Ngày tháng: 22/12/2024
Đang truy cập: 52

CON NGƯỜI NHÂN CÁCH VÀ NGHĨA VỤ - Human Person and Social Responsibility (1)

CON NGUỜI NHÂN CÁCH VÀ NGHĨA VỤ

Human Person and Social Responsibility

Trần Văn Đoàn

Đại Học Quốc Gia Đài Loan

Do đề nghị từ phía các học gỉa Việt, tiểu luận này viết lại từ bài tham luận ”Human Person and Social Responsibility” phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Trách nhiệm Xã hội trong Điều kiện Kinh tế Thị trường (International Conference on Social Responsibility in the Context of Market Economy) do Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Việt Nam và Tổ chức Từ thiện Misereor của Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Cộng Hòa Liên Bang Đức đồng chủ trì, Viện Triết Học phụ trách tổ chức vào những ngày 12-14 tháng 02 năm 2009 tại Đồ Sơn, Việt Nam. Vì không phải là bản dịch, nên bản Việt ngữ không đồng nhất với bản Anh ngữ

1. CÔNG LÝ - TRÁCH NHIỆM, NHIỆM VỤ VÀ NGHĨA VỤ

Bài tham luận này đặt lại lối nhìn nhân bản về công lý, và đề nghị hiểu trách nhiệm xã hội theo nghĩa nghĩa vụ tôn trọng con người nhân cách.

Theo Jean-Jacques Rousseau, nhà triết học từng phân biệt hai quan niệm ý chí chung (volonté générale) và ý chí con người (ý chí của tất cả mọi người, volonté du tous), chúng tôi tách biệt quan niệm về trách nhiệm: trách nhiệm như là bổn phận hay nhiệm vụ ra khỏi trách nhiệm như là nghĩa vụ[1]. Nhiệm vụ, bổn phận nói lên điều mà thành viên của một xã hội (gia đình, đất nuớc, dòng tộc, cộng đồng, giáo hội) phải thực thi, và biểu hiện cái ý chí chung của xã hội đó, trong khi nghĩa vụ nói lên cái trách nhiệm chung của bất cứ ai không phân biệt dòng giống, quốc gia, tôn giáo, tuổi tác và vào bất cứ thời nào, nơi nào. Nó biểu hiện ý chí của tất cả loài người. Sự phân biệt này rất cần thiết để ta hiểu được bản chất của công lý, trách nhiệm xã hội (social responsibility) cũng như tình liên đới giữa con người (human solidarity) với nhau.

Tác giả xin bắt đầu tham luận với hai câu chuyện, một câu chuyện được Chúa Giê-su kể, và một câu chuyện của chính bản thân đức Khổng. Hai câu chuyện đều liên quan đến công lý, lòng chính trực và đến lối cư xử ngay phải của con người với nhau ở mọi thời và nơi mọi dân tộc. Tuy nhiên, câu chuyện thứ nhất nói lên nghĩa vụ con người, trong khi câu chuyện thứ hai diễn tả bổn phận của mỗi con người trong tư cách là một thành viên. Tinh thần của hai câu truyện khác hẳn với nền “công bằng” được áp dụng trong nền kinh tế thị trường hôm nay, một nền công bằng dựa trên lợi nhuận, và cách thế phân phát tiền công, bổng lộc, vân vân. Người viết xin được thay đổi vài chi tiết trong câu chuyện “Người Chủ Vườn Nho”[2] để phù hợp với xã hội nông nghiệp Việt như sau:

Một điền chủ tới mùa lúa chín cần thuê thợ gặt. Ông trả lương mỗi ngày năm mươi ngàn đồng Việt. Người nông dân thứ nhất tới xin việc từ sáng sớm, được chấp nhận theo hợp đồng. Người thứ hai, đến vào lúc 8 giờ sáng, được nhận. Và rồi người thứ ba tới lúc 9 giờ, người thứ tư tới lúc 10 giờ... tất cả cũng đều được nhận vào làm việc. Đến xế chiều, vẫn còn một người nông dân trẻ tới xin việc. Anh ta van xin “Xin bác thương giúp, vì cháu còn phải nuôi bố mẹ già và vợ con thơ.” Điền chủ động lòng thương và chấp nhận. Vào lúc phát lương, mọi người đều nhận được năm mươi ngàn đồng.như nhau. Thấy vậy, người tá điền tới đầu tiên khó chịu phàn nàn với điền chủ: “Tôi làm việc quần quật cả ngày, từ sáng tinh mơ đến tối, còn cái tên kia chỉ làm chưa tới một giờ, thế mà ông trả cùng đồng lương, thật bất công!” Điền chủ trả lời “Cái anh này sao kỳ vậy? Tôi theo đúng hợp đồng anh đã chấp nhận mà. Còn việc cho ai nhiều ít 1à vì tình người, đâu có liên quan gì đến hợp đồng giữa anh và tôi! Tôi đâu có bất công!

Câu chuyện thứ hai, xem ra không liên quan gì đến nền kinh tế thị trường, nhưng thực chất liên quan đến chữ tín trong thương trường và nhất là đến điều mà tôi muốn chứng minh trong tham luận này, đó là tính chất con người nhân cách, tức con người nhận thức được bản chất của mình là con người trong xã hội qua việc hoàn thành bổn phận hay nhiệm vụ (duty) và trách nhiệm (responsibility). Nơi đây trách nhiệm, được hiểu như là điều mà mỗi người tùy theo vai trò, địa vị, tương quan trong xã hội, phải theo (respond), và bổn phận như là việc chu toàn vai trò của mình trong xã hội đó. Trong xã hội trách nhiệm, con người là mục đích chứ không phải là một công cụ. Vì là mục đích, con người mang bản chất tự chủ, có thể tự quyết chính định mệnh của mình, tự thăng tiến cũng như xác định chính những quy luật mà họ tuân thủ trong tự do tính của họ. Câu chuyện như sau:

Một hôm Diệp quận công gặp Khổng Tử, nói “Nước tôi có người công chính, biết bố mình trộm dê, anh ta ra tòa làm chứng tố cáo bố ăn trộm.” Khổng Tử trả lời, “Người nước tôi khác với người nước ngài, người bố dấu diếm tội cho con và người con thì che dấu tội bố mình. Đó mới thực là công chính.”[3]

1.1. Trách Nhiệm và Nhiệm Vụ

Thoạt nghe, hình như hai câu chuyện không liên quan nhiều lắm với mục đích của hội nghị chúng ta đề ra, đó là làm thế nào để giải quyết được nghịch lý giữa sự bất công tất yếu do bộ máy thị trường tạo ra và sự đòi buộc công bằng xã hội mà Kitô hữu đích thực, người theo chủ nghĩa xã hội chân chính, và bất cứ những người chính trực nào đều đeo đuổi. Tuy nhiên nếu chúng ta đào sâu hơn đi tìm ý nghĩa, hai câu chuyện trên đều liên quan rất mật thiết đến khái niệm công lý, công bằng mà chúng ta đương tranh luận ngày nay. Đặc biệt, câu chuyện của người điền chủ (người chủ vườn nho) có liên quan tới nghĩa vụ con người mà chúng tôi muốn bàn đến trong tiểu luận này. Người viết thiết nghĩ, hai câu chuyện có thể giúp ta tìm kiếm một giải đáp hữu hiệu và hợp lý hơn cho cái nghịch lý phát triển kinh tế (bất công là bản chất tất yếu), và công lý xã hội (đòi buộc bình đẳng và bình phân nơi mọi người). Đồng thời, hai câu chuyện trên cũng giúp lý giải trách nhiệm xã hội (social responsibility) theo nghĩa nghĩa vụ con người.

Hai câu chuyện nêu ra hai khái niệm khác nhau (mà chúng ta thường cho là đồng nghĩa), đó là trách nhiệm như là một nghĩa vụ, và trách nhiệm như là nhiệm vụ hay bổn phận. Sự khác biệt giũa nghĩa vụ (the duty of man) và nhiệm vụ (the duty of a citizen) hay bổn phận (the duty of a member of a society...) giúp chúng ta hiểu ra lý do tại sao trách nhiệm trong bất cứ một quy chế, xã hội, tổ chức nào đó, cho dù tiến bộ tới đâu, vẫn chưa có thể tạo ra một nền công lý hoàn hảo. Bởi vì, bổn phận của công dân có thể xung khắc với bổn phận của người làm cha, làm chổng. Tương tự, bổn phận công dân nước này có thể xung đột với bổn phận công dân một nước khác[4]; bổn phận tín đồ có thể xung khắc với bổn phận công dân[5]; bổn phận tín đồ trong giáo hội này có thể đi ngược lại với bổn phận tín đồ trong một tổ chức tôn giáo khác[6]. Và đây là điểm chính mà đức Khổng muốn nêu ra.

 Quy luật xã hội (và thị trường) đòi buộc chúng ta phải có trách nhiệm vớí xã hội theo nghĩa nhiệm vụ phải “đáp trả” (response to)[7] lại cho xã hội và tha nhân những gì mà chúng ta được hưởng từ xã hội và tha nhân (hay từ cơ chế thị trường), thí dụ nhiệm vụ đóng thuế, thi hành nhiệm vụ công dân (mà chúng ta nhầm với nghĩa vụ)[8]. Người chủ xí nghiệp có trách nhiệm với công nhân, phải chia sẻ lợi tức... với mọi nhân công của mình, trong khi người công nhân phải có trách nhiệm với xí nghiệp, với sản phẩm, vân vân, nơi người đó đương ăn lương. Trách nhiệm này dựa trên quy tắc xã hội và quy chế thị trường kiểu “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại,” “có đi có lại mới toại lòng nhau,” tức là “song lợi” (có lợi cho cả hai bên). Chữ trách nhiệm gắn liền với chữ lợi: lợi lớn trách nhiệm nặng, lợi nhỏ trách nhiệm nhẹ; lợi rộng trách nhiệm nhiều, lợi hẹp trách nhiệm ít. Mỗi người, để có lợi cho mình, phải có trách nhiệm đóng góp sức lực, trí óc, tài năng. Tùy theo cái lợi lớn hay bé, nhiều hay ít mà người chủ phải có trách nhiệm to hay nhỏ, nặng hay nhẹ. Như vậy, trong xã hội tư bản ngày nay, “phuc vụ công nhân,” “phục vụ xã hội,” “giúp đỡ nông dân,” “chăm sóc phụ lão ấu nhi,” và ngay cả công việc chăm sóc sức khoẻ, trợ cấp xã hội, trợ cấp thất nghiệp, huấn nghệ, sinh đẻ, hôn nhân, lễ táng, vân vân, đều được hiểu và tổ chức theo nguyên lý trên. Giới chủ chăm sóc công nhân không phải là vì kính trọng công nhân là con người. Họ coi công nhân hay nhân viên như là công cụ ngang hàng với công cụ, hay nhiều khi dưới cả công cụ. Đối với họ, hiệu qủa lao động chứ không phải người công nhân mới quan trọng. Tùy theo hiệu qủa nhiều ít mà người chủ đối xử tốt hay xấu với công nhân. Thế nên dựa theo nguyên tắc “mồi to, cá lớn” hay “dây câu càng dài thì cá càng lớn” (đầu tư càng nhiều, lợi nhuận càng lớn), giới chủ nhân “chăm sóc” công nhân hay nhân viên của họ, thực tế là công việc bảo dưỡng sức lao động, giống y hệt công việc bảo trì công cụ, máy móc vậy. Đối với giới đầu tư, chăm sóc nhân công không phải vì người nhân công là một nhân cách y hệt như họ, nhưng là vì muốn có được lợi tức cao hơn, bền bỉ lâu dài hơn. Hệ thống xí nghiệp và lao công tại Nhật trong qúa khứ từng “chăm sóc” công nhân viên của họ như vậy. Ngược lại, công nhân viên gắn bó với xí nghiệp, tập đoàn hay cơ sở và với người chủ cũng chỉ nhằm mục đích “có lợi” hay “nhiều lợi” hơn như tiền thưởng, cấp dưỡng, đảm bảo tương lai, vân vân.

Tương tự, nhưng với một nền pháp luật chặt chẽ hơn, nhà nước có bổn phận phải “lo cho” dân, bởi lẽ người dân đóng góp công sức và của cải cho nhà nước. Nhà nước ý thức ra được (trừ nhà nước độc tài) sự tương quan song phương giữa người dân và nhà nước dựa trên cái lợi chung: không có dân thì cũng chẳng có nhà nước. “Dân vi trọng, quân vi khinh” (mà thầy Mạnh Tử chủ trương) không có nghĩa là nhà vua không quan trọng, hay người dân cao trọng, mà nên được hiểu theo nghĩa của mối lợi tương quan này[9]. Như vậy, ta có thể nói, trách nhiệm (nhiệm vụ, bổn phận) nơi đây dựa theo quy luật của chủ thuyết duy lợi, vụ lợi hay thực dụng. Theo quy luật này, không ai đòi buộc chúng ta phải đáp trả, (trả ơn, báo ơn, đáp ơn, đền ơn, hoặc ngược lại trả oán, báo oán...) hay giúp đỡ những “người dưng nước lã,” những người mà chúng ta không có quan hệ, chẳng ân chẳng oán, cũng chẳng lợi lộc gì. Không nhà nước nào có quyền bắt công dân nước khác, thậm chí ngay cả kiều bào, phải đóng thuế cho nhà nước này. Lý do rất đơn giản, người ngoại quốc và kiều bào đâu có được hưởng quyền lợi nào từ cái nhà nước ấy đâu[10].

1.2. Trách Nhiệm và Nghĩa Vụ

Theo nguyên lý vụ lợi và đổi chác lợi lộc, người Đức chắc hẳn không có trách nhiệm (đừng nói đến nhiệm vụ hay bổn phận) đối với người Việt, và tổ chức Misereor không cần phải tốn bao công sức tới giúp người Việt nghèo đói[11]. Giáo hội Công giáo (và các tôn giáo khác) không cần phải hy sinh cho bệnh nhân AIDS, người phong, những người khốn cùng trong xã hội Việt ngày nay. Họ cũng không có động lực vụ lợi thúc đẩy họ. Họ có được lợi lộc gì đâu? Những công việc này lẽ ra phải thuộc về bổn phận của nhà nước, chứ đâu phải của họ[12]. Nếu hiểu trách nhiệm chỉ là nhiệm vụ đáp trả (the duty to respond), thì ta sẽ thấy những công việc bác ái, từ tế mang tính quốc tế không phải là công việc bắt buộc, và do vậy, chúng không thuộc về khái niệm nhiệm vụ, hay trách nhiệm theo nghĩa hẹp của bổn phận (trách nhiệm với gia đình, với người nào đó, v.v.).

Thế nhưng, biết bao tổ chức thiện nguyện quốc tế, rất nhiều tôn giáo đặc biệt các tổ chức thuộc Thiên Chúa giáo, đã tới giúp dân Việt và nhiều nước khác, một cách hoàn toàn vô vị lợi. Họ tự góp công, ra sức, bỏ của, thậm chí hy sinh cả sinh mệnh của họ để giúp tha nhân, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, văn hóa hay giới tính và tuổi tác. Những câu chuyện của các vĩ nhân như bác sĩ mục sư Albert Schweitzer ở Phi châu, Mẹ Theresa ở Ấn Độ, hay bác sĩ Tom Dooley, một Kitô hữu, ở Việt Nam và Lào... chỉ là những thí dụ nho nhỏ trong muôn vàn thí dụ khác. Tương tự những tổ chức thiện nguyện[13] làm việc nghĩa không phải vì nhiệm vụ của họ đối với dân ta, nhưng là vì nghĩa vụ con người[14]. Họ không có trách nhiệm gì đối với sự cơ cực của dân ta, và dĩ nhiên chẳng có bổn phận phải giúp chúng ta. Ngược lại, chính người Việt chúng ta, những người được hưởng lợi trong cái mảnh đất của mình, được truyền lại từ tay tổ tiên của mình mới là người phải chịu trách nhiệm về chính mình[15].

Vậy nên, ta có thể nói, nghĩa vụ được xây dựng trên một nền tảng siêu hình khác hẳn với vụ lợi, duy lợi hay thực dụng. Ta tạm gọi nền tảng siêu hình này là nền nhân bản toàn diện[16]. Nghĩa vụ nói lên bổn phận của con người đối với con người đồng loại, trong khi trách nhiệm nói lên bổn phận của ta đối với quê cha đất tổ, người đồng hội đông thuyền, gia quyến, tố chức, xã hội, v.v.. Và lẽ dĩ nhiên, ta cũng phải có bổn phận với cha mẹ, tôn sư, với Trời và Đất. Nghĩa vụ không bao hàm, cũng không đòi hỏi sự đáp trả. Triết gia Kant gọi nghĩa vụ là một mệnh lệnh tuyệt đối (hay mệnh lệnh mang tính chất phạm trù, categorical imperative). Nó không đưọc dựa trên bất cứ mục đích ngoại tại nào như lợi ích, tình cảm, hay ngay cả niềm tin tôn giáo. Mục đích của nghĩa vụ phải nội hàm trong chính nghĩa vụ, và phương cách của nghĩa vụ phải đồng nhất với chính mục đích của nó.

1.3. Bản Chất của Nghĩa Vụ

Theo và đi xa hơn triết gia Kant, chúng ta có thể nói, nghĩa vụ con người được xây dựng trên chính bản chất con người (human nature), trên đồng cảm (sensus communis), tức tình cảm chung cấu tạo bản chất con người, trên tình thương, coi con người như chính là mục đích tối hậu[17], và nhất là coi mỗi người như là một sinh vật mang tính chất hữu sinh, tự do thăng tiến, vươn tới hoàn thiện. Một nghĩa vụ như vậy đã từng lảm nền tảng cho nền văn minh nhân loại. Yếu tính của đạo Thiên Chúa chính là tình yêu bao la “yêu tha nhân như chính mình,” trong khi yếu tinh của đạo Phật là cứu nhân độ thế. Mầu nhiệm nhập thể của đức Kitô, lịch sử cứu độ, cũng như sự hy sinh chính mình cho nhân loại, sẽ không thể hiểu được nếu ta chỉ hiểu con người theo góc độ lợi tức, coi con người như là một công cụ, một phương thế mà quên đi tính chủ thể của mỗi người trong chúng ta. Tương tự, nền tảng giúp con người giác ngộ thành Phật, chính là tình yêu bao dung “từ bi hỉ xả.” Đức Phật Quan Âm biểu hiện Phật tính qua con đường hy sinh chính bản thân cho tha nhân. Đức Khổng cũng có lối nghĩ như vậy khi ngài xây dựng một hệ thống nhân bản dựa trên hiếu, trung, nghĩa, lễ... mà những đức tính này đều được xây dựng trên nền tảng bản chất con người, tức đạo Nhân[18]. Đạo nhân được xây dựng trên nguyên lý con người đồng tính: “Điều mà mình không muốn người khác làm cho mình, thì đối với người khác cũng đừng làm như vậy...”[19]. Đạo quân tử của ngài là đạo vô vị lợi, đạo của tình yêu (cha mẹ, anh em (hiếu đễ), đạo của nghĩa vụ v.v...[20] Nói chung, đó là đạo làm người[21].

Những nền đạo lý vĩnh hằng trên chỉ ra một chân lý, đó là, ta chỉ có thể hiểu được ý nghĩa thực sự của trách nhiệm xã hội từ quan niệm nghĩa vụ đối với chính con người với  trong tư cách là con người. Nghĩa vụ được xây trên tình người, trên lý tưởng siêu việt, trên nền tảng siêu hình của con người nhân cách, tức con người biết mình, biết tôn trọng mình, biết tự chủ, biết nhận ra trong tha nhân những đặc tính đó. Như vậy, biểu hiện của trách nhiệm xã hội chính là sự tôn trọng (respect) chính mình, và tôn trọng lẫn nhau (mutual respect). Ta giúp đỡ, săn sóc, hay yêu tha nhân không phải vì họ đáng yêu (như trường hợp ta chăm nom gia súc nuôi làm cảnh), nhưng là vì tha nhân cũng như chính chúng ta là những con người có nhân cách. Lòng kính trọng phải được đặt trên nhân cách chứ không phải trên tình cảm hay vì mục đích lợi ích.

Từ đây, ta có thể hiểu được, qua câu truyện trên, đối với Chúa Giêsu, công lý, phân phối công bằng, vân vân, phải được xây dựng trên tình người chứ không trên số lượng, phẩm chất của sản phẩm, số lượng của giờ lao động, hay quy luật của thị trường, và lợi nhuận. Đối với đức Khổng, công bằng chính trực không thể được tính toán bởi quy luật “khách quan,” hay bởi bất cứ sinh hoạt nào hoàn toàn tách biệt khỏi sự tương quan giữa con người, nhưng phải được dựa trên đạo nhân. Người quân tử không vụ lợi mà vụ nghĩa, không xét hậu qủa, mà theo nguyên tắc, không xu thời, mà luôn theo đạo của Trời và của con người. Nói cách chung, quan niệm của hai ngài về công lý, chính trực đi ngược lại với những nguyên lý duy lợi (utilitarianism), vụ thực (pragmatism), hay duy hiệu qủa (consequentialism), tức những lí thuyết nền tảng đàng sau chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tự do (liberalism) và tân tự do (neoliberalism).

Điểm mà chúng tôi muốn đặt ra nơi đây đó là quan niệm về công lý của các ngài có thể đóng góp gì để giải quyết vấn nạn bất công phát sinh từ nền kinh tế thị trường, nhưng đồng lúc vẫn có thể tác động khiến kinh tế phát triển hay không. Đây là một vấn nạn mà chủ thuyết xã hội đương phải đối diện, đó là làm thế nào để phát triển kinh tế trong thế giới toàn cầu ngày nay, một thế giới bị thị trường chi phối, mà vẫn không phản bội lại nguyên lý công bằng mà chủ nghĩa xã hội lấy làm nền tảng.

--- Còn  tiếp ---


[1] Trong Khế Ước Xã Hội (Le contrat social, 1762), J.J. Rousseau phân biệt hai quan niệm “volonté générale” (ý chí chung) và “volonté du tous” (ý chí của tất cả mọi người). Dựa theo Rousseau, chúng tôi cũng xin độc gỉa lưu ý đến sự khác biệt giữa nhiệm vụ xã hội (social duty, the duty of a member of society) hay bổn phận công dân (the duty of a citizen)... và nghĩa vụ xã hội (the duty of human kind). Cả hai đều thuộc về phạm trù trách nhiệm. Bổn phận công dân dựa trên ý chí chung của một xã hội (volonté générale), một săc tộc vào một giai đoạn lịch sử, mà Hegel (trong Hiện Tượng Học về Tinh Thân, 1807, Bản Việt ngữ do Bùi Văn Nam Sơn dịch, Hà Nội: Nxb Tri Thức, 2007) gọi là Volksgeist (tinh thần dân tộc) và Zeitsgeist (tinh thần thời đại). Nghĩa vụ dựa trên ý chí của tất cả con người không phân biệt giai cấp, lịch sử, tôn giáo, ý hệ...và ở mọi thời, mọi nơi, mọi dân tộc. Chúng tôi hiểu trách nhiệm xã hội (social responsibility) theo ý của nghĩa vụ con người, dựa trên ý chí phổ quát của toàn nhân loại (volonté du tous).

[2] Người chủ vườn nho. Nguyên bản có thể thấy nguyên văn trong bản dịch Thánh Kinh của Nhóm Giờ Kinh Cầu Nguyện (Tph. Hồ Chí Minh, 2007)..

[3] Luận Ngử, 13:18: “Diệp công ngữ Khổng Tử viết: “Ngộ đảng hữu trực cung gỉa, kì phụ nhương dương nhi tử chứng chi”. Khổng Tử viết: “Ngộ đảng chi trực gỉa dị ư thị, phụ vị tử ẩn, trực tại kì trung hĩ.” Độc gỉa cũng có thể tham khảo thêm bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Đức Lân: Chu Hy, Tứ Thư Tạp Chú, (Hà Nội: Nxb Văn Hóa Thông Tin, 1998); hay của Đoàn Trung Còn, Tứ Thư (Huế: Nxb Thuận Hóa, 2000).

[4] Thí dụ, trong thế chiến thứ hai, người công dân Mỹ gốc Nhật đã từng bị quản thúc hay kiểm soát vì chính phủ Mỹ nghi ngờ lòng trung thành của họ. Trong cuộc chiến tranh Trung-Việt (1978), rất nhiều công dân Việt gốc Hoa đã bị trục xuất về Trung Quốc, hay trốn khỏi nước, vì Hà Nội không tin tưởng họ. Và gần đây hơn cả là trường hợp những người Mỹ gốc Ả Rập theo đạo Hồi đã bị nghi ngờ, khinh miệt hay bị hạ nhục sau vụ khủng bố tháng 9 năm 2001. 

[5] Thí dụ, một người vô thần sống trong một nước lấy tôn giáo làm quốc giáo (như Hồi giáo), hoặc ngươc lại, tín hữu sống trong chế độ vô thần duy vật.

[6] Xin lưu ý sự khác biệt giữa tôn giáo và tổ chức tôn giáo (mà ta gọi là Giáo hội, Hội thánh, Nhà Thờ, Nhà Chùa, Nhà Đạo, vân vân). Sự xung khắc giữa tổ chức tôn giáo và nhà nước (một thể chế, một chính phủ nào đó) là điều dễ hiểu. Sự xung khắc này xuất phát từ sự đối khắc, xung đột hay bất hòa giữa ý thích, quyền lợi, thái độ đối xử của các nhóm (tổ chức), xã hội, thể chế, chứ không nhất thiết từ ý chí chung của con người, hay từ bản chất của tôn giáo.

[7] Chúng tôi hiểu từ đáp trả theo nghĩa rộng bao gồm: đáp, trả, báo, đền. Đáp như đáp lời, đáp đền, đáp ơn, đáp công, đáp lễ, đáp tội... Báo: báo đáp, báo đền, báo ơn, báo oán, báo thù, báo hiếu, báo nghĩa, báo trung, báo tình, ... Trả: trả ơn, trả nợ, trả nghĩa, trả công, trả thù... Đền: đền bồi, đền bù, đền ơn, đền nghĩa, đền tiền, đền tội... Từ response (responsum) vốn từ động từ to respond (respondere) mang nghĩa trả lời, phản ứng... Phải trả lời (obliged to respond) đó là trách nhiệm hay bổn phận. Do vậy, responsible (responsibilis) mang nghĩa có hay chịu trách nhiệm, và responsibility (responsibilitas) được hiểu như là nhận ra trách nhiệm.

[8] Nơi đây, người viết tách biệt quan niệm trách nhiệm (responsibility) ra khỏi nhiệm vụ hay bổn phận (duty), và hiểu nghĩa vụ theo nghĩa trách nhiệm xã hội (social responsibility), nghĩa là một nhiệm vụ mang tính chất phổ quát của con người (the duty of man/woman). Xin thkh. Trần Văn Đoàn, “Response as a Duty” trong Philosophy, Culture and Tradition, vol. 1, No. 2 (Canada, 2005) (Review of The World Union of Catholic Societies of Philosophy). Cũng như: Trần Văn Đoàn, “Anwort als Pflicht – Ueberlegung ueber Kantsverstehen des Pflichtes,” trong Proceeding of the International Conference on German Philosophy (Hanoi, 12.2005).

[9] Mạnh Tử với thuyết “dân vi bản.” Ý thức “dân vi trọng, quân vi khinh” thực ra manh nha với hai vị thánh vương Nghiêu và Thuấn. Xin tkh. lý giải của Kim Định: Cửa Khổng (Sài Gòn, 1961). Tác phẩm của Kim Định (gần như Toàn bộ) đã được công bố trên Mạng lưới www.Dunglac.org . Quan niệm tương tự cũng thấy trong biện chững “Chủ Nô” của Hegel.

[10] Cũng có những trường hợp ngoại lệ như nước Mỹ. Mỹ kiều dù sống ở đâu vẫn phải đóng thuế liên bang. Tuy vậy, Mỹ kiều được hưởng quyền lợi rất nhiều, như bảo đảm y tế (health care), trợ cấp xã hội, chăm sóc vào tuổi gìa, cũng như được trả lại thuế nếu đã đóng thuế ở nước ngoài. Đặc biệt phải nói là những nước theo chủ trương nhân đạo, những nước chịu ảnh hưởng của Kitô giáo. Người dân của họ, bất cứ sống ở đâu cũng đều được nhà nước Mỹ giúp đỡ, ngay cả khi phạm pháp. Trường hợp một thanh niên Mỹ du lịch phạm luật (vẽ bậy trên tường) ở Singapore, bị kết án tù 1 tháng và phạt 30 roi trước công chúng là một ví dụ. Từ tổng thống (Bill Clinton), tới Quốc hội, rồi Bộ Ngoại Giao... đã tìm đủ cách để giúp đỡ, mặc dù họ không chấp nhận hành vi vô lễ của người thanh niên này.

[11] Tkh. Vu Tu Hoa và Ultich Dornberg, “Miseror in Vietnam.” Trong tập Kỷ yếu Hội thảo Proceedings of the International Conference on Social Justice, Social Responsibility and Social Solidarity (Washington D.C.: RVP, 2009) (Chủ biên: Joseph Sayer, Phạm Văn Đức, Ulrich Dornberg George F. McLean và Trần Văn Đoàn)

[12] Tkh. tham luận của linh mục Nguyễn Ngọc Sơn, “Trách Nhiệm Xã Hội của Ủy Ban Bác ái Xã Hội – Caritas Việt Nam trong Điều Kiện Kinh Tề Thị Trường,” trong Tập Tài Liệu cuả Hội Thảo Quốc Tế: Trách Nhiệm Xã Hội trong Điều Kiện Kinh tế Thị Trường, ctr. 447-452. Hay trên trang web: www.vietcatholic.net

[13] Đa số các cơ quan thiện nguyện phát xuất từ các xã hội thấm nhuần truyền thống tôn giáo, đặc biệt Kitô giáo như Caritas (Bác ái). Croix Rơuge (Hồng Thập Tự), vân vân. Riêng tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, các tổ chức Misereor (Thương Xót Giúp Đỡ), Missio (Sứ Mệnh), Brott fuer die Welt (Lương thực cho Thế giới) và cả Caritas Đức đều thuộc Giáo hội Công Giáo Liên Bang Đức. Giáo Hội Tin Lành cũng có nhiều tổ chức tương tự. Tại Mỹ có tổ chức The Knights of St. Columbus (Hiệp sỹ thánh Colombo) thuộc Giáo Hội Công Giáo Mỹ, và tại Đài Loan, tổ chức Phật giáo Từ Tế của Pháp sư Chính Nghiêm.

[14] Vì không phân biệt được sự khác biệt giữa nhiệm vụ, bổn phận và nghĩa vụ, người Việt chúng ta (cả trong và ngoài nước) thường hay nghi nghờ những tổ chức hay cá nhân thiện nguyện muốn giúp Việt Nam. Tác giả từng giới thiệu một giáo sư ĐH New York và là chủ tịch Hội Triết Học Mỹ muốn tự nguyện tới giảng dạy miễn phí ở Hà Nội. Có cán bộ nghi ngờ hỏi “Tại sao có người bỏ công bỏ của tự nguyện “đòi” giúp Việt Nam? Tốt như vậy chắc hẳn là có mưu đồ gì.” Người viết cũng biết, nhiều cán bộ trong nước và nhiều Việt kiều (có bằng cấp cao) từng dùng cặp mắt cú vọ nhìn anh Vũ Tú Hòa, người từng đại diện Misereor giúp Việt Nam cả gần 20 năm gần đây. Họ nghi ngờ, dèm pha hay làm khó dễ biết bao người thiện chí muốn về giúp đất nước. Marx từng khổ tâm về tâm địa như vậy của quần chúng (public opinion), nên ông từng mượn câu thơ của thi hào Alghieri Dante (trong La divina comedia để an ủi mình: “Segni il tuo corso, e lascia dir le genti” (Đường ta ta đi, mặc thiên hạ nói). Karl Marx, Tư Bản Luận, Lời Nói Đầu (1867).

[15] Đáng tiếc thay, chúng ta thường đổ lỗi cho vận mệnh: “Ngẫm hay muôn sự tại Trời / Trời kia đã bắt làm người có thân / Bắt phong trần phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao” (Nguyễn Du. Truyện Kiều, 3241-3244). Hoặc đổ tội cho đế quốc, thực dân, cho chiến tranh, và cho cả nghèo đói. Điều mà ai cũng biết nhưng cố ý quên, đó là nếu ý thức được bổn phận, và nhất là nghĩa vụ, thì chắc hẳn chúng ta có thể thoát khỏi đói nghèo, và không bị thực dân, đế quốc, giai cấp tư bản ... khống chế. Thuỵ Sỹ (nơi Rousseau sinh ra) là một ví dụ cụ thể. Một nuớc rất nhỏ, dân cư ít, ngôn ngữ khác biệt và rất tự do, nhưng rất đoàn kết và ý thức. Họ đã bảo vệ nền độc lập, hòa bình cả 7 trăm năm. Họ có những tổ chức thiện nguyện giúp cả thế giới như Hồng Thập Tự... Dân Thuy Sỹ (quãng 6-7 triệu) đóng góp cho các nước nghèo còn nhiều hơn cả cường quốc kinh tế Nhật (đứng thứ hai hay thứ ba trên thế giới sau Mỹ, và với trên trăm triệu dân).

[16] Quan niệm nhân bản toàn diện (integral humanism) được triết gia Jacques Maritain đưa ra trong tác phẩm L’humanisme intégral (Paris: Aubier, 1936). Theo Maritain, nhân bản toàn diện bao gồm: (1) con người trung thực (authentic), (2) con người sáng tạo (creative), (3) con người liên đới xã hội (sociality), (4) con người ý thức (conscious), (5) con người tự do (free), (6) con người siêu việt (transcendent), (7) con người lý tuởng (idealist), và (8) con người thực tiễn (practical). Xin tkh. L’humanisme intégral, sđd., ctr. 96, 97, 87, 102, 165, v.v. Xin tkh. Trần Văn Đoàn, “Mã Lịch Đán đích Hoàn Toàn Nhân Văn Chủ Nghĩa”. (Hoa ngữ) trong Triết Học dữ Văn Hóa, Số 287 (Đài Bắc, 4.1998), ctr. 306-320. Bản Anh ngữ “Jacques Maritain’s Concept of Integral Humanism” trong Philosophical Challenges and Opportunities of Globalization, Vol. 2. Ed. George F. McLean, Tomonobu Imamici and Oliva Blanchette. (Boston College, 08. 1998; Washington D.C., 2001), pp.

[17] Immanuel Kant, Groundword for the Metaphysics of Morals. “Act so that my maxim could become general law”, hay “Treat humanity never as a means but always as an end”.

[18] Luận Ngữ, 6:28: “Phù, nhân giả, kỷ dục lập nhi lập nhân, kỷ lục đạt nhi đạt nhân....” (Ôi, người nhân là người muốn gây dựng điều gì cho mình cũng gây dựng cho người khác điều đó, muốn mình thông đạt ra sao cũng khiến người khác được như vậy. ...”. Nguyễn Đình Chiểu, Lục Vân Tiên: “Trai thì trung hiếu làm đầu / Gái thì tiết hạnh làm câu sửa mình.”

[19] Luận Ngữ, 5: 11: “Tử Cống viết: “Ngã bất dục nhân chi gia chư ngã dã, ngô diệc dục vô gia chư nhân.” Tử viết: “Tứ dã, phi nhĩ sở cập dã.” (Tử Cống nói, “Điều mà tôi không muốn người khác làm cho tôi thì tôi cũng không muốn làm điều đó cho người khác.” Khổng Tử nói, “Này anh Tứ, anh không làm được đâu.) 

[20] Luận Ngữ, 1:2; 4:10; 4:11; 4:16...

[21] Luận Ngữ, 3:3: “Tử viết: “Nhân nhi bất nhân, như lễ hà? Nhân như bất nhân, như nhạc hà?” (Khổng Tử nói: “Làm người mà bất nhân thì lễ để làm gì? Làm người mà bất nhân thì nhạc để làm gì?”).

zalo
zalo