Chú Giải Tin Mừng Lễ Thánh Gia - Năm C (Lc 2,41-52)
CHA TRÊN TRỜI VÀ CHA MẸ TRẦN GIAN
Bản văn và dịch sát nghĩa
Hy Lạp | Việt |
41 Καὶ ἐπορεύοντο οἱ γονεῖς αὐτοῦ κατ᾽ ἔτος εἰς Ἰερουσαλὴμ τῇ ἑορτῇ τοῦ πάσχα.
42 Καὶ ὅτε ἐγένετο ἐτῶν δώδεκα, ἀναβαινόντων αὐτῶν κατὰ τὸ ἔθος τῆς ἑορτῆς
43 καὶ τελειωσάντων τὰς ἡμέρας, ἐν τῷ ὑποστρέφειν αὐτοὺς ὑπέμεινεν Ἰησοῦς ὁ παῖς ἐν Ἰερουσαλήμ, καὶ οὐκ ἔγνωσαν οἱ γονεῖς αὐτοῦ.
44 νομίσαντες δὲ αὐτὸν εἶναι ἐν τῇ συνοδίᾳ ἦλθον ἡμέρας ὁδὸν καὶ ἀνεζήτουν αὐτὸν ἐν τοῖς συγγενεῦσιν καὶ τοῖς γνωστοῖς,
45 καὶ μὴ εὑρόντες ὑπέστρεψαν εἰς Ἰερουσαλὴμ ἀναζητοῦντες αὐτόν.
46 καὶ ἐγένετο μετὰ ἡμέρας τρεῖς εὗρον αὐτὸν ἐν τῷ ἱερῷ καθεζόμενον ἐν μέσῳ τῶν διδασκάλων καὶ ἀκούοντα αὐτῶν καὶ ἐπερωτῶντα αὐτούς·
47 ἐξίσταντο δὲ πάντες οἱ ἀκούοντες αὐτοῦ ἐπὶ τῇ συνέσει καὶ ταῖς ἀποκρίσεσιν αὐτοῦ.
48 Καὶ ἰδόντες αὐτὸν ἐξεπλάγησαν, καὶ εἶπεν πρὸς αὐτὸν ἡ μήτηρ αὐτοῦ· τέκνον, τί ἐποίησας ἡμῖν οὕτως; ἰδοὺ ὁ πατήρ σου κἀγὼ ὀδυνώμενοι ἐζητοῦμέν σε.
49 καὶ εἶπεν πρὸς αὐτούς· τί ὅτι ἐζητεῖτέ με; οὐκ ᾔδειτε ὅτι ἐν τοῖς τοῦ πατρός μου δεῖ εἶναί με;
50 καὶ αὐτοὶ οὐ συνῆκαν τὸ ῥῆμα ὃ ἐλάλησεν αὐτοῖς.
51 καὶ κατέβη μετ᾽ αὐτῶν καὶ ἦλθεν εἰς Ναζαρὲθ καὶ ἦν ὑποτασσόμενος αὐτοῖς. καὶ ἡ μήτηρ αὐτοῦ διετήρει πάντα τὰ ῥήματα ἐν τῇ καρδίᾳ αὐτῆς.
52 Καὶ Ἰησοῦς προέκοπτεν [ἐν τῇ] σοφίᾳ καὶ ἡλικίᾳ καὶ χάριτι παρὰ θεῷ καὶ ἀνθρώποις.
(Lk. 2:41-3:1 BGT) | 41 Hằng năm, cha mẹ của Người thường đi lên Giêrusalem nhân dịp lễ Vượt Qua.
42 Khi Người được mười hai tuổi, họ cũng đi lên đó, theo như phong tục của ngày lễ.
43 Khi những ngày đó hoàn tất, họ trở về, nhưng cậu Giêsu nán lại Giêrusalem, mà cha mẹ của cậu không biết.
44 Vì ông bà đã nghĩ rằng cậu ở trong đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, họ cứ tìm kiếm cậu giữa những người bà con và người quen biết.
45 Nhưng vì không tìm thấy cậu, nên họ quay trở lại Giêrusalem tìm kiếm cậu.
46 Sau ba ngày, họ đã tìm thấy cậu trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.
47 Tất cả những người nghe cậu nói đều ngạc nhiên về sự hiểu biết và những câu trả lời của cậu.
48 Khi thấy cậu, họ kinh ngạc, và mẹ cậu nói cùng cậu: “Con ơi, sao con lại đối xử với chúng tôi như vậy? Xem kìa! Cha con và mẹ đã phải đau khổ tìm con hoài!”
49 Người nói cùng họ: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết rằng chuyện con bận tâm về những việc của Cha Con là rất cần thiết sao?”
50 Nhưng họ không hiểu lời cậu đã nói cùng họ.
51 Sau đó, cậu đi xuống cùng với họ, đi về Nadarét và luôn vâng phục họ. Còn mẹ của cậu thì luôn gìn giữ tất cả những điều ấy trong lòng.
52 Còn cậu bé Giêsu luôn tiến triển trong khôn ngoan, vóc dáng và ân sủng từ Thiên Chúa và cảm tình từ người ta. |
Bối cảnh
Trong bối cảnh rộng, Lc 2,41-52[1] được trích từ loạt trình thuật về Giáng Sinh và thời tiền sứ vụ công khai của Đức Giêsu (Lc 1, 1 – 2, 52). Đây là những bản văn thuộc truyền thống riêng của tác giả Luca, không có bất cứ một tác giả Tin Mừng có một trình thuật tương tự. Nhìn vào bối cảnh hẹp hơn, đây là bản văn được đặt sau các trình thuật nói về biến cố “dâng Đức Giêsu trong đền thánh” (Lc 2,22-28), cùng với lời tiên tri của hai lão ngôn sứ Simeon (2,33-35) và Anna (2,36-38). Trình thuật về sự kiện “dâng Đức Giêsu vào đền thánh” được khởi đầu bằng việc được cha mẹ mang lên Giêrusalem và kết thúc bằng việc cả gia đình trở về với cuộc sống đời thường nơi quê nhà Nadarét. Đây là một hành trình khép kín về không gian: Lên Giêrusalem, rồi về lại Nadarét, tương đương với việc cử hành nghi thức thờ phượng, hay nghi thức theo Luật (2, 39) nơi kinh đô, rồi trở về với cuộc sống đời thường thực hành đạo nơi làng quê. Trình thuật về việc Thánh Gia lên đền thờ Giêrusalem vào dịp Lễ Vượt Qua (Lc 2,41-52) cũng kể lại một tiến trình Nadarét – Giêrusalem như thế: Thánh Gia lên Giêrusalem để dự Lễ Vượt Qua theo phong tục, rồi lại trở về quê nhà với đời sống thường ngày. Cả hai trình thuật tương tự này đều được kết thúc bằng ghi chú về sự lớn lên của Đức Giêsu về thể lý, cũng như về đời sống tinh thần, và mối tương quan giữa Người với Chúa Cha và với bà con láng giềng, chòm xóm. Những chủ đề liên kết với bối cảnh chung của Tin Mừng Luca và các Tin Mừng khác có thể kể đến là: Sự khôn ngoan của Đức Giêsu (2, 52); Sự không biết (2, 43), không hiểu (2, 50) của cha mẹ trần thế về sứ vụ thánh thiêng của Đức Giêsu; Sứ bận tâm những chuyện của Chúa Cha (2, 49); Đức vâng phục của Đức Giêsu (2, 51). Việc Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha bộc lộ căn tính của Người vốn đã được Luca nói trước đó trong trình thuật truyền tin – nhập thể, và Giáng Sinh. Sự “lạc mất của Đức Giêsu” trong thời gian ba ngày có thể báo trước cho sự vắng bóng với cùng khoảng thời gian, khi Người chết và được mai táng trong huyệt đá.
Cấu trúc: Đoạn Tin Mừng này có thể có hai cấu trúc sau:
(1) Bối cảnh (2,41–42) (2) Lạc mất Đức Giêsu (2,43–45) (3) Hành trình tìm Đức Giêsu (2,46–48) (4) Công bố của Đức Giêsu (2,49) (5) Kết luận chính (2,50)(6) Kết luận thứ hai của Luca (2,51–52)[2] |
(1) Hành trình thờ phượng: Từ Nadarét lên Giêrusalem – nhà Cha (41-42) Ở lại Giêrusalem một mình – họ không biết (43)
Tìm kiếm ba ngày trên đường (44-45)
Trong đền thờ - giữa các thầy dạy - nghe – đặt câu hỏi (46)
Người nghe: Ngạc nhiên về sự hiểu biết và những câu trả lời (47)
Cha mẹ: Kinh ngạc – chất vấn về lý do để họ phải tìm kiếm (48)
Giải thích về lý do ở lại - họ không hiểu (50)
(2) Hành trình đời sống: Từ Giêrusalem về Nadarét – nhà cha mẹ (51-52): Cậu bé Giêsu luôn vâng phục cha mẹ Mẹ cậu gìn giữ tất cả những sự việc ấy trong lòng Tiến triển trong sự khôn ngoan, về vóc dáng và trong ân sủng Chúa và người ta |
Một số điểm chú giải
1. Lễ Vượt Qua: Lễ Vượt Qua là một Đại Lễ hằng năm của Người Do Thái. Lễ Vượt Qua là một trong ba Lễ mà Người Do Thái hành hương về Giêrusalem theo Lề Luật (Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều, Đnl 16, 6). Lễ Vượt Qua kỷ niệm biến cố quan trọng: Dân đã được cứu khỏi ách nô lệ của Pharaô. Trong đêm ấy sứ thần Chúa đã tiêu diệt tất cả các con đầu lòng của người Ai Cập. Thậm chí con vật đầu lòng Ai Cập cũng bị giết. Con đầu lòng Ítrael đã được sống nhờ vào những vết máu bôi trên cửa theo chỉ dẫn của Chúa (Xh 11, 5; 12, 12-13.29). Lễ Vượt Qua trong tiếng Do Thái là “הַפָּ֑סַח” (pesah), trong tiếng Hy Lạp là “πάσχα” (paskha). Trong tiếng gốc Do Thái “Pesah”, có nghĩa là “bảo vệ” hay “bỏ qua”. Lễ này, theo một số tác giả, có nguồn gốc ban đầu liên quan đến một nghi lễ mang tính giải hạn của những người du mục, cử hành mùa xuân. Tuy nhiên, ý kiến được chấp nhận rộng rãi nhất là nó liên quan đến lễ hội cổ xưa cho những giai đoạn của trăng, đặc biệt cho dịp trăng tròn. Và trên bình diện lịch sử, Lễ này dĩ nhiên là liên kết đến sự kiện Xuất Hành từ Ai Cập[3]. Trong Lễ Vượt Qua, một con vật hiến tế (cừu hoặc dê một tuổi) được giết thịt vào ngày thứ 14 của tháng Nisan và được ăn vào buổi đêm, hoặc ngay sau hoàng hôn, đánh dấu khởi đầu của ngày 15 tháng Nisan. Thánh Kinh kết hợp việc sát tế Vượt Qua với Lễ Bánh Không Men, một lễ hội kéo dài bảy ngày bắt đầu vào ngày 15 của tháng Nisan. Trong thời gian hậu Thánh Kinh, hai Lễ này được hòa nhập thành một Lễ hội mà thôi (x. Mc 14, 1)[4]. Luca đồng hóa Lễ Bánh Không Men với Lễ Vượt Qua (x. Lc 22, 1). Hai Lễ này vốn có hai nguồn gốc khác nhau của hai giai đoạn khác nhau. Trong khi Lễ Vượt Qua gắn liền với đời sống các mục tử bán du mục (Xh 5, 1;10, 9), Lễ Bánh Không Men lại có nguồn gốc từ những người định canh định cư, trồng cây lương thực (Xh 23,14-15)[5]. Trong bối cảnh này, tác giả Luca cho biết là hằng năm Đức Giêsu đều lên Giêrusalem (2, 41) và tác giả gọi đây là “theo phong tục của ngày Lễ” (2, 42). Qua đó, chúng ta có thể phỏng đoán rằng, Đức Giêsu vẫn tiếp tục thói quen ấy, mỗi năm lên Giêrusalem ít nhất một lần, như những người Do Thái đạo đức, trung thành và tôn trọng phong tục tôn giáo[6]. Thói quen này cũng nhấn mạnh đến việc giáo dục những đứa trẻ Do Thái trong việc cử hành đại lễ quan trong nhất trong lịch Do Thái. Đức Giêsu không chỉ giữ luật cắt bì như dấu hiệu của Giao Ước của Ápraham (Lc 2, 21), Người còn được giáo dục bằng Torah và những đòi hỏi của nó[7]. Đức Giêsu rõ ràng được lớn lên trong một môi trường đạo đức, và từ nền tảng ấy Người nuôi dưỡng và phát triển sự tận hiến cho Thiên Chúa vượt trên những đạo đức thường ngày[8].
2. Mười hai tuổi: Số tuổi của Đức Giêsu được tác giả ghi chú cách cụ thể. Ngày nay mười hai tuổi là tuổi vị thành niên và chưa phải chịu nhiều trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, theo văn hóa Do Thái, đây có thể là lứa tuổi đánh dấu việc Đức Giêsu đã ý thức trách nhiệm về việc thực hành tôn giáo. Theo Pirke Aboth[9] 5.21, một đứa trẻ phù hợp để hoàn tất các điều răn vào tuổi mười ba và theo m. Niddah[10]. 5:6, một cậu bé 12 tuổi phải chịu trách nhiệm cho những lời thề của mình[11]. F. Bovon – H. Koester trích dẫn lại của tác giả de Jonge, người cho rằng trong những tiểu sử cả Do Thái và Hy Lạp có kiểu mẫu anh hùng được phú bẩm tài năng, những người vào lúc mười hai tuổi đã phô diễn trí thông minh xuất chúng: Cyrus, Cambyses, Alexandre, và Epicurus hay Salomon, Samuel, và Daniel[12]. Sử gia Do Thái, Josephus (Ant. 5.10.4 § 348) cho rằng ngôn sứ Samuel bắt đầu sự nghiệp ngôn sứ lúc mười hai tuổi[13]. Mười hai tuổi quả là một lứa tuổi đánh dấu bước ngoặt đáng kể trong cuộc đời của Đức Giêsu.
3. Cậu Giêsu nán lại Giêrusalem: Hai động từ dùng cho Đức Giêsu và cha mẹ Người rất khác nhau và rõ ràng. Trong khi cha mẹ của Người “trở về”, cậu bé Giêsu “ở lại” Giêrusalem. Động từ “nán lại”, “ở lại” cho thấy một sự chủ động của cậu bé Giêsu. Mục đích ở lại của cậu cũng được thể hiện khá rõ ràng trong cảnh cha mẹ tìm thấy cậu trong đền thờ. Ở đây, Đức Giêsu được gọi là “cậu bé” (pais), ngược lại với cách gọi trước đó - “đứa trẻ, hài nhi” (padion) (2,17.40: “Hài nhi ngày càng lớn lên…”). Cách dùng từ này cố ý cho thấy Đức Giêsu đã đủ trí khôn để chọn lựa hành động và chịu trách nhiệm cách nào đó. L. Johnson bình luận rằng cậu bé ở lại thành Giêrusalem là do chọn lựa của cậu chứ không phải do cha mẹ bỏ rơi, quên lãng[14].
4. Cha mẹ cậu không biết… không hiểu: Danh xưng “cha mẹ của Người” (οἱ γονεῖς) được lặp lại hai lần trong đoạn này, cùng với danh xưng “mẹ của Người” (2 lần: 2,48.51) và “cha của Người” (2, 48) đối lại với danh xưng “Cha của tôi” mà Đức Giêsu đã dùng để gọi Chúa Cha[15]. Đức Maria nhấn mạnh địa vị cha mẹ của họ, Đức Giêsu nhắc cho họ nhớ rằng Người còn một người Cha cao cả trên trời nữa. Thật khó để trả lời cho câu hỏi rằng tại sao Đức Giêsu không nói với cha mẹ của mình để cha mẹ khỏi lo lắng. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề chính của câu chuyện. Vấn đề chính là sự “không biết” và “không hiểu” của cha mẹ trần thế đối với sứ vụ của Con Thiên Chúa. Theo cấu trúc, việc Đức Maria và thánh Giuse không biết rằng Đức Giêsu chủ ý ở lại đền thờ, song song với việc họ “không hiểu” khi Người giải thích rằng Người nhất thiết phải lo những việc của Cha Người sau đó. Đức Maria đã trải qua một quãng đường khá dài từ lúc sứ thần truyền tin, rồi biến cố Giáng Sinh, cho đến những lời tiền báo của hai lão ngôn sứ Simeon và Anna với nhiều sự lạ lùng. Tuy nhiên, những điều để biết và để hiểu trong cuộc đời Đức Giêsu còn quá nhiều. Những biến cố trong cuộc đời Đức Giêsu vẫn là những mầu nhiệm đối với Đức Maria cho đến cuối đời. Không chỉ Đức Maria, các môn đệ của Người cũng không hiểu gì về mặc khải “cuộc thương khó” dù Người nói với họ đến ba lần (Lc 18, 34: “Các ông không hiểu gì cả; đối với các ông lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những lời Người nói”).
---Còn tiếp---
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Nguồn: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2021/12/cha-tren-troi-va-cha-me-tran-gian-chu.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo (cập nhật ngày 28/12/2024)
---------------------------------------------------------------------------
[1] Câu chuyện này được một tác giả muộn thời hơn ghi lại trong tác phẩm được gọi là “Tin Mừng Thời Thơ Ấu theo thánh Tôma”. Trong đó, tác giả (được cho là Tôma) ghi lại tất cả năm giai đoạn trong cuộc đời Đức Giêsu chứ không phải chỉ một gian đoạn lúc Người đã mười hai tuổi: Lúc năm tuổi (Tm 2,1); Lúc sáu tuổi (11,1); Lúc tám tuổi (12,4); Lúc 12 tuổi (19,1-5). Trong câu chuyện lúc mười hai tuổi, tác giả thêm phần đối đáp giữa Đức Maria và các học giả và những người Pharisêu. Họ hỏi đây có phải là con Đức Maria không và khen Đức Maria là có phúc vì có đứa con khôn ngoan, nhân đức và vinh quan như Đức Giêsu (19,8-10) [x. R.F. Hock, The Infancy Gospels of James and Thomas (California 1995) 104-143].
[2] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) XXVIII, 435.
[3] L. Koehler, et al., The Hebrew and Aramaic lexicon of the Old Testament, 947-948
[4] Xem B.M. Bokser, The Anchor Bible Dictionary (D.N. Freedman et Al. eds.) (New York – London – Toronto – Syned – Auckland 1992) VI Si-Z, “Unleavened Bread and Passover, Feast of.”, 755-765; G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 37.
[5] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes, 440.
[6] “It is natural to assume that Jesus accompanied his parents from year to year” [J. Nolland, Luke 1:1-9:20 (WBC; Dallas 2002) 35A, 129]
[7] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes, 438.
[8] J.B. Green, The Gospel of Luke (NICNT; Grand Rapids 1997) 155.
[9] “Những chương của các giáo phụ”, một bô sưu tập những lời dạy từ thế kỷ thứ ba BCE đến thế kỷ thứ ba CE, được sắp xếp theo thứ tự thời gian, của các rabbis Do Thái.
[10] Misnah: Luật truyền khẩu của Do Thái, được sưu tập bởi tác giả Judah ha-Nasi. Nó bổ sung vào Luật được chép trong Ngũ Thư, trình bày nhiều giải thích khác nhau của những truyền thống đã được lưu giữ truyền khẩu ít nhất là từ thời Ét-ra (450 BCE).
[11] X. L.T. Johnson, The Gospel of Luke (Collegeville 2005) 58-59.
[12] F. Bovon – H. Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50 (Hermeneia; Minneapolis; 2002) 111.
[13] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes, 440-441.
[14] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 59.
[15] “It is the author’s literary purpose to make the opposition of the two fathers graphic in the dialogue” (F. Bovon – H. Koester, Luke 1, 113).