Ngày tháng: 03/04/2025
Đang truy cập: 79

Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C (3/3)

HAI NGƯỜI CON LẠC.
Chú giải Tin Mừng CN IV MC C
(Lc 15,1-3.11-32)

7.     Kết thúc mở: Dụ ngôn kết thúc một cách lạ lùng. Đức Giêsu không cho biết rằng cuối cùng người con cả có hiểu nỗi lòng người cha hay không. Liệu rằng anh ta có được giải tỏa bao nỗi uất hận, hờn căm bấy lâu? Liệu anh ta có thể học lấy bài học về lòng nhân hậu của người cha để thông cảm và tha thứ cho người em của mình? Anh ta có lại gọi tiếng “cha” và gọi tiếng “em” hay không? Cuối cùng anh ta có vào chung vui bữa tiệc hay không? Nếu anh ta đi vào thì hẳn bữa tiệc sẽ vui hơn gấp bội. Còn nếu anh ta không vào thì bữa tiệc sẽ mất vui và người cha lại tiếp tục đau khổ vì một người con khác tiếp tục thất lạc. Kết thúc mở ấy là một lời mời gọi mở ra cho những người đang mang “nỗi tức giận” và “không muốn vào” của người anh cả. Trong bối cảnh này, những người đó có thể là những Kinh Sư và những người Pharisêu, vì họ đã “kêu trách” khi những người “tội lỗi” và “thu thuế” thường đến với Đức Giêsu để nghe người. Hình ảnh của người anh cả cũng là hình ảnh của các tín hữu qua mọi thời đại. Đó có thể là những tín hữu sống “cách lòng” với Thiên Chúa, không thấu hiểu nỗi lòng Thiên Chúa, thiếu sự hiệp lòng với Chúa; hay những người chỉ xem mình như những “người nô lệ”, chỉ biết thi hành luật lệ của Chúa trong sự bực bội khó chịu; hoặc là những người ghanh tỵ với lòng thương xót tha thứ mà Thiên Chúa dành cho những người tội lỗi. Thiên Chúa vẫn “nài nỉ” và chờ đợi họ vào dự tiệc vui với Chúa. Vào hay không vào vẫn sẽ là chọn lựa tự do của mỗi người. Kết thúc mở của câu chuyện mở ra cho các nhân vật người anh cả trong câu chuyện và cho cả các tín hữu qua mọi thời đại một chân trời giao hòa: Giao hòa giữa cha và con, giữa anh và em, với chính bản thân mình với biết bao nhiêu quan điểm, và suy nghĩ tiêu cực.

Bình luận tổng quát

Sau khi nghiên cứu về cả ba nhân vật trong dụ ngôn này, dụ ngôn này có thể được gọi là  “dụ ngôn về Người cha nhân từ và hai người con bị mất”[21], bởi lẽ xét cho cùng cả hai người con đều bị lạc và người cha vẫn dành lòng thương xót cho cả hai. Người con thứ bị lạc theo lối sống tự do, buông thả của mình, trở nên băng hoại về đạo đức và lâm vào tình trạng bế tắc, khốn cùng nhất. Người con cả bị lạc trong lối sống kỷ luật, bận tâm quá nhiều đến công việc, bổn phận, đến nỗi cảm giác như mình là nô lệ trong nhà mình. Anh thiếu tình yêu để có thể cảm nhận được tình yêu của cha dành cho chính anh, và cho em của anh. Anh thiếu rộng lượng của một người anh để có thể thấy thương xót và tha thứ cho những lỗi lầm của người em.

Bối cảnh của dụ ngôn là bối cảnh của một gia đình, trong đó có một người cha và hai người con. Người ta có thể đặt câu hỏi là người mẹ đâu rồi? Câu trả lời có thể giản đơn là người cha là hình ảnh của Thiên Chúa. Người vừa là cha, vừa là mẹ. Người con cả là hình ảnh tượng trưng cho những Kinh Sư và những, người Pharisêu và người con thứ đại diện cho những người thu thuế và những người tội lỗi. Nội dung câu chuyện xoay quanh cung cách đối xử của người cha, cũng là Thiên Chúa, đối với hai loại con cái trong gia đình Thiên Chúa: Người tội lỗi và những người xem mình là công chính[22].

Sự phân chia của cải (bios), món quà sự sống, mà người cha dành cho hai người con cho thấy ông yêu thương cả hai và công bằng với cả hai. Tuy nhiên, cả hai người con đều không dùng gia tài ấy, món qùa ấy để sống theo thánh ý của ông, nên ông cảm thấy phiền lòng.

Người con thứ đã rời xa gia đình và phung phí tải sản (bản thể) của mình bằng lối sống buông thả nơi vùng dân ngoại. Anh ta đã lao dốc không phanh từ địa vị một cậu chủ – một người Do Thái – Anh trở thành người ngoại – đầy tớ chăn heo cho người ngoại – ao ước ăn thức ăn của heo – không được – thấp hơn cả con heo. Từ địa vị cậu chủ xuống địa vị tôi tớ; từ địa vị con người xuống địa vị con heo. Không còn một hình ảnh tuột dốc sa đọa nào có thể diễn tả hơn nữa tình trạng khốn cùng của người con thứ. Chính trong sự tận cùng của sự sa đọa ấy, người ta mới thấy được sự vĩ đại của tấm lòng người cha. Ông ta chẳng quan tâm cậu đã làm những điều xấu gì, đã xài bao nhiêu tiền, đi xa bao nhiêu. Từng ngày, từng giờ, ông vẫn mong chờ da diết qua hình ảnh “thấy anh ta từ đằng xa”, “chạy đến”, “ôm cổ”, “hôn thắm thiết”. Hơn nữa, ông đã cho chuẩn bị áo choàng tốt nhất, đẹp nhất, sang nhất, dép, nhẫn cùng với một con bê được vỗ béo. Ông đã làm tất cả những điều tỉ mỉ nhất, lớn lao nhất để đón mừng ngày người con thứ trở về. Người cha phục hồi lại cho người con thứ tất cả từ địa vị, quyền làm con và tài sản. Có thể nói rằng, người cha đã trả lại cho anh ta “bản thể” (căn tính) mà anh cứ tưởng là anh đã phung phí hết. Thực ra, người cha chỉ trao cho anh “sự sống” của mình. Bản thể, căn tính của anh, vẫn luôn thuộc về anh. Niềm vui mừng của ông là niềm vui của người thấy con sống lại. Không niềm vui nào có thể sánh bằng niềm vui ấy.

Người con cả, dù ở lại gia đình, nhưng cũng thất lạc. Khi quá bận tâm với việc đồng áng, việc bổn phận, anh không thể thấy và chia sẻ được nổi niềm của người cha. Anh làm việc nhưng lại không vui vì luôn nghĩ rằng mình là một người đầy tớ. Câu nói của anh lúc giận dữ bộc lộ những uất ức chất chứa trong lòng anh bấy lâu. Lâu nay tương quan cha-con đã bị đổ bể tan nát hết rồi. Anh không thể gọi cha mình một tiếng cha dù cho ông vẫn gọi anh ta là “teknon” (đứa con nhỏ), vì anh nghĩ rằng ông ích kỷ với anh, trong khi lại rộng lượng với người con thứ. Tương quan anh-em cũng không còn, vì anh cay cú với lỗi lầm của em mình và không thể tha thứ cho nó. Anh nằng nặc không muốn đi vào nhà của anh và chung vui bữa tiệc đoàn viên với người thân ruột thịt của anh. Anh đánh mất chính mình, lạc mất cả người cha và người em ruột.

Người cha, Thiên Chúa, luôn ao ước tất cả người con đều vào dự tiệc vui với Người. Chính vì thế, Người vẫn nài nỉ và mở đường cho một mối giao hòa trong gia đình Thiên Chúa. Tuy nhiên, câu trả lời vẫn nằm ở chọn lựa tự do của mỗi người con.

---Hết---

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Nguồn: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2022/03/nguoi-nguoi-con-lac-chu-giai-tin-mung.html (cập nhật ngày 28/3/2025)


[21] B. Young, Jesus the Jewish Theologian (Peabody, Mass: Hendrickson, 1995), p. 143.

[22] C. Naseri, “Reading Luke 15:11-32 as the Parable of Mercy and Compassion”, CABAN 9 (2017) 142-159, 151.

zalo
zalo