NGHE TIẾNG VÀ ĐI THEO.
Chú giải Tin Mừng CN IV Phục Sinh năm C (Ga 10,27-30)
5. Những công việc Đức Giêsu nói và làm: Để trả lời cho câu hỏi có phần yêu cầu và nài nỉ của nhóm “những người Do Thái”, Đức Giêsu đã cho họ biết là Người đã nói rồi, và những công việc Người làm nhân danh Cha Người minh chứng về Người. Vậy, Người đã nói gì? Xác nhận này có thể có nghĩa là “lời dạy của tôi đã trả lời đủ rõ ràng cho những ai có mắt để xem và có tai để nghe”[9]. Những điều Đức Giêsu nói trước đó liên quan đến căn tính của Người như là “trước khi có ông Ápraham thì tôi, Tôi Hằng Hữu” (Ga 8, 58); “Tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến” (Ga 8, 42); “Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người vì tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi” (Ga 7,28-29). Những việc Đức Giêsu làm nhân danh Cha Người có thể là những phép lạ. Phép lạ gần nhất là phép lạ mở mắt cho người mù từ thuở mới sinh (Ga 9,1-41). Phép lạ này mang lại cả ánh sáng thể lý và ánh sáng đức tin cho người mù từ thuở mới sinh, nhưng người Pharisêu vẫn đui mù (Ga 9,40-41). Làm cho người mù nhìn thấy là một trong những đặc tính về Đấng Mêsia, mà Đức Giêsu trả lời cho các môn đệ của ông Gioan Tẩy Giả, khi họ được sai đến để hỏi “Người có phải là Đấng phải đến không?” (x. Mt 11,2-6). Những việc Đức Giêsu làm và những điều Người đã nói có thể là phép lạ hóa bánh ra nhiều cho năm ngàn người ăn (Ga 6,5-15) và Diễn Từ Bánh Hằng Sống tiếp theo sau đó (Ga 6,22-59). Phép lạ đã làm cho dân chúng tuyên xưng rằng: “Hẳn ông này là một ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian” (Ga 6, 14). Trong Diễn Từ Bánh Hằng Sống, Đức Giêsu đã giới thiệu Người là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai đến với Người không hề phải đói và ai tin vào Người, chẳng khát bao giờ” (Ga 6, 35). Sau Diễn Từ, nhiều môn đệ đã cảm thấy chướng tai (6, 60) và rút lui (6, 66), nhưng Nhóm Mười Hai càng xác tín hơn: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69).
6. Các ông vẫn không tin tôi: Động từ “tin với” trạng từ phủ định (οὐ πιστεύετε: Không tin) được dùng hai lần liên tục cho nhóm “những người Do Thái” như một điệp khúc của sự cứng lòng. Hơn nữa, thì hiện tại của động từ, diễn tả một thực tiễn không thay đổi của hành động. Đức Giêsu đã nói nhiều điều nhưng họ không tin. Những công việc Đức Giêsu làm nhân danh Cha của Người, cũng không làm cho họ tin. Lý do là vì họ “không phải là những con chiên của” Đức Giêsu. Lý Do này có thể hiểu theo hai chiều: Không tin vào Người nên họ không trở thành những con chiên của Người; không phải là con chiên của Người thì không thể tin vào Người. Sự “không tin” của những “người Do Thái” trong đoạn này gợi nhớ lại “sự không tin” của những người Pharisêu trước đó: “Thật vậy, nếu các ông không tin là ‘Tôi Hằng Hữu’, thì các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết” (Ga 8, 24). Vào cuối cuộc tranh luận này, Đức Giêsu mời gọi những người Do Thái tin vào Người vì những việc Người làm nhân danh Cha của Người: “Nếu tôi không làm những công việc của Cha tôi thì các ông đừng tin tôi, còn nếu tôi làm những công việc đó, thì ít ra các ông cũng hãy tin những việc đó” (Ga 10,37-38). Tuy vậy, họ vẫn không tin vào Người và tìm cách bắt Người (Ga 10, 39).
Đức Giáo Hoàng Lêô XIV trong Thánh Lễ đầu tiên dưới cương vị Giáo Hoàng tại nhà nguyện Sixtine đã nhấn mạnh: “Sự thiếu vắng đức tin thường đi kèm cách bi thảm với sự đánh mất ý nghĩa cuộc sống, sự lãng quên lòng thương xót, những vi phạm khủng khiếp đến phẩm giá con người, khủng hoảng gia đình và bao vết thương khác đang làm xã hội chúng ta rỉ máu.”
Tôi đã nói cùng các ông nhưng các ông không tin Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi làm chứng về tôi, nhưng các ông không tin, Vì các ông không thuộc về đàn chiên của tôi. |
7. Những phẩm tính của con chiên (Nghe và theo): Trong khi nói về lý do “không tin” của những “Người Do Thái”, Đức Giêsu đề cập đến những phẩm tính của những con chiên trong tương quan với chủ chiên. Đầu chương 10, Đức Giêsu đã tự bạch rằng Người là một “mục tử nhân lành” (Ga 10,11.14) với những phẩm tính ưu việt, đồng thời Người cũng phác họa những phẩm tính của những con chiên của Người: Chiên của Người phải biết Người (Ga 10, 14); “nghe tiếng của Người” (Ga 10, 16); “Hiệp nhất” với nhau (một đàn chiên và một vị mục tử” (Ga 10, 16). Trong đoạn văn này, Đức Giêsu nhắc lại phẩm tính “nghe” của những con chiên: “Chiên của tôi thì nghe tiếng của tôi” (Ga 10, 27a). Hành động “nghe” để đáp lại hành động “nói” của Đức Giêsu. Người đã “nói” nhưng “những người Do Thái” không nghe, không tin Người. Ngoài ra, Người còn thêm một phẩm tính khác, vốn là phẩm tính bình thường của một con chiên. Đó là “đi theo” Người. Động từ “đi theo” diễn tả hoạt động của một người môn đệ. “Đi theo” có nghĩa là đi theo toàn bộ hành trình mà mục tử Giêsu đã đi (con đường thập tự, con đường yêu đến trao ban mạng sống mình vì người khác); làm theo lời dạy của Người và rập khuôn theo lối sống của Người. Hành động “đi theo”, được mô tả bằng một động từ ở thì hiện tại (ἀκολουθοῦσίν), diễn tả một thực tế không thay đổi, kéo dài. Hành động “đi theo” ứng với hành động của Đức Giêsu, “làm những công việc của Cha”. Những con chiên của Chúa, nghe tiếng Chúa, và đi theo Chúa. Đây là những đáp trả của niềm tin, trái ngược với thái độ của “những người Do Thái”, những người không tin vào cả những điều Đức Giêsu nói và những việc Người làm nhân danh Cha Người.
8. “Ban sự sống đời đời… không hư mất … không ai lấy khỏi tay tôi … từ tay Chúa Cha”: Đức Giêsu hứa ban sự sống đời đời, là món quà quý giá nhất cho cả đời người, cho những con chiên của Người. “Sự sống đời đời” là một chủ đề rất quan trọng trong giáo huấn của Đức Giêsu. Văn chương Do Thái thế kỷ thứ hai TCN, đã bắt đầu suy tư về sự sống đời đời. Sách Macabê quyển thứ hai đã ghi lại: “Chúng tôi chết vì luật pháp của Vua Vũ Trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2 Mcb 7, 9; Cf. 7, 36). Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại câu chuyện người thanh niên giàu có hỏi Đức Giêsu, về bí kíp để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Đức Giêsu cho biết bí kíp là “giữ các điều răn” và “bán của cải, cho người nghèo, rồi đến theo Đức Giêsu” (Mc 10,23-27; Cf. Mt 19,23-26; Lc 18,24-27). Gioan là tác giả ghi lại nhiều nhất những giáo huấn của Đức Giêsu liên quan đến “sự sống đời đời”: “Ai tin vào Người Con thì có được sự sống đời đời” (Ga 3,36); “Ai nghe tôi và tin vào Đấng đã sai tôi thì có sự sống đời đời” (Ga 5, 24; Cf. 6, 47; 6, 47; 17,2-3; )[10]. Vào cuối diễn từ “Bánh Hằng Sống”, ông Phêrô đã lên tiếng khẳng định rằng “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68). Lời hứa “ban sự sống đời đời” trong bối cảnh này hết sức chắc chắn. Phải nói rằng, cách nói của Đức Giêsu biểu lộ tính bảo đảm ở mức độ cao nhất. Người dùng nhiều “lớp” để gìn giữ quà tặng này: “Trao ban sự sống đời đời” – “chúng sẽ không bao giờ bị hư mất” – “không ai có thể giật chúng khỏi tay tôi” – “không ai có thể giật chúng khỏi tay của Chúa Cha”. Sự sống đời đời được bảo đảm bằng “không bao giờ hư mất”, và họ luôn được cả tay Đức Giêsu và cả tay Chúa Cha gìn giữ.
9. “Tôi và Cha là một”: Sự hiệp nhất nên một của Đức Giêsu với Chúa Cha được diễn tả cách dày đặc trong Tin Mừng thứ tư. Lời Tựa của Tin Mừng đã giới thiệu rằng “Ngôi Lời hằng hiện hữu; Ngôi Lời hiện hữu với Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1). Đức Giêsu cũng được giới thiệu là “Con Một, vốn là Thiên Chúa, Đấng hằng ở nơi cung lòng của Chúa Cha” (Ga 1, 18). Nhiều lần Đức Giêsu tự bạch về tương quan gần gũi giữa Người với Chúa Cha: “Người Con đến từ Chúa Cha (Ga 8, 42); “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha” (Ga 10, 38); “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra, nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong thầy, chính Người làm việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,10-11). Đức Giêsu cũng cầu xin cho các môn đệ “nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” … “để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17,21.23). Trong bối cảnh này, Người đồng nhất với Chúa Cha trong công việc: Người làm “những công việc của Cha Người”; Đồng nhất trong việc sở hữu đàn chiên: Chúa Cha ban những con chiên cho Đức Giêsu; Đồng nhất trong việc bảo vệ đàn chiên: Không ai có thể cướp những con chiên khỏi tay của Đức Giêsu và Chúa Cha.
10. “Lại lấy đá ném Đức Giêsu”: “Những người Do Thái” khởi đầu bằng đòi hỏi Đức Giêsu bộc lộ căn tính, và kết thúc bằng việc “nhặt đá để ném Đức Giêsu” (Ga 10, 31). Họ đã không tin vào lời nói cũng như công việc Đức Giêsu đã làm. Hơn nữa, sự thật, Đức Giêsu và Chúa Cha là “một” làm cho họ choáng váng và không thể chấp nhận được. Sở dĩ họ ném đá Đức Giêsu là vì họ nghĩ Người đã nói phạm thượng: “Ông là người phàm mà tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10, 33; Cf. Ga 11, 8). Trạng từ “lại” (πάλιν) được đặt trước ngữ động từ “lượm đá” giả định trước đó “những người Do Thái” đã từng “lượm đá để ném” Đức Giêsu. Trên thực tế, vào cuối chương 8, khi Đức Giêsu nói về sự hiện hữu của Người trước cả ông Ápraham thì “những người Do Thái” liền lượm đá để ném Người, nhưng Người “lánh đi và ra khỏi đền thờ” (Ga 8, 59)[11]. Lấy đá ném là một cách thức thi hành án tử theo truyền thống Do Thái. Hành động của “những người Do Thái” ngụ ý rằng họ kết án Đức Giêsu tội chết. Thánh Stêphanô, một người trong nhóm Bảy, đầy Thần Khí và khôn ngoan, cũng đã bị những người Do Thái ném đá chết, sau khi ngài đã giảng cho họ nghe về Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô (x. Cv 7,1-60) .
Bình luận tổng quát
Căn tính Kitô (hay Mêsia) là một căn tính quan trọng nơi Đức Giêsu mà “những người Do Thái” đương thời muốn biết. Đây là nghi vấn mà trong tất cả các trình thuật Nhất Lãm liên quan đến cuộc xét xử, Thượng Hội Đồng Do Thái hỏi Đức Giêsu, nhưng câu hỏi trong Lc 22, 67 gần với câu hỏi của “những người Do Thái” trong Tin Mừng Gioan hơn. Đức Giêsu chắc chắn cũng muốn làm cho họ hiểu và tin Người là Đấng Kitô, như là các môn đệ và nhiều người khác. Tuy nhiên, dù Người đã cố gắng bằng cả lời nói và hành động, họ vẫn không tin vào Người. Trong đoạn Tin Mừng này (Ga 10,22-31), Đức Giêsu không chỉ nhìn nhận Người chính là Đấng Kitô mà hơn thế nữa Người còn mặc khải Người là Thiên Chúa. Người không chỉ có căn tính “Kitô” mà còn có căn tính “Thiên Chúa”. Việc Đức Giêsu mặc khải căn tính “Thiên Chúa” đã làm cho “những người Do Thái”, những người vốn chưa tin Người là Đấng Kitô, càng thêm tức giận, vì họ cho rằng Người nói phạm thượng. Cuối cùng, họ đã muốn xử Người qua hành vi “lượm đá để ném” Người. “Lượm đá để ném” đồng nghĩa với việc thi hành án tử hình trong luật Do Thái. Lý do Đức Giêsu đưa ra cho sự không tin của họ là “vì họ không thuộc về những con chiên của Người”. Lý do này có thể được hiểu theo hai chiều “vì họ không tin nên không trở thành những con chiên của Người” hay “vì họ không thuộc về những con chiên của Người nên họ không tin vào Người”. “Những con chiên” của Người thì luôn “nghe tiếng” Người và “đi theo” Người. Đây là hai giai đoạn trong một tiến trình làm môn đệ. “Nghe tiếng” để rồi “đi theo”. “Nghe tiếng” là lắng nghe tất cả những điều Người giảng dạy hướng dẫn. “Đi theo” là làm theo những điều Người đã làm, đi theo hành trình Người đã đi; chọn lẽ sống Người đã chọn và và rập khuôn theo lối sống Người đã sống. Đức Giêsu đã mời gọi các môn đệ rằng “ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác lấy thập giá của mình hằng ngày mà theo tôi” (Lc 9, 23; Mc 8, 34). Hành trình của người môn đệ, hay con chiên của Chúa, là hành trình thập tự, sống và chết cho tình yêu cho Chúa Cha và cho tha nhân. Khi đã “nghe tiếng” và “đi theo” mục tử Giêsu, những con chiên được đảm bảo chắc chắn sự sống đời đời, không bao giờ hư mất. Họ được bàn tay của cả Đức Giêsu và Chúa Cha bảo bọc, nâng đỡ và giữ gìn một cách an toàn. Không một thế lực sự dữ nào có thể cướp họ khỏi bàn tay Chúa Cha, bởi vì Người vĩ đại hơn tất cả mọi loài. Đức Giêsu hiệp nhất với Chúa Cha trong tình yêu thương nhân loại cho đến tận cùng và trao ban sự sống cho họ cho đến vô tận.
---Hết---
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD.
Nguồn: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2022/05/nghe-tieng-va-i-theo-chu-giai-tin-mung.html (Cập nhật ngày 14/05/2025)
--------------------------------------------------
[9] G.R. Beasley-Murray, John (WBC; Dallas 1999) XXXVI, 174.
[10] LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: TỪ BÁNH MÌ HƯ NÁT ĐẾN BÁNH TRƯỜNG SINH. Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật XVIII TN B (josephpham-horizon.blogspot.com)
[11] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII). Introduction, translation, and notes, 403.