VỤ ÁN CỦA ĐỨC GIÊSU, NGƯỜI TỬ TÙ VÔ TỘI.
Chú Giải CN Lễ Lá năm C (Lc 22, 1 - 23, 56)
THI HÀNH ÁN CỦA TỬ TỘI CÔNG CHÍNH: Điệu Đức Giêsu đi lên núi Núi Sọ và đóng đinh.
Sự trợ giúp của Simôn Kyrênê (Lc 23, 26). Trong cả bốn tác giả sách Tin Mừng, chỉ có tác giả Gioan nói rõ ràng là “chính Người vác thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hípri gọi là Golgotha” (Ga 19, 17). Như vậy, theo tác giả Gioan, không có chuyện ông Simôn Kyrênê vác thập giá cho Đức Giêsu. Cả ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm không nói cụ thể Đức Giêsu vác thập giá. Tác giả Máccô nói rằng: “Chúng dẫn Người đi để đóng đinh Người” (Mc 15, 20). Tác giả Mátthêu cũng diễn tả tương tự: “Họ dẫn Người đi đóng đinh” (Mt 27, 31). Tác giả Luca còn nói đơn giản hơn: “Đang khi họ dẫn Người đi, họ bắt một người từ miền quê (hoặc từ ngoài đồng)” (Lc 23, 26). Cả ba tác giả Tin Mừng Nhất Lãm đều cho thấy ông Simôn Kyrênê bị bắt vác thập giá. Tác giả Máccô và Mátthêu cụ thể là “thập giá của Người” (Mc 15, 21; Mt 27, 32), còn tác giả Luca không có đại từ sở hữu “của Người” mà chỉ có mạo từ xác định trước từ thập giá (τὸν σταυρὸν). Xem ra, theo truyền thống Nhất Lãm, Đức Giêsu dường như không thể vác thập giá. Trái lại với hình ảnh các môn đệ bỏ rơi Thầy của mình, kẻ thì chối, người thì nộp, là hình ảnh một người xa lạ qua đường vác thập giá của Đức Giêsu. Ông Simôn Kyrênê bị kéo vào hành trình thập giá khi đang hành trình trong công việc đồng áng thường ngày (hoặc từ miền quê lên). Ông bị kéo lại và bị đặt thập giá lên vai để đi theo sau Đức Giêsu. Hình ảnh này làm cho người ta nhớ đến lời dạy của Đức Giêsu hai lần trong Luca: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vác lấy thập giá của mình mỗi ngày, mà theo” (Lc 9, 23; 14, 27). Ông Simôn đã bỏ nhịp sống đời thường, để vác lấy thập giá, theo sau Đức Giêsu. Cách nào đó, người ta thấy hình bóng của một người môn đệ “bất đắc dĩ”. Lẽ ra, trong giây phút ấy một trong các môn đệ Đức Giêsu phải là người vác lấy thập giá của Người, nhưng vì họ đã bỏ trốn hết nên chỉ còn một môn đệ theo nghĩa biểu tượng[4].
Sự đồng hành của dân thành Giêrusalem (Lc 23,26-32). Khác với hai tác giả Tin Mừng Nhất Lãm còn lại (chỉ có một vài người phụ nữ theo Đức Giêsu từ Galilê), tác giả Luca ghi lại sự đồng hành đông đảo của dân chúng. Trong đó, có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc. Đức Giêsu đã an ủi họ: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu”. Đức Giêsu an ủi dân thành Giêrusalem lần này là tiếp nối hai lần trước đó Người đã khóc thương thành Giêrusalem. Lần thứ nhất, Đức Giêsu than trách thành Giêrusalem vì họ đã giết các ngôn sứ và ném đá những người được sai đến cùng dân thành. Người thêm rằng “đã bao lần Người muốn tập họp con cái của thành như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh nhưng họ đã không chịu” (Lc 13,34-35). Lần thứ hai, Đức Giêsu khóc thành Giêrusalem rằng: “Phải chi ngày hôm nay, ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi, nhưng hiện giờ mắt ngươi còn bị che khuất, không nhìn thấy được” (Lc 19,41-42). Hậu quả của ba lần thương khóc thành Giêrusalem là nối kết giữa sự đóng đinh Đức Giêsu và cuộc tấn công tàn phá thành Giêrusalem của quân đội Rôma vào năm Bảy Mươi, khoảng bốn mươi năm sau vụ án của Đức Giêsu[5].
Sự tha thứ của Đấng Chịu Đóng Đinh (Lc 23,33-34). Một trong những nét đẹp của Đức Giêsu trong Tin Mừng Luca là “sự thương xót tha thứ”. Nếu như Người đã từng dạy các môn đệ là “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho những người ghét anh em… hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,27.36), thì trong “giây phút thập tử nhất sinh”, giây phút đau đớn, khốn cùng nhất, Người đã điềm tĩnh xin tha thứ cho những người ghét mình: “Lạy Cha! Xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)[6]. Đây là chi tiết riêng của Tin Mừng Luca. Hơn nữa, nét đẹp ấy lại được tiếp diễn, khi Người trao ban tức khắc Nước Thiên Đàng cho người tử tội cùng chịu đóng đinh với Người: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43). Chính người tử tù này đã chứng nhận rằng Đức Giêsu “không làm gì sai cả” (Lc 23, 41). Đây cũng là câu chuyện độc quyền của tác giả Luca. Câu chuyện này là một thực tiễn của dụ ngôn “ba trong một”: “Con chiên lạc”; “Đồng bạc bị mất”; “Người cha nhân hậu có hai người con lạc”, với câu kết đặc biệt “chúng ta phải ăn mừng vì con ta đã chết, nay lại sống, đã mất nay lại tìm thấy” (Lc 15,1-32).
Sự chế nhạo và thách thức của các thủ lãnh (Lc 23,35-38)
Trái ngược lại với hình ảnh đông đảo dân chúng đồng hành, khóc thương là hình ảnh những người thủ lãnh, những người lính hả hê, chế giễu, thách thức. Họ thách thức Người dựa trên ba danh hiệu: “Kitô của Thiên Chúa”, “Đấng được tuyển chọn” và “vua dân Do Thái”. Chế giễu, thách thức với danh xưng “Kitô”, “Đấng được tuyển chọn” “Hắn đã cứu người khác thì cứu mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, người được tuyển chọn”. “Đấng Kitô của Thiên Chúa” là lời tuyên xưng của ông Phêrô như đã nói trên. “Người được tuyển chọn” là danh xưng đến từ tiếng từ đám mây trong trình thuật biến hình: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9, 35). Trong bối cảnh biến hình, Đức Giêsu đã thảo luận với hai nhân vật Cựu Ước (ông Môsê và ông Êlia) về “cuộc xuất hành” Người sẽ hoàn tất tại Giêrusalem (Lc 9,30-31). Như vậy, “Người được tuyển chọn” trong ý nghĩa là Người sẽ vâng phục cho đến nỗi chịu chết và chết trên thập giá để cứu chuộc muôn người. Đó cũng là sứ mạng của Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Những vị thủ lãnh đã nhắc đúng danh hiệu “người được tuyển chọn” và ý nghĩa “cứu độ” ứng với danh hiệu này, nhưng điều họ thách thức Người là ngược lại với ý nghĩa đích thực của danh xưng này. Họ muốn Đức Giêsu xuống khỏi thập giá. “Xuống khỏi thập giá” là cám dỗ bỏ cuộc, ngược lại với kế hoạch cứu độ của Người. Lời từ đám mây mời gọi, họ phải nghe Người chứ không phải Người phải nghe họ. Người sẽ cứu độ một người “gian phi” ngay sau đó, nhờ cái chết trên thập giá của Người. Những người lính chế giễu Đức Giêsu với danh hiệu “vua dân Do Thái”: “Nếu ông là vua dân Do Thái thì hãy cứu lấy mình đi”. Tuy nhiên, như đã nói trên, Đức Giêsu đã nói rằng “nước của Tôi không thuộc về thế gian này, nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì thuộc hạ của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho những người Do Thái, nhưng thực ra, nước tôi không thuộc nơi này” (Ga 18, 36).
SỰ TẮT THỞ VÀ MAI TÁNG CỦA NGƯỜI CÔNG CHÍNH (Lc 23,47-56)
Lời tuyên xưng của người đại đội trưởng. Trong khi, tác giả Máccô và Mátthêu phác họa dung mạo Đức Kitô là “Con Thiên Chúa” trong cảnh “Đức Giêsu tắt thở”, tác giả Luca chứng minh Đức Giêsu là người công chính, vô tội. Viên đại đội trưởng (Mátthêu thêm những người cùng ở với ông) của hai tác giả Máccô và Mátthêu thấy Đức Giêsu chết như thế thì tuyên xưng: “Quả thật người này là Con Thiên Chúa”. Người đại đội trưởng của Luca tuyên xưng rằng: “Người này đích thực là Người công chính” (Lc 23, 47). Hơn nữa, Đức Giêsu của tác giả Luca chết trong một tình trạng thanh thản, phó thác hoàn toàn: “Lạy Cha! Con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Lời này được trích từ Tv 31, 5 (Lc 23, 46). Tương tự, Đức Giêsu của tác giả Gioan cũng rất thanh thản trong cách chết của Người: Sau khi nhấp một tý giấm, Đức Giêsu nói: “đã được hoàn tất” và “trong tư thế gục đầu, Người trao thần khí” (Ga 19, 30). Trước đó, Đức Giêsu còn kịp trao phó thân mẫu cho “Người môn đệ Người thương mến” (“đây là mẹ của con”) và trao phó người môn đệ này cho thân mẫu” (“đây là con của bà”) (Ga 19,25-27). Ngược lại, Đức Giêsu của Máccô và của Mátthêu lại chết trong hai tiếng kêu đau đớn: “Lạy Thiên Chúa của Con, lạy Thiên Chúa của Con! Sao Người bỏ rơi con?” (Mc 15, 34; Mt 27, 46)[7]. Sau đó, Người kêu lên một tiếng lớn nữa rồi tắt thở (Mc 15, 37; Mt 27, 50).
Sự trở về của toàn thể đám đông. Luca là tác giả duy nhất mô tả sự đồng hành của đông đảo dân chúng trên đường lên Núi Sọ và trong cảnh Đức Giêsu “phó thác linh hồn”, ông cũng là tác giả duy nhất mô tả cảnh đám đông đấm ngực và trở về: “Toàn thể đám đông tập trung trước cảnh tượng ấy. Sau khi chứng kiến những gì đã xảy ra, họ đấm ngực và quay trở về” (Lc 23, 48). Cũng giống như những người phụ nữ thành Giêrusalem “đã đấm ngực khóc lóc” cảm thương cho Người trên đường ra pháp trường, giờ đây toàn bộ đám đông cũng đấm ngực, có thể là hối lỗi, và cũng có thể là tiếc xót cho cái chết của một người công chính. Quan trọng là họ đã quay trở về. “Trở về” ở đây có thể là sự “hoán cải”[8]. Lời mời gọi mà cả Đức Giêsu và Gioan Tẩy Giả đều rao giảng từ đầu, được “toàn thể đám đông” đáp trả, sau cái chết của “người công chính” Giêsu. Sự trở về ồ ạt của đám đông cũng chứng minh cho sự trong sạch, thánh thiện của Đức Giêsu, cũng như hiệu quả của cái chết mang ơn cứu độ.
Được an táng bởi một người công chính (Lc 23,50-56). Chủ đề Đức Giêsu, người tử tội công chính, còn được tiếp tục cho đến cảnh cuối cùng, cảnh an táng Người. Người an táng Đức Giêsu được giới thiệu là “thành viên của Thượng Hội Đồng, một người chân thật và công chính”. Hơn nữa, “ông đã không tán thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng” và “cũng là người vẫn hằng mong chờ Nước Thiên Chúa”. Tác giả Mátthêu cho biết rằng “ông là người giàu có” và “là một môn đệ của Đức Giêsu” (Mt 27, 57). Tương tự, tác giả Gioan mô tả ông là “một môn đệ của Đức Giêsu, nhưng trong thầm kín, vì sợ người Do Thái” (Ga 19, 38). Tác giả Máccô cũng mô tả ông là “thành viên có thế giá của hội đồng, người đang chờ đợi triều đại Thiên Chúa” (Mc 15, 43). Như vậy, trong cả bốn tác giả sách Tin Mừng, tác giả Luca mô tả rất kỹ lưỡng hơn về nhân vật Giuse Arimathêa. Ông cố tình mô tả hai đặc điểm trong tính cách của ông trùng với tính cách của Đức Giêsu: “Chân thật và công chính” (ἀγαθὸς καὶ δίκαιος). Hai đặc tính này cho phép ngầm hiểu rằng ông là một môn đệ của Đức Giêsu. Đặc tính công chính và không tán thành quyết định của Thượng Hội Đồng cho thấy ông nhìn nhận Đức Giêsu là người công chính và bị oan trong vụ án này.
KẾT LUẬN
Tác giả Luca hoàn tất trình thuật vụ án của Đức Giêsu, bằng cách khắc họa sự công chính toàn tập của “người tử tù” Giêsu. Dù bị Thượng Hội Đồng Do Thái, các Thượng Tế và Kinh Sư bày mưu bắt, kết tội, tố cáo và xử tử, và bị các môn đệ bỏ rơi, nhưng Đức Giêsu được hầu như toàn thể các nhân vật còn lại biện hộ và chứng minh cho sự vô tội của mình, từ tổng trấn dân ngoại, Philatô, tiểu vương vùng Galilê, vua Hêrôđê, đến người tử tù cùng chịu đóng đinh, người đi đường, Simôn Kyrênê, toàn thể đám đông, viên đại đội trưởng Rôma, và cuối cùng là ông Giuse Arimathêa, một thành viên của Thượng Hội Đồng. Dù vô tội, Người đã chấp nhận cái chết nhằm mang lại ơn cứu độ cho những người tin vào Người, bằng chứng cụ thể là việc ban nước Thiên Đàng ngay lập tức cho người tử tội cùng chịu đóng đinh và sự trở lại của toàn thể đám đông. Đó là niềm hy vọng và niềm hạnh phúc của tất cả các tín hữu. Dù có quá khứ tội lỗi đến đâu, họ cũng vẫn còn nguyên vẹn cơ hội được cứu độ, miễn là họ tin vào Đức Giêsu và quay trở về với Người.
---Hết---
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Nguồn: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2022/04/vu-cua-uc-gie-su-nguoi-tu-tu-vo-toi-chu.html (Cập nhật ngày 09/04/2025)
[4] “Luke’s audience is surely meant to see in Simon a symbol of discipleship” (M.D. Hamm, “Luke”, 1097-1098).
[5] M.D. Hamm, “Luke”, 1098.
[6] Đây là lời đầu tiên trong ba lời Đức Giêsu nói trên thập giá được một mình Luca ghi lại. 1. “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34); 2. “Hôm nay, anh sẽ được ở cùng tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43); 3. “Lạy Cha! Con xin phó thác hồn Con trong tay Cha” (Lc 23,46). Ba lời được chỉ một mình tác già Gioan ghi lại: 1. “Này người phụ nữ, này là con của bà … này là mẹ của con” (Ga 19,26-27); 2. “Tôi khát” (Ga 19,28); 3. “đã hoàn tất” (Ga 19,30). Con một lời nữa, cả tác giả Mátthêu và Máccô ghi lại: “Lạy Thiên Chúa của Con, lạy Thiên Chúa của Con, sao Người bỏ rơi con” (Mc 15,34; Mt 27,46). Tất cả làm thành bảy lời của Đức Giêsu trên thập giá (x. M.D. Hamm, “Luke”, 1098-1099).
[7] Đây là tiếng kêu trích từ Thánh Vịnh 22, được hiểu theo hai cấp độ nghĩa. Cấp độ nghĩa thứ nhất, tiếng kêu này cho thấy Đức Giêsu đi đến tận cùng của sự đau khổ của con người. Đó là sự đau khổ bị Chúa bỏ rơi. Tuy nhiên, vì đó là một lời cầu nguyện Thánh Vịnh, mặc dùng ngôn ngữ kết án, nó diễn tả cách nghiêm túc tương quan giữa Đức Giêsu và Chúa Cha, và vì thế, cuối cùng không diễn tả một nỗi tuyệt vọng. Cấp độ nghĩa thứ hai đến từ thực tế rằng lời cầu nguyện này bắt đầu một Thánh Vịnh mà chuyển dịch từ phàn nàn cho đến nguyện cầu và cuối cùng là tạ ơn. Vì vậy, lời cầu nguyện này đi từ kinh nghiệm bị bỏ rơi đến hy vọng tràn trề (x. M.D. Hamm, “Luke”, 1099).
[8] L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 382.