Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 220

Bài 97: Bối cảnh Do Thái thời Gioan Tẩy Giả

Bài 97: Bối cảnh Do Thái thời Gioan Tẩy Giả

TGPSG -- Trong Chúa Nhật II Mùa Vọng, chúng ta sẽ được nghe trích đoạn Tin Mừng Luca 3,1-6 đề cập đến bối cảnh lịch sử mà ông Gioan Tẩy Giả khởi sự sứ vụ rao giảng, kêu gọi dân Israel sám hối để chờ đón ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Vậy, trong buổi học hỏi Kinh Thánh tuần này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu sơ lược về bối cảnh lịch sử của dân Do Thái trong giai đoạn đầu thế kỷ I, để có thể thấy rõ hơn lý do tại sao ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện và tại sao mọi thành phần dân chúng ùn ùn kéo đến để nghe ông rao giảng.

I. Bối cảnh chính trị đất Palestine

Năm 63 tr.CN, tướng Pompey cùng đại quân Rôma đã đến chiếm Giêrusalem và biến xứ sở Palestine thành thuộc địa của Rôma. Thời gian đầu, người Rôma vẫn duy trì chế độ thần quyền ở Israel và để người Do Thái tự trị. Vì thế, ông Hiếccanô của nhà Macabê vẫn giữ chức thượng tế và nắm quyền cai trị Israel. Tuy nhiên sau đó do các biến động chính trị, nên chính quyền Rôma đã đặt Hêrôđê Cả, người Iđumê, lên nắm quyền cai trị Israel. Kể từ đó, chế độ thần quyền của Israel bị bãi bỏ, và người Do Thái ngày càng cảm thấy ngột ngạt dưới ách đô hộ của ngoại bang.

1. Vua Hêrôđê Cả và các con trai vua

Để củng cố bộ máy cai trị của mình, vua Hêrôđê Cả (37-4 tr.CN) đã loại bỏ tầng lớp quý tộc cũ thuộc nhóm Xađốc có khuynh hướng ủng hộ nhà Macabê, và thay thế bằng tầng lớp quý tộc mới thuộc nhóm Xađốc nhưng ủng hộ vua. Vua cũng “lấy lòng” người Do Thái bằng cách cưới con gái nhà Macabê, hạn chế chính sách Hy Lạp hóa, tôn trọng luật Môsê, và tái thiết đền thờ Giêrusalem, nhờ đó bối cảnh chính trị và xã hội của Israel thời vua Hêrôđê Cả tương đối yên ổn. Tuy nhiên sau khi vua Hêrôđê Cả băng hà thì mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn kéo theo việc đất Palestine bị phân chia làm nhiều khu vực do các con trai vua cai trị:

+ Hêrôđê Antipa là tiểu vương cai trị miền Galilê và Pêrêa (khoảng 4-39). Ông này là người đã cưới bà Hêrôđia, vợ của anh trai mình (x. Lc 3, 19). Nhà vua là người đã truyền lệnh chém đầu ông Gioan Tẩy Giả (x. Mt 14, 10) và cũng là người tham gia việc xét xử Đức Giêsu (x. Lc 23,8-12).

+ Hêrôđê Áckhêlao là tiểu vương cai trị miền Samari, Giuđê và Iđumê (khoảng 4-6), tuy nhiên sau đó vua bị hoàng đế Rôma phế bỏ và bắt đi lưu đày. Kể từ đó xứ Samari, Giuđê và Iđumê trở thành một tỉnh của đế quốc Rôma đặt dưới quyền cai trị của một vị tổng trấn người Rôma (trong đó có tổng trấn Phongxiô Philatô).

+ Philípphê là tiểu vương cai trị miền Iturê và Trkhônít thuộc phía bắc đất Palestine (khoảng 4-34) và lấy cháu gái của mình là cô Salômê, con gái của bà Hêrôđia.

Mặc dù xứ Palestine lúc bấy giờ được chia thành các vùng miền và được trao cho các tiểu vương nhà Hêrôđê, nhưng quyền cai trị thực sự nằm trong tay chính quyền bảo hộ Rôma, mà nhân vật cụ thể được nhắc tới trong Lc 3,1-6 là tổng trấn Philatô.

2. Tổng trấn Philatô

Philatô làm tổng trấn xứ Giuđa từ năm 26 đến 37. Lịch sử đề cập đến tổng trấn Philatô một cách khá tiêu cực với tính cách của một kẻ tàn bạo, dễ nổi giận và ghét Do Thái, trong khi nhiệm vụ của một tổng trấn là  duy trì trật tự, xử kiện, giám sát việc thu thuế. Thực tế, có thể hiểu rằng vai trò tổng trấn cai trị một sắc dân bất khuất như dân Israel là điều không dễ, nên mặc dù thời tổng trấn Philatô cai trị xứ Giuđa nằm trong giai đoạn được gọi là “Pax Romana” (Hòa bình Rôma), nhưng thực tế ông Philatô vẫn không kiểm soát được tình hình trong khu vực, nên ở đó vẫn xảy ra nhiều xung đột về chính trị và xã hội giữa người Do Thái với chính quyền Rôma, cũng như giữa các nhóm Do Thái với nhau.

Trong vụ án Đức Giêsu, tổng trấn Philatô đóng vai trò là quan toà, nhưng đáng tiếc là một quan toà bất chính khi ông hoặc là để xoa dịu tình hình, hoặc là để lấy lòng người Do Thái, hoặc vì sợ hãi mà bất chấp công lý trao Đức Giê-su cho người Do Thái đem đi đánh đòn (x. Lc 23, 22; Ga 19, 1) và cuối cùng đóng đinh vào thập giá (x. Lc 23,24-25; Ga 19, 6), dù ông tuyên bố rằng ông không tìm thấy lý do nào để kết tội Đức Giêsu (x. Lc 23,4.14.22; Ga 19, 4).

II. Bối cảnh tôn giáo

1. Chức vị thượng tế

Trước hết, vai trò tư tế được trao cho những người được thánh hiến thuộc dòng dõi Aharon của chi tộc Lêvi (x. Xh 28–29; Lv 8–10). Theo phẩm trật tư tế thì chức vị thượng tế là cao trọng hơn cả, đồng thời người giữ chức vị thượng tế cũng được đòi hỏi phải thánh thiện hơn. Theo đó, vị thượng tế phải là người hoàn hảo, không bị khiếm khuyết về mặt thể lý, cẩn thủ tuân giữ Lề Luật, không cạo đầu, cạo râu,... Nhiệm vụ chính của vị thượng tế là dâng lễ đền tội cho dân mỗi năm một lần vào ngày Lễ Xá Tội (x. Lv 16). Trong ngày đó, vị thượng tế sẽ thực hiện các nghi thức thanh tẩy trước khi vào Nơi Cực Thánh. Sau đó, vị thượng tế sẽ dâng hương và rảy máu con vật hiến tế lên nắp xá tội của Hòm Bia Giao Ước để chuộc tội cho dân. Tóm lại, vai trò của vị thượng tế là trung gian giữa Thiên Chúa với dân Người, là người thay mặt dân Israel dâng hy lễ lên Thiên Chúa để thanh tẩy tội lỗi của dân hầu dân Israel có thể tiếp tục làm dân của Chúa.

Tuy nhiên, khi người Rôma cai trị Israel thì thượng tế không còn thuần tuý giữ vai trò lãnh đạo tôn giáo, mà còn trở thành một chức vị mang tính chính trị. Theo đó chính quyền Rôma nắm quyền bổ nhiệm vị thượng tế khiến xảy ra vấn đề hối lộ, mua bán chức vị thượng tế này. Đây là lý do khiến dân Israel dần mất đi niềm tin vào các thượng tế như người đại diện cho mình trước mặt Thiên Chúa. Trong bối cảnh đó chúng ta thấy bài Tin Mừng Luca của Chúa Nhật II Mùa Vọng đề cập đến thượng tế Khanan và thượng tế Caipha (x. Lc 3, 2).

2. Thượng tế Khanan

Thượng tế Khanan được Quiriniô, tổng trấn xứ Xyri (x. Lc 2, 2), bổ nhiệm làm thượng tế vào quãng năm 6, và bị tổng trấn Valêriô Gratô truất phế vào năm 15. Tuy nhiên sau khi bị truất phế, ông Khanan vẫn là một nhân vật quyền lực ở Giêrusalem, nên dù cho không giữ chức vị thượng tế một cách chính thức, ông vẫn được gọi là “thượng tế”. Ngoài ra, nhờ tài ngoại giao và có lẽ là có cả việc hối lộ, ông đã có thể sắp xếp để năm người con trai của ông là Elada (16-17), Giônathan (36-37), Thêôphilô (37-41), Mátthiát (42-43), Khanan II (61-62) và Caipha (18-36) thay nhau giữ vai trò thượng tế, trong đó thượng tế Caipha là con rể của ông. Ngoài ra thượng tế còn có một cháu nội (con trai của Thêôphilô) cũng làm thượng tế vào quãng năm 65-68.

3. Thượng tế Caipha

Là con rể của thượng tế Khanan, Caipha được tổng trấn Valêriô Gratô bổ nhiệm làm thượng tế của Israel vào năm 18, tuy nhiên về sau ông bị thất sủng và bị Vitenliô, tổng trấn  xứ Xyri truất phế vào năm 36. Thượng tế Caipha là người đã tiên đoán về cái chết của Đức Giêsu khi ông tuyên bố với Thượng Hội Đồng rằng “thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11, 50). Trong phiên toà xét xử Đức Giêsu, thượng tế Caipha đã phá qui tắc của một phiên toà hợp pháp và công bằng khi xét xử Đức Giêsu vào ban đêm và cho tìm các chứng gian để buộc tội Người, để cuối cùng chính ông đã kết án Đức Giêsu tội phạm thượng (x. Mt 26, 65). Cuối cùng, ông Caipha là người cho điệu Đức Giêsu đến tổng trấn Philatô với mục đích nhờ tay chính quyền Rôma tuyên án tử Đức Giêsu (x. Mt 27,1-2). Sau khi Đức Giêsu phục sinh, thượng tế Caipha cũng là người tiếp tục các cuộc bách hại và ngược đãi các môn đệ Đức Giêsu (x. Cv 4,5-22).

III. Bối cảnh xã hội

Trong bối cảnh mà thượng tầng lãnh đạo xã hội và tôn giáo Do Thái bị khủng hoảng về phẩm chất như thế đã khiến cho các thành phần dân chúng trở nên hỗn độn và chia rẽ thành các nhóm Do Thái khác nhau, với những lập trường, quan điểm và khuynh hướng chính trị khác nhau:

+ Nhóm Xađốc thuộc tầng lớp quý tộc. Thuật từ “xađốc” gốc Hípri là “saddaqim” có nghĩa là “thành viên của hội đồng”, gồm các thượng tế, kỳ mục và kinh sư,… Nhóm này có khuynh hướng ủng hộ chính quyền Rôma, vì thế những nhười thuộc nhóm này không ưa trào lưu tư tưởng mêsia cũng như các phong trào cách mạng.

+ Nhóm Pharisêu (còn gọi là nhóm Biệt Phái, tức là những người tách mình khỏi phần đông dân Do Thái về đạo đức và văn hoá) thuộc tầng lớp trung lưu, có khuynh hướng bảo thủ, mong muốn bảo tồn Lề Luật và truyền thống Do Thái, chống phong trào Hy Lạp hoá và bất cộng tác với chính quyền Rôma. Mặc dù bất cộng tác với chính quyền Rôma, nhưng những người thuộc nhóm Pharisêu không cố gắng tự mình lật đổ ách đô hộ Rôma, mà họ tin rằng Thiên Chúa tối cao sẽ giải thoát họ.

+ Nhóm Etxêni là những người tin rằng Đền Thờ bị giới chức lãnh đạo tôn giáo ở Giêrusalem tham nhũng và đạo đức giả làm cho ô uế. Họ không từ chối Đền Thờ, nhưng từ chối những người điều hành Đền Thờ, nên phản ứng bằng cách rời bỏ thành thị vào sống ẩn dật trong hoang địa chờ đợi thời Thiên Sai đến trong niềm tin ngày Thiên Chúa giải thoát Israel đã gần kề. Vì thế, họ sống chay tịnh, coi trọng sự thanh sạch, và không kết hôn.

+ Nhóm Nhiệt Thành (còn gọi là nhóm Dao Găm) là những người mong muốn thực hiện cuộc cách mạng lật đổ ách thống trị ngoại bang để giải phóng Israel. Vì thế nhóm này sẵn sàng tham gia các phong trào chống chính quyền Rôma.

Vì nhóm nào cũng bảo lưu quan điểm và lập trường của mình, cho mình là chính thống và đúng đắn nhất, nên kéo theo việc nhóm Pharisêu không ưa nhóm Xađốc và ngược lại, nhóm Étxêni thì xem thường cả nhóm Pharisêu lẫn nhóm Xađốc. Các nhóm này lại xem thường và lợi dụng số đông dân chúng thất học và quê mùa. Tất cả tạo nên một bầu khí chính trị, tôn giáo và xã hội hỗn độn và ảm đạm khiến dân chúng, hơn lúc nào hết, hướng về niềm hy vọng đấng Mêsia xuất hiện và giải thoát họ. Do đó khi ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện, ông giống như một tia sáng chiếu soi vào đêm tối. Ông đã trở thành niềm hy vọng của dân Israel không phải chỉ bởi sứ điệp ông rao giảng, hay chỉ bởi việc ông làm phép rửa và kêu gọi người ta tỏ lòng sám hối (x. Lc 3, 3) mà còn bởi vì đời sống khổ hạnh, đạo đức và công chính của ông (x. Mt 3 ,4). Chính con người của ông, cách sống của ông, và sứ điệp ông rao giảng là lý do khiến dân chúng ùn ùn kéo đến với ông mang theo niềm hy vọng về sự can thiệp mà Thiên Chúa đã hứa (x. Mc 1,4-5). Nói cách khác, ông lôi cuốn được người ta đến với ông không phải chỉ bằng cách cho người ta nghe tin mừng, mà còn bằng cách cho người ta thấy tin mừng bằng đời sống của ông.

Điểm lại đôi nét bối cảnh lịch sử mà trình thuật Tin Mừng Lc 3,1-6 đề cập để chúng ta không chỉ hiểu hơn về tâm trạng của dân Do Thái xưa, mà còn để nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử. Mùa Vọng là thời gian để chúng ta suy ngẫm, chờ đợi và hy vọng vào ơn Thiên Chúa cứu độ và đem lại cho nhân loại một thế giới được cứu độ, đang chờ đợi trời mới đất mới trong ngày quang lâm.

Cầu nguyện

Chúng ta cùng cầu nguyện bằng Tv 67 :

Nguyện Chúa Trời rủ thương và chúc phúc,
xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con,
cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa,
và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài.

Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài.

Ước gì muôn nước reo hò mừng rỡ,
vì Chúa cai trị cả hoàn cầu theo lẽ công minh,
Người cai trị muôn nước theo đường chính trực
và lãnh đạo muôn dân trên mặt đất này.

Ước gì chư dân cảm tạ Ngài, lạy Thiên Chúa,
chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài. Amen.

Nguồn: tgpsaigon.net


 

zalo
zalo