Ngày tháng: 18/01/2025
Đang truy cập: 19

Cấu Trúc Văn Hóa Xã Hội Của Người Việt Nam - Phần 2/2

Cấu Trúc Văn Hóa Xã Hội Của Người Việt Nam - Phần 2/2

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 

š ® ¬ ® ›

 

     II. CẤU TRÚC VĂN HOÁ XÃ HỘI CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

     2. Về mặt lịch sử

     c. Giai đoạn độc lập và thống nhất đất nước

     Việt Nam giành độc lập và thống nhất đất nước dưới thời quân chủ bắt đầu từ thế kỷ X đến thế kỷ XX, trải qua ba triều đại nhỏ là Ngô (939-965), Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009) và bốn triều đại lớn: Lý (1009-1225), Trần (1226-1400), Lê (1428-1788), Nguyễn (1802-1945), xen kẽ với ba triều đại nhỏ là: Hồ (1400-1407), Hậu Trần (1407-1414), Tây Sơn (1788-1802). Người Việt ra sức củng cố nền độc lập non trẻ bằng các cuộc chiến thắng ngoại xâm: Lê Hoàn thắng quân Tống năm 981 và Lý Thường Kiệt thắng quân Tống năm 1077, Trần Hưng Đạo thắng quân Nguyên Mông vào các năm 1258, 1285, 1288, Lê Lợi thắng quân Minh sau mười năm chiến đấu, vua Quang Trung Nguyễn Huệ chiến thắng quân Xiêm (1785) ở Rạch Gầm, Xoài Mút và đại phá quân Thanh vào năm 1789.

     Tinh thần ái quốc dâng cao khiến người Việt sẵn sàng hy sinh tình riêng gia đình vì đại nghĩa của đất nước. Bài học của giai đoạn này như giới thiệu cho người Việt, nam cũng như nữ, là phải biết bảo tồn dòng họ của mình, khi mở rộng tình gia đình thành gia tộc. Từng cá nhân phải biết hy sinh quyền lợi cho dòng tộc.

     Sự gắn bó với dòng tộc đôi khi quá mức khiến nhiều người lại khép kín với đồng bào, chỉ tin tưởng bao che cho những người thân thuộc, tạo nên sự bất công đối với người khác đến độ “một người làm quan cả họ được nhờ”.

     Gắn bó với những người đã khuất trong dòng tộc, người Việt chứng tỏ lòng thảo hiếu qua việc thờ cúng tổ tiên. Người Việt lập bàn thờ tại nhà với bài vị của những người đã khuất, cúng bái trong những ngày sóc, vọng, giỗ, Tết. Việc này tạo lại mối tương quan mật thiết với cả những người sống để xoá đi phần nào sự nghi ngại chia rẽ do thời đô hộ để lại.

     Gắn bó với đời sống nông nghiệp, người Việt phát triển tình làng nghĩa xóm và các mối quan hệ đồng hương. Tuy nhiên vì sống mãi trong luỹ tre làng, thiếu giao tiếp để mở rộng tầm nhìn nên người Việt dễ hướng tới óc cục bộ, hẹp hòi đánh mất tinh thần trọng tài đức, trọng tình nghĩa trước đây. Cộng thêm bản chất nghi kỵ người khác của thời bị đô hộ để lại, óc cục bộ này đã được nhà nước quân chủ chuyên chế khai thác tối đa trong tổ chức hành chính làng xã, địa phương, dẫn đến việc người Việt khó chấp nhận sự điều khiển, lãnh đạo của người không đồng hương với mình, coi thường luật pháp quốc gia “phép vua thua lệ làng”, coi thường cả những giá trị nhân bản như cạo đầu, bôi vôi, bỏ trôi sông những phụ nữ lầm lỡ, chửa hoang. Óc cục bộ ấy vẫn còn mạnh mẽ trong thời đại ngày nay.

     Trong thời kỳ này, chúng ta ghi nhận ảnh hưởng của Tam giáo Đông Phương, đặc biệt là Khổng giáo. Cả ba đều đến từ Trung Hoa, chỉ riêng Phật giáo lại chia làm hai ngả, theo con đường Đồng Cỏ vào miền Bắc VN và theo con đường Hồ Tiêu vào miền Nam VN (x. Nguyên Tạng, trong Niên Giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, tr. 492-498).

     Phật giáo ảnh hưởng nhiều đến quần chúng bình dân, nhất là dưới thời Lý - Trần, với thuyết Luân Hồi, với Tứ Diệu Đế, với luật Nhân Quả để nuôi dưỡng lòng đạo đức, giải thích cho người dân hiểu về nguồn của bể khổ đời người là do lòng dục, vì thế muốn diệt khổ phải từ khước lòng dục của mình bằng cách theo Bát Chánh đạo.

     Khổng giáo hay Nho giáo là hệ thống các nguyên tắc đạo đức, chính trị do Khổng Tử lập ra nhằm duy trì trật tự của xã hội phong kiến nên ảnh hưởng nhiều đến vua quan và quần chúng trong cách tổ chức xã hội ở Trung Hoa và ảnh hưởng nhiều đến VN. Nho giáo khởi đầu với việc lập Văn Miếu (1070), Quốc Tử Giám và tổ chức thi cử (1076) và càng ngày càng chiếm ưu thế cho đến khi đạt được địa vị độc tôn vào thế kỷ XVIII-XIX. Người VN ứng xử trong các quan hệ cá nhân, gia đình, họ hàng, làng xóm, vua quan theo những chuẩn mực của lễ nghĩa Nho giáo như Tam cương - Ngũ thường, để có thể “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

     Những chuẩn mực của Nho giáo có mặt tốt là giữ cho xã hội được trật tự ổn định, nhưng nhà nước quân chủ chuyên chế lại dùng chúng như một phương tiện áp chế con người, khi tôn vinh vua là “thiên tử” (con Trời) nắm trọn quyền sinh sát trong tay “quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung”. Những vị Nho gia ăn theo chế độ ít người dám nghĩ, dám làm với tầm nhìn xa trông rộng để “trị quốc, bình thiên hạ” mà chỉ trở thành những nhà trí thức luẩn quẩn với những bài phú, bài thơ ca tụng chế độ, suy tôn mù quáng một con người dù người đó bất tài, thất đức hoặc nhai đi nhai lại những câu trích dẫn thuộc lòng trong Tứ Thư Ngũ Kinh. Cách học từ chương và chế độ thi cử của Nho giáo này đã trói buộc những sáng kiến, suy tư của người Việt và còn ảnh hưởng đến ngày nay.

     Chúng không những không cải tạo được tình trạng đa thê hay bất bình đẳng nam nữ, như ta từng thấy trong thời bị Trung Hoa đô hộ mà còn làm cho người phụ nữ càng bị lệ thuộc hơn vào người đàn ông “Trai thì năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”, vào dòng họ của chồng “Lấy chồng thì phải theo chồng, lấy chồng phải gánh giang san nhà chồng”. Người phụ nữ chỉ còn là cái bóng của người đàn ông vì họ được dạy phải có đủ tam tòng “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, tứ đức “Công, dung, ngôn, hạnh” chứ không còn là một con người thật sự độc lập với tất cả giá trị làm người.

     Sống trong nền quân chủ chuyên chế độc tài, người dân không được phép có nhiều phương tiện vật chất, nhiều nông nô vì sợ bị phản loạn. Nhưng dù có nhiều tiền họ cũng không được phép tiêu xài, không được cất nhà theo ý mình, thậm chí không được ăn mặc theo ý thích. Họ cũng không được học rộng vì càng có nhiều tư tưởng mới lạ họ càng dễ ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền: chỉ cần một câu thơ không rõ ý cũng có thể bị kết tội phản nghịch và bị tru di tam tộc. Mỗi làng chỉ có một vài người được đi học còn tất cả nam cũng như nữ, già cũng như trẻ đều đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng. Chính sách ngu dân này làm cho người Việt không phát triển óc suy tư, sáng tạo, càng làm cho cuộc sống của họ thêm cơ cực, nghèo túng.

     Cuối cùng, Lão giáo du nhập vào VN đồng thời với Phật giáo và Nho giáo ngay từ thời Bắc thuộc, đến đời vua Đinh Tiên Hoàng (cuối thế kỷ X) đã khá phát triển ở nước ta. Lão giáo chủ trương vô vi (không làm), “nghĩa là chủ ý cốt theo cách tự nhiên thanh tĩnh không cần phải làm gì, nghĩa là muôn việc cứ phó mặc tự nhiên, không cần phải lo lắng, nghĩ ngợi mới hưởng sự khoái lạc phiêu diêu” (Toan Ánh, Nếp cũ - Tín ngưỡng VN, quyển Thượng, NXB TP.HCM, 1992, tr. 221). Chủ trương này đúng ra là thái độ sống của những nhà trí thức Nho giáo. Dần dần đạo Lão đi vào các tầng lớp bình dân và biến thể thành những hình thức bí hiểm mê tín như phù phép, sấm ký, chầu đồng, thẻ xăm, bói toán, với các thần tiên ẩn thân trong vạn vật: “bếp thì có ông Táo, đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”. Tuy nhiên, cái nhìn “linh hoá vạn vật” này lại giúp cho người VN vượt qua thái độ quá chuộng hình thức lễ nghĩa tỉ mỉ, vụn vặt của Nho giáo để đến gần với thiên nhiên và tìm được sự khoáng đạt cho tâm hồn.

     Chúng ta không thể không nhắc đến ảnh hưởng của Kitô giáo trong thời kỳ này. Kitô giáo được truyền vào VN là đạo Công giáo theo lễ nghi Roma, qua các giáo sĩ dòng Đa Minh, dòng Phanxicô, dòng Augustinô người Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI, nhất là các giáo sĩ dòng Tên vào thế kỷ XVII. Các giáo sĩ này nói được tiếng Việt, sáng lập ra chữ quốc ngữ và đóng góp nhiều về khoa học, cũng như xã hội cho các vua chúa của cả hai miền Nam Bắc. Họ truyền bá một giáo thuyết khác với Tam giáo Đông phương về nhiều điểm nên gặp sự chống đối mãnh liệt của vua quan, nhưng đó lại là những sự thật cơ bản. Sự thật đó là tất cả mọi người đều có giá trị cao quý như nhau vì đều là con cái Chúa, đều tự do và bình đẳng trước pháp luật chứ không phải vua có toàn quyền sinh sát trong tay, hôn nhân một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng và có giá trị như nhau…

     Điều không may cho Công giáo là vào thời điểm này, các đế quốc thực dân đi chiếm thuộc địa và các nhà truyền giáo lại theo chân họ vào VN gây nên nhiều hiểu lầm và cả những cuộc bách hại. Khi quân đội Pháp bắn thị uy vào cảng Đà Nẵng (1847) và nhanh chóng chiếm được các tỉnh miền Đông Nam Kỳ (1862), rồi đặt nền đô hộ từ 1862-1945 thì người VN như bừng tỉnh trước sức mạnh trổi vượt về quân sự, khoa học, kỹ thuật của quân thù trước chính sách bế quan toả cảng của vua quan, dẫn đến ngu dốt, lạc hậu, yếu kém. Họ giống như người Trung Quốc bừng tỉnh sau cuộc Chiến tranh Nha phiến (1839-1842) và thấy rằng: “Cái học nhà Nho đã hỏng rồi!” (Trần Kế Xương). Họ muốn được như người Nhật cởi mở với nền văn minh kỹ thuật của phương Tây nên phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của Lương Văn Can… đã ra đời. Dân tộc VN bước vào một thời kỳ mới.

     d. Thời kỳ phát triển và hội nhập với thế giới (1945-2015)

     Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ở Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Ngay sau đó, thực dân Pháp trở lại xâm lược Đông Dương và nhân dân VN đã kháng chiến để bảo vệ nền độc lập. Thế giới vào thời điểm 1945-1975 chia thành 2 phe Tư bản và Cộng sản xung đột mãnh liệt với nhau. Do hoàn cảnh và vị trí đặc biệt, Việt Nam lại trở thành giới tuyến cho 2 phe phái trên đây. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), với hiệp định Genève, người Pháp rút khỏi miền Bắc VN, nước VN tạm thời bị chia làm 2 miền theo vĩ tuyến 17: miền Bắc là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà theo chế độ Cộng sản; miền Nam là nước Việt Nam Cộng hoà theo chế độ Tư bản. Từ năm 1964-1975, chính quyền Cộng sản ở miền Bắc lãnh đạo cuộc chiến tranh chống lại chính quyền Tư bản ở miền Nam. Ngày 30-4-1975, chính quyền Sài Gòn ở miền Nam sụp đổ, VN hoàn toàn thống nhất, lấy tên là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

     Trong cuộc chiến tranh giữa hai ý thức hệ, kẻ thù đã khai thác triệt để sự chia rẽ và phân hoá của người Việt có từ thế kỷ XVIII với Trịnh Nguyễn phân tranh, thế kỷ XIX-XX với ba miền Bắc - Trung - Nam của thực dân Pháp để “người Việt thù người Việt, người Việt giết người Việt”. Biết bao cuộc xung đột, giết hại nhau chỉ vì những sự khác biệt về tôn giáo, sắc tộc, đảng phái… để lại những di chứng cho đến ngày nay khiến cho người Việt càng khó cộng tác và tin tưởng lẫn nhau.

     Cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc (1953-1956), với những màn đấu tố, đã phá hoại truyền thống hiếu hoà, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, làm tan vỡ luân thường đạo lý của gia đình, xã hội khi cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em, bạn bè, hàng xóm…, dùng những hình thức dối trá để tố cáo, giết hại lẫn nhau. Nỗi sợ hãi tột cùng của thời ấy đã ăn sâu vào tiềm thức - vô thức, tạo nên nếp sống khép kín và giả dối của nhiều người.

     Còn nhiều người trẻ ở miền Nam có tâm trạng “yêu cuồng, sống vội”, hối hả hưởng thụ cuộc sống trước khi phải ra chiến trường, với tâm trạng không cần biết đến ngày mai, vì nghĩ rằng bom đạn vô tình có thể phá hoại tất cả những gì người ta xây dựng hôm nay.

     Bỏ qua sự khác biệt về nhiều lĩnh vực, cả hai chế độ có nhiều điểm tích cực đó là đóng góp vào tâm tính người Việt: tinh thần yêu chuộng những điều mới mẻ dựa trên khoa học kỹ thuật để phát triển đời sống, vượt qua những mê tín dị đoan thời trước và sự cố gắng làm việc để có nhiều phương tiện vật chất làm cho đời sống được ấm no, hạnh phúc.

     Từ năm 1975 đến nay, người Việt cố gắng xây dựng lại đất nước bằng cách du nhập các lối sống và khoa học kỹ thuật của các nước trong cộng đồng thế giới. Họ trở thành những con người hiểu biết nhờ trình độ văn hoá được nâng cao. Nếu như trước kia, cả làng chỉ có một hai người biết chữ để làm văn tự, sổ sách, thì giờ đây hầu như mọi người đều được khuyến khích đi học, mọi trẻ em bắt buộc phải đi học. Qua việc học hành và các phương tiện truyền thông như báo chí, sách vở, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, và cả mạng lưới thông tin toàn cầu (internet), người Việt càng ngày càng thông thạo khoa học, phát triển nền kinh tế, khai thác được các nguồn tài nguyên phong phú của đất nước.

     Nếu như trước đây, người VN tin vào Trời - Phật độ trì, vào thiên mệnh của Nho giáo, vào Thiên Chúa của Kitô giáo, vào Ông bà Tổ tiên chứng giám thì giờ đây, những bài học bài bác thái độ duy tâm, đề cao chủ nghĩa duy vật từ 30 năm qua dường như đang có hiệu quả rõ rệt là xoá bỏ niềm tin mang tính tín ngưỡng ấy của người Việt. Nhưng một khi con người đánh mất ý nghĩa của đời sống tinh thần, chối bỏ sự hiện diện của chủ thể luân lý tối cao như là nền tảng cho đạo đức xã hội thì người ta dám làm bất cứ điều gì để chiều theo những tham vọng và dục vọng! Luật pháp không có khả năng khám phá tất cả những hành động bí ẩn của con người bắt nguồn từ trong tâm trí. Vì thế, khi tin vào một chủ thể luân lý tối cao nhìn thấu lòng mình (Trời cao có mắt), con người mới ý thức và tự nguyện sống theo lương tâm ngay chính, vượt qua những quyến rũ của vật chất, đam mê để sống đạo đức. Từ căn bản đạo đức này, người Việt mới có thể vượt qua những tệ nạn như: dối trá, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, phá thai… đang tràn lan trong xã hội hiện thời. Như thế, suy cho cùng thì sự có mặt của các tôn giáo rất cần thiết cho xã hội. Một số ít người đã nhận ra điều ấy và đang cổ vũ cho những lễ hội dân gian hoặc tham gia các lễ nghi tôn giáo. Nhưng nhiều người VN hiện nay chưa ý thức được điều này.

     Vấn đề đặt ra cho chúng ta là làm sao xây dựng một nền đạo đức xã hội tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của mọi người thay vì mất nhiều sức lực cho những tranh cãi duy tâm- duy vật hoặc vô thần- hữu thần.

     KẾT LUẬN

     Chúng ta vừa thử tìm hiểu cấu trúc tâm lý - văn hoá xã hội của con người Việt Nam và thấy nhiều tầng xấu tốt xen lẫn, chồng chất lên nhau như những lớp đất của các tầng địa chất. Để trồng được cây lành trái ngọt hay xây dựng công trình lớn lao lâu dài cho dân tộc Việt Nam, chúng ta phải biết rõ từng lớp đất, loại bỏ những lớp đất bạc màu trước khi “trồng người”.

     Công việc xây dựng và hoàn thiện giá trị con người VN thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá như đang mời gọi mỗi người cố gắng ý thức và hoàn thiện chính mình, nghĩa là loại trừ những tật xấu và tập luyện những tính tốt nơi mình. Nhưng công việc của từng cá nhân này chỉ có thể thực hiện với sự giúp đỡ của tập thể và cộng đồng để giúp họ khám phá ra những đức tính xã hội căn bản và những tật xấu thường có nơi người Việt. Sau đó phải tìm được những biện pháp hay đường hướng thích hợp để hoàn thiện nhân cách theo từng độ tuổi hay môi trường sống. Những công việc này đòi hỏi sự cộng tác chặt chẽ của các nhà tâm lý, khoa học, giáo dục cũng như các văn nghệ sĩ, những nhà truyền thông xã hội…

     Riêng đối với người tín hữu Công giáo, chúng ta càng phải tích cực cũng như chủ động trong việc xây dựng và hoàn thiện giá trị con người VN theo Tin Mừng vì con người là đối tượng chính yếu trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa và là đích điểm cứu độ của Đức Giêsu Kitô. “Không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng người môn đệ Chúa Kitô” (Công đồng Vatican II, x. Gaudium et Spes, số 1).

***

NHỮNG CÂU HỎI GỢI Ý SUY TƯ VÀ CHIA SẺ

1. Bạn có bao giờ thất bại trong công việc nhất là trong các dự án xã hội, trong quan hệ với con người, và ngay cả trong quan hệ với Thiên Chúa? Đâu là nguyên nhân của thất bại?

2. Trong các nguyên nhân thất bại, con người (chính bạn hay đối tác của bạn) đóng vai trò gì?

Bạn có hiểu rõ cấu trúc tâm lý - xã hội - văn hoá của con người để thông cảm, tha thứ và sửa đổi cho tiến bộ và hiệu quả hơn không?

3. Bạn thử lập các tầng cấu trúc văn hoá xã hội của người Việt theo các giai đoạn lịch sử với những tính tốt và tật xấu.

Thí dụ:

Giai đoạn lịch sử

Văn hoá xã hội

Tính tốt

Tật xấu

Tiền sử

Văn minh nông nghiệp

Trọng tình, trọng nghĩa, trọng văn …

Hẹp hòi, “phép vua thua lệ làng”,…

4. Để đào tạo con người Việt Nam, bạn hãy liệt kê những đức tính nhân bản cần thiết và những tật xấu thường gặp thấy nơi người Việt Nam hiện nay.

5. Để phục hồi và phát triển toàn diện con người Việt Nam theo đường hướng Tin Mừng, bạn đề nghị những biện pháp hay phương cách nào để chống lại tật xấu và tệ nạn như: thiếu trung thực, thiếu đoàn kết, hay nghi ngờ, thiếu tôn trọng của chung, thiếu kiên định, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, phá thai, nghiện ngập, bạo hành, sống buông thả, tự ái vặt…

6. Để xây dựng và hoàn thiện con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo đường hướng Tin Mừng, bạn đề nghị những biện pháp hay phương cách nào để phát triển các đức tính như: trung thực, nhân ái, dũng cảm, đoàn kết, tin tưởng, yêu thương, tinh thần nghèo khó, tiết kiệm, tôn trọng và bảo vệ sự sống, yêu thiên nhiên, tin vào Trời…

https://catechesis.net/cau-truc-van-hoa-xa-hoi-cua-nguoi-viet-nam-3/ (cập nhật ngày 11.5.2023)

 

š ® ¬ ® ›

 

zalo
zalo