Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 115

CON NGƯỜI NHÂN CÁCH VÀ NGHĨA VỤ - Human Person and Social Responsibility (2)

2. CON NGƯỜI NHÂN CÁCH

   Trong chú thich về chủ thuyết nhân bản toàn diện (integral humanism) của Maritain, người viết chỉ nêu lên những đặc tính căn bản của con người nhân cách nhu tính trung thực, tính sáng tạo, tính thực tiễn, tính liên đới xã hội, tính tự chủ (tự do), tính siêu việt hay thăng tiến. Thay vì phân tích những đặc tính trên, chúng tôi theo lối tiếp cận phê phán mà giới triết học thường áp dụng, đó là phê phán xã hội và phê phán thẩm mỹ, với mục đích tìm lại con người nhân cách.

2.1. Phê Phán Xã Hội và Cuộc Tìm Kiếm Con Người Nhân Cách

Lối phê phán và xây dựng từng được Socrates phát triển, và được Newton áp dụng vào trong nghiên cứu khoa học tự nhiên, cũng như được Marx, và gần đây Karl Popper dùng trong khoa học xã hội[22].

Phê phán xã hội bao gồm hai loại, phê phán mang tính chất tiêu cực và phê phán mang tính chất tích cực. Lối phê phán tiêu cực dựa trên phán đoán thẩm mỹ học cho rằng cái đẹp phải là cái hoàn toàn. Mà đã là hoàn toàn thì không thể thiếu sót, và cũng không thể không theo đúng với những gì mà nó phải có (tất yếu tính), và hợp với bản chất phổ quát của nó (phổ quát tính). Thế nên, công việc phê phán xã hội hay con người xã hội bắt đầu với việc tìm kiếm những khiếm khuyết khiến con người không là người, hay chưa thành người, hay là con người thiếu sót, v.v..[23] Marx và những triết gia theo chủ trương phê phán áp dụng lối phê phán này để nhìn con người trong thể chế tư bản, hay trong chế độ phong kiến. Khi đi tìm gỉai đáp cho câu hỏi “con người là gì?” họ đã nhận ra tính chất phi nhân trong chế độ phong kiến (người nô lệ, phụ nữ, những sắc dân thiểu số, v.v. không được công nhận và đối xử như con người), tính chất bất nhân trong chế độ tư bản (người lao động bị bóc lột, và hạ cấp xuống hàng công cụ), tính chất vô nhân trong cơ chế thị trường (con người chỉ là những sản phẩm, hàng hóa). Từ đây Marx đi tìm nguyên nhân cũng như những yếu tố, điều kiện chính trị, xã hội, kinh tế, và ý hệ cản ngăn, hay khiến con người không có thể trở thành con người người đích thực. Chính vì vậy mà họ phân tích những biểu hiện tiêu cực, những thiếu sót, tức là những yếu tố, những điều kiện cót lõi khiến con người chưa phảikhông phải, và không bao giờ là con người đích thực.

Trong Bản Thảo Chính Trị Kinh Tế viết vào năm 1844 (còn được gọi là Bản Thảo Paris)[24], Marx nhận định về nguyên nhân chính làm con người khốn cực, đó chính là bi kịch con người chưa nhận ra mình là người; đó là cấu trúc xã hội cố định coi con người chỉ là những phụ tùng nho nhỏ trong bộ máy xã hội vận hành một cách máy móc. Mà cơ cấu xã hội như vậy bao gồm những điều kiện kinh tế xác định con người chỉ là món hàng giao dịch (commodity); những điều kiện chính trị khiến con người không thể tự chủ, mà chỉ là những công cụ trong tay giới lãnh đạo; và những điều kiện ý hệ xác quyết và hạn chế con người, hay phủ định con người.

Trong tập sách mang tính cách sơ thảo này, Marx dùng thuật ngữ “dị hóa” (Entfremdung) để nói lên những nguyên nhân căn bản, cơ cấu khiến con người không thể là con người thực sự. Theo Marx, qúa trình lịch sử con người dị hóa bắt đầu với sự tương giao lộn ngược giữa chủ thể và đối thể (đối tượng). Trong qúa trình sản xuất, đồ sản xuất như hiện kim (Geld), hiện vật (Ding), tư bản (Kapital), sản phẩm (Produkt), vật gía trị (Wert), v.v., tức là những đối vật được chính con người tạo ra, bây giờ tiếm chỗ chủ thể và đẩy chủ thể xuống hàng đối vật (công cụ). Tương tự trong tương giao xã hội con người, mỗi chủ thể bây giờ chỉ còn là những đối tượng cho sinh hoạt thương mãi mà mục đích không phải là con người mà gía trị thặng dư (Mehrwert). Tương tự, trong tương giao với nhà nước, thần thánh, vân vân, con người bị hạ thấp xuống thành hàng công cụ, phương tiện hay đối tượng được sử dụng. Giá trị của con người được xác định bởi một thị trường vô tâm, bởi ngưởi chủ vô nhân, và bởi những sản phẩm được thị trường phi nhân quyết định giá cả. Nói cách khác, con người còn kém gía trị hơn chính những sản phẩm mình từng sản sinh ra. Ngược ngạo thay, chính sản phẩm do con người sản xuất lại định đoạt gía trị của họ. Theo Marx, con người cùng lúc vong thân (đánh mất ý thức về chính mình, Entaeusserung), dị hóa (cho mình chỉ là một ai khác, cái gì khác, hay coi thần tượng mới là chủ thể, Entfremdung), và vật hóa (bị coi như là hàng hóa, đồ vật, dụng cụ, sản phẩm, Verdinglichung)[25]. Qúa trình vong thân, dị hoá, và vật hóa chính là qúa trình con người đánh mất chính mình, tức con người nhân cách. Con người dị hóa chỉ còn là một con người vô hồn (thiếu tự thức), nô lệ (mất tự chủ), vô thức (thiếu ý thức về khả năng và lực của mình). Nói cách khác, đó là một con ngưòi vô nhân cách. Hiển nhiên là Marx tuy không nói đến con người nhân cách, toàn diện như những tríết gia Kitô giáo, nhưng ông cũng đã có ý tưởng tương tự như thế. Con người toàn vẹn của Marx là con người không bị dị hóa, không thể biến thành một đồ vật (không bị vật hóa), và con người tự thức (không vong thân). Đó chính là con người tự do, tự chủ, tự quyết định vận mệnh, ý thức về năng lực (sức lao động) và về mục đích của cuộc sống của mình. Từ một định đề như vậy, Marx cho rằng, con người cá nhân -- hay là một cá nhân trừu tượng (abstrakte Individuen) mà mục đích là tư lợi --, giai cấp tư sản (bourgeoisie) -- mà mục đích là duy lợi -- không bao giớ có thể trở thành một con người nhân cách như vậy. Đây là lý do triết gia nghĩ chỉ có một cuộc cách mạng triệt để, thay đổi tận gốc cấu trúc xã hội, đánh đổ lối tư duy tư sản, sản xuất tư bản và tạo ra ý thức của giai cấp tuyệt đối[26], thì lúc bấy giờ ta mới có hy vọng giúp con người trở thành một con người nhân cách. Trong một xã hội con người nhân cách, chế độ phi nhân bản (như tư bản) sẽ tự xụp đổ[27].

2.2. Phê Phán Thẩm Mỹ và Cuộc Tìm Kiếm Con Người Nhân Cách

Đi xa hơn lối phê phán xã hội, đó là phê phán thẩm mỹ. Phê phán thẩm mỹ bắt đầu với những phê phán tiêu cực (như đã trình bầy ở phần trên), nhưng kết thúc với tính cách tích cực hơn. Dựa trên nền tảng siêu hình của thẩm mỹ học, phê phán tích cực đặt ra câu hỏi là làm thế nào để có thể đạt tới được cái mục tiêu tối hậu, đó là con người hoàn hảo. Do đó, thay vì phá đổ (cách mạng), ta phải xây dựng. Câu hỏi quan trọng bây giờ là “xây dựng như thế nào?”. Câu hỏi này bắt buộc ta phải đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi tiếp theo về mục đích và phương thế, về nền tảng siêu hình cũng như về khả thể của một xã hội hay thế giới lý tưởng.

Ta bắt đầu với cảm giác. Nhìn một sự vật, một con người, hay một xã hội, ta có cảm giác sợ hãi, khó chịu, dễ chịu hay sung sướng vì nhiều lý do. Nhưng cảm giác đầu tiên đều từ chính hình thể, mùi vị, âm thanh của đối tượng ta nhìn, hay nghe, hay cảm nhận. Sau đó tới hành vi, ngôn ngữ, vân vân. Như vậy, ta có thế nói:

1.       Bất cứ một vật thể nào mà thiếu những bản tính (hình thể, mùi vị, âm thanh...) căn bản làm nên nó đều không cho ta cảm giác đẹp. Một con người thiếu những bộ phận cơ bản như đầu, mắt, mũi, tay, chân... đều làm ta dễ sợ hãi.

2.       Thứ tới, nều chúng không phù hợp (vượt quá, to qúa hay nhỏ quá... ) với bản chất cơ bản cũng là chúng ta khó chịu, không thích. Một người mà mặt mũi không lành lặn làm ta không dám tiếp xúc; mặt mũi bất bình thường (qúa to, qúa nhỏ, hay không cân đối) làm ta không thích, và nếu bất thường nghịch lại với bản chất thì làm chúng ta ghê sợ. Một âm thanh qúa lớn, hỗn độn ta không thích cho là ồn ào; một mầu sắc qúa nhạt ta cho là nhạt nhẽo lu mờ, qúa sắc ta cảm thấy chóng mặt; một mùi vị qúa sức chịu đựng ta cho là nồng, thối, khắm, hôi, v.v.

3.       Thứ ba, nhiều vật thể, âm thanh, màu sắc, hay thực phẩm khi xếp lại theo một trật tự, cấu trúc, văn phạm có thể trở thành một bức tranh, một bản nhạc, một món ăn, một bài thơ... Văn phạm, cấu trúc, hay trật tự... đều dựa theo quy luật hòa hợp của vật thể, mầu sắc, âm thanh, mùi vị. Nguợc lại, nếu thiếu hòa hợp, chúng sẽ là một mớ, một đống hỗn độn, một món ăn bát nháo, một câu thơ không ai hiểu.

Từ những nhận xét thẩm mỷ trên, chúng ta biết rằng, bất cứ vật thể gì, con người nào, hay xã hội chi, nếu thiếu, nếu dư thừa, nều không hợp hay hỗn độn hoặc qúa nhiều, qúa ít, nếu phản nghịch với những bản chất tất yếu của chúng, nếu không hòa hợp... đều không đẹp, hay không tốt, hay không đầy đủ. Theo lối nhìn này, con người như là con người phải là con người đầy đủ, một con người xã hội hòa hợp với Trời, Đất và người khác (thuyết tam tài), một con người chủ thể có động lực, phát triển động lực này, một con người ý thức được mục đích toàn vẹn và một con người thực tiễn đang dùng chính cái lực của mình nố lực hiện thực hóa múc đích lý tưởng đo. Từ nhưng đặc tính trên, ta có thể dễ dàng nhận ra con người nhân cách.

Trong đoạn này, để giúp độc gỉa theo dõi một cách dễ dàng luận cứ thẩm mỹ, chúng ta lấy ví dụ của Plato. Nhà triết gia này dùng toán học để lý giải cái đẹp gắn liền với cái toàn thể, và lý do tại sao con người nhân cách không chỉ có những bản chất phải có, mà còn phải vươn lên tới chỗ không thể toàn vẹn hơn. Một vòng tròn hoàn hảo là một vòng tròn không thể tròn hơn. Phương trình cân bằng (cân đối) trong toán học 1=1 là một phương trình mà không không thể có một phương trình nào khác có thể đúng hơn.

Phê Phán Tích Cực

Từ một ví dụ về toán học trên, Plato đi tìm một con người hoàn hảo. Theo ông, con người đích thực là con người ý thức được bản chất hướng về hoàn thiện của mình, và do vậy luôn cố gắng thăng tiến tới giai đoạn viên mãn này. Đó là giai đoạn mà con người không có thể hoàn hảo hơn được nữa[28]. Lối phê phán này mang tính chất tích cực bởi lẽ nó không dừng lại nơi những thiếu sót (chưa phải, không phải, hay còn khiềm khuyết), hay những điều kiện, cơ cấu, ảnh hưởng tạo ra thiếu sót, mà còn nỗ lực đi tìm bản chất hoàn thiện và phương thế để đạt tới giai đoạn hoàn thiện. Từ đây ta mới hiểu được những yếu tính, những động lực, những điều kiện, những nguyên nhân khiến con người luôn khao khát, đi tìm, và không ngừng cải thiện cuộc sống để trở lên hoàn hảo.

Trở lên hoàn hảo có nghĩa là tìm lại được bản chất uyên nguyên đích thực của con người. Plato, đức Khổng, đức Phật và đức Kitô đều có lối nhìn như vậy. Các ngài cho rằng, nền tảng của con người cũng là mục đích của con người, đó là một con người hoàn hảo trong một thế giới toàn mỹ. Đây chính là động lực và là mục đích tối hậu khiến con người thăng tiến (hay nói theo Hegel, khiến con người thăng hoa, aufgehoben)[29]. Nói một cách cụ thể, lối nhìn siêu hình thẩm mỹ tương đồng với cái nhìn xa rộng của nhà toán học, đặc biệt hình học. Họ nhìn ra sự vật, sự kiện nới rộng, vươn cao trong không gian vô tận. Lối nhìn này được Maritain và các nhà tư tưởng Kitô giáo chia sẻ. Họ nhìn con người như là một Hữu sinh (Esse, Being) chứ không chỉ là vật thể mang một thể cách nào đó (tức là hữu thể. Ens, being). Hữu sinh luôn sản sinh, phát triển qua những thể khác biệt, thúc dục bởi động lực và được hướng dẫn bởi mục đích tối hậu, đó là trở thành một hữu thể hoàn hảo (ens entissimum, ens perfectum), hay là con người hoàn hảo. Thành Phật (trong Phật giáo), thành Thánh (trong Khổng giáo), hay trở thành gần như chính Thiên Chúa, đấng Tạo Hóa (imago Dei) tức là tìm lại được bản chất uyên nguyên của con người. Khát vọng của con người do đó được thúc đẩy bởi động lực, và được lý trí hướng dẫn tới mục đích hoàn thiện đã tác động trên con người[30]. Và trong tự do của mình, con người dùng nghị lực, lao động, và trí khôn xây dựng con người đích thực. Lịch sử nhân loại, do đó, là một lịch sử tiến hóa không ngừng, nhưng luôn hướng về mục đích tối hậu, đó là con người đích thực trong một xã hội đích thực. Về điểm này, chúng ta thấy một sự tương đồng giữa những tríết gia lý tưởng (mà ta gọi là duy tâm hay duy ý), những nhà tư tưởng Kitô giáo và những người theo chủ nghĩa xã hội như Marx[31].

Từ đây ta có thể nói, con người nhân cách là con người nhận ra rằng mình phải thăng tiến tới giai đoạn toàn vẹn, giai đoạn mang tính chất mà đấng Tạo Hóa phú cho: tự tại, tự chủ, tự tạo, và tự hoàn tất chính mình.

2.3. Con Người là Chủ Thể hay Thị Trường là Chủ Thể?

Từ hai lối nhìn trên về con người nhân cách, chúng ta nhìn lại vai trò của con người trong cơ chế thị trường ngày nay.

Thị trường ngày nay dựa vào những nguyên tắc sau: (1) Tạo ra một quy chế (mechanism) trao đổi sản phẩm với sản phẩm, sức lao động với sản phẩm, công cụ với sự phát minh công cụ, công cụ với sản phẩm, vân vân. (2) Mục đích của quy chế là giải quyết thặng dư hay thiếu thốn, và do đó tạo ra lợi nhuận tối đa. (3) Dĩ nhiên, để có được lợi nhuận tối đa, cần phải có sản phẩm, người sản xuất, người tiêu thụ, phục vụ, chuyên chở... Đó là tạo ra quan niệm tiêu thụ (consumerism) và xã hội tiêu thụ như là mục đích chính của kinh tế thị trường. Tạo ra một xã hội tiêu thụ đòi hỏi kích cầu người dân có càng nhiều nhu cầu càng tốt. Nhưng đồng lúc cũng giúp người dân có đủ khả năng để tiêu thụ. Do đó thị trường không chỉ thỏa mãn nhu cầu, mà còn dùng mọi cách để tạo ra nhu cầu mới, và tìm đủ phương thế để quyến rũ người dân lao đầu vào tiêu thụ, giúp họ tiêu thụ và đủ khả năng tiêu thụ. (4) Kinh tế thị trường, do đó, tạo ra một thế giới mà người tiêu thụ có cảm giác là họ “giàu” hơn, sống có chất lượng hơn. (5) Và như vậy, tự ru ngủ mình với cảm giác hạnh phúc hơn, và bảo đảm hơn[32].

Tuy nhiên thực chất của thị trường, và bộ máy thị trường không có chỗ cho con người chủ thể. Con người không phải là mục đích, nhưng thặng dư lợi nhuận, hay tư bản mới chính là mục đích của giao thương. Con người chỉ là một bộ phận đương được vận hành trong bộ máy thị trường mà thôi.

Tăng trưởng tiêu thụ đòi hỏi phải tăng trưởng sản xuất, nhưng tiêu thụ không đồng nghĩa với việc thỏa mãn nhu cầu thiết yếu và căn bản. Bởi lẽ chính những nhu cầu trong thế giới thị trường là những nhu cầu nhân tạo, do chính thị trường tự tạo ra, hay do những kẻ đầu cơ phóng đại quảng cáo tạo ra gía trị ảo. Hạnh phúc họ tạo ra không phải là hạnh phúc đích thực, nhưng là những khoái lạc (pleasure) tạm thời.

Từ đây ta có thể nhận ra. Theo lý thuyết của kinh tế cổ điển thì một thị trường có vấn đề là khi nó mất quân bình giữa cung và cầu, giữa sản phẩm và người sản xuất và người tiêu thụ, giữa tư bản bất động và người nhu cần sản xuất, vân vân. Nếu xét từ quy luật trên thì cuộc khủng hoảng thị trường ngày nay không hẳn như vậy. Cung vẫn thừa thãi, và nhu cầu không bao giờ đủ. Thị trường bất động sản là một ví dụ. Nhà cửa trống rất nhiều, và rất nhiều người cần mua, nhưng chẳng mấy ai có đủ khả năng để mua. Vậy thì, như Marx đã nhận ra, thủ phạm chính là những mục đích gỉa tạo mà thị trường tự tạo ra, và với mục đích lợi nhuận vô đáy phá bỏ nguyên tắc quân bình. Cơn hải triều tài chính hiện nay phát sinh từ sự kiện người đầu tư đổ tiền vào những mục đích không hiện thực, nếu không nói là ảo. Họ khuyến khích tiêu thụ, và tạo cho người tiêu thụ một ảo tưởng về một thế giới hoàn hảo an toàn. Giới đầu tư muốn biến những con số ảo thành tiền thật. Khi mà phố Wall Street kéo cả thế giới vào cuộc chơi ảo, không thiết thực này và một khi mà tất cả tư bản được đổ vào cuộc chơi đó, thì hậu qủa tai hại khó có thể lường[33].

Từ những nhận định trên, ta thấy, cho dù với lý do gì đi nữa, thì vai trò chính làm thị trường lành mạnh vẫn là yếu tố con người. Phần sau đây muốn chứng minh một điểm, đó là, một khi con người đánh mất chính mình, hay bị đánh mất, thì thị trường tự nó rất dễ bị khủng hoảng. Thế giới thị trường tư bản luôn ở trong tình trạng bấp bênh, bởi vì chính nó đã phá hủy giá trị chủ động, vai trò chủ thể của con người và giao quyền định đoạt vận mệnh cho một thiểu số tài phiệt cũng như thị trường, một bộ máy vô tâm, vô tính, phi nhân do chính nhóm tài phiệt tạo ra. Vậy nên, khôi phục lại con người nhân cách phải là điều kiện tất yếu để khôi phục lại tính chủ động của con người, và làm cho thị trường lành mạnh trở thành môi trường phục vụ hạnh phúc con người. 

--- Còn tiếp ---


[22] Karl Popper, Conjectures and Refutations (London, 1963 ) Popper gọi là “nhận thức phát triển nhờ vào phán quyết và nhận ra lỗi lẩm” (trials and errors), hay “xây dựng lý thuyết” và “phủ định lý thuyết” (conjectures and refutations). Trong Lời Nói Đầu, Popper khẳng định: là lý thuyết chính của ông là “có thể học thêm từ những sai lạc trước của mình” (we can learn from our mistakes). Sách trên, tr. vii. Nhiều tác phẩm của Popper đã được Tiến sỹ Nguyễn Quang A chuyển sang Việt ngữ. Xtkh. www.chungta.com

[23] Plato là những triết gia đầu tiên áp dụng lối phê phán này. Là nhà toán học, ông nhận định cái đẹp của hình học, hay số học được thấy nơi tính chất hoàn hảo của toán học. Một hình (thí dụ, hình tam giác) nếu thiếu một góc độ thì không phải là hình tam giác; nếu các đường không thẳng, góc độ oai, thì nó không những không đẹp, mà còn không được vững chãi.

[24] Nguyên văn: Kinh tế Quốc Gia và Triết Học - Luận về sự Tuơng Quan giữa Nền Kinh tế Quốc Gia với Nhà Nước, Pháp Luật, Đạo Đức va Đời Sống Công Dân (1844) (Nationaloekonomie und Philosophie – Ueber den Zusamenhang der Nationaloekonomie mit Staat, Recht, Moral und buergerlichem Leben). Cũng còn mang tựa đề: Những Bản Thảo Kinh Tế Triết Học năm 1844 (Oekonomisch-philosophische Manuskripte aus dem Jahre 1844), trong Karl Marx – Friedrich Engels, Ausgewaehlte Werke in sechs Baenden, Tập 1 (Berlin: Dietz Verlag, 1989).

[25] Theo phân tích của Isvan Mészáros (Marx’s Theory of Alienation. London: Merlin Press. 1970), ctr. 99-100, thì lý thuyết dị hóa của Marx dựa trên phân tích của Marx về những khía cạnh lịch sử cũng như cấu trúc hệ thống của những vấn nạn dị hóa trong tương quan với những phức tạp của cuộc sống cụ thể đích thực {real life}, và từ những phản tư về những hình thức khác nhau của lối tư duy. Những khía cạnh này bao gồm (1) sự dị hóa của con người qua chính lao động trong thực tại, và thấy trong những tổ chức xã hội, hay trong những lối suy tư coi con người như đồ vật; (2) sự dị hóa của con người cũng thấy trong những sinh hoạt của tôn giáo, triết học, luật pháp, chính trị, kinh tế chính trị, nghệ thuật và những nền khoa học vật chất mang tính chất trừu tượng; (3) sự tương quan và hỗ tương “giữa”, “và” cũng như “cho” trong những hiện tượng xã hội, (4) động lực nội tại của bất cứ hiện tượng ca biệt nào đi từ dưới lên trên, v.v..  

[26] Chúng tôi tránh dùng từ “Giai cấp vô sản” vì từ Proletarier không chỉ có nghĩa là vô sản. Trong Bản Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản (1848), Marx-Engels Ausgewaehlte Werke, sđd., tập. 1, ctr. 429 và tiếp theo, cũng như trong các tác phẩm khác, Marx và Engels nói đến nhiếu giai cấp chống lại giai cấp thống trị (bourgeois), nhiều Proletarier, bao gồm giai cấp công nhân (Arbeitsklass), giai cấp làm công ăn lương (Lohnarbeiter), giaicấp bị tư bản lạm dụng coi như công cụ (Das Kapital, MEW 23, tr. 604), giai cấp cách mạng (MEW 4, tr, 471), giai cấp ý thức được mình có thể thoát khỏi “vương quốc của nhu cầu tất yếu” để đi vào trong “vương quốc của tự do” (Anti-Duehring, 1876-78, MEW 20, tr. 264: Es ist der Sprung der Menschheit aus dem Reiche der Notwendigkeit in das Reich der Freiheit). 

[27] Marx tiên đoán sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản do nhiều lí do như (1) tính chất mậu thuẫn nội tại của thể chế tư bản (Der Kapitalismus ist die letzte antagonistische Gesellschaftsformation), (2) vai trò của giới lao động ý thức được năng lực (sức lao động) của mình, (3) vai trò lãnh đạo của đảng Công Sản trong cuộc cách mạng phá đổ những điều kiện xã hội kể trên. Sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản (Sie wird gesetmaessig vom Sozialismus und Kommunismus abgeloest), sẽ dẫn đến chủ nghĩa xã hội  và chủ nghĩa cộng sản. Ông xác tín vào chiến thắng cuối cùng của chủ nghĩa xã hội (die Siegesgewissheit des modern Sozialismus). Xin tkh. Marx-Engels, Anti-Duehring, 1976.78, MEW 20, tr. 146 vtth.

[28] Đây cũng là một quan niệm của Plato mà các triết gia Kitô giáo như Thánh Augustine, Hegel và sau này Marx, đã theo và phát triển. Hegel trong Hiện Tượng Học về Tinh Thần (bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn) nhận định con người luôn phát triển cho tới giai đoạn chung cựcc được triết gia gọi là tinh thần tuyệt đố. Trong khi Marx chỉ đảo lôn tinh thần tuyệt đối của Hegel thành một xã hội cụ thể tuyệt đối mà ông gọi là xã hội công sản.

[29] Thuật ngữ “Aufhebung” mà Hegel dùng nói lên tính chất thăng hoa của ý thức một cách biện chứng. Nó bao gồm ba đặc tính (1) bảo tồn (preservation) bản chất trong giai đoạn 1, (2) phủ định (negation) những gì phi bản chất (trong giao đoạn 2), và (3) thăng hoa (elevation0 bằng cách tổng hợp bản chất vốn có, với những yếu tính mới trong qúa trình nhận thức thành một kiến thức mới hoàn hảo hơn (trong giai đoạn 3). Ngoài ra, xtkh. Karl Popper, “What is Dialectic?” trong Conjectures and Refutations. Sđd.

[30] Thánh Augustine nhận thức được sự kiện này khi triết gia viết trong tập sách Sám Hối Lục (Confessiones): “Chúa ơi, hồn con luôn bất an cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa.” (Cor meum inquietum est donec requiescat in Te).

[31] Lẽ đương nhiên, khác biệt giữa Marx và những triết gia duy tâm hay các nhà tư tưởng Kitô giáo nằm ở những lối tiếp cận khác nhau: đối với triết gia duy tâm, chính lý trí và tri thức tác động lịch sử; trong khi đối với những triết gia duy vật như Marx, thì chính lao động hay tác động sản sinh của con người mới có thể làm lịch sử tiến bộ. Đối với triết gia Kitô giáo, không chỉ dựa vào lý trí, tri thức, ý thức và lao động, mà cũng còn phải dựa vào ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa.

[32] Với những chiến thuật như vay trả góp, hưởng thụ ngay và trả tiền sau (credit card), trợ cấp tiêu thụ, tặng quà cáp, hay tiền thưởng tùy theo mức tiêu dùng, vân vân... người tiêu thụ thoải mái tiêu xài. Bình quân mỗi người Mỹ mang món nợ quãng trên 30 ngàn dollars... Tại Việt Nam, giới trẻ ngày nay tiêu xài còn không kém những nước tiên tiến. Gần như mỗi người đều có điện thoại di động hàng “xịn,” đến nối rất nhiều điện thoại công cộng đã ngưng sử dụng.

[33] Sự sụp đổ của Lehman Brothers, sự suy thoái của American International Group (AIG), hay của các đại tập đoàn như Citicorp là những hậu qủa điển hình của cuộc chơi này. Sự suy thoái của những đai gia như General Motors, Toyota là hậu qủa của người tiêu dùng nhận ra tính chất không thiết yếu của những công cụ chưa phải là thiết yếu cho cuộc sống.

zalo
zalo