Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 217

Bài 81: Tại sao phải ăn Thịt & uống Máu Chúa Giêsu?

Bài 81: Tại sao phải ăn Thịt và uống Máu Chúa Giêsu?

Trong bài Tin Mừng Chúa nhật XX thường niên -năm B sắp tới đây, chúng ta tiếp tục được nghe bài giảng của Đức Giêsu về Bánh Hằng Sống, trong đó Chúa Giêsu khẳng định chính Người là bánh trường sinh, bánh ban sự sống đời đời khi tuyên bố:

Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống. […] Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy (Ga 51.54-56).

Vậy, trong bài học hỏi Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của các hạn từ “thịt” và “máu” trong Kinh Thánh, cũng như trong lời tuyên bố ở trên của Đức Giê-su mà tác giả Tin Mừng Gioan thuật lại cho chúng ta.

I. Hạn Từ “THỊT”

A. Cựu Ước

Hạn từ “thịt” trong tiếng Hípri là bāsār (בָּשָׂר) vốn mang nhiều nghĩa khác nhau :

1. Chỉ thân thể

Hạn từ “thịt” trong tiếng Hípri trước hết được dùng để chỉ đến thân thể con người. Chẳng hạn như lời ông Gióp nói với những người bạn: “Tôi đâu còn là chi, tôi cũng chẳng có gì, ngoài thân thể chỉ là da bọc xương”(G 19, 20), hoặc lời than vãn của tác giả sách Aica: “Da thịt tôi, Người khiến phải hao mòn, xương cốt tôi, Người làm cho rời rã” (Ac 3, 4), theo đó chúng ta hiểu là tác giả phải đau khổ đến mức thân thể héo gầy.

2. Chỉ cơ quan sinh dục

Hạn từ “thịt” cũng được dùng để chỉ cơ quan sinh dục, chẳng hạn như lời Chúa truyền cho ông Ápraham:

Kẻ không được cắt bì, người đàn ông con trai không được cắt bì (thịt) nơi bao quy đầu, sẽ bị khai trừ khỏi dòng họ : nó đã phá vỡ giao ước của Ta (St 17, 14),

Hay là lời Chúa chỉ dẫn ông Môsê về phẩm phục của tư tế:

Ngươi cũng sẽ may quần đùi bằng vải gai cho họ, để họ khỏi bị hở hang (dịch sát: để họ che phần thịt của sự trần trụi) ; quần đó sẽ che thân từ ngang lưng đến vế (Xh 28, 42).

3. Chỉ thực phẩm 

Hạn từ “thịt” dĩ nhiên cũng được dùng để chỉ đến thức ăn, chẳng hạn như lời Chúa phán với ông Môsê:

Ta đã nghe tiếng con cái Israel kêu trách. Vậy, ngươi hãy bảo chúng rằng : Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi (Xh 16, 12).   

4. Chỉ tương quan đồng loại, huyết thống, họ hàng, vợ chồng 

Thật vậy, hạn từ “thịt” cũng được dùng để diễn tả tương quan, chẳng hạn như lời của ông Ađam thốt lên lúc trông thấy bà Evà : “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”(St 2, 23), và từ đó “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24).

5. Chỉ mọi sinh vật, mọi xác phàm

Hạn từ “thịt” cũng được dùng để chỉ chung mọi xác phàm, tức là chỉ đến mọi loài vật. Chẳng hạn như lời Chúa phán với ông Nôê : “Mọi xác phàm, ngươi sẽ đưa vào tàu, mỗi loài một đôi” (St 6, 19).

B. Tân Ước

Hạn từ “thịt” trong tiếng Hy Lạp là sarx cũng mang những ý nghĩa tương tự hạn từ bāsār trong tiếng Hípri. Ngoài ra, các tác giả Tân Ước còn sử dụng hai kiểu nói mang ý nghĩa đặc biệt của Tân Ước: [1] huyết nhục, và [2] huyết thống.

1. Huyết nhục 

“Huyết nhục” dịch sát là “thịt và máu” [σάρξ καὶ αἷμα) để chỉ “con người tự nhiên” (x. Gl 1,16) hay “máu và thịt” [αἷμα καὶ σάρξ] để chỉ “phàm nhân” (x. Ep 6,12). Chẳng hạn như sau lời tuyên xưng của tông đồ Phê-rô, Đức Giê-su đã nói :

Này anh Si-mon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân (thịt và máu) mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời (Mt 16,17).

2. Huyết thống / xác thịt

Xác thịt ở đây được hiểu là “huyết thống” có nghĩa là dòng dõi thuần tuý tự nhiên. Chẳng hạn như lời xác quyết của thánh Phaolô về Đức Kitô rằng : “Đức Kitô xét theo huyết thống [κατὰ σάρκα], cũng cùng một dòng giống với họ” (Rm 9,5), tức cùng là con cháu tổ phụ Ápraham.

II. MÁU 

Trong Kinh Thánh, hạn từ “đam” [דׇם] trong tiếng Hípri sử dụng trong Cựu Ước và hạn từ “haima” [αἷμα] trong tiếng Hy lạp sử dụng trong Tân Ước đều có nghĩa là “máu”.

Trong văn hoá Do Thái thì “máu” được xem là nguồn mạch của sự sống, là chính sự sống và mang tính thánh thiêng. Theo đó những gì liên quan đến “máu”, tức là liên quan đến sự sống thì đương nhiên là liên quan đến Thiên Chúa. Theo đó, sách Lê-vi đã viết : “Vì mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi” (Lv 17, 11). Vì thế, “máu” biểu trưng cho tính linh thánh của sự sống do Thiên Chúa ban. Vì “máu” có ý nghĩa đặc biệt như thế nên luật Môsê cấm ăn tiết hay uống máu con vật một cách khắt khe như chúng ta thấy trong điều luật mà sách Lêvi ghi lại như sau:

Bất cứ người nào thuộc nhà Israel hoặc trong số ngoại kiều sống giữa chúng, ăn bất cứ thứ huyết nào, thì Ta sẽ quay mặt lại phạt kẻ ăn huyết và sẽ khai trừ khỏi dân nó; vì mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi, trên bàn thờ, để cử hành lễ xá tội cho mạng sống các ngươi. Thật vậy, máu xá tội được vì nó là mạng sống. Vì thế, Ta đã bảo con cái Israel : Không một ai trong các ngươi được ăn huyết, ngoại kiều sống giữa các ngươi cũng không được ăn huyết [...] và Ta đã bảo con cái Israel : Các ngươi không được ăn huyết của bất cứ xác thịt nào, vì mạng sống của mọi xác thịt là máu nó; bất cứ ai ăn huyết sẽ bị khai trừ (Lv 17,10-12.14b).

Và vì “cấm ăn tiết” là một giới luật rất quan trọng nên nó được lặp đi lặp lại nhiều lần trong Cựu Ước (x. Đnl 12,16.23.27; 15, 23; Lv 3, 17; 7, 26; 19, 26; 1 Sm 14, 31-35), và bất cứ ai vi phạm điều luật này sẽ phải bị “khai trừ khỏi dòng họ” (x. Lv 7,27), tức là bị trục xuất khỏi cộng đồng dân Chúa, không còn thuộc về dân Chúa chọn, mà đối với người Do Thái thì kẻ nào bị loại khỏi cộng đồng dân Chúa cũng đồng nghĩa với việc kẻ ấy xem như đã chết.

Ấy mới chỉ là hình phạt dành cho kẻ vi phạm luật đối với máu của con vật, còn đối với máu con người thì hình phạt còn nghiêm khắc hơn nhiều. Thật vậy, vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1, 26), nghĩa là thông phần sự sống của Thiên Chúa, nên máu con người dĩ nhiên cao quý hơn máu con vật rất nhiều. Theo đó, kẻ nào giết người thì phải đền mạng, vì máu của nạn nhân sẽ kêu đòi báo thù, và Đức Chúa sẽ hạch tội kẻ sát nhân như Người đã hạch tội Cain : “Ngươi đã làm gì vậy ? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta !” (St 4, 10). Vì vậy, trong Mười Điều Răn mà Thiên Chúa đã thiết lập với Israel có điều răn: “Ngươi không được giết người” (Xh 20, 13).

Như vậy, vì “máu” mang tính chất thánh thiêng và là biểu tượng của sự sống, nên “máu” cũng đóng một vai trò quan trọng trong phụng tự của Do Thái giáo, cụ thể là :

1. Giao ước giữa dân Israel và Thiên Chúa được đóng ấn bằng nghi thức rảy máu trên bàn thờ và trên dân chúng (x. Xh 24,1-8 ; Xh 20,18-22).

2. Các hy lễ trong phụng tự Do Thái giáo như: hy lễ toàn thiêu (x. Lv 1), hy lễ kỳ an (x. Lv 3), hy lễ tạ tội (x. Lv 4,1-5.13 ; 6,17-23)... đều có nghi thức rảy máu trên bàn thờ, hoặc quanh bàn thờ (x. Lv 1,5.11 ; 9, 12).

Tiếp nối ý nghĩa của “máu” trong các hy lễ của Cựu Ước, Tân Ước cũng nhấn mạnh đến máu giao ước, nhưng không phải là máu của bất cứ loài vật nào, mà là “máu của Đức Kitô, Con Thiên Chúa”. Và máu giao ước mới này có giá trị trổi vượt, vì là máu cứu độ, máu ban sự sống đời đời. Theo đó trong Bữa Tiệc Ly, chính Chúa Giêsu đã cầm lấy chén rượu, dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói : “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 28 ; x. Lc 22, 20 ; 1 Cr 11, 25). Vậy, nhờ máu Chúa Giêsu hiến dâng làm hy lễ lập Giao Ước Mới mà loài người được ơn tha tội, vì “không có máu đổ ra, thì không có ơn tha thứ” (Hr 9, 22).

Tuy nhiên, đối với người Do Thái thì họ không chấp nhận lời Chúa Giêsu tuyên bố phải ăn thịt và uống máu của Người để được sống đời đời, vì họ cho rằng ăn thịt và uống máu là vi phạm luật Môsê (x. Lv 17,10-11 ; Cv 15, 29). Hơn nữa, họ còn khó chịu vì Chúa Giêsu khẳng định rằng nếu họ không làm theo lời của Người thì họ sẽ không có sự sống đời đời, và như vậy, chẳng phải Chúa Giêsu đã phá huỷ Luật Môsê sao?

Nhưng đối với Chúa Giêsu khi Người bảo họ ăn phải thịt và uống máu Người để có sự sống đời đời thì không phải là Người bảo họ ăn thịt và uống máu thân xác sẽ phải chết của Người, nhưng là ăn và uống máu thân xác phục sinh của Người, tức là thân xác vinh hiển vì đã được Chúa Cha siêu tôn, không còn bị ràng buộc bởi không gian, thời gian và không bao giờ phải chết nữa. Đó chính là thân xác mà Chúa Giêsu đã hiện ra với với bà Maria Mácđala (x. Ga 20,11-18), hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24,13-32), và hiện ra với các môn đệ ở Giêrusalem (x. Lc 24,36-43; Ga 20,19-20). Theo đó, ai ăn và uống máu thân xác phục sinh của Chúa Giêsu thì người đó sẽ được thông phần vào sự sống thần linh của Người, và được kết hiệp nên một với Người như lời thánh Phaolô khẳng định :

Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư ? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào thân thể Người sao ? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể (1 Cr 10,16-17).  

Cầu nguyện

Đêm dự bữa Tiệc Ly cùng bạn hữu

khi đã dùng thực phẩm luật truyền xưa.

Người trao tay cho tất cả Tông Đồ

Mình Máu Thánh làm thần lương mỹ vị.

Câu tuyên phán của Ngôi Lời Nhập Thể

đã làm cho bánh thật nên Mình Người,

rượu nho thành bao giọt máu hồng tươi,

mắt chẳng thấy nhưng lòng tin vững mạnh.

Ôi bí tích thật cao vời khôn sánh, 

ta bái thờ Chúa đang ngự nơi đây, 

nghi lễ xưa đâu sánh bí tích này,

niềm tin thế cho giác quan cảm nghiệm.

Lòng hớn hở, cùng tán dương trìu mến 

Cha uy quyền và Con Một từ nhân,

cùng tôn vinh ca ngợi Chúa Thánh Thần 

xin chúc tụng Ba Ngôi ngàn muôn thuở.

(Thánh thi Kinh Chiều I, lễ Mình Máu Thánh Chúa)

Nguồn: tgpsaigon.net


 

zalo
zalo