Ngày tháng: 22/12/2024
Đang truy cập: 67

CON NGƯỜI NHÂN CÁCH VÀ NGHĨA VỤ - Human Person and Social Responsibility (3)

2. CON NGƯỜI NHÂN CÁCH

2.4. Siêu Việt hay Thăng Tiến - Bản chất của Nhân Cách

Ưu tư của con người là ưu lự về chính mình. Và như thế, tự cổ tới kim, tự Đông sang Tây, câu hỏi căn bản nhất làm nền tảng cho mọi nền khoa học (Homer, Aristotle, Kant, Wilhelm Dilthey, Heidegger) vẫn là câu hỏi “con người là gì?”. Từ thời Hy lạp, con người được biết như là một sinh vật lý trí, cho tới tời Phục Hưng con người đòi hỏi quyền tự do sáng tạo từng dành riêng cho Thuợng Đế; rồi đến thời Khai Sáng, con người nhận ra vai trò chủ thể tự làm chủ dựa vào chính năng lực lý tính của mình. Nhưng, tất cả quá trình đi tìm chính mình không phải luôn thành công. Cùng với thao thức đi tìm chính mình, là quá trình tự tha hóa. Lịch sử con người luôn mang hai mặt, làm chủ và làm nô[34]. Thế nên, vào thời đại con người tưởng đã làm chủ vũ trụ thì chính họ lại chấp nhận tự biến đổi thành một sinh vật tiêu thụ trong chính cái thị trường họ tạo ra.

Quá trình khám ra mình, rồi qúa trình tự vật hóa mình, cho dù mâu thuẫn, vẫn nói ra một chân lý, đó là câu hỏi về con người vẫn chưa bao giờ có được một câu trả lời thỏa đáng đầy đủ. Sự hạn chế của khả năng nhận thức cũng như tính hữu hạn của cuộc sống là những lý do chính yếu khiến ta khó thể có một câu trả lời thỏa mãn cho câu hỏi con người là gì. Nhưng còn một nguyên nhân mang tính cách căn bản hữu sinh (ontological), đó chính là bản chất thăng tiến (transcendence) của con người. Làm sao mà ta có thể lấy tính hiện thời, tính cố định để hiểu được bản tính đương tác động và luôn biến đổi? Tha hóa là sự biến đổi thụt lùi, trong khi thăng tiến là cuộc biến đổi hướng về con người viên mãn.

Bản chất thăng tiến hay siêu việt vốn là một động lực thúc đẩy con người luôn biến động và vươn lên không ngừng, vượt khỏi tình trạng hiện sinh, và vươn lên một cuộc sống mới, và cứ như thế hướng về một cuộc sống tuyệt đối. Chính bản chất siêu việt này làm bất cứ nhận thức nào về con người như là một vật thể bất động, bất biến đều chỉ là một nhận thức không đầy đủ. Chấp nhận con người thăng tiến do đó đi ngược lại với lối nhìn duy vật thô thiển (vulgaire materialism)[35], hay lối nhìn duy thương (mercantilism). Và như vậy, chúng ta không thể coi con người như đồ vật, dụng cụ, hàng hóa, tư bản hay tiền tệ. Tất cả đồ vật, dụng cụ, thậm chí tư bản, tiền tệ chỉ là những sản phẩm được con người thăng tiến chế tạo ra. Chúng chính là những dấu ấn phản ánh bản chất thăng hoa, thăng tiến của con người. Chúng không phải là mục đích của thăng tiến, càng không phải là mục đích của con người. Mục đích của thăng tiến phải là chính con người sáng tạo và nhân cách.

2.5. Tính Chất Phi Nhân Cách của Cơ Chế Thị Trường

Một khi chấp nhận bản chất siêu việt đòi buộc ta phải nhận ra con người vưọt khỏi thế giới động vật và sự vật. Lý trí, thẩm mỹ, khát vọng, hưởng thụ... nói lên những tính chất căn bản nhất của con người thăng tiến, những tính chất mà ta không thấy nơi giới động vật khác. Hoặc nếu có một vài loại sinh vật gần con người, thì chúng vẫn còn bị hạn chế. Thí dụ trong lãnh vực sáng tạo và hưởng thụ, (ta thấy) động vật thiếu sáng tạo, và thiếu ý niệm hưởng thụ. Lý do, như đã nói trên, bản chất siêu việt chỉ thấy nơi loài người (và thần linh, theo con người hiểu). Chính bản chất siêu việt này, cộng với tự do tính, tự chủ tính, và lý tính làm nên con người nhân cách. Một con người nhân cách là một con người ý thức được tự do tính, tự quyết, tự chủ của mình, đồng thời nhận ra được mục đích thăng tiến là con người viên mãn, và tìm ra những phương thế hữu hiệu để có thể đạt tới mục đích trên.

Từ sự xác tín vào bản chất siêu việt của con người, chúng tôi phê phán những chủ thuyết nền tảng của nền kinh tế thị trường như chủ thuyết vụ lợi, duy lợi và công lợi (utilitarianism), và phần nào đó, chủ thuyết thực dụng và duy dụng (pragmatism), Những chủ thuyết này chỉ nhìn ra con người vụ lợi với những ước muốn thoả mãn nhu cầu hiện tại nên không để ý tới bản chất siêu việt, thăng hóa. Chính vì vậy mà nền công lý mà họ đưa ra chỉ là những cách thế phân phát lợi tức, nhu cầu hiện tại, và luôn theo nguyên lý vụ lợi, tức là có lợi cho họ[36] Pháp luật, quy chế, tập tục tự xưng là những hình thức của công lý, trên thực tế chỉ là những phương thế do giai cấp thống trị nghĩ và xếp đặt, dùng để áp đặt trên đầu người dân. Nền pháp luật, quy chế như vậy, lẽ dĩ nhiên, luôn luôn mang lại lợi nhuận cho giới quyền hành. Tập đoàn AIG vỡ nợ, được nhà nước Mỹ trợ cấp với số tiền thuế của người dân, nhưng họ lại tự phân phát phần thưởng mỡ màng cho chính những kẻ làm tập đoàn này phá sản. Và họ nhân danh pháp luật (mà họ đã tự lập ra) để làm một chuyện phi lý, phi nhân như vậy. Nhìn từ thực tế này, ta có thể hiểu tại sao một nền công lý xây trên nền tảng vụ lợi không thể là một nền công lý phổ quát. Nó bị hạn hẹp và chế tài bởi nhu cầu, cách thế sống, những ước muốn (giả tạo), và nền pháp luật hiện tại (vốn được xây dựng trên nguyên lý vụ lợi). Khi mà cấu trúc căn bản của xã hội và giai cấp đã cố định, và được xây dựng trên nguyên lý vụ lợi và duy lợi, thì công bình, công lý chỉ còn là những lời hùng biện trống rỗng của nhóm tài phiệt và giới quyền lực, nhưng chẳng ai tin, và cũng chẳng được (mấy) ai thực thi.

Một nền công lý như vậy cùng lắm thì cũng chỉ là một nền công bình mang tính cách tương đối (fairness)[37] mà tôi tạm gọi là sòng phẳng, có tính chất nhất thời, được chấp nhận cho một xã hội có cùng sinh hoạt, ở vào cùng một giai đoạn hay một xã hội nào đó, và cùng một giai cấp mà thôi. Nhưng, làm sao kiếm ra được một xã hội thuần nhất và đồng tính như vậy? Đó là một xã hội không hiện thực (như lịch sử đã chứng minh), và như vậy nền công bẳng được cho là xây dựng trên đồng thuận có lẽ chỉ có trên lý thuyết mà thôi[38]. Điểm mà chúng tôi muốn nhấn mạnh nơi đây, đó là nền công bình này không thể hiện thực bởi vì tự bản chất mâu thuẫn của nó. Nguyên lý tự do tối đa trong việc mưu lợi tạo ra tự do cạnh tranh, và nguyên lý coi lợi tức như là mục đích tối hậu, tự chúng đòi hỏi một sự bất quân bình. Ta khó có thể có được một nền công bình (cho rằng tương đối) nếu dựa trên chính sự đa tạp của xã hội, đa hóa của giai cấp và sự bất bình đẳng của con người, cũng như của lao động. Chính vì vậy mà công lý là một quan niệm bị lạm dụng nhiều nhất[39]. Hàng lãnh đạo, giai cấp quyền thế, giới tài phiệt với quyền lực và đồng tiền trong tay, sẽ giải thích và thiết lập một hệ thống công bình có lợi cho họ, trong khi bá chúng bắt buộc phải chấp nhận loại “công bình” bất lợi này. Người dân thấp cổ bé miệng sẽ tự ru ngủ với một loại công bình mai sau, hay sẵn sàng mãn nguyện với những mối lợi thiển cận giới lãnh đạo ban phát cho họ[40], hay do giới sản xuất nghĩ ra và quảng cáo.

Như vậy, ta có thể nói, tham vọng xây dựng một nền công bình mang tính chất phổ quát, không phân biệt cá nhân, khát vọng, nhu cầu và chính khả năng của mỗi người (như chủ thuyết xã hội đương đeo đuổi) cũng khó có thể thực hiện, nếu vẫn còn dựa trên chủ thuyết duy lợi. Thực tế cho thấy, đó là một lý tưởng hơn là một nguyên lý phát xuất từ chính cuộc sống con người. Điểm yếu của nền chân lý phổ quát nhưng dựa trên lợi tức, đó là không ai có thể nắm vững được bản chất của lợi tức, cũng như những ước muốn vô hạn chế của con người.

Thứ tới, một nền công bằng như vậy khó có thể được phổ quát hóa cho toàn nhân loại và áp dụng cho mọi thời. Nó càng không thể thỏa mãn được khát vọng vươn lên, tiến xa của con người. Và để tạo một xã hội quân bình nhân tạo (gỉa tạo), chủ trương thuyết duy lợi bắt buộc phải tạo ra một thế giới đơn phương, đơn chiều với những lợi ích vật chất, những mục đích tạm bợ, chỉ mang giá trị hạn hẹp, và ru ngủ con người bằng những chiêu bải như vậy[41].

Kết Luận

NHÂN CÁCH VÀ NGHĨA VỤ CON NGƯỜI

Qua phân tích về sự khác biệt giữa nhiệm vụ và nghĩa vụ, về tính chất máy móc vô nhân của cơ chế thị trường cũng như dựa trên phê phán xã hội và thẩm mỹ học về con người, chúng ta có thể đi tới những nhận định sau:

Thứ nhất, bất cứ một sinh hoạt nào đều là sinh hoạt con người. Do đó, sinh hoạt kinh tế (tài chính) cũng chỉ là một sinh hoạt con người. Mục đích của nó chính là con người. Như vậy, nó không được tách rời khỏi con người. Ngược lại, nó phải được xây dựng trên nền tảng con người.

Thứ tới, khủng hoảng kinh tế và tài chánh hiện này là do rất nhiều nguyên do, nhưng nguyên do chính yếu vẫn là do con người. Con người đã cố ý hạ cấp mình xuống hàng thứ yếu, hay một cách vô thức không nhận ra vai trò chủ thể của mình. Khi mà con người phát minh bộ máy thị trường, và tự để bộ máy này chi phối, thì lúc đó con người hoặc chỉ còn là một đối tượng giống như sản phẩm, hàng hóa, công cụ, phương tiện. Và khi mà con người coi lợi nhuận như là mục đích tối hậu, thì khủng hoảng là một hệ qủa tất yếu không thể tránh. Khủng hoảng kinh tế trên thực chất là khủng hoảng của con người

Thứ ba, sự bất công phát sinh từ nguyên do trên. Nếu con người chỉ là một đồ vật, hàng hóa... thì giá trị của con người không phải là con người, mà do thị trường quyết định. Tiếp theo, sức lao động của con người không còn biểu lộ bản tính tự chủ, sáng tạo, nhưng chỉ còn là một món hàng hóa để trao đổi, hay một phương thế sản xuất hnàg hóa. Một ngày lao động được đánh đổi bằng một hai đồng đô la ít ỏi ở Việt Nam hiện nay[42]. Sức lao động rẻ hơn bèo, nói theo kiẻu nói bình dân. Điều đó có nghĩa là chính cái gía trị của con người cũng rẻ như bèo. Oái oăm thay, đồ vật, hàng hóa là sản phẩm con người tạo ra lại có giá trị cao hơn chính kẻ tạo ra chúng.

Thứ tư, mặc dù con người trong cơ chế thị trường đã tiến bộ hơn so với người nô lệ, nhưng nói chung, họ vẫn còn là một con người chưa hội đủ tính con người như Marx đã đòi hỏi. Họ càng cách xa với con người mang tính chất siêu việt thăng tiến mà Maritain và các nhà tư tưởng Kitô giáo từng xác quyết.

Từ những nhận định trên, chúng tôi dựa theo các nhà đại hiền triết, từ Socrates tới đức Khổng, từ đức Phật cho tới đức Kitô, và biết bao triết gia như Marx, Maritain... cho rằng, một nền kinh tế lành mạnh trước hết phải là một nền kinh tế vì con người, cho con người và từ con người. Con người phải là chủ thể. Ngay cả khi kinh tế học nhìn con người như là một đối tưọng nghiên cứu, thì đối tượng này không giống các đối tượng sự vật khác, bởi lẽ đối tượng con người sống động, phát triển, và nhất là tự do và luôn thăng tiến. Nói cách chung, con người luôn mang tính chủ thể ngay cả khi làm đối tượng cho bất cứ nghiên cứu nào. Vì, con người tự bản chất phải là con người nhân cách, theo nghĩa một con người tự do, ý thức, lý trí, tự chủ, sáng tạo, hiện thực, liên đới và siêu việt.

Chính tính nhân cách này cho ta thấy, con người luôn mang hai loại trách nhiệm, trách nhiệm chung trong một cộng đồng trong tư cách của công dân, tín đồ, thành viên hay “đồng” tộc, đồng bạn, đồng nghiệp, vân vân, mà ta gọi là bổn phận, nhiệm vụ và trách nhiệm con người trong tư cách là con người mang tính cách toàn diện, mà ta gọi là nghĩa vụ. Con người nhân cách, như đã nói trên, phải là con người mang tính cách toàn diện, và như vây, luôn có hai loại trách nhiệm, đó là bổn phận của một thành viên, và nghĩa vụ con người.

Thực thi nghĩa vụ con người, hoàn tất bổn phận thành viên là cách thế biểu hiện con người nhân cách. Chỉ với tư cách của con người nhân cách, ta mới hòa hợp được bổn phân công dân và nghĩa vụ con người. Tương tự, chỉ có nghĩa vụ mới có thể vượt trên những sự khác biệt, thậm chí xung khắc, giữa những nhiệm vụ khác biệt, thí dụ bổn phận của thành viên trong gia đình và công dân một nước, bổn phận của công dân Việt với nhiệm vụ của tín đồ Kitô giáo, vân vân.

Và bây giờ chúng ta hiểu được tại sao những tổ chức như Misereor..., những con người khác chủng tộc, tôn giáo, thậm chí từng thù nghịch trong qúa khứ (như người Tầu và người Việt, người Mỹ và người Việt, người Pháp và người Việt, hay người Việt và người Chàm, người Cao Miên, vân vân), lại sẵn sàng bỏ công bỏ của, hy sinh cuộc đời của họ để giúp chúng ta. Họ, những người nhân cách, đến với chúng ta là vì họ đương thực thi nghĩa vụ con người, vì họ coi chúng ta như những chủ thể như họ, và vì họ kính trọng chúng ta trong tư cách của con người nhân cách. Và khi chúng ta phục vụ và tôn trọng người khác như là một con người nhân cách, thì chính lúc đó, nhân cách Việt của chúng ta cũng đương tỏa sáng. Ý thức trách nhiệm xã hội và thực thi nghĩa vụ con người, đó chính là bản chất của con người nhân cách.

Trần Văn Đoàn

Hoàn tất dịp Thuyết trình tại

Hàn Lâm Viện Khoa Học Xã Hội Thượng Hải, 30.06.2009

Nguồn: simonhoadalat.com

--- Hết ---


[34] Max Horkheimer – Theodor W. Adorno, Dialektik der Aufklaerung (1947). Bản dịch Anh ngữ của John Cumming: The Dialectic of Enlightenment (New York: Seabury Press, 1971).

[35] Marx từng phê bình chủ trương duy vật thô thiển này. Mà ông gọi là “chủ thuyết duy vật tầm thường phi biện chứng”. Xin tkh. MEW 20, tr. 446 vtth. (Kritik des undialektischen Vulgaermaterialismus). Hay trong Grundrisse, tr. 579, Marx viết về chủ thuyết duy vật trong quan hệ sản xuất: “Der grobe Materialismus, die gesellschaftlichen Produktionsverhaeltnisse als natuerliche Eigenschaften der Dinge zu betrachten”

[36] Thống kê cho thấy, nhu cầu của một người Mỹ trung bình vượt khỏi một người ơ các nước nghèo cả chục lần, thậm chí cả 30 lần (thí dụ trong việc tiêu thụ nhiên liệu). Gần tới 80% nhu cầu của giai cấp giầu sang là những nhu cầu “nhân tạo” không thiết yếu.

[37] Quan niệm công lý mang tính chất “sòng phẳng” (fairness), “chơi đẹp” (fairplay), vân vân, được John Rawls đưa ra trong tập sách có ảnh hưởng sâu rộng tới thế giới tư bản, mà mục đích là diễn tả và hợp lý hóa các thể chế của nền dân chủ lập hiến A Theory of Justice (Massachusetts: Cambridge, 1971).

[38] Trong tập sách A Theory of Justice, sđd., John Rawls đưa ra hai tiền đề như là hai điều kiện tiên quyết cho nền công lý mang tính chất sòng phẳng này (fairness as justice), đó là (1) giả thuyết bắt đầu bằng con số không, ai cũng không biết chi hết (under the veil of ignorance), và (2) tự do. Như vậy, trong tự do và hoàn toàn không bị chi phối bởi lịch sử, văn hóa, ý hệ, các cá nhân trong một xã hội sẽ dựa trên lý trí đi đến đồng thuận để có thể bảo vệ tình trạng bình đẳng, độc lập, và tự do theo đuổi mục đích tìm kiếm điều tốt, cái hay, cái lợi cho mình. Không cần phải đi xa hơn, ta thấy cả hai tiền đề đều mang tính chất giả thuyết, không thực tế.

[39] Văn hào Anatole de France từng ngạo cười công lý: “Công lý ban phát cho mỗi người điểu họ cần. Nó cho kẻ giàu có thêm tài sản, trong khi cho người nghèo khổ sự khốn cực.” Chúng tôi đã bàn về quan niệm công lý trong tập chuyên khảo: Trần Văn Đoàn, Chính Trị dữ Đạo Đức (Đài Bắc: Học Sinh Thư Cục, 1998), chương 4 :”Luận Chính Nghĩa”, ctr. 131-178. (Trung ngữ), cũng như Trần Văn Đoàn, Chính Trị Triết Học (Đài Bắc: Tam Dân Thư Cục, 2009). (Trung ngữ).

[40] Đây là lý do tại sao Marx coi chính trị, kinh tế và tôn giáo là những đối tượng phê phán. Thậm chí, ông coi việc phê phán tôn giáo như là tiền đề tất yếu làm nền tảng cho tất cả mọi phê phán khác. Ông việt trong phần Dẫn nhập của tập sách Phê PhánTriết học Pháp luật của Hegel (1843/44) như sau: “Đối với nước Đức thì tự bản chất công việc phê phán tôn giáo đã chấm dứt, và phê phán tôn giáo là tiền đề cho tất cả mọi phê phán.” (Fuer Deutschland ist die Kritik der Religion im wesenlichen beendigt, und die Kritik der Religion ist die Voraussetzung aller Kritik...). MEW 1, tr. 378 và tiếp theo. Xin lưu ý là Marx nhầm lẫn tôn giáo và tổ chức tôn giáo. Trên thực tế ông cũng nhận ra lý do tại sao người dân khốn cùng tin vào tôn giáo, bởi vì “Sự khốn cực tôn giáo một phần là sự diễn đạt cái khốn cùng thực sự, một phần khác là sự phản đối chống lại tất cả những sự khốn cực thật sự.” MEW 1, tr. 378 (Das religioese Elend ist in einem der Ausdruck des wirklichen Elendes und in einem die Protestation gegen das wirkliche Elend.”

[41] Xtkh. Herbert Marcuse, One Dimensional Man (London, 1964).

[42] Nguyễn Ngọc Lan, “Chợ Người”

zalo
zalo