HAI NGƯỜI CON LẠC.
Chú giải Tin Mừng CN IV MC C
(Lc 15,1-3.11-32)
4. Người cha
- Chia tài sản [βίος, bios] cho hai con: Người cha tôn trọng tự do người con thứ và sẵn sàng chia tài sản cho con. Tác giả Luca lại dùng lối chơi chữ với chữ “tài sản” khi mô tả cái mà người cha chia cho hai người con. Danh từ “bios” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “tài sản”. Tuy nhiên, nghĩa đầu tiên của danh từ này là “sự sống”. Vì thế, cái mà người cha chia cho hai người con vừa có thể là “tài sản”, vừa là chính “sự sống” của ông. Người con thứ xin cha chia cho anh “một phần bản thể thuộc về anh” (x. Phần về người con thứ phía dưới), người cha lại chia cho anh “sự sống” của chính ông. Người con tưởng rằng mình nhận được “phần bản thể của mình” và “phung phí” nó bằng “lối sống phóng đãng”. Tuy nhiên, cái mà anh ta nhận và phung phí là “sự sống” của người cha. Người anh cả, trong câu kết án người em, cũng dùng lại từ này: “Sau khi nó đã phung phí sự sống của ông với gái điếm, trở về, thì ông lại giết thịt con bê đã được vỗ béo” (15, 30).
- Trông thấy người con thứ từ xa: Mệnh đề “khi anh ta còn ở đằng xa, ông đã trông thấy” cho thấy một sự chủ động mong chờ. Tác giả không ghi lại ông đã trông chờ bao lâu. Có thể là ông vẫn trông chờ mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây từ lúc người con thứ ra đi, nên khi anh ta vừa xuất hiện thì ông thấy ngay. Khi người con thứ chưa kịp nhìn thấy người cha thì người cha đã thấy anh rồi. Có thể có người đặt câu hỏi rằng tại sao người cha đã không đi tìm người con thứ như trong trường hợp người chủ chiên đi tìm con chiên, hay người phụ nữ tìm đồng bạc?. Đó là sự khác biệt giữa sự vật, đồ vật và con người. Con người có lý trí và có tự do quá lớn. Người cha đã không cản được người con thứ đòi chia gia tài và nhất quyết ra đi; người cha cũng không thể khuyên anh ta trở về nếu anh không muốn.
- Chạnh lòng thương (ἐσπλαγχνίσθη): Động từ “chạnh lòng thương” được dùng mười hai lần trong các sách Tin Mừng. Tác giả Mátthêu dùng bốn lần để diễn tả tình thương của Đức Giêsu dành cho đám đông và các bệnh nhân (Mt 9, 36; 14, 14; 15, 32; 20, 34). Tương tự, Máccô dùng ba lần (Mc 1, 41; 6, 34; 8, 2). Tác giả Luca sử dụng động từ này ba lần, một lần cho Đức Giêsu, một lần cho người Samari nhân hậu và một lần cho người cha trong dụ ngôn này. Đức Giêsu chạnh lòng thương bà góa thành Nain và an ủi bà: “Đừng khóc nữa” (Lc 7, 13); Người Samari nhân hậu chạnh lòng thương người đàn ông bị nạn bên đường (Lc 10, 33). Người cha trong dụ ngôn này chạnh lòng thương, xót xa cho số phận bi thảm của người con thứ. Chính cảm xúc yêu thương ấy đã thúc đẩy ông thể hiện một loạt hành vi biểu lộ yêu thương sau đó.
- Chạy: Hành động vội vã (chạy) cho thấy sự mừng rỡ, hạnh phúc của người cha. Dường như ông không thể chờ thêm một phút giây nào nữa. Ông có thể ngồi trong nhà, chờ anh ta vào và mắng cho một trận. Tình yêu và niềm mong nhớ đã làm cho ông không thể ngồi yên chờ đợi, thậm chí không thể đi bình thường mà phải chạy.
- Ôm cổ (rơi vào cổ anh ta) và hôn thắm thiết (CGKPV: hôn lấy hôn để): Sau khi chạy đến, ông ôm cổ và hôn cách nồng nhiệt. Tất cả các hành động đều cho thấy nhịp độ bày tỏ tình yêu và nỗi niềm nhung nhớ một cách mãnh liệt, sâu sắc nhất. Những nụ hôn của người cha không chỉ mang tính chào hỏi, đón mừng nhưng còn là một biểu lộ của sự tha thứ hoàn toàn, giống như vua Đavít đã hôn hoàng tử Ápsalom, để bày tỏ sự tha thứ cho anh sau khi anh đã giết hoàng tử Amnôn để trả thù cho em gái mình la Tamar (2 Sm 14, 33)[6].
- Cho mang nhẫn vào tay và mang giày vào chân người con thứ: Tiếp tục loạt hành động thể hiện sự vui mừng người cha ra lệnh trong vội vã. Ông cắt ngang lời nói đã được soạn sẵn của người con: “Thưa cha! Con đã phạm tội chống lại trời và trước mặt cha, chẳng còn xứng đáng được gọi là con của cha nữa…”. Nếu như người con thứ đã soạn sẵn một bài diễn văn để diễn trước mặt cha, thì cha của anh cũng đã ấp ủ cả một kế hoạch bộc lộ sự yêu thương. Dường như ông không cần nghe anh ta nói gì, nhận lỗi ra sao, và càng không muốn nghe anh ta “nộp đơn xin việc” để được làm người làm công của cha. Ông ra một loạt mệnh lệnh cho những người đầy tớ: “Mang áo choàng hạng nhất và mặc cho cậu; Xỏ nhẫn vào bàn tay cậu và dép vào đôi bàn chân cậu; mang con bê đã được vỗ béo và giết thịt nó; Mở tiệc ăn mừng” (Lc 15,21-22). Một loạt bảy hành động được đưa ra cho thấy sự dồi dào, chu đáo trong kế hoạch của ông. Trạng từ “ταχύς” (takhus, nhanh chóng) được đặt phía trước loạt bảy hành động này, cho thấy một nhịp độ nhanh nhẹn, không thể chậm trễ hơn, và bầu khí náo nhiệt trong gia đình. Tính từ “πρῶτος” bổ nghĩa cho danh từ “áo choàng” nhằm định hình tính chất đặc biệt của chiếc áo choàng này. Tính từ này vừa có nghĩa là “trước đây” vừa có nghĩa là “thứ nhất” (đệ nhất, số một). Nó vừa là chiếc áo choàng trước đây mà cậu đã có, ngụ ý là cậu được phục hồi địa vị như trước. Hơn nữa, nó còn là chiếc áo “tốt nhất, đẹp nhất, sang nhất”, ngụ ý rằng cậu còn được yêu thương và trân trọng hơn trước kia nữa. Chiếc nhẫn, và đôi dép cũng chứng tỏ địa vị một cậu chủ và sự an toàn trong tay người cha. Từ nay, đôi tay của cậu lại có thể thi hành quyền bính của một cậu chủ, và đôi chân của cậu lại vững bước vì được cha nâng đỡ. Tính từ “σιτευτός” (đã được vỗ béo) định hình cho tính chất đặc biệt của con bê được giết thịt. Đó là một con bê “đã được vỗ béo” chứ không phải bất cứ con bê nào[7]. Tính từ “đã được vỗ béo” cho thấy một quá trình chuẩn bị từ lâu. Không biết từ bao giờ, người cha đã chuẩn bị sẵn hết mọi thứ để chờ giây phút trùng phùng này. Động từ “ăn mừng” được chia ở ngôi thứ nhất số nhiều “chúng ta hãy ăn mừng”. Cách dùng này cho thấy ông chủ mời tất cả những người trong nhà kể cả những tôi tớ, hay người làm công, chung vui với ông. Đó hẳn là một bữa tiệc lớn nhất và không hạn chế người tham dự. Lý do là con của ông “đã chết mà nay sống lại, đã hư mất nay lại được tìm thấy”. Sự vui mừng khôn tả của người cha gợi nhớ và hoàn tất niềm vui của ngưởi mục tử trong dụ ngôn “con chiên bị thất lạc” và của người phụ nữ trong dụ ngôn “đồng bạc bị mất”. Cả hai dụ ngôn ấy đều được kết thúc với khẳng định của Đức Giêsu: “Sẽ có niềm vui mừng trên trời vì người tội lỗi hoán cải, hơn là chín mươi chín người công chính không cần hoán cải” (Lc 15, 7); “Sẽ có niềm vui trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa vì một người tội lỗi hoán cải” (Lc 15, 10).
- Năn nỉ người con cả: Người ta có thể đặt câu hỏi rằng tại sao người cha lại bỏ rơi người con cả, trong khi tổ chức một đại tiệc lớn như vậy? Phải chăng người cha đã đối xử “nhất bên trọng, nhất bên khinh”? Hay vì vui mừng quá, nên người cha quên người con cả đang ở ngoài đồng? Đó không phải là những điều mà dụ ngôn nhắm đến. Điều mà dụ ngôn nhắm đến là sự “giận dữ” và “nằng nặc không muốn đi vào” của người con cả. Hành động “không muốn” (οὐκ ἤθελεν) của người con cả được chia ở thì vị hoàn, diễn tả một sự kéo dài, khăng khăng (nằng nặc không muốn). Ứng với hành động “nằng nặc không muốn vào” của người con cả, người cha cũng “kêu mời hoài”. Động từ “mời gọi” được chia ở thì vị hoàn (παρεκάλει), diễn tả sự nài nỉ, an ủi của người cha.
- Gọi người con cả với ngôn từ thân thương “Con à!” (τέκνον, teknon): Trong khi người con cả không hề gọi tiếng “cha” từ đầu đến cuối câu chuyện, đặc biệt là trong lúc giận dỗi, người cha vẫn gọi cậu bằng cách gọi thân thương nhất “teknon”. Đây là cách mà những người cha dành cho những đứa con lúc còn nhỏ. Cách gọi ấy cho thấy người cha vẫn luôn dành cho người con tất cả tình thương. Ông cũng nhắc nhở rằng người con thứ là “người em của” anh ta, chứ không phải là “người con của cha” như nó nghĩ: “Người em này của con đã chết mà nay lại sống; đã mất nay lại được tìm thấy” (Lc 15, 32). Hơn nữa, ông cũng dành cho anh ta tất cả những gì mình có. Trong khi người con tưởng rằng mình không có một “con dê con” để ăn mừng với bạn bè, thực tế anh lại có tất cả: “Con luôn ở với cha, thì tất cả những gì của cha đều là của con”.
5. Người con thứ
- Xin chia phần tài sản [bản thể]: Phân chia gia tài thường là việc làm của những người sắp qua đời và người ta chỉ được hưởng gia tài sau khi cha mình chết. Tuy nhiên, một điều hơi lạ trong dụ ngôn này là người con thứ xin chia phần tài sản của cậu, ngay khi cha chưa có dấu hiệu thập tử nhất sinh. Vì chỉ có hai người con, mà người con đầu thì được hưởng gấp đôi phần tài sản theo Đnl 21, 17, nên người con thứ chỉ được một phần ba[8]. Chi tiết lý thú và rất ý nghĩa nằm trong cách dùng từ có phần chơi chữ của Luca. Người con thứ xin rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản (οὐσία, ousía) con được hưởng” (15, 12). Danh từ “ousia” trong bản văn gốc Hy Lạp thường được dịch là “tài sản” còn có một nghĩa khác. Danh từ này có nguồn gốc từ động từ “eimi” có nghĩa là “tồn tại”, “hay hiện hữu”. Trong từ vựng thần học Kitô giáo, homoousios là một trong những từ quan trọng, vì nó được dùng để diễn tả sự “đồng bản thể” của Chúa Con với Chúa Cha (đồng bản thể với Đức Chúa Cha)[9]. “Ousia” ở đây có nghĩa là “bản thể”. Như vậy, đã quá rõ, cậu không chỉ đơn thuần xin phần tài sản vật chất, mà quyết liệt hơn, cậu xin cha cho cậu “bản thể, bản tính” của cậu. Lời thỉnh cầu của cậu cho thấy cậu đang tưởng rằng cậu đang đánh mất chính mình, khi ở trong nhà với cha mình. Cậu tưởng rằng dưới sự chăm sóc của người Cha, cậu chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là chính mình. Cậu muốn là chính mình. Cậu muốn làm chủ cuộc đời mình. Vì thế, cậu nhất định phải ra đi, đến một nơi xa, nơi nào không có bóng dáng người Cha. Cậu muốn mình phải là cha của chính mình. Cậu tưởng rằng chỉ có như thế, cậu mới là chính mình, cậu mới có “ousia” của mình. Như vậy, ý hướng ra đi khỏi nhà, khỏi tầm kiểm soát yêu thương của người Cha là ý tưởng chủ đạo, chứ không phải là ý tưởng về phần tải sản vật chất. Tài sản vật chất chỉ là lộ phí cho hành trình đi tìm chính mình của cậu.
- Thu gom tất cả: Việc thu gom tất cả cho thấy cậu muốn hưởng gia tài ngay, chứ không phải đợi ngày cha mất. Chi tiết thu gom tất cả cho thấy cậu quyết chí ra đi và không còn vương vấn gì nữa. Chi tiết này cũng cho thấy tác giả Luca chuẩn bị cho cảnh sau đó: Cảnh mà người cha ra lệnh mang áo choàng hạng nhất ra mặc cho cậu, đặt nhẫn vào tay cậu và giày vào chân cậu. Thu gom tất cả thì chắc chắn không còn những vật dụng quý giá này ở trong nhà.
- Lên đường đi vào một nơi xa: Cậu xin chia tài sản là để ra đi. Không gian “một nơi xa” tiếp tục cho thấy người con thứ muốn thoát hẳn khỏi gia đình, người thân, bạn bè và cả đồng hương. Cậu chỉ muốn một thế giới mới của riêng cậu. Anh ta muốn tài sản và tự do, không cần quan tâm đến cha. Theo tục lệ vùng Cận Đông, sau khi được chia tài sản anh ta vẫn còn trách nhiệm chăm sóc người cha nhưng khi quyết định đi xa, anh đã chối bỏ trách nhiệm ấy[10].
- Sự tuột dốc không phanh: Bắt đầu từ sự phung phí tài sản [bản thể] bằng cách sống buông thả, cậu đã tuột dốc không phanh. Cậu từng bước tiêu xài phung phí (15, 13) “bản thể - ousia” của mình và đánh mất mình. Tác giả Luca mô tả sự tuột dốc của cậu như một cầu thang xoắn được kết nên từ nhiều bậc. Từ một người Do Thái cậu đến nơi vùng đất của dân ngoại, đồng hoá với dân ngoại; cậu phung phí bằng lối sống buông thả – cậu tự đồng hoá mình với những người tội lỗi; từ cậu ấm, cậu chủ, cậu tụt xuống thân phận người làm thuê – cậu trở thành một đầy tớ; đầy tớ mà lại là đầy tớ chăn heo[11] – một con vật ô uế, cậu được xếp thấp nhất trong bậc đầy tớ; từ bậc đầy tớ cậu lại muốn ăn thức ăn của heo – cậu được xem ngang bằng với heo; và đỉnh điểm của việc tuột dốc đánh dấu bằng sự kiện cậu không được ăn thức ăn của heo – và thậm chí cậu không bằng một con heo của dân ngoại. Heo của dân ngoại, có thể nói là được xếp thấp nhất trong các con vật trong suy nghĩ của người Do Thái. Đừng quên, bầy heo chính là đối tượng mà quỷ muốn nhập vào, và tất cả đều gieo mình xuống biển (Lc 8,32-33).
Tiến trình tụt dốc ấy có thể được mô tả cách ngắn gọn bằng sơ đồ sau: Cậu chủ - người Do Thái - người ngoại – buông thả - tội lỗi - đầy tớ chăn heo - con heo - dưới con heo. Đó không chỉ là đỉnh điểm của sự nghèo đói khốn cùng về vật chất, nhưng là một sự suy thoái nghiêm trọng về nhân phẩm, phẩm giá và cả căn tính của con người. Nhân phẩm của cậu bị hạ giá đến mức tận cùng, không bằng một con vật ô uế. Một con vật mà người Do Thái kinh tởm còn có giá hơn cậu.
- Hồi tâm: Có thể nói là tài sản quý giá nhất mà người con thứ còn lại là “sự hồi tâm” (nghĩa đen là “đi vào trong chính mình”). Chính giây phút hồi tâm bên đàn heo, giúp cho cậu tìm ra chút ánh sáng cuối đường hầm. Cậu nhận ra được sự tốt lành và ấm cúng trong vòng tay của cha cậu. Cậu nhận ra “người làm thuê của cha” cậu luôn có dồi dào bánh mì. Nhận ra điều ấy là nhận ra cậu sướng biết bao nhiêu khi ở trong gia đình, vì cậu không phải là người làm công. Đây là dấu hiệu dẫn anh ta đến việc trải nghiệm lòng thương xót của người cha[12]. Giúp cậu nhận ra mình có lỗi với trời và trước mặt cha[13]. Đây có thể được xem là bước khởi đầu của tiến trình sám hối mà cậu sẽ thú nhận với cha ở 15,17b-19.21[14].
- Luôn gọi “cha”: Cái hay của người con thứ là từ đầu đến cuối dù ở nhà hay đã bỏ đi hoang, anh vẫn gọi tiếng cha rất thân thương: “Thưa cha” (15,12.18.21; “Cha tôi” (15,17.18.20). Trong thâm tâm, anh vẫn xem mình là “con” của cha, chỉ có điều anh cảm thấy không xứng đáng được gọi là “con của cha” nữa. Hơn nữa, điểm đến của anh trong cuộc trở về không phải là ngôi nhà, nhưng là một con người bằng xương bằng thịt: Anh đi về cùng cha của anh (Lc 15,18.20)[15].
- Toan tính làm thuê cho cha: Ước mong trở về của anh có vẻ chỉ là mưu toan nhằm sống còn. Điều đáng quý là anh đã nhận ra lỗi lầm của mình nghiêm trọng cỡ nào. Anh thấy lỗi mình lớn đến nỗi không xứng đáng được tha thứ và được gọi là con nữa. Anh chỉ mong cha đón nhận anh với thân phận của một người làm công. Suy nghĩ, toan tính của anh hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ đầy yêu thương của người cha. Người cha đã phục hồi cho anh tất cả, và cho anh ta hơn tất cả những điều anh ta không dám nghĩ đến.
6. Người con cả:
- Ở ngoài đồng (ἐν ἀγρῷ): Đối lại với nơi ở của người con thứ (ở phương xa), không gian của người con cả là ở trên đồng. Động từ ở (eimi) được chia ở thì vị hoàn (imperfect) diễn tả tình trạng đã, đang và có thể sẽ tiếp tục. Chi tiết này nghe có vẻ bình thường đối với một người làm nông trại, nhưng lại rất bất thường trong toàn bộ câu chuyện. Tác giả Luca dường như gợi mở một không gian hoạt động bất thường của người anh hai trong tương quan với gia đình, đặc biệt là với người cha. Trong khi người cha ở nhà, người con cả luôn ở trên cánh đồng, xa cách cha của mình. Anh ta có thể chỉ biết một việc là làm và làm chứ không để ý chút gì đến cõi lòng của người cha. Trong nỗi nhung nhớ da diết, tan nát cõi lòng của người cha, thì anh vẫn ở ngoài đồng. Có lẽ anh không thể nào cảm nghiệm được nỗi lòng ua uất đang gặm nhắm, bào mòn sức khỏe của người cha già.
- Không biết chuyện gì xảy ra: Khi về gần nhà, nghe thấy tiếng nhạc và tiếng nhảy múa, anh hai vội gọi “một trong những cậu bé” đến để hỏi xem có chuyện gì xảy ra. Đó là một thực tế rất hợp logic. Người con cả luôn ở ngoài đồng, không quan tâm đến tâm trạng người cha thì làm sao biết được chuyện nhà. Chuyện nhà của anh, nhưng anh lại không biết mà phải hỏi người “cậu bé” người làm trong nhà. Cha anh đãi tiệc chắc là mời nhiều người. Điều này ngụ ý rằng chuyện mà người ngoài ngõ đã tường trong khi người trong nhà lại chưa tỏ. Anh ta chưa tỏ vì thực ra anh không ở trong nhà. Về điểm này có thể nói sự gần gũi và hiểu biết của anh về chuyện nhà không bằng một người làm công. Tương quan của anh và người cha cũng không bằng tương quan giữa cha anh và “cậu bé” (người phục vụ)[16]. Người làm công luôn gần gũi bên cha của anh, hòa với niềm vui của cha anh, và có lẽ cả nỗi buồn suốt những năm tháng qua nữa, còn anh thì không hay biết gì.
- Tức giận và không muốn đi vào: Dù rằng, những người đầy tớ có vẻ háo hức vui mừng kể cho người con cả nghe về niềm vui của người cha, vì vừa nhận lại được người con khỏe mạnh. Chắc người đầy tớ cũng hy vọng anh ta sẽ vui lòng. Tuy nhiên, lòng anh ta giờ đây chỉ còn một cảm giác giận dữ và chỉ chờ để được trút giận. Anh ta không muốn vào nhà tý nào. Động từ “muốn” (thêlô) lại được thánh Luca dùng ở thì vị hoàn (ἤθελεν, êthelen), nghĩa là tình trạng không muốn vẫn cứ tiếp tục. Tất cả mọi nguyên nhân của sự bực tức sẽ được anh ta bộc lộ trong cuộc đối thoại với người cha.
- Làm nô lệ cho cha và không trái lệnh (Tương quan chủ - tớ): Trong khi những người những người đầy tớ được mô tả gần gũi với người cha như là người thân (được gọi là “cậu bé”), người con cả lại cảm thấy mình như là một người đầy tớ. Điều này thể hiện rõ trong động từ mà anh ta dùng để diễn tả hành vi của anh ta dành cho người cha: “Xem kìa! Đã bao nhiêu năm tôi phục dịch [“δουλεύω”, douleúo] ông và không bao giờ bỏ qua một mệnh lệnh [“ἐντολή”, entole] nào của ông”. Động từ “δουλεύω” có thể dịch thoáng là “phục vụ”, “hầu hạ”, nhưng nghĩa chính xác của nó là “làm nô lệ”, “phục vụ cho ai như là một nô lệ”[17]. Danh từ “δούλος”, có thể được dịch là “người phục vụ”, nhưng nghĩa chính xác của nó là “người nô lệ”, hay “người đầy tớ”. Trong nỗi bực dọc, người con cả có lẽ muốn ám chỉ rằng anh ta đã làm việc cho cha anh như là một người nô lệ[18]. Tương tự, danh từ “ἐντολή” có thường được hiểu như là “điều răn”, “lệnh truyền” của Chúa, nhưng nghĩa đen của nó là “mệnh lệnh” mà một ông chủ dành cho một người đầy tớ. Trong bối cảnh này, rất có thể người con cả dùng nghĩa đen. Anh cảm thấy mình luôn phải thi hành mệnh lệnh của của cha mình. Anh xem tương quan giữa cha anh và anh như là tương quan giữa ông chủ và đầy tớ đã bao năm nay rồi.
- Không một lần gọi tiếng “cha”: Trong bản dịch Việt ngữ (CGKPV) cách xưng hô của anh nghe có vẻ nhẹ nhàng: “Cha coi”, thế nhưng trong nguyên ngữ tiếng Hy Lạp không hề có một tiếng cha như thế, tất cả đại từ mà anh hai dùng trong cuộc đối thoại với cha chỉ là đại từ ngôi thứ hai (σύ, su) mà thôi, chứ không phải là cha (πατήρ, Pater). Vì thế, câu nói của “anh hai” trong ngôn ngữ bực dọc có thể là: “Ông coi, đã bao nhiêu năm trời tôi hầu hạ ông, và không bao giờ bỏ qua mệnh lệnh một mệnh lệnh của ông, thế mà chưa bao giờ ông cho lấy được một con dê con để tôi ăn mừng với bạn bè của tôi”. Điều này hoàn toàn khác biệt đối với tâm thức của người con thứ. Dẫu rằng ngỗ nghịch, đi xa nhưng trong lòng anh ta lúc nào cũng xem người cha là cha của mình. Lúc nào anh cũng gọi là “cha tôi”: “biết bao người làm công cho cha tôi”; “Thưa cha! Con thật đắc tội…”; “thôi ta đứng lên đi về cùng cha”.
- Không xem người con thứ là em: Sự giận dữ và ghanh tỵ, và ấm ức bao năm đã khiến anh giũ bỏ tương quan với em của anh luôn. Cuối cùng, ranh giới được người anh hai vạch rõ ràng hơn khi tuyên bố “thằng con của ông kia” (ὁ υἱός σου οὗτος). Khi gọi em của anh là “thằng con của ông”, anh không còn xem người ấy là em của anh nữa, giống như anh không phải là con của cha anh, hoặc là con ghẻ, con nuôi[19].
- Đòi một con dê con để ăn mừng với chúng bạn: Không xem ông ấy là cha, cho nên “con dê con” nếu có, anh ta cũng chỉ muốn được “nhậu” với những người bạn của anh (μετὰ τῶν φίλων μου) chứ không phải với cha, với gia đình. Thực tế này cho thấy rằng người anh cả dù thân xác ở nhà nhưng anh lại xa cha, xa gia đình[20]. Điều này hợp với tiến trình mà thánh Luca mô tả anh từ đầu đến giờ: Ở ngoài đồng, không biết nhà đang có chuyện vui gì, không muốn vô nhà, tự xem mình là một người nô lệ, ăn mừng với chúng bạn. Tất cả dữ liệu đều chứng tỏ rằng anh ta không thuộc về gia đình này, người cha không phải là cha anh, người con thứ không phải là em của anh.
---Còn tiếp---
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Nguồn: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2022/03/nguoi-nguoi-con-lac-chu-giai-tin-mung.html (cập nhật ngày 28/3/2025)
[6] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV. Introduction, translation, and notes (AnB; New Haven – London 2008) 28A, 1089.
[7] Xem thêm chi tiết “con bê đã được vỗ béo” trong Nguyễn Tầm Thường, “Anh Cả” [anh ca :: Anh Cả :: Tác Giả Lm. Nguyễn Tầm Thường :: Memaria].
[8] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke X–XXIV, 1087.
[9] P.F. Beatrice, “The Word “Homoousios” from Hellenism to Christianity”, Church History 71/2 (2002) 243-272, 243.
[10] K.R. Snodgrass, Stories with Intent. A Comprehensive Guide to the Parables of Jesus (Grand Rapids 2018) 113.
[11] Những lời dạy của các rabbi sau này đưa ra một sự nguyền rủa dành cho người đan ông chăn heo (J. Fitzmyer, The Gospel According to Luke X‐XIV, 1088).
[12] C. Naseri, “Reading Luke 15:11-32 as the Parable of Mercy and Compassion”, CABAN 9 (2017) 142-159, 154.
[13] “What was the prodigal’s sin against heaven and his father? Several answers have been given: the request for his share of the possessions, his covetousness, his leaving, his squandering, his lifestyle, or his neglect of his father” (K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 113).
[14] K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 118; “This realization and the remorse are the beginning of his repentance” (J. Fitzmyer, The Gospel According to Luke X‐XIV, 1088).
[15] K.R. Snodgrass, Stories with Intent, 120.
[16] A. J. LEVINE, Short Stories by Jesus. The Enigmatic Parables of Controversial Rabbi (JNNT; New York 2015) 67.
[17] “The elder son uses the vb. douleuein, which implies that he puts himself not in the category of a hired hand (misthios), but of a slave (doulos): “serving you faithfully like a slave” (J. Fitzmyer, The Gospel According to Luke X‐XIV, 1091).
[18] J. Green states that “The elder son, having never left home, nevertheless regards himself as a slave to his father” [J. B. GREEN, The Gospel of Luke (NICNT; Michigan 1997) 579].
[19] C. Naseri, “Reading Luke 15:11-32 as the Parable of Mercy and Compassion”, CABAN 9 (2017) 142-159, 155; “Thus the elder son expresses the height of his scorn; he cannot bring himself to speak of the younger son as “my brother” (J. Fitzmyer, The Gospel According to Luke X‐XIV, 1091).
[20] L. T. JOHNSON, The Gospel of Luke (D.J. HARRINGTON ed.) (SP 3; Collegeville 1991) 238.