Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật VII Thường Niên - Năm C (Lc 6,27-38)
NHỮNG HÀNH ĐỘNG NGƯỢC ĐỜI CỦA NHỮNG NGƯỜI MÔN ĐỆ
6. Đâu là sự tốt lành dành cho anh em? (ποία ὑμῖν χάρις ἐστίν). Câu hỏi này được lặp lại ba lần (6,32.33.34) như một điệp khúc nhằm cật vấn các môn đệ, cũng như các độc giả về lòng tốt của họ. Câu hỏi này giả định rằng những người môn đệ của Đức Giêsu phải ước muốn một sự tốt lành trổi vượt hơn những người khác. Nói theo kiểu Đức Giêsu của tác giả Mátthêu là, họ phải «công chính hơn các Kinh Sư và những người Pharisêu» (Mt 5, 20); Hay là «hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện» (Mt 5, 48). Nếu các môn đệ không có khao khát một sự hoàn thiện như Cha của họ trên trời và một sự công chính hơn các Kinh Sư và những người Pharisêu, thì câu hỏi của Đức Giêsu trở nên vô nghĩa đối với họ. Câu hỏi của Đức Giêsu giúp cho họ nhìn nhận mức độ tốt lành tầm thường của họ và tiếp tục vươn lên cho đến mức hoàn thiện.
7. Những người tội lỗi (οἱ ἁμαρτωλοὶ): Tác giả Mátthêu dùng nhân vật «những người thu thuế » (Những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ?) thay cho «những người tội lỗi». Hai loại nhân vật này thường đi với nhau và đều bị xem là xấu như nhau trong con mắt của những người Do Thái (Mt 9,10.11; 11, 19 ; Mc 2,15.16). Tác giả Luca có cái nhìn khá tích cực và lạc quan với những người tội lỗi. Họ là những người được Đức Giêsu ưu tiên nhắm đến trong sứ vụ rao giảng của Người: «Người đàn ông này đón tiếp những người tội lỗi và ăn uống với chúng». Luca là tác giả sử dụng danh xưng «những người tội lỗi » nhiều nhất trong tất cả các tác giả sách Tin Mừng (Lc : 6 lần [6,32.33.342 ;13, 2 ; 15, 1] ; Mt : 1 lần [9, 10] ; Mc : 1 lần [2, 15] ; Ga : 0 lần). Luca cũng là tác giả duy nhất kể dụ ngôn «người cha nhân hậu» kèm theo hai dụ ngôn «đồng bạc bị mất» và «con chiên lạc» để biện minh cho lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho những người tội lỗi (Lc 15,1-32). Riêng trong đoạn văn này danh xưng «những người tội lỗi» được lặp lại bốn lần liên tục, như một điệp khúc, nhằm nhấn mạnh đến lòng tốt bình thường của «những người tội lỗi» so với lòng tốt mà các môn đệ phải vươn tới. «Những người tội lỗi» cũng biết yêu thương những người yêu thương họ. Họ cũng biết đáp trả lại ân tình của người khác dành cho họ và họ cũng cho vay và lấy lại sòng phẳng. Những cách cư xử này hẳn là những điều tốt nhưng chỉ ở mức bình thường. Ai ai cũng có thể làm như thế. Thậm chí những người tội lỗi, những người được xem là không tốt, cũng thường làm như thế.
8. Con Đấng Tối Cao: Tước vị, và địa vị mà những người môn đệ phải vươn tới là «những người con của Đấng Tối Cao». Hay nói đúng hơn, họ vốn là con của Đấng Tối Cao rồi, nhưng họ chưa có được những phẩm tính tốt lành đủ để bộc lộ căn tính của mình trước thế gian. Đấng Tối Cao luôn tỏ lòng tốt với tất cả mọi người, kể cả những người xấu xa. Những phẩm tính như «yêu kẻ thù, làm điều tốt lành và cho vay mà không hy vọng lấy lại» là những phẩm tính chứng minh các môn đệ là «những người con của Đấng Tối Cao»[12] và kèm theo nhiều phần thưởng cho Đấng Tối Cao ban tặng. Trước đó, Đức Giêsu cũng hứa phần thưởng nhiều ở trên trời dành cho những người chịu bách hại (Lc 6, 23). Đức Giêsu muốn nói đến phần thưởng cánh chung hơn là phần thưởng trong cuộc sống hiện tại. Làm «con của Đấng Tối Cao» nghĩa là chia sẻ cùng địa vị với Đức Giêsu, bởi vì Người được gọi là «Con Đấng Tối Cao» (Lc 1, 32). Thánh Phaolô diễn tả hình ảnh này trong thư gửi tín hữu Rôma: «Đối với những ai Người chọn trước, Người cũng đã tiền định làm cho nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử trong số nhiều người anh em» (Rm 8, 29).
9. Hãy có lòng thương xót… tha thứ … đừng xét xử… đừng kết án: Sau khi nhắc đến những điều nên làm để chứng tỏ mình là «những người con của Đấng Tối Cao», các môn đệ lại được mời gọi hành động như Cha của mình, bắt chước Cha của mình. Đó là «hãy có lòng thương xót, như Cha của anh em cũng hay thương xót ». Đức Giêsu của tác giả Mátthêu nói rằng: «Hãy nên hoàn thiện như Cha của anh em là Đấng hoàn thiện» (Mt 5, 48). «Lòng thương xót» có thể có hai nghĩa: (1) Thương xót đối với những người nghèo khổ, đói kém ; (2) Thương xót với những người tội lỗi, cảm thông với những lỗi lầm của người khác. Trong bối cảnh này, nghĩa thứ hai có vẻ rõ nét hơn, bởi vì những hành động tiếp theo như «tha thứ», «xét xử »[13], «kết án». Như đã nói trên, Đức Giêsu có sự yêu thương cách đặc biệt đối với những người tội lỗi. Người đến để kêu gọi những người tội lỗi hoán cải. Người không ngần ngại gọi Lêvi, một người thu thuế làm Tông Đồ. Người thường đồng bàn, làm bạn với những người tội lỗi. Bộ ba dụ ngôn «đồng bạc bị mất»; «Con chiên lạc»; «Người cha nhân hậu» trong Tin Mừng Luca là hình ảnh rõ nét cho lòng thương xót dành cho những người tội lỗi. Tác giả dùng toàn là ngôn ngữ tòa án để diễn tả cách thức người môn đệ phải đối xử với những người tội lỗi. Họ được mời gọi thương xót bằng cách sẵn sàng tha thứ lỗi lầm cho người khác. Hành vi «tha thứ» giả định một sự phán xét người nào đó có tội rồi. Đức Giêsu mời gọi đi xa hơn nữa: Không những tha thứ mà còn không «xét xử». Không xét xử thì sẽ không có sự kết án, không công bố bản án. Sự tha thứ, không xét xử, không kết án, cũng không đi ra khỏi lời mời gọi «hãy yêu kẻ thù» được nhắc đến lúc đầu như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt bài giảng này. Ông Phêrô được mời gọi tha thứ đến «bảy mươi lần bảy» (vô tận) (Mt 18, 22). Đức Giêsu, trong giây phút đau khổ nhất, đã nhẹ nhàng xin Chúa Cha tha thứ cho tất cả những ai tham gia kết án và xử tội Người cách bất công (Lc 23, 34). Động lực lý tưởng nhất của những hành động này là «làm như Cha làm» (thương xót như Cha hay thương xót). Ngoài ra, mục đích của những hành động này là để nhìn nhận thân phận của mình: Mình cũng là những tội nhân, cũng cần được thương xót, được tha thứ, không muốn bị xét xử và kết án. Như vậy, ở mức độ thấp hơn, người môn đệ làm những hành động này là để tránh bị Thiên Chúa đối xử tương tự[14].
10. Cho… được cho lại: Động từ cho được lặp lại một lần nữa. Ở trên, người môn đệ được mời gọi «cho bất cứ người nào xin» họ. Ở đây, hành động cho được mở rộng hơn nữa. Đó là một thái độ cởi mở, tự nguyện, nhìn thấy nhu cầu của người khác trước khi họ cầu xin. Phúc lành «được cho lại» ở đây có thể tương tự như «nhiều phần thưởng» dành cho những người yêu kẻ thù và làm những điều tốt lành cho những người ghét mình đã được nói ở trên. Một cách lý tưởng, người môn đệ được mời gọi cho người khác, cho vay, mà không hy vọng một sự đáp đền. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không bao giờ thua kém lòng quảng đại của con người. Sự «cho lại» là những món quà tương xứng mà Thiên Chúa trao ban dồi dào cho những người luôn sống quảng đại với người khác.
11. Một cách thức đo lường tốt, đã nén, đã lắc, đổ tràn, sẽ ban cho: Hình thức «cho lại» được diễn tả một cách chi tiết với nhiều động từ (nén, lắc, đổ tràn) diễn tả sự dư đầy trong cách Thiên Chúa đáp trả cho những ai sẵn sàng cho đi. Cách diễn tả này ngụ ý rằng Thiên Chúa đã dùng mọi cách để làm đầy nhất có thể, trên một dụng cụ đo lường Người dùng để đền đáp cho con người. Thiên Chúa luôn đền đáp dư đầy những điều tốt lành người ta dành cho tha nhân.
Bình luận tổng quát
Bài giảng dưới đồng bằng (Lc 6,20-49) khởi đầu bằng những mối phúc xem ra nghịch lý với người đời (phúc cho những người nghèo, phúc cho những người đói, phúc cho những người khóc lóc, và phúc cho những người bị bách hại) và được tiếp tục cách chặt chẽ, hợp lý với những cách hành xử ngược đời của những người môn đệ. «Hãy yêu kẻ thù» quả là một lời mời gọi chấn động đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, đó lại là cách hành xử làm cho các môn đệ có thể tạo ra sự khác biệt, vượt trội so với những người còn lại. Nếu các môn đệ của Đức Giêsu chỉ yêu thương những người yêu thương họ thì lòng tốt của họ cũng chỉ bằng với những người tội lỗi không hơn không kém. «Yêu thương kẻ thù» được khai triển bằng những hành động cụ thể, đôi khi rất khắc nghiệt, được diễn tả cách chung là «làm điều tốt cho những người thù ghét mình». Cụ thể là họ phải «chúc lành cho những kẻ nguyền rủa» ; «Cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi» ; «Ai vả một bên má thì đưa cả má bên kia nữa» ; «Ai đoạt áo choàng ngoài, thì đừng cản người ấy lấy áo trong». Tất cả những hành động này có liên hệ mật thiết với mối phúc thứ tư: «Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả, và loại bỏ tên như đồ xấu xa» (Lc 6, 22). Ngoài ra, người môn đệ cũng được mời gọi thực hành mối phúc «nghèo khó» một cách triệt để khi luôn sẵn sàng rộng tay giúp đỡ những người túng thiếu khi họ kêu cầu, thậm chí họ phải nhìn thấy được những nhu cầu của người khác để rồi chủ động cho đi. Họ cũng sẵn sàng cho luôn, quên luôn món nợ mà những người cùng khổ vay mượn mình. Đó là cơ hội để người môn đệ bày tỏ lòng yêu thương đối với đồng loại, bày tỏ lòng biết ơn đối với những gì Chúa ban cho mình, trở nên thanh thoát với của cải, vật chất, và sống tinh thần phó thác nơi Cha trên trời.Khi làm những hành động ngược đời ấy, một mặt trên bình diện tâm lý, các môn đệ đang làm những điều mà họ cũng muốn người khác làm cho mình; mặt khác trên bình diện tâm linh, họ đang chứng tỏ mình là con cái của Cha trên trời, «những người con của Đấng Tối Cao». Nếu họ là những người con của Đấng Tối Cao thì họ được chia sẻ địa vị làm Con với Đức Giêsu. Căn tính là con của Đấng Tối Cao buộc các môn đệ phải luôn biến đổi để nên giống Cha mình trong mọi suy nghĩ và hành động. Họ phải trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện, phải công chính hơn các Kinh Sư và những người Pharisêu, phải có lòng thương xót như Cha trên trời là Đấng hay thương xót. Có lòng trắc ẩn đồng nghĩa với việc sẵn sàng trao ban cho những người gặp khó khăn, thiếu thốn một cách nhưng không, không tính toán, không trông đợi đáp đền, thu lại. Có lòng thương xót đồng nghĩa với việc họ luôn sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm, thiếu sót của người khác. Khi biết tha thứ cách triệt để, họ có thể hóa giải mọi xung đột trong bình an, biến kẻ thù thành bạn bè. Thế giới sẽ bớt đi những cuộc trả đũa đẫm máu, «ăn miếng trả miếng», hay «một mạng đền một mạng». Hơn thế nữa, họ cũng không xét xử, không kết án, định tội người khác vì xét xử và kết án là đặc quyền của Thiên Chúa. Khi làm như thế, họ ý thức mình cũng là những tội nhân, cũng có những lỗi lầm thiếu sót, cần lòng nhân từ của Chúa. Thiên Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của con người. Cuối cùng, khi dám yêu kẻ thù, dám thương xót thứ tha mọi lỗi lầm của người khác, dám làm điều tốt cho những người thù nghịch, dám cho đi mà không tính toán thiệt hơn, họ sẽ được Thiên Chúa đền đáp cách tương xứng và còn tràn trề hơn nữa.
Trong thế giới động vật luôn có những cuộc đấu tranh sinh tồn khốc liệt. Trong thế giới ấy, kẻ mạnh thì thắng, kẻ yếu thì thua. Những kẻ mạnh có quyền đàn áp và tiêu diệt kẻ khác, thậm chí biến kẻ yếu thành con mồi, miếng ăn của mình. Không may thay, trong thế giới con người, những động vật cấp cao, vẫn còn đó những con người hiếu chiến, luôn muốn gây hấn, tấn công, chiếm đoạt và làm chủ người khác. Trong các gia đình, trường học, công ty, cộng đoàn đều không thiếu những người đang hành động như thế. Lại có những người có thói quen nuôi thù, ôm hận, trả đũa kiểu như «ân đền oán trả», «quân tử trả thù mười năm chưa muộn», «oan oan tương báo». Đức Giêsu mời gọi xây dựng một thế giới hòa bình. Đó là thế giới của những người con của Cha trên trời, những người con của Đấng Tối Cao. Trong thế giới ấy, người mạnh là người làm chủ được thú tính của mình, để rồi có thể yêu kẻ thù, chúc lành cho những người nguyền rủa, cầu nguyện cho những người ngược đãi, … Những người con Chúa luôn biết hóa giải những hận thù bằng lòng thương xót, tha thứ chân thành. Trong thế giới của Đức Giêsu, những người mạnh còn là những người biết tỏ lòng thương xót bằng cách xoa dịu, khỏa lấp những sự thiếu thốn của những người cùng khổ với lòng quảng đại, sẻ chia không tính toán của mình. Thiết nghĩ, thế giới nhận loại sẽ trở thành gia đình Thiên Chúa khi tất cả mọi người dám tin và làm theo lời dạy của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng này.
---Hết---
Lm. Joseph Phạm Duy Thạch, SVD
Nguồn: https://josephpham-horizon.blogspot.com/2022/02/nhung-hanh-ong-nguoc-oi-cua-nhung-nguoi.html (Cập nhật ngày 22/02/2025)
[12] “The command is also connected with a promise, indeed the highest that humans can hope for: to become children of God” (F. Bovon – H. Koester, Luke 1. A commentary on the Gospel of Luke 1:1–9:50, 239).
[13] “If we judge other people, we put ourselves in God’s place” (F. Bovon – H. Koester, Luke 1, 242).
[14] “Jesus’ followers are to behave in certain ways toward others, and God will behave in seemingly symmetrical ways toward Jesus’ followers” (J.B. Green, The Gospel of Luke, 275).