Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 31

Bài 94: Các chứng nhân tử đạo

Bài 94: Các chứng nhân tử đạo

Chúa nhật tới đây, Giáo Hội Công giáo Việt Nam sẽ mừng kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Các ngài là 117 vị hiển thánh trong số hàng trăm ngàn các chứng nhân tử đạo tiền nhân của chúng ta. Trong tâm tình cảm phục và tự hào là con cháu của các ngài, chúng ta cùng tìm hiểu xem Kinh Thánh nói gì về sự ngược đãi hay bách hại và ý nghĩa của danh xưng Tử đạo.

I. Ngược đãi / bách hại

Trong tiếng Hipri, động từ radaph (רָדַף), tiếng Hy Lạp là διώκω có nghĩa là rượt theo, truy đuổi, ngược đãi, bách hại.

Bởi động từ radaph mà xuất phát ra danh từ murdaph  (מֻרְדָּ֖ף) chỉ sự truy đuổi hay ngược đãi, bắt bớ, vì thù nghịch. Sự ngược đãi, bắt bớ cũng mang chiều kích thiêng liêng, vì các tín hữu thường bị các thế lực và những người không tin ngược đãi hay bách hại, bao gồm việc phân biệt đối xử, thù ghét, đàn áp, trừng phạt, sát hại v.v. Hy sinh, đau khổ và thậm chí là bị giết chết, đó là cái giá phải trả của một tín hữu hay Kitô hữu trung thành.

Kinh Thánh ghi nhận sự ngược đãi về thể xác, xã hội, tinh thần và thiêng liêng. Sự ngược đãi về thể xác có thể dẫn đến việc tước đoạt mạng sống của người tín hữu. Sự ngược đãi xã hội, có thể là sự phân biệt đối xử, loại trừ một cá nhân hoặc một nhóm người.

Ngôn sứ Êlia vì trung thành với Thiên Chúa mà phải một mình đương đầu với 450 ngôn sứ của Baan nhằm chống lại việc thờ ngẫu tượng của Israel. Ông bị hoàng hậu Ideven truy sát đến phải chạy vào sa mạc (x. 1 V 18–19)

Ngôn sứ Giêrêmia đã tuyên sấm chống lại Giuđa vì tội lỗi của vua và dân, đồng thời loan báo tai hoạ Babylon sắp ập xuống trên họ. Nhưng vua Xítkigia và người Giuđa đã không nghe, họ đánh đập và muốn giết chết ông (x. Gr 38).

Theo sách 1 Mcb, vua Antiôkhô Êpiphanê của Hy Lạp đã nhất quyết xóa bỏ Do-thái giáo và ngược đãi người Do Thái gây ra cảnh “tang tóc bao trùm khắp cõi Israel” (1 Mc 1, 25).

Các sách Tin Mừng ghi lại những lời cảnh báo của Đức Giêsu đối với các môn đệ về những ngược đãi họ phải chịu bởi vua chúa quan quyền và những người không tin Đức Giêsu : “Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy” (Lc 21, 12 ; x. Mt 10,17-18).

Giới lãnh đạo Do Thái đã nhiều lần đe doạ, đánh đập, bỏ tù các tông đồ khi các ông rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô phục sinh (x. Cv 4,1-22).

Người Do Thái tố cáo ông Têphanô “nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Môsê và Thiên Chúa. […] rồi ập đến bắt ông và điệu ông đến Thượng Hội Đồng” (Cv 6,11-12). Và khi nghe ông Têphanô nói về Đức Giêsu phục sinh, “họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá” (Cv 7,57-58).

II. Tử đạo hay Chứng nhân

1. Trong Cựu Ước

Danh xưng “tử đạo” là kết quả chuyển đổi ngữ nghĩa của danh từ “nhân chứng” hay chứng nhân”. Từ “chứng nhân” mang nghĩa tích cực hơn là “tử đạo”. Sự phân biệt như thế không giảm nhẹ giá trị “làm chứng” của những người bị bách hại cũng như thái độ đón nhận sự ngược đã của họ. Có thể lấy trường hợp của ngôn sứ Êlia làm ví dụ, ông không bị “tử đạo” nhưng bị bách hại vì là chứng nhân về “lòng nhiệt thành đối với ĐỨC CHÚA” và ông phải trốn khỏi sự “lùng bắt của kẻ muốn lấy mạng sống ông” (x. 1 V 14,19). Các thủ lãnh Giuđa đã đòi giết ngôn sứ Giêrêmia khi ông tuyên sấm chống lại họ, và sau đó ông bị ném xuống một cái giếng cạn (x. Gr 38,4-6).

Trong tiếng Hipri, hạn từ ʿēḏ (עֵד) có nghĩa là nhân chứng” hay “bằng chứng”, nó có thể là một vật cụ thể được đưa ra để thiết lập một giao ước giữa hai bên, như giao ước giữa ông Giacóp và ông Laban khi lấy đống đá làm biểu tượng cho nhân chứng (x. St 31,44-48) ; cũng vậy, ông Giôsuê đã dựng “tảng đá lớn” để làm chứng về giao ước ông đã thay mặt dân cam kết với ĐỨC CHÚA (x. Gs 24, 27). Hạn từ ʿēḏ (עֵד) cũng có thể chỉ một người đứng ra làm chứng, như ngôn sứ Isaia đã nói : “Tôi đã lấy những nhân chứng đáng tin cậy làm chứng cho tôi” (Is 8, 2).

Cũng nên nói đến luật của người Israel đòi phải có hai hoặc ba nhân chứng khi kết tội một người (x. Ds 35, 30 ; Đnl 19, 15). Nhân chứng không chỉ đưa ra lời khai mà còn là người đầu tiên ném đá tội nhân (x. Đnl 17,6-7). Ngoài ra, Lề Luật cũng cấm làm chứng gian vì đó là tiếp tay cho kẻ xấu (x. Xh 23, 1). Vì thế phải cẩn thận xét xem những lời chứng có xác thực không, câu chuyện bà Susanna được cứu khỏi bị kết án oan nhờ vào sự khôn ngoan của cậu thiếu niên Đanien là một minh hoạ (x. Đn 13).

Thời dân Do Thái bị người Hy Lạp cai trị, cái chết của bảy anh em được thuật lại trong 2 Mcb 7,1-41 như là hình bóng của các vị tử đạo Kitô giáo sau này. Các vị này đã tự nguyện chấp nhận khổ đau và cái chết để trung tín với Lề Luật và tôn giáo của mình. Trước đó sách Mcb còn kể chuyện một kinh sư Do Thái là ông Elada đã can đảm đón nhận cái chết hầu để lại cho những người trẻ một tấm gương cao đẹp về sư trung thành với Lề Luật (x. 2 Mcb 6,18-31).

Như vậy, đã có bước tiến triển từ ý nghĩa của việc “làm chứng”, “chứng từ” hay “nhân chứng”, đến việc chấp nhận những khổ đau, hoặc phải hy sinh “mạng sống” để chứng tỏ lòng trung thành với niềm tin của mình, và đó là ý nghĩa của từ “tử đạo” sau này.

2. Trong Tân Ước

Danh từ Hy Lạp martys (μαρτυς) tương đương với từ Hípri ʿēḏ (עֵד) trong Cựu Ước. Nghĩa thông thường của từ này chỉ bất kỳ người nào đưa ra một lời chứng về những gì người đó thấy tận mắt hoặc nghe tận tai. Lời chứng của họ rất cần để công việc được giải quyết (x. Mt 18, 16). Người mang lời chứng được gọi là chứng nhân. Ngoài phạm vi pháp lý, từ này còn được dùng cả trong lãnh vực lịch sử và tôn giáo.

Các Tông Đồ là những chứng nhân đặc biệt, được Thiên Chúa chọn để ủy thác việc làm chứng về Chúa Giêsu chết và sống lại (x. Cv 10,39-41). Sau khi sống lại, chính Chúa Giêsu đã nhiều lần hiện ra với các Tông Đồ, để mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và không ngừng nhắc nhở họ phải là chứng nhân về những gì mắt thấy tai nghe để rao giảng cho muôn dân (x. Lc 24,45-48 ; Cv 1, 8). Nhưng ở đây, đối tượng cũng như nội dung của lời chứng rất đặc biệt, đó chính là sự phục sinh của Đức Kitô. Thật vậy, nếu Đức Kitô không sống lại thì lời rao giảng của các Tông Đồ về Người sẽ là vô ích và các ông là những chứng nhân giả (x. 1 Cr 15,14-15).

Danh từ martys (μαρτυς) được sử dụng nhiều nhất trong sách Công vụ Tông Đồ (13 lần), và chỉ mang một ý nghĩa duy nhất, đó là các Tông Đồ là chứng nhân của Đức Giê-su Ki-tô (x. Cv 1,8.22 ; 2, 32 ; 3, 15 ; 5, 32 ; 13, 31 …). Để lời chứng của các Tông Đồ sinh hiệu quả, Chúa Giêsu hứa ban cho các ông sức mạnh của Thánh Thần (x. Cv 1, 8a), làm cho các ông mạnh mẽ, can đảm và khôn ngoan khi bị điệu đến trước vua chúa quan quyền (x. Lc 12,11-12 ; Mt 10,17-20 ; Cv 4,13. 33 ; 6, 10). Như vậy, các Tông Đồ cũng như các vị tử đạo sau này, không đơn độc khi phải làm chứng, nhưng có Chúa Thánh Thần cùng làm chứng với họ (x. Cv 5,32).

Đặc biệt, Tin Mừng theo thánh Gioan sử dụng động từ martyreō (μαρτυρέω : 33 lần) có nghĩa là làm chứng và danh từ martyria (μαρτυρία : 14 lần) có nghĩa là lời chứng. Sự phân biệt này thấy rõ trong câu nói của Chúa Giêsu : “Người làm chứng về những gì Người đã thấy đã nghe, nhưng chẳng ai nhận lời chứng của Người” (Ga 3, 32). Một điều cần ghi nhận là trong Tin Mừng Gioan, việc làm chứng và lời chứng không nhằm vào một sự kiện lịch sử của Chúa Giêsu, nhưng nhằm vào chính con người Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống (x. Ga 1,15.34).

Tân Ước còn sử dụng danh từ martyrion (μαρτύριον) để chỉ sự làm chứng, bằng chứng, chứng từ về đức tin, về Tin Mừng và về Chúa Giêsu :

“Anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để nên bằng chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10, 18). “Các Tông Đồ đưa ra lời chứng về sự sống lại của Chúa Giêsu” (Cv 4, 33).Lời chứng còn là sự tuyên xưng, do đó ngay cả với những người không được chứng kiến Đức Giêsu tận mắt, nhưng tuyên xưng Người là Chúa thì cũng kể là một lời chứng. Lời tuyên xưng là điều cần thiết của ơn cứu độ (x. Rm 10,9-10). Dĩ nhiên, việc tuyên xưng không tránh khỏi những khó khăn như bị đe dọa, bắt bớ, cầm tù (x. Cv 4,18-21), kể cả bị đánh đòn (x. Cv 5, 40), thậm chí bị giết hại (x. Cv 7,59-60).

Cuộc bách hại vào đầu kỷ nguyên Kitô giáo đã khiến cho khái niệm “chứng nhân” mang một chiều kích sâu xa hơn, khi những chứng nhân có thể phải đối mặt với cái chết. Cái chết của thánh Têphanô là cái chết của một chứng nhân mà thánh Phaolô nói với Chúa trong một cuộc xuất thần : “Khi người ta đổ máu ông Têphanô, chứng nhân của Chúa, thì chính con cũng có mặt, con tán thành và giữ áo cho những kẻ giết ông ấy “ (Cv 22, 20). Cái chết của thánh Têphanô có đổ máu, và theo truyền thống Kitô giáo, cái chết này được gọi là tử đạo, nghĩa là lấy máu mình hay nói cách khác, hy sinh mạng sống mình để làm chứng cho Đức Kitô (x. Cv 7,55-60). Trong Hội Thánh của Đức Kitô, việc tử đạo mang một ý nghĩa mới mẻ : đó là bắt chước Đức Kitô và hiệp thông trọn vẹn vào việc làm chứng và vào công trình cứu độ của Người. Thật vậy, “Đức Giêsu Kitô chính là vị chứng nhân trung thành” (Kh 1, 5), Người là vị tử đạo hoàn hảo và trọn vẹn nhất, Người mang tất cả những yếu tố của một vị tử đạo : sự sợ hãi tột cùng của một con người trước cuộc Thương Khó, nhưng Thiên Chúa đã sai thiên sứ đến tăng sức cho Người (x. Mt 26,37-38 ; Lc 22, 44) ; phải chịu những lời tố cáo, lăng mạ, xúc phạm khi bị xét xử (x. Lc 23,9-11) ; sau cùng bị kết án cách bất công dù người ta chẳng tìm ra tội chứng của Người, ngay cả giới quan quyền cũng phải nhận là Người vô tội (x. Lc 23,14-15) ; khi bị hành hình, Chúa Giê-su cũng không hề oán than mà còn tha thứ cho những kẻ xử tử mình (x. Lc 23, 34).

Cầu nguyện bằng thánh thi Kinh Chiều I, lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam :

Máu hồng tử đạo thắm quê hương :
Bi đát làm sao những đoạn trường
Các thánh Việt Nam cam hứng chịu,
Giờ đây công phúc được tuyên dương.

 

Một lòng son sắt không nao núng,
Giữ vững niềm tin trước cực hình,
Mạng sống an toàn đâu sá kể,
Tiền tài danh vọng dám hy sinh.

Máu hồng đổ xuống nét son tô
Giải đất quê hương triệu tín đồ,
Khơi dậy một mùa ơn cứu độ,
Khắp miền vang vọng tiếng tung hô.

Cung kính bái thờ Ngôi Thánh Phụ,
Ngợi khen Con Chúa, Ðấng cao minh,
Mừng kính Thánh Thần nguồn an ủi,
Muôn thuở ngàn đời mãi hiển vinh.

Nguồn: tgpsaigon.net


zalo
zalo