Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 234

Lễ Thánh Gia - Năm C (3/3)

Chú Giải Tin Mừng Lễ Thánh Gia - Năm C (Lc 2,41-52)

CHA TRÊN TRỜI VÀ CHA MẸ TRẦN GIAN

 

 

12.  Luôn vâng phục họ: Phần kết cho câu chuyện lên Giêrusalem dịp Lễ Vượt Qua này khá giống với phần kết của câu chuyện “Dâng Đức Giêsu trong đền thờ”. Cả hai đều ghi nhận phần trở về Nadarét của gia đình và việc lớn lên của bé Giêsu. Tuy nhiên, lần này, tác giả ghi chú hai điều quan trọng về Đức Giêsu và về mẹ Người. Về Đức Giêsu, tác giả ghi nhận sự vâng phục dành cho cha mẹ. Về phía Đức Maria là “sự ghi nhớ” tất cả các sự việc trong lòng (2, 51).

Động từ “ὑποτάσσω” được dùng ở dạng phân từ kèm theo động từ eimi ở thì “chưa hoàn thành” (ἦν ὑποτασσόμενος), diễn tả một thói quen kéo dài. Cấu trúc này được nhóm CGKPV dịch là “hằng vâng phục” (luôn vâng phục). Đây là một lối chuyển ngữ chính xác, nhấn mạnh đến sự kéo dài của hành động vâng phục của Đức Giêsu. Hành động này giúp cân bằng và giải thích cho hành động ở lại Giêrusalem một mình, làm cho cha mẹ phải lo lắng trước đó. Tác giả muốn cho thấy rằng, cậu bé Giêsu không phải là một cậu bé ngỗ nghịch, gây phiền cho cha mẹ trong đời sống thường ngày[23]. Chỉ có một khoảnh khắc Người muốn mặc khải sớm về sứ mạng tương lai của Người, mà cha mẹ Người “không biết” và “không hiểu”. Dẫu rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa nhập thể và cuộc đời của Người vẫn luôn là một mầu nhiệm với cha mẹ trần thế, Người vẫn cho thấy rằng Người là một đứa con hiếu thảo và vâng lời. Sự vâng phục của Đức Giêsu cho thấy Luca đưa Đức Giêsu trở về với lối sống đạo đức qua cách giữ Lề Luật như lúc đầu câu chuyện. Đức giữ điều răn thứ năm (Xh 20, 12) cách tốt đẹp[24]. Đức Giêsu luôn là mẫu gương của đức vâng phục. Đỉnh cao của sự vâng phục được thể hiện ở việc Đức Giêsu vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá (Pl 2, 8). Tác giả thư Do Thái cảm nghiệm rằng việc trải qua đau khổ là phương cách mà Đức Giêsu học được sự vâng phục tuyệt đối (Dt 5, 8).

13.  “Luôn gìn giữ”: “Gìn giữ tất cả mọi chuyện trong lòng” là đặc tính rất cần thiết trong cuộc đời làm Mẹ Thiên Chúa. Nếu như động từ diễn tả sự vâng phục của Đức Giêsu được có tráng thái kéo dài, thì động từ được dùng để diễn tả sự ghi nhớ của Đức Maria, được dùng ở thì chưa hoàn thành, cũng diễn tả sự kéo dài (luôn gìn giữ). Động từ này thường được dịch là “ghi nhớ” (CGKPV). Tuy nhiên, động từ “διατηρέω” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “gìn giữ, cất giữ, bảo tồn” như kho tàng. Như thế, có thể hiểu hành động của Đức Maria là “luôn cất giữ trong tim tất cả những sự việc ấy” như những điều quý giá trong đời của bà. Trong câu chuyện Giáng Sinh, sau khi nghe những người chăn chiên thuật lại câu chuyện họ đã nhận lời truyền tin vui từ sứ thần của Thiên Chúa, Đức Maria cũng “luôn gìn giữ (cất giữ, bảo tồn) và luôn suy gẫm trong lòng những điều đã xảy ra” (2, 19). Như thế, cho đến lúc này, Đức Maria hẳn vẫn chưa hết cất giữ và suy gẫm về những việc xảy ra trong câu chuyện Giáng Sinh, và giờ đây bà lại cất giữ thêm những sự việc liên quan đến Đức Giêsu trong dịp Lễ Vượt Qua năm ấy.

14.  “Luôn tiến triển”: Câu ghi chú về sự phát triển của cậu bé Giêsu mười hai tuổi ở đây (2, 51) có nhiều điểm rất giống với câu ghi chú về sự lớn lên của bé Giêsu ở 2, 40. Luca dường như muốn mô tả sự tiến trình phát triển tiếp tục của Đức Giêsu dựa trên nền tảng của sự lớn lên trước đó. Lc 2, 51 cũng rất giống với cách diễn tả dành cho ngôn sứ Samuel trong Cựu Ước (1 Sm 2, 26). Có thể nói rằng, có một sự cân bằng về thể lý và về tinh thần trong sự trưởng thành của Đức Giêsu. Sự “lớn lên” trước kia được nối tiếp bằng sự “tiếp tục phát triển”. “Trở nên mạnh mẽ” được đánh dấu thêm bằng sự phát triển về “vóc dáng”. Sự “khôn ngoan” vẫn được duy trì và tiến triển không ngừng. Sự khôn ngoan của Người đã được thể hiện trong đền thờ, giữa những thầy dạy, qua những câu trả lời làm cho người ta phải kinh ngạc (2,46-47). Ân sủng Chúa (ơn Chúa) là điều không thể thiếu trong sự trưởng thành của Người. Danh từ “ân sủng” được dùng chung cho cả hai nhân vật “Thiên Chúa” và “người ta”. Với Thiên Chúa có thể hiểu như là ân sủng, còn với “người ta” có thể hiểu là sự “ưa chuộng”. “Sự ưa chuộng của người ta” là một yếu tố mới trong giai đoạn trưởng thành này. Nó giúp làm tăng thêm sự tiến triển cân bằng, hoàn thiện của Đức Giêsu: Người vâng phục cha mẹ, người được Chúa ban ân sủng và được người đời yêu mến.

2, 40: Đứa trẻ lớn lên và trở nên mạnh mẽ, đầy sự khôn ngoan và ân sủng Chúa ở cùng em.

2, 52: Cậu bé tiếp tục phát triển về khôn ngoan, vóc dáng và với ân sủng Chúa và ưa chuộng của người đời.

1, 80: Đứa trẻ (Gioan Tẩy Giả) lớn lên và trở nên mạnh mẽ về tinh thần.

1Sm 2, 26: Cậu bé Samuel tiếp tục phát triển, to lớn và đẹp lòng với cả Chúa và người ta.

Bình luận tổng quát

Thánh Luca là tác giả duy nhất ghi chú tuổi của Đức Giêsu lúc Người thi hành sứ vụ công khai: “Người khoảng ba mươi tuổi”. Ngoài ra, tác giả cũng cố gắng cho cộng đoàn những người tin biết về các giai đoạn trong cuộc đời Đức Giêsu từ lúc nhập thể cho đến lúc ba mươi tuổi. Đoạn Tin Mừng kể về sự kiện lúc Đức Giêsu lên mười hai tuổi là một nhịp cầu rất cần thiết để nối kết thời thơ ấu của Đức Giêsu với thời Người bắt đầu sứ vụ công khai. Tuy đó không phải là một tiểu sử trọn vẹn ghi lại tất cả những giai đoạn trong cuộc đời của Đức Giêsu, nhưng ít ra tác giả Luca đã cho thấy những nét đặc trưng nhất trong tiến trình trưởng thành của Đức Giêsu, trong khi các tác giả Tin Mừng khác để trống từ lúc Đức Giêsu sinh ra cho đến lúc Người rao giảng, thậm chí tác giả Gioan và Mác-cô còn không có những trình thuật về Giáng Sinh.

Trình thuật Lc 2,41-52 (chuyện Đức Giêsu ở lại trong đền thờ) tiếp theo sau, và có mô hình rất giống với trình thuật Lc 2,22-40 (dâng Đức Giêsu trong đền thờ). Trong cả hai câu chuyện này, đều có hành trình từ Nadarét lên Giêrusalem rồi từ Giêrusalem về Nadarét của Thánh Gia. Cả hai câu chuyện đều ẩn chứa những yếu tố đời thường, thuộc trần thế và yếu tố thánh thiêng, thuộc trời cao. Cả hai câu chuyện đều kết thúc bằng việc ghi chú về quá trình phát triển của Đức Giêsu: Lc 2,22-40 ghi chú về giai đoạn từ bé thơ đến lúc 12 tuổi; Lc 2,41-52 ghi chú về giai đoạn từ lúc mười hai tuổi cho đến trưởng thành.

Câu chuyện “Đức Giêsu ở lại trong đền thờ” (2,41-52) khởi đầu bằng những chuyện đao đức (cả gia đình di dự Lễ Vượt Qua, ở thánh đô) và kết thúc cũng bằng những chuyện thường ngày (gia đình trở về với cuộc sống bình thường, ở quê nhà Nadarét). Đỉnh cao của câu chuyện này là sự khôn ngoan khác thường của Đức Giêsu giữa các bậc thầy Do Thái và mặc khải của Người về “những việc của Cha của Người”. Câu chuyện giải thích hai điều chính yếu: (1) Làm thế nào Đức Giêsu, Thiên Chúa Nhập Thể, sống tương quan với cha mẹ trần thế và chuẩn bị thi hành sứ vụ của Cha trên trời và (2) Làm thế nào cha mẹ Đức Giêsu đồng hành, hiểu biết và đón nhận việc Đức Giêsu sẽ thi hành sứ vụ của Cha của Người.

Đức Giêsu lớn lên trong một gia đình Do Thái truyền thống, đạo đức. Cha mẹ Đức Giêsu luôn sống theo Torah (cắt bì, đặt tên [2, 21]; dâng Đức Giêsu trong đền thờ [2,27.39]). Mỗi năm, họ đều dẫn Đức Giêsu lên thánh đô để dự Lễ Vượt Qua. Tất cả những chi tiết ấy cho thấy, Đức Giêsu được giáo dục trong một gia đình tốt lành thánh thiện. Người đã được nuôi dưỡng bằng lối sống đạo hạnh của cha mẹ trần thế. Tuy nhiên, Người là Con Thiên Chúa nhập thể, và sứ vụ của Người không chỉ dừng lại trong không gian gia đình trần thế, Người có sứ vụ rao giảng, và cứu nhân, độ thế. Sứ vụ ấy đã được mặc khải trong tên gọi của Người (Giêsu: Thiên Chúa cứu độ). Chính vì thế mà Người được lớn lên “đầy khôn ngoan” và “ân sủng của Chúa” (2, 40). Sự khôn ngoan của Người được thể hiện tỏ tường lần đầu tiên lúc Người lên mười hai tuổi. Người đã chủ động ở lại đền thờ một mình. Mục đích là để gặp gỡ các thầy dạy nổi tiếng ở thành đô để học hỏi và tranh luận cùng họ. Mặc dù trẻ tuổi, Người đã có những câu trả lời làm cho người khác phải kinh ngạc. Sự xuất hiện giữa các bậc thầy Do Thái vừa để chuẩn bị kiến thức, vừa báo trước sứ vụ giảng dạy trong tương lai của Người tại khắp mọi miền đất nước và nhất là tại thánh đô, trong đền thờ ấy.

Trong khi Đức Giêsu chủ động ở lại với mục đích rõ ràng thì cha mẹ Người lại “không biết” và cứ tưởng là Người bị lạc đâu đó. Họ tưởng Người bị lạc nhưng thực ra họ mới là những người bị lạc. Họ khổ sở tìm Người, trong khi Người đang bình an trong vị trí của mình. Cảm giác lo lắng, đau khổ, vì sự lạc mất, vì sự vắng mặt của cậu bé Giêsu nơi Đức Maria và thánh Giuse sẽ là cảm giác chung cho tất cả các môn đệ và các tín hữu của Người sau này. Con số biểu tượng “ba ngày” là con số ngày mà Đức Giêsu vắng bóng, nằm trong huyệt đá, và làm cho các môn đệ, cũng như những người tin, hoang mang lo sợ, mất phương hướng. Đó là cảm giác bình thường của những người trần thế khi đối diện với sứ vụ thánh thiêng của Con Thiên Chúa. Đức Giêsu đã bật mí cho cha mẹ Người rằng “Người nhất thiết phải lo việc của Cha Người”. Việc của Cha Người bao gồm việc giảng dạy, làm phép lạ, nhưng cũng bao gồm việc trải qua mầu nhiệm khổ nạn và Phục Sinh. Những việc của Cha Người làm cho Người không thể hiện diện với họ hoài. Hơn nữa, những việc của Cha Người nhiều khi vượt ra khỏi tầm hiểu biết, và đón nhận của các bậc sinh thành. Thái độ tốt nhất mà họ cần có là thái độ của Đức Maria: “Luôn luôn giữ gìn, cất giữ trong tim” và “gẫm suy” tất cả những điều đã xảy ra trong đời Đức Giêsu. Dù cho Đức Maria không hiểu hết, nhưng niềm tin, sự vâng phục và lòng yêu mến sẽ giúp bà tiến bước với Đức Giêsu cho đến dưới chân thập tự.

Dẫu khôn ngoan, được người đời nhìn nhận như thế, Đức Giêsu vẫn tiếp tục trở về với cha mẹ và “luôn vâng phục họ”. Nhờ vậy, Đức Giêsu dung hòa giữa đời sống làm con Chúa Cha và con của cha mẹ trần thế một cách hoàn hảo. Người lớn lên trong sự hiếu thảo với mẹ cha, trong ân sủng Chúa Cha và được người khác yêu mến. Có thể nói rằng, quá trình trưởng thành của cậu bé Giêsu là khuôn mẫu và nền tảng cho tất cả những cậu bé khác – một sự phát triển quân bình giữa thể chất và tinh thần, giữa sự khôn ngoan và ân sủng Chúa, cùng với một mối tương quan hoàn hảo với cha mẹ, với Chúa và với người đời. Dĩ nhiên, muốn có một đứa con phát triển như thế thì vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Đức Maria và thánh Giuse là mẫu gương đức tin cho Đức Giêsu trong những thực hành nghiêm túc và sống động Torah của Cựu Ước. Đức Maria nhẹ nhàng, tế nhị trong cách dạy bảo Đức Giêsu. Trong hoàn cảnh nóng ruột và dễ bốc hỏa như thế, Bà Mẹ trẻ Maria vẫn có cách để đối thoại với cậu bé Giêsu một cách tốt nhất. Thánh Gia luôn là mẫu gương cho các gia đình Kitô hữu qua mọi thời đại bởi vì nơi đó có những người luôn tìm kiếm thánh ý Chúa, biết tôn trọng nhân vị của nhau, biết để cho tình yêu hướng dẫn trong mọi hành động và lời nói của mình.

Gia đình thường được gọi là tổ ấm bởi nơi đó giả định có những con người yêu thương nhau hết mực và tình yêu ấy làm cho mái nhà vô tri, vô giác trở thành mái ấm. Tổ ấm ấy sẽ vỡ tan khi nơi ấy không còn chết keo kết tình yêu nữa. Mái ấm ấy sẽ trở thành lạnh lẽo hoặc sẽ nóng như hỏa lò nếu nơi ấy thiếu đi hơi ấm tình yêu vợ chồng, tấm lòng mẹ cha và tình con thảo. Tình yêu đích thực sẽ không tồn tại khi không có sự hy sinh của mỗi thành viên trong gia đình. Tình yêu đích thực làm cho người ta dám bỏ đi những ích kỷ cá nhân chỉ nghĩ cho riêng mình mà tăng lên lòng quảng đại, vị tha, luôn nghĩ đến lợi ích của người khác, của chúng ta. Gia đình là nơi ngươi ta biết đau nỗi đau của người khác và biết lấy niềm vui của người khác là niềm vui của mình. Đôi tân giai nhân của đạo Công Giáo luôn thề hứa với nhau rằng: “Anh/em hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em/anh khi thịnh vương cũng như lúc gian nan, khi đau yếu cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trong em/anh mỗi ngày suốt đời em. Lời hứa này bao quát trọn vẹn tất cả thời gian và mọi hoàn cảnh. Tình yêu không chỉ được thể hiện trong lúc mạnh khỏe, mà ngay cả trong những lúc đau yếu, nghịch cảnh của cuộc sống. Tình yêu ấy không chỉ là một khoảnh khắc trăng mật mà thôi nhưng là mỗi ngày từ sáng đến tối, và suốt cuộc đời. Họ cũng long trọng thề hứa rằng “sẽ sẵn sàng đón nhận con cái Chúa ban và giáo dục chúng theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh của Người. Luật Chúa Kitô và Hội Thánh Người là mến Chúa, yêu người, sự thật, công lý, hòa bình…Muốn thực hiện lời hứa này giả định mỗi đôi tân giai nhân phải hiểu biết Đức Kitô và Hội Thánh của Người; Hiểu lối sống của Chúa Kitô và những điều Người mong muốn; Hiểu Hội Thánh, và những điều Hội Thánh truyền dạy định hướng cho sự phát triển của một con người. Nếu không, họ sẽ có nguy cơ chỉ nuôi con, mà không dạy con. Họ có thể chăm cho con lớn lên về vóc dáng, trí tuệ nhưng lại không làm cho con thành người. Thành người là nên giống như Đức Kitô vì Người đã xuống thế để “làm người” và dạy cho người ta cách làm người. Mọi cách thức làm người khác với con đường của Đức Giêsu đều có nguy cơ làm cho con người trở nên lệch lạc, méo mó và dị nhân dị hợm.

---Hết---

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Nguồn: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2021/12/cha-tren-troi-va-cha-me-tran-gian-chu.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo (cập nhật ngày 28/12/2024)

-----------------------------------------------------------

[23] “This is stressed by Luke because of the implication in the story of Jesus’ irresponsibility to his earthly parents, and also because, though Jesus recognizes his relation to his heavenly Father as that of an obedient son, he is not prevented thereby from filial respect for his earthly parents.” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke, 445).

[24] F. Bovon – H. Koester, Luke 1, 115.

zalo
zalo