Phải chăng Thiên Chúa đã quan phòng mọi sự ?
Trong trích đoạn Tin Mừng của Chúa nhật tuần này, Đức Giêsu đã nhắn nhủ các môn đệ đừng sợ hãi khi bị bách hại nhưng hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa : “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không ? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi” (Mt 10,29-30).
Trong bài học hỏi Kinh Thánh lần này, chúng ta cùng đi tìm câu trả lời cho thắc mắc quan trọng của người Kitô hữu, đó là
Phải chăng Thiên Chúa đã quan phòng mọi sự?
và như vậy,
Phải chăng số phận mỗi người đã được an bài ?
I. Thiên Chúa quan phòng mọi sự
Động từ Hy Lạp pronoêô (προνοέω) và danh từ pronoia (πρόνοια) có tiếp đầu ngữ pro- nghĩa là trước và gốc từ -noiêô/-noia nghĩa là hiểu, nhận ra, nghĩ) nên mang ý nghĩa là nghĩ trước, thấy trước, chuẩn bị từ trước, và cũng có nghĩa là chăm sóc, lo liệu, quan phòng (x. Kn 14,3).
Theo Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo : Sự quan phòng của Thiên Chúa chính là những đường lối Người xếp đặt để đưa vạn vật tới sự trọn hảo tối hậu do Thiên Chúa định sẵn (x. GLHTCG số 302).
Thiên Chúa quan phòng chăm sóc mọi sự cách cụ thể và trực tiếp, từ những cái nhỏ nhất đến những biến cố vĩ đại của thế giới và lịch sử. Sách Thánh xác quyết mạnh mẽ quyền tối thượng của Thiên Chúa trong mọi biến cố :
Chúa chúng ta vượt trên hết chư thần,
muốn làm gì là Chúa làm nên
chốn trời cao cùng nơi đất thấp,
lòng biển cả và đáy vực sâu (Tv 135,5-6).
Suy nghĩ lo toan là việc của con người,
còn nói câu trả lời là do Đức Chúa (Cn 16, 1).
Ngay từ sách Sáng thế, chúng ta đã gặp câu chuyện về một Thiên Chúa sáng tạo muôn loài muôn vật và Người hằng bảo tồn, quan sát và hướng các thụ tạo đạt đến cứu cánh của chúng.
Theo trình thuật sáng tạo (St 1–2), trước khi tạo dựng con người, Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ càn khôn, Người sắp đặt mọi loài trong trật tự hài hoà. Vườn Êđen đầy hoa thơm trái lành cùng dã thú chim muông, được dành sẵn cho con người hưởng dùng và cai quản.
1. Thiên Chúa quan phòng nơi thiên nhiên khi an bài cho vũ hoàn được gìn giữ tốt đẹp và đắp đổi vần xoay :
Chúa lập địa cầu trên nền vững,
khôn chuyển lay muôn thuở muôn đời !
Áo vực thẳm choàng lên trái đất,
khối nước nguồn tụ lại đỉnh non cao.
Chúa khơi nguồn : suối tuôn thác đổ,
giữa núi đồi, lượn khúc quanh co,
đem nước uống cho loài dã thú,
bầy ngựa hoang đang khát được thoả thuê.
Bên dòng suối, chim trời làm tổ,
dưới lá cành cất giọng líu lo (Tv 104,5-6.10-12).
Chúa cho mưa xuống nắng lên trên người tốt cũng như kẻ xấu (x. Mt 5, 45). Người dưỡng nuôi chim trời cá biển cùng thú vật rừng hoang, cũng như mặc đẹp cho hoa đồng cỏ nội (x. Mt 6, 26tt) :
Ca tụng Chúa đi, từ mười phương đất,
này thuỷ quái dị hình, này tất cả vực sâu,
lửa hồng mưa đá, tuyết trắng mây mù,
ngọn cuồng phong, cấp thừa hành lời Chúa.
Núi với đồi trùng trùng điệp điệp,
cây ăn trái và đủ loại bá hương,
thú vật rừng hoang cùng là gia súc,
loài bò sát và mọi giống chim trời (Tv 148,7-10).
Đặc biệt Thiên Chúa lấy tình phụ tử mà chăm sóc quan phòng trên con người : “Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự… chính ở nơi Người chúng ta sống, cử động, và hiện hữu” (Cv 17,25.28). Thiên Chúa nâng đỡ thế giới Người tạo dựng ; và coi thế giới là bối cảnh để Người đối xử đặc biệt với loài người.
2. Thiên Chúa làm chủ lịch sử. Người hướng dẫn các dân nước đi trong sự biến thiên của lịch sử.
Thiên Chúa ẩn mình sau cuộc di cư của con cháu Giacóp sang Ai Cập khi quan phòng cho Giuse bị bán qua đó từ trước (x. St 37).
Thiên Chúa cứu thoát cậu bé Môsê cách thần kỳ nhờ chính con gái của Pharaô, để sau này ông dẫn đưa Israelra khỏi Ai Cập (x. Xh 2,1-10).
Thiên Chúa cho quân Átsua trừng phạt Israel (x. Is 10, 51), cho Babylon lật đổ Átsua, cho vua Kyrô tiêu diệt Babylon và cứu thoát Giuđa khỏi cảnh lưu đày (x. Is 45, 1). Người hướng dẫn lịch sử đạt đến cùng đích tối hậu của Người (x. Is 41,21tt).
Điểm đến của lịch sử Cựu Ước là cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa. Các biến cố lịch sử, các triều đại nối tiếp nhau, dù Pharaô bên Ai Cập hay vua Nabucôđônoxo của Babylon, dù vua Kyrô của Ba Tư hay Alêxanđê của Hy Lạp, dù hoàng đế Xêda hay chỉ là quận vương Hêrôđê v.v... tất cả cũng chỉ là thêu hoa dệt gấm cho bức tranh lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đã định trong Đức Kitô.
“Đúng vậy, Hêrôđê, Phongxiô Philatô, cùng với chư dân và dân Israel đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu, Đấng Ngài đã xức dầu. Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước” (Cv 4,27-28).
3. Chúa quan phòng và thấu suốt đời sống con người :
Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy ;
mọi ngày đời được dành sẵn cho con
đều thấy ghi trong sổ sách Ngài,
trước khi ngày đầu của đời con khởi sự
(Tv 139,1-3.16).
Thiên Chúa quan phòng cách rõ nét nơi đời sống các nhân vật lịch sử, đặc biệt là trong lịch sử Israel: Ápraham trong lịch sử hình thành dân Israel ; tổ phụ Giuse trong cuộc sinh tồn của gia tộc Israel thời đói kém ; Môsê trong vai trò giải thoát dân khỏi cảnh nô lệ Ai Cập ; vua Đavít làm tổ tiên của Đấng Mêsia ; vua Kyrô như khí cụ giải thoát Israel khỏi cảnh lưu đày.
“Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử” (Gv 3, 11).
4. Thiên Chúa quan phòng trong đời sống các tín hữu. Cũng như trong lịch sử, Thiên Chúa cũng quan phòng cho cuộc đời mỗi người đạt đến hạnh phúc tối hậu như Thiên Chúa muốn.
Qua những lần báo mộng, Chúa chỉ cho thánh Giuse thực hiện ý định quan phòng của Người liên quan đến hài nhi Giêsu (x. Mt 1, 20 ; 2,13.20.22).
Khi Nathanaên được Phi-líp-phê giới thiệu với Đức Giêsu, Người đã bảo ông : “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi” (Ga 1, 48).
Đức Giêsu đã tiên báo số phận của Phêrô khi nói rằng : “‘Khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.’ Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa” (Ga 21,18b-19).
Chúa Giêsu quả quyết với các môn đệ : “Ngay cả tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi” (Mt 10, 30).
II. Con người trong Thiên Chúa quan phòng
Vậy phải chăng số phận mỗi người đã được an bài ?
Thiên Chúa quan phòng nhưng không áp đặt ý định của Người trên con người và không đòi con người phải phục tùng vô điều kiện. Trái lại, Người mời gọi con người cộng tác cách tự do để ý định của Thiên Chúa được thành toàn.
Thánh Phaolô đã đề cập đến sự tiền định của Thiên Chúa cho mỗi người chúng ta nên nghĩa tử của Người :
Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người,
Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử
nhờ Đức Giêsu Kitô (Ep 1, 5).
Đó không phải là sự định sẵn máy móc hay một định mệnh bất di bất dịch, nhưng là ý định tốt lành của Thiên Chúa muốn cho mỗi người đạt đến hạnh phúc viên mãn trước cả khi được dựng nên. Như cha mẹ khi sinh con đã muốn cho con mình được hạnh phúc, và cha mẹ đã chuẩn bị tất cả những gì là tốt nhất để con mình được dưỡng dục, nên người và được hạnh phúc. Nhưng đứa con khi lớn lên, vẫn có thể dùng tự do của mình mà đi ngược lại với ý định tốt lành của cha mẹ ngay từ đầu.
Thiên Chúa quan phòng cuộc đời các tín hữu không có nghĩa là họ được bảo đảm một cuộc sống yên hàn, thịnh vượng, dễ dãi hoặc dư đầy của cải.
Số phận của người công chính phải đau khổ và Đức Kitô chịu khổ nạn mời gọi chúng ta tín thác vào sự quan phòng đầy tình phụ tử của Thiên Chúa (Hr 12, 5). Sống ở đời, người Kitô hữu sẽ gặp gian nan khốn khó (Ga 16, 33), nhưng ý định của Thiên Chúa dành cho họ là hạnh phúc và vinh quang.
Bà Anna đã ca tụng sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa khi Người ban cho bà cậu bé Samuên :
Tâm hồn con hoan hỷ vì Chúa,
nhờ Chúa, con ngẩng đầu hiên ngang.
Con mở miệng nhạo báng quân thù :
Vâng, con vui sướng vì được Ngài cứu độ.
Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử,
đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên.
Chúa bắt phải nghèo và cho giàu có,
Người hạ xuống thấp,
Người cũng nhắc lên cao (1 Sm 2,1.6-7).
Cầu nguyện với Thánh vịnh 37
Bạn đừng nổi giận vì quân gian ác,
chớ phân bì với kẻ bất lương,
vì chúng tựa cỏ hoang mau úa
và giống như thanh thảo chóng tàn.
Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện,
thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn.
Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng.
Hãy ký thác đường đời cho Chúa,
tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.
Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh,
công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ.
Hãy lặng thinh trước mặt Chúa và đợi trông Người.
Chúa chăm sóc cuộc đời người thiện hảo,
gia nghiệp họ tồn tại đến muôn năm.
Buổi gian nan họ không hề hổ thẹn,
ngày đói kém lại được no đầy.
Chúa giúp con người bước đi vững chãi,
ưa chuộng đường lối họ dõi theo.
Dầu họ có vấp cũng không ngã gục,
bởi vì đã có Chúa cầm tay.
Hãy làm lành lánh dữ,
bạn sẽ được một nơi ở muôn đời.
Bởi vì Chúa yêu thích điều chính trực,
chẳng bỏ rơi những bậc hiếu trung.
Người công chính được đất hứa làm gia nghiệp,
và định cư tại đó mãi muôn đời.
Amen.
Lm. Inhaxiô Hồ Văn Xuân, Tổng Đại Diện Gp. Sài Gòn
và NPD. CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
Nguồn: tgpsaigon.net