BÁI THỜ QUỶ SẼ ĐƯỢC VINH QUANG THẾ GIAN.
Chú Giải Tin Mừng CN I MC C (Lc 4,1-13)
7. Vinh quang và quyền lực: Cám dỗ thứ hai liên quan đến tham vọng, vinh quang và quyền lực của biết bao vị vua và các lãnh tụ trên trái đất. Lần này, quỷ không đặt vấn đề Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa”. Nó xem Đức Giêsu như bao người trên trái đất này, cũng ham muốn quyền lực, giàu có, và lợi lộc. Tầm mức lợi lộc và quyền lực mà quỷ đề nghị là rất lớn, có thể nói là lớn nhất, làm hoàng đế của tất cả các nước trên thế gian[11]. Khi khẳng định rằng tất cả “đã được trao ban cho nó và nó có thể cho ai mà nó muốn”, quỷ dường như đang ảo tưởng về quyền lực của mình[12]. Nó tưởng tượng mình đang là chủ tể của vũ trụ. Trong sách Gióp, có trường hợp Chúa đã trao cho Xatan tất cả những gì của ông Gióp: “Tất cả những gì ông ta có đều thuộc quyền ngươi, duy chỉ con người của nó là ngươi không được đưa tay đụng tới” (G 1, 12). Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu có đề cập đến “thủ lãnh của thế gian”: “Bây giờ là cuộc xét xử của thế gian này, bây giờ thủ lãnh của thế gian sẽ bị đuổi ra ngoài” (Ga 12, 31). Thánh Phaolô cũng đề cập đến “vị thần của thế gian này đã làm mù tâm trí của những người không tin, để ngăn cản họ thấy ánh sáng của Tin Mừng về vinh quang của Đức Kitô, Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa” (2 Cr 4, 4). Quỷ có thể có quyền trên những người và những vật mà nó điều khiển[13]. Tuy nhiên, rất khó để đồng hóa quyền lực toàn thể mà quỷ tuyên bố ở đây. Đức Giêsu sẽ được trao toàn quyền trên trời dưới đất sau khi Người Phục Sinh (Mt 28, 18). Nói cách khác, Thiên Chúa trao lại cho Người tất cả vinh quang mà Người đã có trước khi có thế gian (Ga 17, 5).
8. Bái thờ và thờ phượng: Khi đề nghị Đức Giêsu phải bái thờ nó để đổi lại vinh hoa phú quý của trần thế, dường như quỷ không thật sự nhận biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, hoặc ít ra, nó nghĩ rằng khi làm người, Đức Giêsu đã đánh mất tất cả và trong thân phận con người, Đức Giêsu cũng ham muốn những thứ ấy. Trong Thập Điều, Chúa đã truyền rằng “ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc phía dưới mặt đất để mà thờ, không được phủ phục trước những thứ đó cũng không phụng thờ chúng” (Xh 20,3-5; x. Xh 23,24.33). Dẫn chứng của Đức Giêsu – “Ngươi phải bái thờ Chúa là Thiên Chúa người, và phụng thờ một mình Người mà thôi” – rất có thể là tóm tắt của điều đầu tiên trong Thập Điều hoặc là điều khoản trong Đnl 6, 13: “Ngươi phải kính sợ Chúa là Thiên Chúa ngươi. Ngươi phải phụng thờ Người và lấy danh Người mà thề”. Đây là những điều răn mà bất cứ những người Israel nào cũng phải tuân giữ. Là một người Do Thái, Đức Giêsu đương nhiên thấu hiểu điều này. Hơn thế nữa, Người là Con Thiên Chúa, Người không bao giờ bái thờ quỷ, là một thụ tạo của Người. Lời của Đức Giêsu vừa cho quỷ thấy rằng, một người Israel bình thường không bao giờ thờ tà thần và vừa nhắc nhở quỷ rằng, chính Người là Đấng mà quỷ phải bái thờ và phụng sự.
9. “Ném mình từ đây xuống” (βάλε σεαυτὸν ἐντεῦθεν κάτω): Thử thách thứ ba diễn ra tại Giêrusalem. Theo tác giả J. Green nơi cám dỗ này báo trước cơn thử thách mà Đức Giêsu phải đối diện trong cuộc thương khó, cũng diễn ra tại Giêrusalem[14]. Quỷ đặt Đức Giêsu trên điểm cao nhất của đền thờ, rất có thế là góc Đông Nam của đền thờ, nhìn từ thung lũng Kidron phía dưới nó[15]. Đây được xem là nơi nguy hiểm nhất nếu nhảy xuống, vì phía trên là đỉnh cao nhất của đền thờ và phía dưới là nơi thấp nhất của thung lũng Kidron. Quỷ dùng Thánh Vịnh 91 để làm cơ sở xúi giục Đức Giêsu: “Bạn sẽ không gặp điều ác hại, và tai ương không bén mảng tới nhà, bởi chưng Người truyền cho thiên sứ giữ gìn bạn trên khắp nẻo đường, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” (Tv 91,10-12). Thánh Vịnh này thường được xem là Thánh Vịnh khôn ngoan, suy gẫm về Thiên Chúa như là một Đấng bảo vệ của những ai trung thành. Họ thoát khỏi mọi nỗi hiểm nguy, vì Chúa ban cho họ sự bảo vệ của thiên thần. Rất có thể vì bị Đức Giêsu dùng Thánh Kinh thánh đánh bại trong hai lần trước, nên lần thứ ba quỷ dùng chính lời Thánh Kinh để làm nền tảng cho lời xúi giục của mình[16].
10. Chớ thử thách Chúa: Đức Giêsu dĩ nhiên là biết rõ Thánh Vịnh 91 cũng như ý nghĩa của nó. Người không thể dùng một lời Thánh Kinh để nói ngược lại với lời Thánh Kinh. Điều Người có thể làm là vạch trần ý định xấu xa của quỷ. Đó là một sự thử thách dành cho Chúa. Chúa sẽ bảo vệ người trung thành trong cơn nguy khốn, nhưng nếu họ tạo ra sự nguy khốn để thử thách Người thì không được phép. Đức Giêsu vẫn trích dẫn một lời Thánh Kinh trong sách Đnl: “Đừng thử thách Đức Chúa, như các ngươi đã thử thách Người tại Maxa” (Đnl 6, 16). Maxa và Mơriva có nghĩa là thử thách và gây sự. Đây là hai tên gọi mà ông Môsê đã đặt cho nơi mà dân đã kêu trách ông, vì không có nước uống và ông đã lấy gậy đập vào tảng đá khiến nước chảy ra cho dân uống (x. Xh 17,1-7). Trong sách Đệ Nhị Luật, ông Môsê nhắc lại biến cố đó và đưa ra lời chỉ dẫn chung là từ đây về sau, khi vào đất hứa rồi, đừng thử thách Chúa kiểu như thế nữa. Đức Giêsu ngụ ý rằng, Người sẽ không thử thách Chúa. Người là Con Thiên Chúa, thì Người càng không bao giờ thử thách Cha của mình. Người sẽ không ném mình xuống từ đỉnh của đền thờ để thử thách Chúa, nhưng Người chịu treo mình trên thánh giá, đi vào cõi chết trong niềm tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Cha mình và Chúa đã cho Người sống lại[17]. Hơn nữa, Người cũng kết thúc ý định thử thách của quỷ bằng mệnh lệnh: “Ngươi không được thử thách Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Quỷ đã làm ngược lại điều Chúa dạy khi nó dám thử thách Chúa. Đức Giêsu đã vượt qua ba lần thử thách. Nó báo trước cho ba lần Người bị chế nhạo trên thập giá (Lc 23,35.37.39). Điều đó có thể đối lại với ba lần chối Chúa của Phê-rô (Lc 22,54-62)[18].
Bình luận tổng quát
Sau khi chịu Phép Rửa tại sông Giorđan với lời tuyên bố long trọng “Con là Con của Cha, nơi Con, Cha hài lòng”, Đức Giêsu chịu thách thức chứng minh căn tính Con Thiên Chúa của mình trước đối thủ ma quỷ. Đây cũng là loạt thử thách chuẩn bị cho sứ vụ công khai của Người. Người bước vào cơn thử thách với sự đồng hành của Thánh Linh, cũng như Thánh Linh cùng sánh bước bên Người trong hành trình sứ vụ. Đối lại với đồng hành, trợ giúp của Thánh Linh là sự theo sát và chống phá của ma quỷ. Trình thuật này là tổng thể những cám dỗ mà quỷ dành cho Đức Giêsu trong sứ vụ làm người. Có thể, trong bối cảnh này, quỷ không tin Đức Giêsu là Thiên Chúa, hoặc là nó cảm thấy rằng Đức Giêsu yếu thế hơn nó trong bản tính con người. Bởi lẽ, nếu nó vẫn tin Đức Giêsu một trăm phần trăm là Thiên Chúa, thì có lẽ nó không dám thử thách, đối đầu với Người. Ba hình thức cám dỗ được tổ chức theo một cấu trúc chặt chẽ. Hai thách thức chứng tỏ chứng minh, bày tỏ căn tính Con Thiên Chúa, đóng khung cám dỗ trung tâm về những ham muốn thuộc về nhân tính của Người. Cấu trúc này có thể được mô tả ngắn gọn như sau: Nếu ông là Con Thiên Chúa – quyền lực và lợi lộc trần gian – nếu ông là Con Thiên Chúa. Nói theo kiểu của triết gia cổ đại Hy Lạp, ba cơn cám dỗ này tượng trưng ba loại tính xấu của con người: “Yêu sự sung sướng, yêu thích sở hữu; và ham muốn vinh quang”[19]. Nói theo nhãn quan thần học của sách Đệ Nhị Luật, ba cơn cám dỗ này phản ánh ba thông điệp dành cho dân Israel: (1) Dân Israel được cho phép đói bụng để học biết rằng người ta sống không chỉ nhờ bánh (8, 3); (2) Dân Israel được chỉ dẫn phải thờ phượng một mình Chúa và không được chạy theo các thần khác (6,4-15); và (3) Dân Israel được ra lệnh là không thử thách Chúa là Thiên Chúa của họ (6, 16). Tuy vậy, thực tế, dân Israel đã sa ngã trong cả ba lời dạy ấy[20]. Đức Giêsu trong tư cách là Con Thiên Chúa, và cũng đại diện cho dân Israel, cũng từng được gọi là “con đầu lòng Thiên Chúa” đi lại hành trình trong sa mạc của dân, với đầy đủ những cám dỗ thử thách như dân, và Người đã chiến thắng tất cả. Trong hành trình sa mạc của dân Israel, không tồn tại một nhân vật được gọi là “quỷ” (hay Xatan theo tác giả Máccô), cám dỗ dân bất trung với Chúa. Tất cả chỉ đều do những ước muốn, đam mê xác thịt của riêng họ. Trong hành trình bốn mươi ngày trong sa mạc của Đức Giêsu, nhân vật “quỷ” là tên cám dỗ duy nhất. Tuy nhiên, nó cũng chỉ khơi gợi chính những ước muốn bên trong của con người, chứ nó không ép buộc Đức Giêsu làm theo ý nó. Tất cả đều có chữ “nếu” và có chọn lựa tự do của Đức Giêsu. (1) Nếu Đức Giêsu muốn chứng tỏ mình là Con Thiên Chúa, thì hãy biến đá thành bánh để thỏa mãn cơn đói của mình. Nếu vì cơn đói mà người ta có thể làm tất cả, bất chấp kể cả nghe theo lời của quỷ, thì người ta có nguy cơ đánh mất căn tính của đời mình. Đức Giêsu cho biết bánh không phải là phương tiện duy nhất làm cho người ta sống. Người ta có thể sống và sống dồi dào hơn, sống ra người hơn nhờ lời của Chúa. (2) Nếu Đức Giêsu muốn tất cả quyền lực và lợi lộc thế gian thì Người phải bái thờ và phụng sự cho quỷ. Nói theo ngôn ngữ bình dân là “bán linh hồn cho quỷ dữ” để được quyền lực và vinh hoa phú quý. Nếu Đức Giêsu ham muốn quyền lực và vinh hoa phú quý, Người đã chẳng nhập thể làm người, giống như bài ca về sự “tự hủy” trong thư gửi tín hữu Philípphê đã diễn tả: “Đức Giêsu, Đấng đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa, không muốn nắm giữ sự ngang bằng với Thiên Chúa; nhưng đã tự làm mình ra như hư không, mặc lấy hình dạng một tôi tớ; Người hạ mình đến nỗi vâng lời chịu chết, thậm chí chết trên thập giá” (Pl 2,6-7). Người vâng lời Thiên Chúa cho đến chết và chết trên thập giá. Người sẽ không vì bất cứ một quyền năng hay lợi lộc trần thế nào mà bất trung với Chúa, và phụng thờ “quỷ”. (3) Nếu Đức Giêsu muốn chứng tỏ mình là Con Thiên Chúa thì hãy thử gieo mình xuống từ đỉnh của đền thờ, vì Chúa sẽ lập tức đưa tay đỡ nâng, không để cho Người bị rơi xuống thung lũng Kidron. Thiên Chúa sẽ phù trì nâng đỡ người công chính trong cơn nguy khốn, nhưng có lẽ Chúa sẽ không can thiệp nếu như họ muốn thử thách Chúa. Đức Giêsu chắc chắn không thử thách Chúa. Người chứng tỏ mình là Con Thiên Chúa khi đặt trọn niềm tin cậy nơi Chúa, thậm chí dường như bị bỏ rơi trong cơn hấp hối. Đức Giêsu chiến thắng cả ba cơn cám dỗ cho thấy Người đủ sức cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. Người là điểm tựa vững chắc cho dân mới còn nhiều yếu đuối thử thách trên hành trình dương thế.
Trong sự đói kém, thiếu thốn về mặt vật chất, nhiều khi người ta dễ quên đi thân phận, căn tính “con Chúa” nơi mình để rồi “sinh đạo tặc vì quá bần cùng” theo như đường lối của ma quỷ. Lại có nhiều người không còn đói kém, hay thiếu nhu cầu cơ bản, nhưng vì giấc mơ quyền lực và vinh hoa, phú quý, sẵn sàng làm ăn phi pháp, bán rẻ lương tâm, gian dối, lừa lọc, miễn sao có thể tiến nhanh và tiến xa trên đường công danh, sự nghiệp. Họ vô tình bán linh hồn cho quỷ dữ lúc nào mà họ không hay biết. Thiên Chúa quyền năng và Người có thể làm được mọi sự, nhưng nếu người ta bắt Chúa làm theo những yêu cầu vô tận, vô lý của riêng mình, thì người ta đang thử thách Chúa và đi theo đường lối của ma quỷ. Thiết nghĩ, chỉ có tình yêu, lòng trung thành, và niềm tín thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa là những phẩm tính quý giá giúp người ta duy trì được căn tính “con Thiên Chúa” của mình dù cuộc đời có trải qua bao sống gió hay gặp bao nhiêu cơn cám dỗ của ma quỷ.
---Hết---
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Nguồn: http://josephpham-horizon.blogspot.com/2022/03/bai-tho-quy-se-uoc-vinh-quang-gian-chu.html (Cập nhật ngày 06/03/2025)
Chúa Nhật I Mùa Chay - Năm C (1/2)
[11] Ibid.
[12] “This implies that the princes receive power and glory neither directly from God nor from the people, but from the devil, and that they therefore honor him, not God, or, in nonmythological language, that they exercise their power in their own interests, not in the service of others.” (F. Bovon – H. Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50, 144).
[13] “Luke elsewhere gives us no reason to doubt that the world of both Jews and Gentiles is characterized by the darkness of satanic rule” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 194).
[14] J.B. Green, The Gospel of Luke, 195.
[15]J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 517.
[16] Ibid.
[17] J.B. Green, The Gospel of Luke, 195; “It serves as the answer to a criticism, not of miracles, but of the cross of Jesus. Why did God not spare his son this death (Luke 23:35, 37, 39)? The Christian answer runs this way: It is because of faith, and not powerlessness, that Jesus did not save himself. Again, this is not only the answer of a believer, but also of the Messiah of the Christians, who is under attack.” (F. Bovon – H. Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50,145).
[18] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 76.
[19] Ibid.
[20] J.B. Green, The Gospel of Luke, 192-193