật vậy, Vị Cứu Tinh Giêsu đã đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân : “Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xyri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền : những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt và Người đã chữa họ. Từ miền Galilê, vùng Thập Tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người” (Mt 4,12-17 ; 23-25).

Tất cả đã ngỡ ngàng sững sốt trước Đức Giêsu đầy quyền năng trong lời nói và việc làm. Các sách Tin Mừng tường thuật rằng chính tại Caphácnaum :

  • Đức Giêsu đã
  • gọi các ông Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan khi họ đang làm việc trên thuyền với tấm lưới cá của mình (Mt 4,18-22 ; Mc 1,16-20) ;
  • mời Mátthêu rời khỏi bàn thu thuế, rồi sau đó còn dùng bữa tiệc tại nhà ông với những người thu thuế khác (Mt 9, 9-13 ; Mc 2, 13-17 ; Lc 5, 27-32) ;
  • Đức Giêsu đã giảng dạy như một đấng có thẩm quyền, Người trục xuất thần ô uế cho người bị quỷ ám (Mc 1,21-28 ; Lc 4,31-37) ; chữa lành người đầy tớ của viên đại đội trưởng (Mt 8,5-13 ; Lc 7,1-10), cứu bà mẹ vợ của Phêrô khỏi cơn sốt mê man (Mt 8,14-15 ; Mc 1,29-31 ; Lc 4,38-39), truyền cho người bại liệt “đứng dậy, vác giường mà đi về nhà” (x. Mt 9,1-8) ; Mc 2,1-12 ; Lc 5,17-26), cứu người phụ nữ bị băng huyết đã 12 năm trường (x. Mt 9,20-22 ; Mc 5,25-34 ; Lc 8,43-48), đáp lời nài xin của viên thủ lãnh mà cứu cho con gái ông ta sống lại (Mt 9,18-26 ; Mc 5,21-43 ; Lc 8,40-56).

Và như mọi người dân, Đức Giêsu tuân thủ luật pháp, luật nộp thuế cho Đền Thờ bằng đồng tiền tìm được trong miệng cá (Mt 17,24-27) ; đặc biệt hơn cả, sau các phép lạ hoá bánh nuôi hàng ngàn người, là lời khẳng định “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói ; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ !” (Ga 6,33-59). Cho đến nay, Thánh Thể Chúa Giêsu là nguồn sự sống sung mãn mà chúng ta không ngừng lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.

Caphácnaum đã chứng kiến phần lớn cuộc đời và các phép lạ của Đức Giêsu, và làm chứng rằng Người là đường, là sự thật và là sự sống. Mỗi lần Đức Giêsu “trở lại thành Caphácnaum, hay tin Người ở nhàdân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết” (Mc 2, 1). Nhưng dù cư dân tại đó đã nghe và đã chứng kiến bao điều Đức Giêsu nói và làm, cũng có lúc Người buộc phải lên tiếng “quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối… Trong số các thành đó có ngôi làng nhỏ bé Đức Giêsu đã sinh sống “hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư ? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ !... Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay : đến ngày phán xét, đất Xơđôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi” (Mt 11, 20-24). Dù sao, bất chấp thái độ cứng lòng có thể đưa tới diệt vong, Đức Giêsu vẫn đối xử khoan hồng với cư dân Caphácnaum bằng tất cả lòng thương xót dịu dàng. Bất chấp mọi lời lẽ xem ra gay gắt, nhưng đó lại là một thông điệp an bình yêu thương của Đức Giêsu gởi đến cho các thành, các dân khi họ biết ăn năn hối cải.

Thành Caphácnaum ngày xưa cũng là toàn cõi địa cầu hôm nay, nhân loại đã đọc-nghe-biết rất nhiều điều về bao kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện qua trung gian Người Con Một là Chúa Giêsu, đặc biệt sau biến cố tử nạn-phục sinh, nhưng nhân loại vẫn cứ chìm đắm trong bóng tối của bạo lực hận thù. Vì thế, nhân loại-chúng ta cần lắng nghe lại Lời Chúa đã từng mời gọi Caphácnaum “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.

Ngôi làng Caphácnaum đáng để chúng ta viếng thăm lâu dài với quyển Tân Ước trong tay, để hình dung và cảm nghiệm sự hiện diện của Đức Giê-su tại Galilê, từ những cuộc gặp gỡ đầu tiên với các môn đệ cho đến “diễn từ Thánh Thể” cuối cùng. Và theo lời Đức Giêsu, chính Thiên Chúa tiếp tục gởi đến cho nhân loại “một đấng an ủi” khác, đó là Chúa Thánh Thần (Ga 14, 16).

Câu chuyện chúng ta đọc hôm nay về hành trình rao giảng của Đức Giêsu tại Caphácnaum, không phải là một sự kiện đơn giản trong cuộc đời của Người, nhưng thật ra đây chính là cốt lõi Tin Mừng của Đấng đã chấp nhận mặc lấy xác phàm, ở giữa lòng đời và cứu lấy cuộc đời của từng người trong nhân loại. Việc giảng dạy của Người không phải là một số tín điều giáo lý đem ra học thuộc lòng, cũng không phải là một danh mục các giới răn để thực hành, nhưng là sự hiện diện trọn vẹn của Con Thiên Chúa, Đấng Emmanuen lịch sử, Đấng dạy cho mỗi người chúng ta cách sống xứng hợp với địa vị làm con Thiên Chúa Tối Cao.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa, Ngài đã yêu chuộng trái đất này, đến nỗi đã cho trổ sinh Đấng Công Chính là Đức Giêsu. Người là ân huệ từ trời ban xuống, là chân lý chiếu giải vinh quang Chúa cho loài người chúng con. Vì Đức Giêsu đã đến ở giữa loài người chúng con, từ Bêlem, Nadarét, Galilê đến mọi ngóc ngách thành Caphácnaum, để chữa lành dạy dỗ, đem chúng con về với Chúa, thì xin cho chúng con được nghiệm thấy tình thương của Người và hưởng phúc bình an Người đã hứa ban. Amen.

Nguồn: tgpsaigon.net


 

zalo
zalo