Ngày tháng: 22/02/2025
Đang truy cập: 174

Bài 99: Những cuộc Truyền Tin trong Kinh Thánh

Những cuộc Truyền Tin trong Kinh Thánh

TGPSG -- Trong tâm tình đón mừng đại lễ Giáng Sinh, chúng ta không thể không nhắc đến một sự kiện rất quan trọng, qua đó Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ nhân loại. Đó chính là biến cố truyền tin cho Đức Maria. Tin Mừng Luca thuật lại cách chi tiết câu chuyện này (x. Lc 1,26-38) và được tóm tắt trong lời nguyện nhập lễ của Chúa Nhật IV Mùa Vọng : “Lạy Chúa, Chúa đã dùng lời thiên sứ truyền tin mà cho chúng con biết thật Ðức Kitô, Con Chúa, đã xuống thế làm người…”

Việc thụ thai và sinh hạ Đức Giêsu cách lạ lùng bởi Đức trinh nữ Maria là do bởi quyền năng Thiên Chúa, và biến cố này trở nên vô tiền khoáng hậu trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Kinh Thánh đã kể lại những cuộc truyền tin mà sau đó là một cuộc thụ thai lạ thường. Đứa trẻ sinh ra bởi những cuộc truyền tin ấy thường có một sứ mạng đặc biệt trong lịch sử cứu độ Israel.

Chúng ta sẽ tìm hiểu về những cuộc truyền tin ấy trong tương quan với cuộc truyền tin cho Đức Mari-.

I. Ý nghĩa từ “truyền tin” trong Kitô giáo

“Truyền tin” là hạn từ được dịch bởi tiếng La Tinh “annuntiatio”, nghĩa là sự công bố, sự loan báothông truyền. “Truyền tin” là hành động loan báo một sự kiện hay một việc sắp xảy ra nhưng còn ẩn kín, chưa hoàn toàn tỏ lộ. Thiên sứ Gáprien đến với Đức Maria và tỏ cho biết Thiên Chúa muốn Mẹ đón nhận một sứ mạng trọng đại. Sau khi được thiên sứ giải thích, Đức Maria đã vâng theo và xin Thiên Chúa thực hiện điều thiên sứ vừa nói (x. Lc 1, 38). Giáo Hội gọi diễn tiến cuộc gặp gỡ này là “truyền tin” và từ đó Phụng Vụ đã có ngày lễ Truyền Tin, tiếng La Tinh là Annuntiatio Beatae Mariae Virginis (Việc Truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria), được cử hành vào ngày 25 tháng 3, tức là 9 tháng trước Lễ Giáng Sinh, bằng với thời gian thông thường của một người, từ lúc thụ thai cho đến khi chào đời.

II. Các cuộc truyền tin trong Kinh Thánh

Trong Kinh Thánh, biến cố truyền tin cho Đức Maria cũng như các câu chuyện kể về các cuộc truyền tin cho thấy sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch sử con người, thường là trong một hoàn cảnh éo le như tuổi già hoặc son sẻ, và được trao cho một sứ mạng đặc biệt kèm theo một lời hứa sinh con. Chúng ta cùng tìm hiểu những cuộc truyền tin này.

1. Cuộc truyền tin cho nữ tỳ Haga

Sau khi ông Ápram rời khỏi thành Ua miền Babylon, Đức Chúa hứa cho dòng dõi ông trở thành một dân tộc lớn (x. St 12, 2). Lời hứa này được lặp lại nhiều lần (x. St 13, 16 ; 17, 20 ; 22, 17). Nhưng vì bà Xarai son sẻ, không sinh con được, nên bà suy nghĩ xem phải làm thế nào để lời hứa của Chúa có thể được thực hiện và bà đã cho nữ tỳ của mình là Haga đến với ông Ápram, chồng bà. Khi thấy mình có thai, Haga sinh lòng tự cao và đã coi thường bà chủ Xarai khiến bà phát ghen với cô. Bà đã hành hạ nữ tỳ Haga đến nỗi cô phải bỏ trốn đến gần một suối nước trong sa mạc. Tại đây, thiên sứ của Chúa hiện ra với người nữ tỳ và truyền cho nàng phải trở về phục tùng bà chủ như trước và báo cho Haga biết là đứa trẻ sinh ra sẽ được gọi là Ítmaen, nghĩa là “Đức Chúa đã nghe” (St 16, 11) và dòng dõi của nó sẽ nên đông đúc (x. St 16,10). Tín đồ Hồi giáo coi Ítmaen là tổ phụ của người Ảrập và họ cho rằng Ítmaen mới là con chính thức của tổ phụ Ápraham.

2. Cuộc truyền tin cho Ápraham và Xara.

Thiên Chúa đã nhắc lại cho Ápraham rằng Xara, vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai (x. St 17,1-22). Đây quả là điều không thể xảy ra đối với con người, vì bà Xara thì hiếm muộn son sẻ, lại đã cao niên. Vì thế Thiên Chúa đã lặp lại đến 3 lần việc bà Xara được thụ thai và sinh con (x. St 17,16.19.21). Chưa hết, Thiên Chúa còn đến với Ápraham qua hình hài ba người khách thần bí tại cụm sồi Mamrê, được hiểu như sự xuất hiện của Đức Chúa (x. St 18). Khi nghe người khách nói sang năm bà sẽ có thai, bà Xara đã cười thầm và tự bảo : “Mình đã cằn cỗi rồi, còn hưởng được vui thú nữa sao ? Ông nhà mình lại là một ông lão !” (St. 18, 12). Khi biết bà Xara đã cười vì nghi ngờ như thế, người khách lạ đã nói : “Tại sao Xara lại cười và nói : ‘Có thật tôi già thế này mà còn sinh đẻ được chăng ?’ Nào có điều gì kỳ diệu vượt sức Đức Chúa ?” (St 18,13-14). Chúa đã thực hiện điều Người đã hứa, nghĩa là bà Xara có thai và sinh cho ông Ápraham một con trai, và ông đặt tên cho đứa trẻ là Ixaác, nghĩa là “Nó cười” (x. 21,1-6).

3. Cuộc truyền tin cho thân mẫu ông Samsôn

Vào thời Israel chưa có vua, chỉ có các thủ lãnh là những người nhận được đặc sủng của Chúa, đứng ra lãnh đạo dân Israel trong một thời gian. Bấy giờ thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với vợ ông Manôác và báo cho bà biết rằng bà sẽ sinh một con trai dù bà son sẻ lâu năm. Con trẻ sẽ là một “nadia của Thiên Chúa”, nghĩa là được thánh hiến cho Thiên Chúa ngay từ lòng mẹ, và chính con trẻ này sẽ cứu dân Israel khỏi tay người Philitinh. Thế rồi bà đã sinh hạ một con trai và đặt tên cho con trẻ là Samsôn (x. Tl 13,1-5. 9-24). Samsôn được Thiên Chúa ban cho một sức mạnh thần kỳ đến độ chỉ cần một chiếc xương hàm lừa có thể đánh bại hàng ngàn quân Philitinh (x. Tl 15, 16). “Ông làm thủ lãnh Israel được hai mươi năm” (Tl 16, 31).

4. Cuộc truyền tin cho người phụ nữ Sunêm

Vào thời ngôn sứ Êlisa, có một phụ nữ miền Sunêm, bà son sẻ, không có con, nhưng bà hằng kính sợ Thiên Chúa và có lòng hiếu khách. Một hôm bà đã đón tiếp ngôn sứ Êlisa cách rất chu đáo, nên người của Thiên Chúa tức là vị ngôn sứ đã báo tin cho bà biết là bà sẽ sinh một con trai (x. 2 V 4,8-17). Câu chuyện không nói đến tên của người phụ nữ này, cũng như tên của chồng bà, và ngay cả tên đứa con họ sẽ sinh ra, nhưng cho thấy lòng hiếu khách và quảng đại trổi vượt của bà, nhất là một lòng tin vững mạnh. Tất cả các điều đó đã thúc giục bà vội vã lên đường chạy tìm cho bằng được người của Thiên Chúa đến cứu giúp, khi đứa con trai của bà đột nhiên mà chết. Và vị ngôn sứ đã làm cho đứa trẻ sống lại (x. 2 V 4,18-37). Đứa trẻ không có sứ mạng đặc biệt nào nhưng như món quà Thiên Chúa ân thưởng cho người mẹ đã quảng đại đón tiếp và giúp đỡ vị ngôn sứ.

5. Cuộc truyền tin cho vua Akhát 

Vào cuối thế kỷ thứ VIII tCN, đế quốc Átsua đe dọa tấn công và xâm chiếm các vương quốc Israel và Aram ở phía Bắc Israel. Vua Akhát nước Giuđa ở phía Nam từ chối liên minh với các vua Israel và Aram để chống lại đế quốc Átsua. Dân chúng sống trong lo âu sợ hãi. Vì thế Thiên Chúa sai ngôn sứ Isaia đến trấn an vua Akhát đừng run sợ cho dù có xảy ra chuyện gì đi nữa (x. Is 7,1-9). Isaia nói với vua Akhát : “Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu” (7, 11). Nhưng, vua Akhát vì cứng lòng tin đã từ chối với lý do giả dối rằng “không dám thử thách Đức Chúa” (7, 12). Nghe vậy, Isaia liền nói : “Nghe đây hỡi nhà Đavít ! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa ? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu : Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuen” ( Is 7,13-14).

“Người thiếu nữ” có thể ám chỉ người vợ trẻ của vua, danh từ này trong tiếng Hípri là עַלְמָה (“alma”), có nghĩa gốc là “giấu kín, không tỏ lộ”. Đây là một từ Hípri hiếm gặp trong Kinh Thánh, được dùng để nói đến hai người phụ nữ ngoại lệ liên quan đến số phận của dân Israel, đó là bà Rêbêca và bà Myriam. Rêbêca là vợ của Ixaác (x. St 24) và là mẹ của một dân tộc đông đúc được hứa ban cho Ápraham. Bà được gọi là “alma” vì bà đã hoàn toàn hướng về người khác với một thái độ niềm nở đón tiếp và dâng hiến chính mình. Còn Myriam là người chị đã bảo vệ Môsê em mình khỏi chết, khi vua Pharaô ra lệnh giết chết mọi bé trai sơ sinh người Hípri (Xh 1, 22), nhờ đó sau này Môsê trở thành vị cứu tinh của dân tộc. Chúng ta có thể tìm thấy ý tưởng trên đây trong lời sấm của Isaia khi ông loan báo rằng Thiên Chúa sẽ làm xuất hiện một điều mới, một dấu lạ. Đối với dân Israel, trong bối cảnh chiến tranh và sự bất trung của dân lúc bấy giờ, thì lời loan báo về việc một thiếu nữ sẽ sinh hạ con trai ở Is 7, 14 đã trở thành niềm hy vọng về Đấng Mêsia mà Thiên Chúa sẽ gửi đến để giải thoát dân Người. Trong bản dịch LXX (bản dịch Hy Lạp), từ “alma” (עַלְמָה) được dịch là “parthenos” (παρθένος), có nghĩa là “trinh nữ” : “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai …” như chúng ta thấy trong trình thuật truyền tin cho thánh Giuse được Tin Mừng Mátthêu ghi lại. Và đây thực sự là một trình thuật tuyệt vời cho thấy rằng với Đức Maria qua lời thưa “xin vâng”, Thiên Chúa đã thực hiện một điều mới, một dấu lạ ! Cũng như Rêbêca, Đức Maria đã dâng hiến chính mình để lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện, và dân của Người thấy được một tương lai rạng ngời.

6. Cuộc truyền tin cho ông Dacaria

Đây là cuộc truyền tin của thiên sứ Gáprien báo tin cho ông Dacaria biết vợ ông là Êlisabét sẽ sinh một con trai (x. Lc 1,5-23). Ông Dacaria là một tư tế Đền thờ Giêrusalem, vợ ông là Êlisabét cũng thuộc dòng dõi tư tế Aharon.

Đứa trẻ do bà Êlisabét hạ sinh phải được đặt tên là Gioan có nghĩa là Đức Chúa thương xót, Đức Chúa thi ân. Gioan có một sứ mạng đặc biệt làm tiền hô dọn đường cho Đấng Mêsia như được tiên báo trong sách ngôn sứ Malakhi “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” (Ml 3, 1).

7. Truyền tin cho thánh Giuse và Đức Maria

Trong cuộc truyền tin cho Ápraham và Xara về việc sinh hạ một người con, Thiên Chúa cần đến sự cộng tác của một đôi vợ chồng để sinh ra một dân tộc cho dù họ đã già nua tuổi tác : Ápraham 100 tuổi còn Xara thì 90 tuổi, việc sinh hạ đối với họ quả là không thể xảy ra xét theo lẽ tự nhiên.

Trong cuộc truyền tin để Ngôi Lời làm người, Thiên Chúa đã cần đến một người nữ để làm mẹ. Người đã chọn Đức Maria, một thiếu nữ không biết đến việc vợ chồng, nhưng đã thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (x. Lc 1, 34). Thiên Chúa cũng cần đến một người cha để đặt tên cho con trẻ. Nhưng trước khi Maria và Giuse về chung sống với nhau, trinh nữ Maria đã mang thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần khiến Giuse định tâm rời bỏ Maria cách kín đáo. Thiên Chúa phải can thiệp qua cuộc truyền tin Giuse để ông đón nhận Maria và hài nhi còn trong dạ mẹ (x. Mt 1,19-25).

Dù là cuộc truyền tin cho cô Haga, ông Ápraham và bà Xara, hay vua Akhát, cũng như với ông Dacaria, thánh Giuse và Đức Maria thì điều Thiên Chúa đòi hỏi là niềm tin vào Thiên Chúa và chấp nhận để cho Thiên Chúa thực hiện kế hoạch của Người nơi những người con sẽ được ban cho họ. Thiên Chúa không áp đặt nhưng mời gọi con người đón nhận và cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Người.

Cầu nguyện

Cùng với Đức Maria trong biến cố truyền tin, chúng ta ca tụng Chúa qua lời kinh Magnificat :

“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới ;
từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn !

Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót
những ai kính sợ Người.

Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Ápraham
và cho con cháu đến muôn đời.” Amen.

Nguồn: tgpsaigon.net


zalo
zalo