Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 229

Lễ Thánh Gia - Năm C (2/3)

Chú Giải Tin Mừng Lễ Thánh Gia - Năm C (Lc 2,41-52)

CHA TRÊN TRỜI VÀ CHA MẸ TRẦN GIAN

 

 

5.     Họ cứ tìm kiếm… không tìm thấy… tìm kiếm…tìm thấy: Hành trình tìm kiếm của họ bắt đầu từ lúc rời Giêrusalem. Họ đã không thấy Đức Giêsu sau khi hoàn tất việc thờ phượng, nhưng họ vẫn khởi hành về quê, vì đã nghĩ rằng Đức Giêsu đã đi trước trong đoàn hành hương với những người thân thuộc. Suy nghĩ này cũng có thể là bình thường, vì năm nào họ cũng đi hành hương như vậy, và cậu bé Giêsu có lẽ cũng có đôi lần đi trước với đoàn hành hương như thế. Tuy nhiên, lần này thì không, sau khi dò hỏi, tìm kiếm trong nhóm những người bà con và những người quen biết họ mới vỡ lẽ là họ đã lạc mất con[16]. Họ đã lạc Đức Giêsu chứ không phải Đức Giêsu lạc họ. Trong khi Đức Giêsu chủ động ở lại thì họ nghĩ rằng Đức Giêsu bị lạc đâu đó. Động từ tìm kiếm được dùng ba lần (2,44.45.48). Lần thứ nhất, động từ này được dùng với thì “chưa hoàn thành” (ἀνεζήτουν, diễn tả một hành động kéo dài: Tìm tới tìm lui giữa những người bà con và người quen). Trong lần tìm kiếm này, họ đã không tìm thấy Người. Lần thứ hai, động từ này được dùng ở thể phân từ, thì hiện tại, diễn tả sự tiếp tục tìm kiếm (họ quay trở lại Giêrusalem, tiếp tục tìm kiếm). Cuối cùng, lần này, sau ba ngày[17], họ mới tìm thấy. Lần thứ ba, động từ “tìm kiếm” lại được Đức Maria sử dụng với thì “chưa hoàn thành” (diễn tả một hành trình tìm kiếm 3 ngày đêm). Lần này động từ này đi kèm với động từ “đau đớn, khổ sở”: Cha của con và mẹ đã tìm kiếm con trong sự khổ sở. Đức Maria và thánh Giuse có lẽ đã ăn không ngon, ngủ không yên trong suốt ba ngày đó. Có thể tưởng tượng rằng, họ đau đớn cả tinh thần lẫn thể xác vì lo lắng cho Đức Giêsu.

6.     Ngạc nhiên (ἐξίστημι): Sự ngạc nhiên của các thính giả là sự ngạc nhiên của những người thấy điều lạ. Cụ thể, họ ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu trả lời của cậu bé mười hai tuổi. Đây là động từ được dùng để diễn tả sự kinh ngạc của các môn đệ khi thấy Đức Giêsu đi trên mặt biển (Mc 6, 51); và sự ngạc nhiên của dân chúng khi thấy Người chữa một người bị quỷ ám vừa mù, vừa câm (Mt 12, 23). Sự ngạc nhiên này là khởi đầu cho những sự ngạc nhiên sau đó trong sứ vụ của Đức Giêsu trước lời dạy uy quyền và những dấu lạ từ tay Người.

7.     Khi thấy Người họ (cha mẹ) kinh ngạc (ἐκπλήσσω): Động từ diễn tả cảm xúc thể lý của cha mẹ Đức Giêsu mạnh hơn động từ diễn tả cảm xúc của các thính giả nghe Người. Sự diễn tả về phản ứng của thính giả dành cho sự hiểu biết, thông thái của Đức Giêsu được người thuật chuyện xen vào trước phản ứng của Đức Maria như muốn làm dịu đi cảm xúc của cha mẹ Đức Giêsu khi tìm thấy Người. Tuy nhiên, cảm xúc thể lý của họ không hề nhẹ. Cảm xúc ấy mạnh hơn cảm xúc của các thính giả. Cha mẹ Người kinh ngạc về điều gì? Có thể họ cũng kinh ngạc như các thính giả về phong thái của con trai họ giữa các bậc thầy. Tuy nhiên, phản ứng của Đức Maria cho thấy sự kinh ngạc của họ nghiêng về sự việc cậu bé Giêsu đang bình thản giữa nhóm thầy dạy. Họ ngạc nhiên vì khám phá ra rằng cậu chủ ý ở lại chứ không phải bị lạc như họ nghĩ. Câu hỏi của Đức Maria cho thấy cha mẹ Người đang hướng về điều ấy hơn là việc Người đang nói gì, với ai và thông thái ra sao[18]. Câu hỏi của Đức Maria: “τί ἐποίησας ἡμῖν οὕτως”, có thể hiểu là “tại sao con lại đối xử với cha mẹ như thế?” hay “sao lại làm như vậy với cha mẹ?”. Đối xử như thế nào? Đức Maria đã giải thích ngay sau đó: “làm cho cha mẹ phải khổ sở tìm” (có thể diễn giải ra là “sao con ở lại mà không nói một tiếng để cha mẹ tưởng con bị lạc, sợ con bị nguy hiểm và phải tìm kiếm khổ sở suốt ba ngày nay?”). Những câu nói của Đức Maria nghe có vẻ gắt gỏng, bực dọc. Tuy nhiên, cách gọi của Đức Maria dành cho Đức Giêsu lại rất thân thương: “Con ơi! Con à!” (τέκνον, teknon). “Teknon” là cách gọi thân thương nhất mà cha mẹ dành cho con cái. Trong dụ ngôn “người cha nhân hậu” (Lc 15,11-32), người cha cũng đã gọi người anh cả là “tekon” (Lc 15, 31: “Con à! Con luôn ở với cha, những gì của cha đều là của con”). Cách gọi này làm cho những câu nói của Đức Maria trở thành câu nói nhẹ nhàng, như là “mắng yêu” cậu bé Giêsu vậy.

8.     Trong đền thờ: Trong đền thờ là nơi chốn đặc trưng của Tin Mừng Luca. Thật vậy, tác giả bắt đầu trình thuật của mình bằng câu chuyện “truyền tin cho ông Dacarias” trong đền thờ (1,5-25); Rồi trình thuật về việc Đức Giêsu được tiến dâng trong đền thờ (2,22-38); Trình thuật hằng năm Đức Giêsu lên đền thờ dự Lễ Vượt Qua, và ở lại trong đền thờ. Cuối cùng, Tin Mừng Luca được khép lại với cảnh các môn đệ “hằng ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa (Lc 24, 53). Có thể nói “đền thờ” chính là không gian đóng khung Tin Mừng Luca. Đây cũng chính là nơi mà Đức Giêsu thi hành sứ vụ giảng dạy mỗi ngày trong kỳ giảng dạy tai Giêrusalem (Lc 19, 47; 20, 1; 21,37-38; 22, 53). Như thế, việc Người ở lại trong đền thờ lần này là báo hiệu cho sứ vụ tương lai của Người. “Những chuyện của Cha” (2, 49) mà Người mặc khải cho cha mẹ Người cũng chính là sứ vụ giảng dạy hằng ngày trong đền thờ, trong tương lai của Người.

9.     “Những chuyện của Cha tôi”[19]: Cụm giới từ “ἐν τοῖς τοῦ πατρός μου” thường được dịch là “ở lại trong nhà Cha tôi” (NSV, NAB). Nhóm CGKPV dịch là “có việc bổn phận ở nhà Cha con”; NTT dịch là “phải ở lại nhà Cha con”; Bản tiếng Ý (CEI): “Bận tâm những chuyện của Cha con” (occuparmi delle cose del Padre mio). Cụm từ này thực sự rất khó để dịch tròn nghĩa. Thứ nhất, trong cụm từ này không có danh từ “nhà” mà chỉ có cụm từ sở hữu “của Cha tôi” (tou patros mou). Cái gì của cha tôi? Nhiều dịch giả nghĩ rằng “nhà” của cha tôi, và họ phải thêm chữ nhà. Thứ hai, trong cụm từ này có đại từ số nhiều “tois” (những sự, những việc). Đại từ này có thể ghép với cụm từ sở hữu “của Cha tôi” để thành “những việc của Cha tôi”. Tuy nhiên, nếu hiểu là “những việc của Cha tôi” thì phải có động từ “làm”, hay “thi hành” đi kèm, nhưng ở đây lại không có động từ này. Thứ ba, trong cụm từ này có giới từ chỉ nơi chốn “en” (trong), hay chỉ phương tiện, trạng thái (với). Giới từ này ghép với từ “nhà” thì hợp lý, nhưng vì không có chữ nhà, nên hiểu nó theo nghĩa “với”. Giới từ “với” (en) ghép với đại từ số nhiều “những công việc” (tois), và với “của Cha tôi” (tou patros mou). Toàn câu nói của Đức Giêsu trở thành: “Cha mẹ chưa biết là con nhất thiết phải hiện hữu với (bận tâm đến) những việc của Cha con sao?”. Như vậy, vấn đề chính ở đây không phải là “nhà” mà là “việc” (sứ vụ giảng dạy) của Người[20].

10.  “Ba ngày”: L. Johnson cho rằng con số “ba ngày” có liên quan đến khoảng thời gian Đức Giêsu chết và phục sinh. Ông còn minh chứng rằng đối với Luca “mất” đồng nghĩa với “chết” và “tìm thấy” đồng nghĩa với “sống lại”. Một ví dụ điển hình được tìm thấy trong Lc 15, 32: “Em của con đã chết mà nay lại sống, nó đã bị mất nay lại được tìm thấy”[21]. Như thế, việc của Cha quan trọng nhất là mầu nhiệm sự chết và phục sinh mà Người sẽ trải qua. Trong tương lai, Đức Maria sẽ lạc mất Đức Giêsu thật sự trong khoảng thời gian ba ngày, không phải Người ở lại trong đền thờ, nhưng là trong huyệt đá. Đức Maria phải chuẩn bị tinh thần cho khoảnh khắc ấy để không phải tìm kiếm trong vô vọng. Câu hỏi của Đức Giêsu dành cho cha mẹ: “Sao cha mẹ lại tìm con?” (2, 49) sẽ được các “hai người đàn ông mặc y phục sáng chói” lặp lại với những phụ nữ đi ra mộ Đức Giêsu: “Sao các bà lại tìm người sống ở giữa kẻ chết” (24, 5). Cộng đoàn môn đệ đã thật sự lo lắng, buồn sầu khi họ cảm thấy Đức Giêsu vắng mặt, “lạc mất” sau khi Người chết. Câu chuyện hai môn đệ về Emmaus của Luca đã diễn tả sống động nỗi buồn vắng Chúa (Lc 24,13-35). Nỗi lo lắng, khổ sở của Đức Maria bây giờ sẽ là nỗi lo lắng khổ sở của cộng đoàn môn đệ khi Đức Giêsu bị giết. Họ được mời gọi chuẩn bị và đón nhận cái chết, sự vắng bóng của Người, như là một bước cần thiết cho kế hoạch cứu độ (việc của Cha) của Thiên Chúa.

11.  Đang ngồi giữa các thầy dạy: Danh xưng các “thầy dạy” chỉ được dùng một lần cho các thầy dạy Do Thái và một lần cho Gioan Tẩy Giả. Còn lại, đây là danh xưng Luca dành riêng cho Đức Giêsu (7, 40; 8, 49; 9, 38; 12, 13; 18, 18; 19, 39). Các thầy dạy Do Thái ở đây có thể hiểu là các kinh sư hay các luật sĩ. Vị thế “ngồi” thường là một vị thế giảng dạy. Luca cũng có thói quen mô tả Đức Giêsu ngồi trong tư thế thầy dạy (Lc 5, 3). Tuy nhiên, theo J. Fitzmyer, trong bối cảnh này rất khó để hiểu theo nghĩa này. Tác giả này trích lại của tác giả M. Creed, người cho rằng đúng hơn Đức Giêsu được mô tả như một cậu học trò, “một người học thật sự”. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận một điều rằng kiểu nói này có thể báo trước cho tư cách giảng dạy của Đức Giêsu trong đền thờ sau này[22]. Trong khoảng thời gian này, Người đang tích cực học hỏi (“nghe và đặt câu hỏi”) để chuẩn bị cho sứ vụ tương lai. Tin Mừng “Thời Thơ Ấu” theo Tôma còn thêm vào chi tiết Đức Giêsu tra hỏi các kỳ lão, cùng các thầy dạy và giải thích những điểm chính của Luật, dụ ngôn của các ngôn sứ (Tm 19, 5).

---Còn tiếp--- 

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Nguồn: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2021/12/cha-tren-troi-va-cha-me-tran-gian-chu.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo (cập nhật ngày 28/12/2024)

---------------------------------------------------------------------

[16] “The travel-party would be large and probably chaotic, so that it was not until camp was struck at the end of the first day of traveling that the parents could be sure that Jesus was not somewhere in the travel-party” (J. Nolland, Luke 1:1-9:20,134).

[17] “The temporal phrase is ambiguous; it could mean that they spent three days searching for him in Jerusalem, but it probably means that the first day was spent in traveling from Jerusalem, the second in returning to Jerusalem, and the third in searching for him in Jerusalem” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX. Introduction, translation, and notes, 441-442).

[18] “When his parents discovered Jesus there, their amazement was of quite another sort. Apprehension about the child’s safety gave way to shock that their child could have treated them so” (J. Nolland, Luke 1:1-9:20, 134).

[19] (1) Since the scene takes place in the temple, one could assume a local meaning: to be “in my Father’s domain,” “at my Father’s place”;49 (2) since τά with the genitive generally means “what belongs to one,” and εἶναι ἐν means “to concern oneself with” in good Greek, one could translate, “to concern myself with my Father’s business”;50 (3) since Luke values double meanings, the local antithesis (with his heavenly, not his earthly, father) leads to the statement about Jesus’ concern with that which is proper to his heavenly Father (F. Bovon – H. Koester, Luke 1, 114).

[20] “My Father's affairs: The point of the statement remains frustratingly obscure. In the Greek, en tois tou patros mou is “in the [plural things understood] of my Father”. What things? What idiom? An argument can be made for three renderings: “My Father's things (Le., affairs or business)”: “my Father's house”; or “my Father's associates (e.g., relatives)” (L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 59); “Jesus is in the temple, the locus of God’s presence, but he is there under divine compulsion engaged in teaching. The point is that he must align himself with God’s purpose, even if this appears to compromise his relationship with his parents (J.B. Green, The Gospel of Luke, 157).

[21] L. Johnson, The Gospel of Luke, 60-61; Cả J. Nolland và J. Fitzmyer đều không đồng ý với L Johnson.

[22] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 442; “Jesus is depicted as an eager student, learning in the dialogical pattern of the day” (J. Nolland, Luke 1:1-9:20, 130).

zalo
zalo