Ngày tháng: 10/05/2025
Đang truy cập: 17

Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C (2/2)

CÚI XUỐNG VÀ NGẨNG LÊN.
Chú Giải Tin Mừng CN V MC C (Ga 8,1-11)

6.     Cúi xuống … viết trên đất … ngẩng đầu lên … nói[9]: Chuỗi hành động tương ứng “cúi xuống – viết trên đất và ngẩng lên – nói” là mấu chốt trong phản ứng của Đức Giêsu trước cái bẫy mà nhóm Kinh Sư – Pharisêu giăng ra trước mặt Người. Cúi xuống có thể biểu trưng là sự hạ mình ngang hàng với người phụ nữ đang bị vùi dập vì tội lỗi (Pl 2,1-11)[10]. “Viết trên mặt đất” có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, Đức Giêsu có thể vẽ vu vơ để tránh tham gia vào trò chơi nham hiểm của nhóm Kinh Sư – Pharisêu. Người đang giảng dạy dân chúng những điều tốt lành, thì nhóm này cắt ngang để kéo Người vào trò chơi giết người của họ. Thứ hai, có thể đó là một “kế hoãn binh” để mọi người phải suy nghĩ thêm về bản án nặng nề này. Khoảng thời gian Đức Giêsu “viết trên đất” lần thứ hai là khoảng thời gian dân chúng đã phản tỉnh cách nghiêm túc. Thứ ba, hành động này cũng có thể gợi nhớ đến việc Thiên Chúa viết Lề Luật trên hai tấm bia Giao Ước[11]. Đức Giêsu có thể ngụ ý rằng, Thiên Chúa đã viết Luật Giao Ước trên bia đá giao cho ông Môsê công bố cho dân và ông Môsê đã công bố những điều luật liên quan đến việc ném đá người phụ nữ ngoại tình. Tuy nhiên, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, cũng có thể viết thêm những điều luật tha thứ, với lời mời gọi biến đổi con người cũ, con người tội lỗi, thành con người mới, thánh thiện hơn. Tác giả R. Brown ghi lại nhiều lời đề nghị qua các thời cho nội dung mà Đức Giêsu viết trên đất: (1) Truyền thống từ thời thánh Giêrônimô và còn tìm thấy trong bản chép tay của Thánh Kinh ngôn ngữ Armenia cho rằng Người viết tội của những người kết án; (2) Tác giả Manson cho rằng trong luật Rôma, vị chánh án viết bản án trước rồi đọc to lên. Có nghĩa rằng Đức Giêsu viết câu “Hãy để người không có tội trong các ông ném đá cô ấy trước”; (3) Những người khác nghĩ rằng hành động của Đức Giêsu liên quan đến Gr 17, 13: “Những người lìa bỏ Người sẽ bị viết lên mặt đất, vì họ đã bỏ rơi Chúa, nguồn nước hằng sống”; (4) Tác giả Derrett nghĩ rằng theo câu 6, Đức Giêsu viết câu Xh 23, 1b: “Ngươi không được cấu kết với người xấu (làm nhân chứng xấu)”; (5) Đức Giêsu vẽ bâng quơ trên đất trong khi Người suy nghĩ[12]. G. Beasley-Murray, trích dẫn tác giả Jeremias, cho rằng một sự thinh lặng kêu mời sự hoán cải[13].

Hai lần người ngẩng lên là hai lần Người mang lại sự khác biệt cho cả đám đông và người phụ nữ. Lần thứ nhất, Người ngẩng lên để hướng về đám đông, nhất là nhóm Kinh Sư – Pharisêu, với một đề nghị khiến họ phải tự vấn lương tâm: “Hãy để người vô tội (ἀναμάρτητος) trong các ông ném đá cô ấy trước tiên” (8, 7)[14]. Tất cả những người có ý định ném đá người phụ nữ bỗng giật mình trước khái niệm “người vô tội”. Họ chợt nhận ra rằng “người vô tội” chỉ là một khái niệm trừu tượng, không có trong thực tế. Thực tế, chỉ có một mình Đức Giêsu là “người vô tội” (x. Mt 27, 4; Hr 7, 26) mà thôi. Ai cũng biết trong suốt cuộc đời, họ đã phạm không biết bao nhiêu tội. Có thể là họ đã không phạm tội ngoại tình công khai, bị người ta bắt, nhưng đã từng phạm mà không ai biết, hoặc là những tội khác còn nghiêm trọng hơn tội ngoại tình. Vậy thì, lấy tư cách gì họ có thể mạnh dạn kết án người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Lần thứ hai, Người ngẩng lên hướng về người phụ nữ tội nghiệp. Người bắt đầu mở ra cuộc đối thoại với bà. Người gọi bà bằng một danh xưng long trọng “này người phụ nữ” (γύναι).

7.     “Bỏ đi từng người một … bắt đầu từ những người lớn tuổi”: Sau khi nghe, họ lũ lượt rời khỏi. Hình thức bỏ đi của họ được diễn tả cách cụ thể là “từng người một” (εἷς καθ᾽ εἷς) và “bắt đầu từ những người già hơn”. Họ không còn ồn ào, ồ ạt như lúc họ kéo đến: Một nhóm Kinh Sư và những người Pharisêu. Giờ đây, sau khi phản tỉnh từng người trong họ tách ra, lầm lũi bỏ đi. Cảnh tượng này có thể ví như là những con sói đang chuẩn bị xơi tái con mồi mà chúng vừa bắt được nhưng bỗng thấy một chú hổ đến, thế là chúng bỏ của chạy lấy người. “Bắt đầu từ người già hơn” có lẽ những “người già hơn” nhận ra thân phận tội lỗi của mình sớm hơn những người trẻ hơn.

8.      Người phụ nữ bị bỏ lại một mình ở giữa: Người phụ nữ vẫn bị động như lúc đầu. Bà được mang đến, được bố trí ở giữa, và bây giờ bà bị bỏ lại một mình, ở giữa. Người phụ nữ lần đầu tiên được hỏi đến như một đối tượng giao tiếp. Bà không còn là một “con mồi” nữa nhưng là một “con người”, dù là người tội lỗi[15]. Đức Giêsu không hỏi bà về tội lỗi của bà nhưng chia sẻ niềm vui với bà, niềm vui vì “không ai kết án”. Bà cũng gọi Đức Giêsu bằng một danh xưng long trọng “κύριε” (Chúa, chủ, ngài). Những người Pharisêu và Kinh Sư gọi Đức Giêsu là “thầy” (διδάσκαλε) vì Người đang ngồi và dạy dân chúng trong vị thế một người thầy. Người thầy như ông Môsê bị buộc phải là một thẩm phán thực thi luật của ông Môsê để giết chết một người. “Đức Chúa”, “Ông chủ” được tự do tha thứ và cứu thoát con người. Đức Giêsu, cuối cùng, đã trả lời gọn ghẽ, trọn vẹn cho câu hỏi của nhóm Kinh Sư và Pharisêu: “Theo Luật, ông Môsê ra lệnh cho chúng tôi ném đá người phạm loại tội này, còn thầy, thầy nghĩ sao?”. Đức Giêsu trả lời rằng: “Tôi không lên án bà đâu và không ai lên án bà cả, bà hãy đi đi và từ nay về sau đừng phạm tội nữa”. Câu trả lời này Đức Giêsu dành cho người phụ nữ, chứ không phải cho nhóm những người muốn kết án cô.

9.     Này, người phụ nữ (γύναι)[16]: Cách gọi này rất khó chuyển ngữ trong Tiếng Việt. Bản Tiếng Anh là “woman!” (ESV); Tiếng Pháp là “femme!” (TOB), Tiếng Ý là “Donna!” (CEI). Tiếng Việt tương đương phải là “người đàn bà!” hoặc là “người phụ nữ!”. Bản Tiếng Việt “Bà kia!” (NTT) hay “Này chị!” (CGKPV) vẫn không cho thấy được sự độc đáo của cách xưng hô này. Cách dịch sát nghĩa phải là “Này người phụ nữ”. Tin Mừng thứ tư ghi lại nhiều lần nhất Đức Giêsu sử dụng cách xưng hô này (5 lần), trong đó hai lần Người dùng nó để xưng hô với thân mẫu Người. Lần thứ nhất, trong bối cảnh tiệc cưới tại Cana, Đức Giêsu đã dùng danh xưng này trong lời đáp lại nhắc nhở của Đức Maria: ‘Họ hết rượu rồi’. Người đã nói rằng: “Này người phụ nữ, việc đó có liên can gì đến bà và đến tôi, giờ của tôi chưa đến” (2, 4). Lần thứ hai, trong bối cảnh dưới chân thập giá, Đức Giêsu trao môn đệ Người yêu mến lại cho mẹ mình: “Này người phụ nữ, đây là con của bà” (19, 26). Người cũng dùng danh xưng này để gọi người phụ nữ Samari (4, 21: Này người phụ nữ! Hãy tin Tôi, giờ đến khi người ta thờ phượng Chúa Cha không phải trên núi này cũng chẳng phải ở Giêrusalem). Khi gọi Maria Madalena, Đức Giêsu cũng dùng cách gọi này: “Này người phụ nữ! Tại sao bà khóc? Bà đang tìm ai?” (Ga 20, 15). Đức Giêsu thường dùng cách gọi này cho nhiều người phụ nữ khác nhau. Như vậy, xem ra Người dùng danh xưng này cho cả người thân quen và người xa lạ. Trong bối cảnh này, người phụ nữ phạm tội ngoại tình có vẻ không thân quen với Người cũng như người phụ nữ Samari. Đây là cách gọi vừa mang tính lịch sự, vừa tôn trọng nhân vị người phụ nữ như đã được Chúa tạo nên. Người phụ nữ đầu tiên cũng được gọi là “người phụ nữ [אִשָּׁ֔ה] vì đã được rút ra từ đàn ông [אִ֖ישׁ]”. Nghĩa là một người đại diện cho toàn thể nhân loại và có đầy đủ nhân phẩm và địa vị như Chúa đã tạo thành.

10.  Hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa: Mệnh lệnh này là một hành trình gồm hai bước. Thứ nhất, Đức Giêsu công bố ơn tha thứ và ơn giải thoát cho người phụ nữ mà người ta muốn xử tử. Thứ hai, Đức Giêsu mời gọi một tiến trình hoán cải qua việc thay đổi lối sống của mình. Khi nói “đừng phạm tội nữa”, Đức Giêsu nhìn nhận tội lỗi của người phụ nữ và chắc chắn người phụ nữ cũng biết rõ điều này. Mệnh lệnh “đừng phạm tội nữa” không chỉ hạn chế vào việc xa lánh tội lỗi, mà còn phải làm những điều tốt lành. Chừa bỏ tội lỗi chỉ là một phần của quá trình hoán cải. Hoán cải bao gồm cả từ bỏ những thói hư tật xấu và sinh những hoa trái tốt lành “xứng với lòng hoán cải” (Lc 3, 8). “Đừng phạm tội nữa” cũng là mệnh lệnh mà Đức Giêsu dành cho người bại liệt đã được chữa khỏi tại hồ Bếtdatha: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa kẻo phải khốn hơn trước” (Ga 5, 14). Những người Pharisêu muốn Đức Giêsu kết án người phụ nữ, nhưng Đức Giêsu đã công bố ơn tha thứ cho bà, giữ lại sự sống cho bà. Không những thế, Người còn mang lại cho bà một lối sống mới: Bắt đầu một hành trình không tội lỗi và sinh nhiều hoa thơm trái ngọt trong đời sống mới. Điều này rất hợp với mục đích và sứ mạng của Đức Giêsu được nói đến trong Tin Mừng Gioan. Ngay từ đầu Người được giới thiệu là “sự sống được tạo thành và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1, 4). “Người là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14, 6). Người đến “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Người là bánh ban sự sống mà bất kỳ ai ăn thì sẽ được sống đời đời (Ga 6,51.58). Hơn nữa, Người được ông Gioan Tẩy Giả giới thiệu như là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29). Trong đó, chắc chắn có tội của người phụ nữ này.

Bình Luận Tổng Quát

Đức Giêsu trở lại đền thờ sau một đêm cầu nguyện trên núi Ôliu. Tất cả dân chúng đến để nghe Người giảng. Tuy nhiên, hôm nay Người không chỉ có giảng thôi và trong số những người đến đó, không phải ai cũng nghe Người giảng. Có những người đến chỉ để bày mưu, tính kế đánh bẫy Người. Họ buộc Người phải xử án vì Người đang ngồi giảng trong vị thế giống với Ông Môsê. Nhóm người Pharisêu và các Kinh Sư là những người am hiểu và tôn trọng Lề Luật. Họ đến với Đức Giêsu không phải để nghe Người giảng mà để tìm cớ buộc tội Người. Có lẽ, họ đã từng nghe Người giảng về lòng thương xót, tha thứ, và trao ban sự sống cho con người. Họ đến đền thờ, mang theo một người phụ nữ, được sử dụng như một công cụ. Người phụ nữ bị lôi vào cuộc một cách thụ động vì chị đã phạm tội ngoại tình. Họ thách thức Đức Giêsu áp dụng lòng thương xót, tha thứ cho một người phạm tội mà theo luật Môsê sẽ bị ném đá. Họ muốn xem liệu Đức Giêsu có khả năng ban sự sống cho một người đã phạm tội chết. Đứng trước sự thử thách, âm mưu thâm độc ấy Đức Giêsu phản ứng một cách bình thản: “Cúi xuống và viết trên đất”. Người tỏ vẻ dửng dưng, không muốn tham gia vào trò chơi của họ và cũng xót xa cho thân phận của một phụ nữ bị biến thành công cụ của người khác. Câu trả lời Người đã có nhưng không phải để trả lời cho họ, mà là cho người phụ nữ. Sự dửng dưng điềm tĩnh của Người khiến cho họ cảm thấy nóng lòng và tiếp tục thúc ép. Người đáp trả cho họ: “Hãy để cho người nào vô tội trong các ông ném đá chị ấy trước đi”. Nghĩa là, không phải là có được ném đá người này theo luật hay không nhưng là ai mới có đặc quyền ném hòn đá đầu tiên. Thay vì trả lời cho họ là ném đá hay không ném đá, Đức Giêsu buộc họ phải tự vấn lương tâm xem mình có xứng đáng để ném hòn đá đầu tiên hay không. Trên thực tế, không một ai có đủ tiêu chuẩn để ném hòn đá đầu tiên hay không. Người càng già thì càng thấy mình không đủ tiêu chuẩn. Họ rút lui từng người một mang theo sự nhận thức rõ ràng về tội lỗi của mình. Thay vì buộc tội Đức Giêsu, họ lại bị Đức Giêsu vạch trần tội lỗi. Người phụ nữ bị bỏ lại một mình giữa đền thờ cùng với Đức Giêsu. Hẳn bà ta cảm thấy lo sợ trước Đấng không phạm tội, người duy nhất có đủ tiêu chuẩn để ném đá bà. Tuy nhiên, tiếng gọi biểu lộ sự tôn trọng của Đức Giêsu - “này người phụ nữ” – làm cho chị cảm thấy nhẹ nhõm. Đức Giêsu khởi đầu cuộc đối thoại với người phụ nữ, người vốn bất động như một công cụ trong tay người khác. Giờ đây, bà đã có thể lên tiếng nói chuyện với Đức Giêsu. Đức Giêsu không phủ nhận lỗi lầm của bà, và chắc chắn rằng người phụ nữ cũng nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của mình. Thay vì kết án, Đức Giêsu mời gọi người phụ nữ “hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. “Hãy đi” nghĩa là một mệnh lệnh trao trả lại tự do cho người phụ nữ. Bà đã có thể chủ động bước đi, không còn bị người ta dẫn đến và đặt ở giữa nữa. “Từ nay đừng phạm tội nữa” là mệnh lệnh về một sự sống mới, một lối sống hoán cải bao gồm chừa bỏ những thói hư, tật xấu và làm những điều tốt lành, thiện hảo. Đối với người phụ nữ, Đức Giêsu không chỉ là “một thầy dạy”, hay một quan tòa. Bà gọi Người là “Chúa”, “Chủ”, hay “Ngài” bởi bà cảm nhận nơi Người sự cảm thông, tôn trọng, và tha thứ vô bờ bến. Ngay sau câu chuyện này Đức Giêsu công bố rằng: “Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12). Quả thực, Người đã mang lại cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình một ánh sáng mới, ánh sáng tha thứ, ánh sáng mang lại một lối sống mới, lối sống mang lại sự sống đời đời.

Trong đời người, có nhiều khi người ta dễ biến chính mình thành công cụ để đổi chác một mối lợi nào đó, danh tiếng, hay khoản tiền bạc nào đó. Có những người biến người khác thành công cụ để phục vụ cho sở thích, đam mê của mình. Biết bao nhiêu phụ nữ và trẻ em trên thế giới bị buôn bán và trở thành công cụ của kẻ khác. Có biết bao người đang trở thành nô lệ của kẻ khác, không thể sống đúng nhân phẩm của một con người. Cũng có nhiều khi người ta mạnh dạn, tàn ác ném đá người khác vì những lỗi lầm của họ, nhưng lại độ lượng với chính những lỗi lầm nặng nề của mình. Đức Giêsu đã cứu lấy mạng sống của người phụ nữ. Người phục hồi địa vị, nhân phẩm và quyền sống cho người phụ nữ. Trong cách xử lý của Đức Giêsu, người ta thấy một con người được tôn trọng đúng mức. Đức Giêsu cho thấy rằng con người ta dù có tội lỗi đến đâu vẫn còn căn tính con người nơi mình và còn một chặng đường phía trước để thay đổi và hoàn thiện. Người cũng nhắc nhở người ta về thân phận tội lỗi của mình. Để rồi cảm nhận được sự thiết thực của lời dạy của Người: “Đừng xét xử để không bị xét xử, đừng kết án để không bị kết án” (Lc 6, 37) và “hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót” (Lc 6, 36).

---Hết---

Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Nguồn: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2022/03/cui-xuong-va-ngang-len-chu-giai-tin.html (Cập nhật ngày 03/04/2025)


[9] According to F. Moloney, “it is best understood as a sign of indifference, and even disappointment with the proceedings, Jesus turns away from this dramatic scene and ignores the question asked of him.” (F.J. Moloney, The Gospel of John, 261).

[10] Y. Simoens, Evangelo Secondo Giovanni, 245.

[11] Y. Simoens, Evangelo Secondo Giovanni, 248.

[12] R.E. Brown, The Gospel according to John (I–XII). Introduction, translation, and notes, 334.

[13] G.R. Beasley-Murray, John, 146.

[14] “The word of Jesus challenged their behavior, their motives, and their life in the sight of God, and they failed the test” (G.R. Beasley-Murray, John, 146).

[15] She is addressed as "you" (se) is now no longer an object, a necessary evil, but someone who can enter into a relationship with Jesus (261-262).

[16] X. J.P.D. Thạch, “Từ Đức Tin của Thân Mẫu Đức Giêsu đến Đức Tin của các Môn Đệ. Chú giải Tin Mừng CN II TN C (Ga 2,1-12)”, [LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI ῥήματα ζωῆς αἰωνίου: TỪ ĐỨC TIN CỦA THÂN MẪU ĐỨC GIÊSU ĐẾN ĐỨC TIN CỦA CÁC MÔN ĐỆ. Chú Giải Tin Mừng CN II TN C (Ga 2,1-12) (josephpham-horizon.blogspot.com)].

zalo
zalo