TỪ NGHỀ NGƯ PHỦ ĐẾN ƠN GỌI TÔNG ĐỒ.
Chú giải Tin Mừng CN V TN C (Lc 5,1-11)
8. Người tội lỗi: Sau mẻ cá lạ lùng ông Phêrô như bị khuất phục hoàn toàn[6]. Trái với nổi thất vọng, chán chường và lời nói có vẻ thách thức trước đó, giờ đây ông quỳ gối xuống trước mặt Đức Giêsu. Ông Simôn, trong khoảnh khắc chấn động của nội tâm, không còn nghĩ gì đến chiếc thuyền đầy cá. Điều ông nghĩ đến duy nhất lúc ấy là thân phận tội lỗi của mình. Đó là một cuộc gặp gỡ đích thực giữa Đấng “giải thoát dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 21), Đấng thường lui tới ăn uống, bầu bạn với những người thu thuế và những người tội lỗi (Lc 15,1-3) và một tội nhân. Không ai biết được ông Simôn, một người chài lưới chất phác, có tội gì ghê gớm, nhưng thái độ của ông cho thấy một cuộc tiếp xúc thật sự giữa sự thánh thiêng và cái gì đó phàm tục, giữa nhân loại tội lỗi và Thiên Chúa thánh thiện. Sự nhạy cảm ấy làm cho ông nhận ra mình bất xứng, tanh hôi trước Đấng Thánh của Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc hối hận này là hình ảnh báo trước cho một cuộc gặp gỡ mang tính quyết định vận mạng của ông sau này. Trong cuộc Thương Khó của Đức Giêsu ông đã chối Đức Giêsu ba lần, nhưng Đức Giêsu đã đoái nhìn đến ông với một đôi mắt nhân từ, nhờ đó, ông đã thay đổi hoàn toàn.
9. Thưa thầy (ἐπιστάτα)…lạy Chúa (κύριε): Cách xưng hô của ông Simôn đã biến đổi từ “thưa thầy” (epistates) cho đến “lạy Chúa” (Kyrios). Danh xưng “thầy” (epistates) là danh xưng dành cho Đức Giêsu chỉ có trong Tin Mừng Luca[7]. Ông Phêrô là người sử dụng nhiều nhất. Có đến bốn lần (trong toàn bộ sáu lần), ông dùng danh xưng này để gọi Đức Giêsu (Lc 5, 5 ; 8,24.45 ; 9, 33). Ngoài ông Phêrô, ông Gioan cũng dùng danh xưng này một lần để gọi Đức Giêsu (Lc 9, 49). Không chỉ các môn đệ mà những người phong hủi cũng gọi Đức Giêsu với danh xưng này: “Lạy thầy Giêsu xin thương xót chúng tôi” (Lc 17, 13). Điều này cho thấy rằng đây là danh xưng phổ biến mà người ta dành cho một bậc thầy thời ấy chứ không phải là cách gọi riêng của các môn đệ dành cho thầy mình. So với danh xưng “epistates” (thầy), danh xưng “kyrios” (chủ, Chúa, Ngài) được dân chúng, cũng như các môn đệ dùng nhiều hơn trong Tin Mừng để gọi Đức Giêsu. Riêng trong Tin Mừng Luca, có đến 18 (trong toàn bộ 27 lần) lần danh xưng này được dùng cho Đức Giêsu. Những nhân vật dùng danh xưng này cho Đức Giêsu bao gồm: Các môn đệ (9, 54; 10, 17; 11, 1 ; 17, 37; 22,38.49), những người được gọi (9,59.61), người phong hủi (5,12), một người nào đó (13, 23), người mù (18, 41), người đại đội trưởng (7, 6), cô Mátta (10, 40), ông Dakêu (19, 8). Riêng ông Phêrô gọi Đức Giêsu bằng danh xưng này ba lần (5, 8; 12, 41; 22, 33). Ngoài lần này (5, 8), ông còn gọi Đức Giêsu để hỏi rằng liệu Đức Giêsu dùng dụ ngôn “đầy tớ sẵn sàng chờ đợi chủ » cho riêng các môn đệ hay cho tất cả mọi người (Lc 12,35-41). Lần thứ hai là lần ông long trọng hứa với Đức Giêsu sẽ cùng chết với Người: “Lạy Chúa, con sẵn sàng đi với Người vào tù hay vào cõi chết” (22, 33). Như vậy, có thể nói rằng, bình thường ông Phêrô hay dùng danh xưng “thầy” (epistates) để gọi Đức Giêsu nhưng trong những phát biểu quan trọng, ông dùng danh hiệu “Chúa, chủ, Ngài”. Đặc biệt trong trình thuật này, ông đã có hai cách dùng khác nhau, cách gọi đầu tiên (thưa thầy !), dùng để diễn tả sự tôn trọng dành cho một vị thầy dạy, trước khi xảy ra phép lạ; cách thứ hai (Lạy Chúa !), dùng để diễn tả sự nhận biết về một ngôn sứ của Chúa, cùng với sự thánh thiêng của Người, đồng thời lột trần thân phận tội lỗi của ông.
10. Bỏ hết mọi sự … Đi theo Người : Hai hành động này phải đi cùng với nhau. Muốn “đi theo” thì phải “từ bỏ”. Tính từ “tất cả” (πάντα) đi sau động từ “từ bỏ” diễn tả sự triệt để của hành vi từ bỏ. Trong khi ông Simôn cầu xin Đức Giêsu: “Hãy đi khỏi con (ἔξελθε ἀπ᾽ ἐμοῦ), vì con là một con người tội lỗi”, Đức Giêsu lạị chọn gọi ông làm những người “đánh bắt người ta”. Ngữ giới từ “từ bây giờ” được dùng nhiều lần trong các tác phẩm của tác giả Luca (1, 48 ; 2, 52 ; 22,18.69 ; Cv 18, 6) nhấn mạnh sự cắt đứt với quá khứ của ông Simôn và các môn đệ. Sự cắt đứt dứt khoát này được cụ thể hoá trong việc bỏ mọi sự và đi theo Đức Giêsu (5, 11)[8]. Đây quả thực là một kết quả mỹ mãn cho lần giảng dạy của Đức Giêsu trên bờ hồ Ghennêxarét. Đức Giêsu khởi đầu bằng việc giảng dạy cho dân chúng nhưng lại kết thúc bằng việc thu nhận bốn môn đệ đầu tiên. Khởi đầu câu chuyện, Người dùng thuyền của ông Simôn để giảng dạy và các ngư phủ dường như dửng dưng giặt lưới ngoài thuyền; kết thúc câu chuyện, ông Simôn làm theo lời Người, thả lưới, bắt được nhiều cá và nhất là bỏ hết mọi sự để theo Người. Sau phép lạ bắt được mẻ cá không tưởng, họ chợt nhận ra chân thiện mỹ, nhận ra lẽ sống và lối sống mà họ phải theo đuổi. Đó là sứ vụ theo Chúa. Sứ vụ ấy vượt xa khỏi những mối lợi kinh tế hay bất cứ thứ gì mà họ đã thu tích bấy lâu. Ông Simôn cùng đồng bạn là biểu tượng cho sự hoán cải (metanoia), thay đổi cuộc sống cách hoàn toàn để mặc lấy lối sống của Chúa. Sự tử bỏ của cải trong Tin Mừng Luca là biểu tượng của việc từ bỏ chính mình[9].
Bình luận tổng quát
Lc 5,1-11 là câu chuyện nằm trong loạt trình thuật nói về việc giảng dạy và làm phép lạ của Đức Giêsu. Tuy nhiên, trình thuật hiện tại là một trình thuật đặc trưng về ơn gọi Tông Đồ. Ơn gọi này phát xuất từ Đức Giêsu và với sự cộng tác của những người xem ra thấp hèn trong cái nhìn của những người đồng hương. Câu chuyện của Luca dường như là sự kết hợp hoàn hảo giữa hai câu chuyện của hai tác giả Tin Mừng khác nhau. Câu chuyện thứ nhất của tác giả Máccô (và của Mátthêu), kể về việc Đức Giêsu tuyển chọn bốn môn đệ đầu tiên (Mc 1,16-20; Mt 4,18-22). Câu chuyện thứ hai là câu chuyện của tác giả Gioan, kể về sự kiện Đức Giêsu phục sinh tỏ mình ra cho các môn đệ trên biển hồ Tibêria, lúc các ông đang quay về công việc đời thường. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa câu chuyện của Gioan và câu chuyện của tác giả Luca. Tác giả J. Fitzmyer liệt kê ít nhất 10 điểm khác giống nhau giữa hai câu chuyện này : (i) Các môn đệ đánh cá suốt đêm và không bắt được gì; (ii) Đức Giêsu chỉ dẫn đánh bắt cá lại ; (iii) Họ theo chỉ dẫn và lưới đầy cá; (iv) Mẻ cá ảnh hưởng đến chiếc lưới; (v) Ông Simôn phản ứng với mẻ lưới; (vi) Đức Giêsu được gọi là “Chúa”; (vii) Những người khác tham gia vào mẻ lưới nhưng không nói gì; (viii)
Sự đi theo xảy ra vào cuối câu chuyện ; (xix) Mẻ cá biểu trưng cho sự thành công của nỗ lực truyền giáo; (x) Những từ giống nhau được sử dụng, đặc biệt là cách gọi tên kép Simôn Phêrô, vốn chỉ xảy ra trong câu chuyện này của tác giả Luca[10]. Sự kết hợp tài tình của tác giả Luca vừa giải quyết được thắc mắc về tình tiết gấp gáp ngắn gọn trong trình thuật Đức Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên (Đức Giêsu đi ngang qua và gọi các ông); vừa lý giải tại sao tông đồ trưởng Simôn Phêrô có vị thế trổi vượt hơn các Tông Đồ khác. Sự việc thuyền của ông Simôn được chọn làm bục giảng và sau đó câu chuyện xảy ra với riêng ông dẫn đến việc ông được tuyển chọn đầu tiên cho thấy ông có vị thế nổi bật so với những môn đệ còn lại, những người tham gia vào lời mời gọi của ông và đáp trả cùng với ông[11]. Tác giả Luca cho thấy sự kiện Đức Giêsu tuyển chọn bốn môn đệ đầu tiên có khung cảnh là một dấu lạ làm cho các ông phải khuất phục.
Câu chuyện bắt đầu bằng việc đám đông chen lấn Đức Giêsu để nghe Lời của Thiên Chúa. Lời của Thiên Chúa là lời được Đức Giêsu giảng dạy và cũng là chính Đức Giêsu. Nội dung lời giảng dạy không được ghi lại. Chỉ biết rằng, sau khi kết thúc giảng dạy Đức Giêsu dường như tách khỏi đám đông để gặp gỡ một con người cụ thể. Người đó chính là chủ của một trong hai chiếc thuyền trống mà Đức Giêsu đã chọn làm bục giảng. Simôn Phêrô được diễn tả là một trong những người đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới sau một đêm làm ăn thất bại. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại “lôi” ông vào thuyền để đưa chiếc thuyền ra xa bờ một chút. Ông Simôn bỗng chốc trở thành người “trợ giảng bất đắc dĩ », chuẩn bị bục giảng cho thầy Giêsu. Có lẽ ông đã từng biết Đức Giêsu trước đó vì Người đã đến nhà bà mẹ vợ của ông để chữa lành bệnh sốt cho bà (Lc 4,38-39), nhưng không mấy ấn tượng. Hôm nay, Đức Giêsu đến gặp ông. Người từ bước đối thoại với ông. Sau những lời giảng dạy chung dành cho dân chúng từ chiếc thuyền của ông, Người lại mời gọi ông “mang thuyền ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Với kinh nghiệm của một người đánh cá chuyên nghiệp, ông đã cố gắng giải thích cho Đức Giêsu hiểu rằng lời khuyên của Người chẳng có ích gì. Họ đã vất vả làm việc suốt cả đêm mà không bắt được gì, thì bây giờ, giữa ban ngày làm sao bắt được cá. Hơn nữa, Đức Giêsu chỉ là một thầy giảng, biết gì về việc đánh cá mà khuyên. Tuy nhiên, vì cả nể thầy Giêsu, ông sẵn sàng thả lưới lại lần nữa. Có thể nói rằng, tuy ông không chen lấn để nghe Lời Chúa, nhưng ông đã nghe và làm theo chỉ dẫn của Đức Giêsu. Kết quả của cuộc đánh bắt, ban ngày, trong chốc lát, là quá sức tưởng tượng của ông. Phép lạ mẻ cá lạ lùng ấy đã giúp ông mở mắt ra và gặp được chính Chúa. Từ cách xưng hô “thưa thầy” như bao người khác, ông chuyển thành cách gọi dành cho thần linh “lạy Chúa”. Hơn nữa, ông bỗng nhận ra thân phận tội lỗi của mình trước một Đấng thánh thiện. Ông cảm thấy mình không xứng đáng được ở gần Đức Giêsu, và mời Người đi xa khỏi ông. Nghịch lý thay, Đức Giêsu lại muốn ông luôn ở bên cạnh Người, thậm chí còn đặt ông làm người đứng đầu nhóm Mười Hai. Đức. Đó là cách hành xử của Đấng Mêsiah đến để tìm và cứu những gì đã mất, để kêu gọi những tội lỗi ăn năn hối cải. Có thể nói rằng, ông Simôn đã nhạy cảm đủ để thấy mình nhơ bẩn trước sự tinh tuyền của Chúa. Tuy nhiên, ông vẫn chưa nhận thức đủ tội lỗi của mình cho đến khi ông chối Chúa ba lần và gặp lại Chúa sau phục sinh trong câu chuyện của tác giả Gioan (Ga 21,1-19).
Có nhiều lúc trong cuộc đời, vào lúc thất bại trong công việc làm ăn thường ngày, chán chường, thất vọng, Đức Giêsu đi qua và giảng dạy. Người mời gọi những người thợ kinh nghiệm lâu năm dám tin vào Người để làm điều trái ngược với tự nhiên, như kiểu đánh cá giữa bàn ngày. Nếu dám tin và dám thử làm theo hướng dẫn của Đức Giêsu thì sẽ có dấu lạ. Dấu lạ của Chúa phải mang đến cho người ta nhận thức về sự hiện diện của Chúa trong đời mình và nhận ra con người mình cách rõ ràng, để rồi nhờ lòng nhân hậu Chúa, con người sẽ được biến đổi để nên giống Chúa hơn, và chỉ biết sống cho Chúa mà thôi.
---Hết---
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Nguồn: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2022/02/tu-nghe-ngu-phu-en-on-goi-tong-o-chu.html (Cập nhật ngày 18/02/2025)
[6] “The miraculous regularly leads to faith in Luke; although Peter’s response is not explicitly one of faith, he does respond in trust and discipleship” (Ibid.).
[7] “Only Luke uses it, whereas the Synoptic parallels have either didaskale, “Teacher,” or rabbi, “Rabbi” (J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 566).
[8]J.B. Green, The Gospel of Luke, 235.
[9]L.T. Johnson, The Gospel of Luke, 90.
[10] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 561.
[11] J.A. Fitzmyer, The Gospel according to Luke I–IX, 566.