Ngày tháng: 09/11/2024
Đang truy cập: 15

Bài 86: Những lần tiên báo cuộc thương khó của Đức Giêsu

Bài 86: Những lần tiên báo

cuộc thương khó của Đức Giêsu

TGPSG -- Tin Mừng của Chúa nhật XXV Thường Niên, năm B sắp tới, kể lại lần tiên báo thứ hai của Đức Giê-su về cuộc Thương Khó của Người, và sau đó là cuộc bàn cãi của các môn đệ về địa vị cao thấp giữa các ông (x. Mc 9,30-37). Trong bài học hỏi này, chúng ta chỉ bàn đến lời tiên báo về cuộc Thương Khó của Đức Giê-su.

I. Những lần tiên báo cuộc Thương Khó

Tin Mừng Máccô ghi nhận 3 lần Đức Giêsu tiên báo cuộc Thương Khó của Người. Tin Mừng Chúa nhật XXV này ghi lại lời tiên báo của Đức Giêsu như sau : “Người giảng dạy cho các môn đệ và nói với họ :‘Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”(Mc 9, 31). Đây là lần thứ hai, Đức Giêsu loan báo cuộc Thương Khó của Người

Lời tiên báo thứ nhất và thứ ba được tác giả Máccô ghi lại như sau :

“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại (Mc 8, 31).

“Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại (Mc 10,33-34).

Các Tin Mừng Nhất Lãm đều ghi lại lời tiên báo này 3 lần (x. Mt 16, 21 ; 17,22-23 và 20,18-19 ; Lc 9, 22 ; 9, 44 và 18, 33), riêng Tin Mừng Gioan không ghi lại những lời tiên báo cách rõ ràng như Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng tác giả Gioan ghi lại những câu nói mang tính biểu tượng mà cho đến khi Đức Giêsu sống lại, các môn đệ mới hiểu được, thí dụ, trong câu chuyện xua đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ, Đức Giêsu nói : “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Và tác giả ghi chú ngay sau đó : Đền Thờ mà Chúa muốn nói là chính thân thể Người, mà các môn đệ chỉ hiểu được khi Người từ cõi chết trỗi dậy (x. Ga 2,13-22) ; hoặc câu nói khác của Đức Giêsu cũng hàm ẩn cuộc Thương Khó của Người : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh ! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,23-24).

Những lời tiên báo cuộc Thương Khó trong các Tin Mừng Nhất Lãm có nội dung khá giống nhau, và qua các lời tiên báo này, chúng ta có thể rút ra 3 diễn biến chính trong cuộc Thương Khó của Đức Giêsu : 1) bị nộp, chịu đau khổ ; 2) bị giết chết ; 3) sống lại.

II. Cuộc Thương Khó là gì ?

Hạn từ “Thương Khó” dịch từ tiếng Hy Lạp pas-khô (πάσχω) có nghĩa là đau khổ, chịu đựng, nếm trải … Tiếng La Tinh đã dịch từ này là Passio do động từ patior và thường hiểu là cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, bao gồm việc Người bị nộp, chịu đau khổ, chịu đóng đinh và chịu chết. Cả bốn Tin Mừng đều tường thuật về cuộc Thương Khó trong những chương cuối của sách Tin Mừng (x. Mt 26–27 ; Mc 14–15 ; Lc 22–23 ; Ga 18–19). Đức Giêsu luôn tỏ cho thấy cuộc Thương Khó là đích đến và sự viên mãn của cuộc đời và sứ vụ của Người. Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Thánh Phê-rô đã quả quyết điều đó trong bài giảng đầu tiên ở Giêrusalem rằng : “Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi” (Cv 2,23-24). Dựa vào nền tảng này, Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dạy : “Cái chết tàn nhẫn của Đức Giêsu không phải là kết quả ngẫu nhiên do sự kết hợp của những tình huống bất hạnh, nhưng thuộc về mầu nhiệm kế hoạch của Thiên Chúa” (GLHTCG, số 599).

Có những cách gọi khác để chỉ “cuộc Thương Khó” của Đức Giêsu như “cuộc tử nạn”, “cuộc khổ nạn” hoặc “cuộc khổ hình”. Những kiểu nói này đều diễn tả biến cố Đức Giêsu chịu đau khổ, chịu đóng đinh và chết trên thập giá. Tuy vậy, kiểu nói “cuộc Thương Khó” xem ra là cổ kính và truyền thống hơn.

III. Nội dung lời tiên báo thứ hai

Tin Mừng Máccô trình bày lời tiên báo thứ hai như sau : “Người giảng dạy cho các môn đệ và nói với họ :‘Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại’” (Mc 9, 31).

Chúng ta có thể thấy được 3 nội dung từ lời tiên báo cuộc Thương Khó này.

1. “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời”

Trong lời tiên báo lần thứ hai này, có một từ khoá, đặc trưng cho đoạn văn, đó là từ “bị nộp”, dịch bởi hạn từ Hy Lạp parađiđômi (παραδίδωμι), có nghĩa là giao phó, trao nộp. Trong câu 31 này, động từ được đặt ở thì hiện tại thụ động, parađiđotai (παραδίδοται), nhưng hiểu theo nghĩa tương lai : sẽ bị nộp. Nghĩa thụ động của động từ làm độc giả liên tưởng đến ông Giuđa Ítcariốt được nói đến ở Mc 3, 19 : “Chính là kẻ đã nộp Người.” Về mặt lịch sử, tông đồ Giu-đa là tác nhân trao nộp Thầy mình cho giới chức Do Thái (x. Mc 14, 10 …). Tuy nhiên, về mặt thần học, từ bị nộp gợi lên ý tưởng về kế hoạch của Thiên Chúa đang diễn ra để ứng nghiệm lời các ngôn sứ, đặc biệt là ngôn sứ Isaia trong bài ca về người Tôi Trung của Đức Chúa (x. Is 53,1-12).

Từ câu 31, kiểu nói bị nộp thường xuyên xuất hiện khi tác giả đề cập đến cuộc đau khổ của Đức Giêsu và các môn đệ của Người (x. Mc 10, 33 ; 13,9.11.12 ; 14,10.11.18.21.41.42.44 ; 15,1.10.15). Sự lặp lại nhiều lần như thế cho thấy Thiên Chúa là tác nhân thật sự đằng sau cuộc Thương Khó và mọi việc diễn ra theo ý muốn của Chúa Cha là “trao nộp” Con Một của Người như thánh Phao-lô nói : “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8, 32).

2. “Họ sẽ giết chết Người”

Trong lời tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ hai này, tác giả Máccô cung cấp ít thông tin hơn về hoàn cảnh chung quanh cái chết của Đức Giêsu so với lần tiên báo thứ nhất (x. 8, 31) và lần thứ ba (x. 10,33-34). Điều này theo một số học giả, đây là hình thức nguyên thuỷ hơn cả của các lời tiên báo cuộc Thương Khó của Đức Giêsu. Đoạn văn song song trong Luca cũng mang ý nghĩa này khi viết rất ngắn gọn : “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (Lc 9, 44).

Các lời tiên báo cuộc Thương Khó trong Tin Mừng Nhất Lãm hầu hết chỉ nói đến việc Đức Giêsu bị giết chết mà không nói Người phải chết cách nào, duy chỉ tác giả Mátthêu đề cập đến trong lần tiên báo thứ hai rằng Người bị đóng đinh vào thập giá : “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 20,18-19). Tin Mừng Mátthêu còn đề cập đến một lần nữa vào thời gian cận kề cuộc Thương Khó khi Đức Giêsu nói với các môn đệ : “Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá” (Mt 26, 2).

Tin Mừng Gioan, tuy không có những lời loan báo rõ ràng về cái chết trên thập giá, nhưng nhiều lần Đức Giêsu ám chỉ việc Người chịu treo trên thập giá, ví dụ, trong cuộc đàm thoại với ông Nicôđêmô, Người nói : “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (Ga 3, 14), hoặc rõ hơn nữa khi Người nói : “Phần tôi, một khi được giương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”, và tác giả Gioan giải thích : “Đức Giêsu nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào” (Ga 12,32-33).

3. “Ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”

a. “Ba ngày sau”

Cả ba lần tiên báo, tác giả Máccô đều chỉ rõ thời điểm của biến cố Phục Sinh qua kiểu nói mêta trêis hemêras (μετὰ τρεῖς ἡμέρας), nghĩa là ba ngày sau hay sau ba ngày, trong khi tác giả Mátthêu và Luca thì lại viết là tei tritei hemêrai (τῇ τρίτῃ ἡμέρᾳ) hoặc tei hemêrai tei tri-tei (τῇ ἡμέρᾳ τῇ τρίτῃ), nghĩa là (vàongày thứ ba (Mt 16, 21 ; 17, 23 ; 20, 19 ; Lc 9, 22 ; 18, 33).

Kiểu nói ba ngày sau của Máccô xem ra khó hiểu hơn kiểu nói (vàongày thứ ba của Mátthêu và Luca. Thật ra, hai kiểu nói diễn tả cùng một ý nghĩa, vì người Do-thái tính ngày mới từ lúc mặt trời lặn (của chiều hôm trước) chứ không tính từ nửa đêm như ngày nay. Vậy, Đức Giêsu chết vào ngày áp ngày sabát (ngày thứ nhất), rồi ngày sabát, Người an nghỉ trong mộ (ngày thứ hai), và Người sống lại khi ngày thứ nhất trong tuần đã bắt đầu (ngày thứ ba).

b. “Người sẽ sống lại”

Biến cố Đức Giêsu sống lại là nền tảng của đức tin Kitô giáo, và mang một ý nghĩa hoàn toàn mới mẻ. Đó không phải là một sự hồi sinh hay hoàn dương, nghĩa là một người tưởng như đã chết, nhưng sau một thời gian, thậm chí có thể vài ngày thì sống lại. Các tác giả Tin Mừng đã sử dụng 2 động từ để chỉ biến cố Phục Sinh :

êgeirô (ἠγείρω) có nghĩa là thức dậy, trỗi dậy, nâng lên, cũng có nghĩa xây dựng lên với nghĩa bóng là sống lại (x. Ga 2, 19).

anistêmi (ἀνίστημι) có nghĩa làm cho đứng dậy, trỗi dậy. Ở dạng trung bình có nghĩa là sẽ trỗi dậy.

Như vậy, lời tiên báo cuộc Thương Khó được Đức Giêsu lặp lại 3 lần cho thấy tầm quan trọng của sự kiện, nhất là cái chết của Đức Giêsu không phải là dấu chấm hết, nhưng mở ra một cuộc sống mới và làm phát sinh đức tin Kitô giáo. Thật vậy, chính thánh Phaolô đã quả quyết : “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15, 14).

Để kết thúc bài tìm hiểu Kinh Thánh hôm nay, chúng ta cùng đọc Thánh vịnh 57, mà theo thánh Giêrônimô, Thánh vịnh này nói về Đức Giêsu chịu thương khó.

Xin thương xót con cùng, lạy Thiên Chúa,

xin Ngài thương xót con,

này con đến ẩn náu bên Ngài ;

dưới bóng Ngài, này con ẩn náu,

tới khi nào hết tai hoạ khổ đau.

Tôi kêu cầu Chúa Tối Cao,

Chúa ban ơn phúc dồi dào cho tôi.

Tự trời xanh, mong Người đưa tay giải thoát,

hạ nhục kẻ thù tấn công tôi.

Xin Chúa Trời gửi xuống

tình thương và lòng thành tín của Người .

Tôi phải nằm giữa bầy sư tử,

loài thú ăn thịt người ;

nanh vuốt chúng là đầu tên mũi giáo,

lưỡi thì sắc bén tựa gươm đao.

Con an lòng, lạy Thiên Chúa,

con vững dạ an lòng,

này con xin đàn hát xướng ca.

Thức dậy đi, hồn tôi hỡi,

thức dậy đi, hỡi đàn sắt đàn cầm,

tôi còn đánh thức cả bình minh.

Lạy Thiên Chúa,

trước mặt chư dân, con dâng lời cảm tạ,

giữa lòng muôn nước, con đàn hát xướng ca.

Vì tình thương của Ngài cao ngất trời xanh,

và lòng thành tín vượt ngàn mây thẳm.

Lạy Thiên Chúa,

xin biểu thị uy phong khắp cõi trời

và chiếu toả vinh quang đầy mặt đất.

(Tv 57,2-5.8-12)

Nguồn: tgpsaigon.net


zalo
zalo