Ngày tháng: 21/01/2025
Đang truy cập: 231

CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG TRONG GIA ĐÌNH - Phần 4/6 - Lm. Giuse Đinh Quang Vinh

CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG TRONG GIA ĐÌNH – Phần 4/6

“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta”

› ® ¬ ® š

     IV. GIA ĐÌNH TĂNG CƯỜNG SỰ HIỆP THÔNG

      “Yêu thương là sự hoàn tất của mọi công việc của chúng ta. Đó là mục đích: Chúng ta chạy vì đó, chúng ta chạy đến đó; và khi tới đó, chúng ta sẽ yên nghỉ” (Thánh Augustinô) [107]. Không nhân đức nào con người đạt được mà không trải qua những gập ghềnh, bất toàn, kể cả tội lỗi. Con người nhân đức luôn phải chọn lựa mỗi ngày trong tự do để từng bước nhận biết, yêu mến và chu toàn điều thiện [108]. Củng cố sự hiệp thông trong gia đình chính là nỗ lực để nhận ra vẻ đẹp và sự lôi cuốn của những thái độ chân chính hướng về điều thiện, họ tăng trưởng về nhân đức, cách riêng là đức ái [109]. Gia đình Kitô giáo củng cố sự hiệp thông, tăng cường đức ái dưới sự trợ giúp của ân sủng. Gia đình cùng cất bước trên nẻo đường yêu thương vì đó là đường dẫn đến Đức Giêsu Kitô, là Chúa và là Đấng Cứu Độ đáng chúc tụng! “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,13).

     1. Củng cố sự hiệp thông cách cụ thể

     Tiếp nạp nguồn năng lượng yêu thương và hiệp thông cho tình bạn, tình yêu và hôn nhân đang bị hao mòn là thực hành cần thiết. Đôi bạn và cha mẹ có bổn phận duy trì các nguồn năng lượng để nạp điện cho lòng nhiệt thành của bản thân và cho con cái.

     Sự chểnh mảng làm cho sự hiệp thông nơi gia đình phân rã. Cùng làm và cùng tham gia làm một việc nào đó, muốn làm gì đó để đầu tư thời gian, năng lực, thiện chí, cống hiến, hy sinh để chính cá nhân trao tặng cho gia đình là ưu tiên số một. Sự hiệp thông trong gia đình mời gọi không ai đứng ngoài cuộc. Mỗi người vừa là người đón nhận và vừa là người trao ban, mỗi người có chỗ đứng độc đáo nào đó; khiến cho nếu khiếm khuyết vai trò đó thì toàn bộ cơ cấu gia đình sẽ ra khác, thậm chí nó không còn là gia đình. Tình tương thân tương ái khiến mỗi người có trách nhiệm về hạnh phúc gia đình mình.

     Chính khi cùng làm, cùng ăn chung và cùng sống với nhau mà mỗi người biết dành thời gian để chuyện trò, để lắng nghe như một nhu cầu thiết yếu của sự hiệp thông [110]. Dành thời gian để lắng nghe và đối thoại là trọng tâm trong đời sống hôn nhân gia đình, bởi vì nó mang đến cho vợ chồng một trải nghiệm về sự nên một khiến vợ chồng gần gũi nhau hơn. Đó là một hành động yêu thương bởi vì nó tạo ra tình yêu và sự hiệp thông sâu đậm hơn. [111]

     Biết lắng nghe là bổn phận đầu tiên của tình yêu. Trong môi trường này, mỗi người cảm thấy thỏa mãn nhu cầu thiết yếu là được người khác quý trọng và đánh giá cao. Điều quan trọng là trước khi biết lắng nghe nhau để củng cố sự hiệp thông, con người phải biết lắng nghe lời Thiên Chúa. Vợ chồng ông Gióp hiểu lầm nhau vì sự khác biệt của họ trong tương quan với Thiên Chúa. Hai vợ chồng ông không gặp gỡ nhau trong việc cùng yêu mến Thiên Chúa. Vì vậy, “Đôi vợ chồng phải đi đến Thiên Chúa và lớn lên với Ngài trong tư cách là một đôi phối ngẫu. Vì lý do này, vấn đề của vợ chồng là phải cùng lắng nghe lời Thiên Chúa. Đây là một trợ giúp cho việc cùng lớn lên trong đức tin”. [112]

     Trong gia đình hạnh phúc, mức độ quý mến nhau ở mức tối đa. Mỗi người đều có một điểm nào đó đáng khen và đáng yêu như chất keo để xây dựng sự hiệp thông. Dẫu còn đó những bất toàn thì tinh thần cùng “thăng tiến” sẽ lướt thắng não trạng hoàn hảo đang đục khoét sự hiệp thông. Cái nhìn tích cực khiến gia đình luôn là nơi mỗi người tìm gặp được người giúp đỡ và an ủi trong những lúc khó khăn, tìm được động lực để thăng tiến và tái tạo, nơi giúp người ta được đổi mới và tràn đầy sinh lực, được trang bị sức mạnh cần thiết để đối mặt với cuộc đời. Chính nơi gia đình mà cá nhân nhận ra và điều chỉnh hình ảnh trung thực của bản thân.

     Gia đình hòa hợp và hiệp thông vẫn còn đó những vấn đề cần giải quyết và giải tỏa. Tinh thần hiệp thông giúp họ có khả năng vượt qua khó khăn không thể tránh khỏi từng bước một. Họ không nhìn vào sai trái hay tội lỗi mà tìm cách thế giải quyết vấn đề để nuôi dưỡng tình yêu và duy trì sự hiệp thông. Tình yêu là chất nhựa sống còn cho mái ấm gia đình. Gia đình hạnh phúc diễn tả chiều kích tâm linh của mình cách cụ thể trong đời sống hàng ngày. Họ chia sẻ những giá trị đích thật qua việc cùng nhau cầu nguyện. Những giờ sum vầy cầu nguyện dần dà sẽ làm trổ sinh hoa trái là sự đồng tâm nhất trí, sự dịu dàng, ơn tha thứ, sự cảm thông và lòng tin vào Thiên Chúa. Sự tha thứ trong gia đình là chất keo nối kết tình hiệp thông, là biểu hiệu rõ nét nhất của tình yêu. Cha mẹ trách mắng con cái cách nào để chúng đừng nghi ngờ về tình yêu cha mẹ, để chúng cảm nhận rằng cha mẹ đang ở trong Chúa. Một học giả Nhật Bản cho biết rằng để bù vào một lời phê bình hay một sự trừng phạt, cho dù đó là một đứa trẻ, người ta phải khen ngợi và tán thưởng ít là năm lần trong ngày đó nếu không muốn nó thành người nhụt chí và nhút nhát. Lời ngợi khen có hiệu quả đem lại tình yêu và sự hiệp thông. [113]

     Không có gì làm tổn thương cho con người hơn là cảm thấy mình không được yêu thương. Những ngày lễ hội trong gia đình là dịp gia tăng niềm vui, tình yêu và sự hiệp thông cho mọi thành viên. Nó thật sự quan trọng cho trẻ trong thời thơ ấu để một mai khi trưởng thành, những lúc cuộc đời đầy sóng gió thử thách sẽ lôi con người ra khỏi tuyệt vọng của sự cô đơn vì biết mình luôn được yêu thương. “Khi người ta biết ăn mừng, là người ta có khả năng làm mới lại năng lượng của tình yêu, giải phóng người ta khỏi sự đơn điệu nhàm chán và làm cho những thói quen thường nhật đượm đầy màu sắc và hi vọng”. [114]

     Cảm nhận quan trọng nhất của một đứa trẻ là biết rằng cha mẹ chúng yêu nhau, chúng là hoa trái của tình yêu đó. Tình yêu nối kết mẹ cha là đá tảng vững vàng trên đó chúng có thể dựng xây tổ ấm. Khi biết cha mẹ yêu thương nhau thể hiện qua ngôn ngữ hay hành vi, một dòng suối ấm áp an bình bao bọc con cái. Tình thương là dây liên kết nền tảng phải có giữa mỗi thành viên trong gia đình. Mỗi đứa trẻ dễ dàng cảm nhận được tình yêu chân thành và việc chia vui sẻ buồn hiện diện nơi gia đình mình. Mỗi đứa trẻ có trực giác rất rõ về tình yêu giữa con người với nhau. Bầu khí yêu thương làm cho gia đình tồn tại. Tình yêu và chỉ tình yêu là mảnh đất mang lại dưỡng chất nhân bản, đạo đức, tâm lý và văn hóa cho trẻ thơ và thanh thiếu niên, điều cho phép chúng nên người. Tình yêu là bến cảng từ đó người ta sẽ nhổ neo con thuyền cuộc đời để ra đi chinh phục thế giới và quay về mỗi khi có thể. Gia đình phải là một bến cảng mà người ta có thể tin cậy cách vô điều kiện. Yêu thương nhau giữa cha mẹ là trách nhiệm lớn lao mà họ có thể làm cho tương lai của con cái và sự hiệp thông trọn vẹn của gia đình và gia tộc. Mối tương quan hiện có giữa cha mẹ là cội nguồn phát sinh sự ổn định và an bình cho con cái. Vì lý do này, họ cần phải dành thời giờ tâm sự với nhau, hòa giải các điểm bất đồng và vì vậy lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau để cùng nhau thăng tiến trong “sự trưởng thành về mặt cảm xúc”, chúng là sự phối hợp hài hòa nhiều phẩm chất như: Tính rộng lượng, lòng khoan dung, khả năng thích nghi, sự thông cảm, sự khôn khéo...

     Trẻ nam và trẻ nữ cư xử theo cách chúng học được hoặc trông thấy nơi quý ông hoặc quý bà là cha mẹ chúng. Con cái cũng hấp thụ kiểu tương quan phái tính có nơi cha mẹ. Cha và mẹ nên nhớ họ cũng là vợ chồng và bởi đó phải gia tăng tình yêu cho nhau và cho con cái cùng một trật. Nếu mối dây liên kết họ lại vẫn sống động và mạnh mẽ, thông thường mọi hoạt động trong gia đình suôn sẻ và người ta có thể giải quyết mọi vấn đề.

     Tình yêu vợ chồng đừng lãng quên hay bóp nghẹt tính cách nữ giới và nam giới khi xem xét và đương đầu với thực tế cũng như với các vấn đề. Phải làm sao để vai trò người mẹ và vai trò người cha không bị đảo ngược một cách nông nổi và quá sâu đậm. Các nhà tâm lý học nhận thấy mối tương quan của việc chuyển đổi giới tính với việc vị thế của cha hoặc mẹ bị lấn lướt quá mạnh [115]. Yêu thương là biết quan tâm đến nhau. Những ngày kỷ niệm, lễ hội, quà tặng, đi chơi, ăn ngoài trời và những thiệp chúc mừng của người chồng có thể phá tan tầng mây xám vô vị đang vây bủa người vợ. Ngược lại người vợ cũng không nên dựng lên xung quanh mình bức tường ngăn cách với chồng qua những hòn đá thù oán, cố chấp, lặng thinh, dỗi hờn, nhắc lại chuyện cũ... Biểu lộ tình cảm là điều quan trọng, luôn nhạy cảm với nỗi đau của người khác. Chấp nhận người khác với những bất toàn không thể tránh khỏi, chấp nhận người khác như con người vốn có của họ và vị trí hiện tại của họ [116]. Người nữ có nhu cầu truyền đạt tình cảm của mình, cảm thấy được lắng nghe và được che chở; người nam có nhu cầu cảm thấy được đánh giá cao cho cái tôi. Vợ chồng nên hâm nóng tình yêu cách định kỳ qua các kỳ nghỉ, tĩnh tâm, hành hương... Tân trang cách đều đặn các nghĩa cử lãng mạn, từ những bông hoa đến cái liếc mắt đưa tình khi nói chuyện với bạn mình. [117]

     2. Trưởng thành trong tình yêu

      “Tình yêu gồm hai người cùng tệ như nhau” (Paul Valéry). Khi những cuộc hôn nhân chấm dứt bằng ly dị như bằng chứng phũ phàng của mối hiệp thông bị phá vỡ, con người cảm thấy cay đắng và ngỡ ngàng vì tình yêu hạnh phúc không phải là cặp bài trùng luôn được đi đôi với nhau.

     Thất bại trong tình yêu hay việc cắt đứt sự hiệp thông cách nào đó cho thấy ảo tưởng về tình yêu bị lột trần ra, qua đó mời gọi con người trưởng thành hơn khi biết khiêm tốn nhìn vào chính mình mà thay đổi. Hơn cả sự trưởng thành, trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, con người cần được thanh luyện khỏi não trạng ấu trĩ, vượt qua điều mà con nít vẫn tin là mình luôn luôn có thể có điều mình mong muốn, có sự thành công mà không cần một kỷ luật nghiêm khắc nào [118]. Để rồi vượt lên trên tất cả những cay đắng, bất toàn, buồn phiền họ có thể an ủi và nói chuyện thân mật với người thân của mình như ông Giuse: “Các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: Chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em. Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt là cứu sống một dân đông đảo” (St 45,4-5; 50,19-21). Giuse yêu thương nên đã có khả năng nói những lời động viên có sức vỗ về, trợ lực, an ủi, khích lệ [119]. Trưởng thành trong tình yêu hay trong đời sống tâm linh chính là việc nhận ra mình chỉ là một dụng cụ trong kế hoạch của Thiên Chúa. Thiên Chúa đặt để ai hay việc gì vào chương trình sáng tạo và cứu độ là tùy ý Ngài. Ý thức mình là dụng cụ của Thiên Chúa nghĩa là chấp nhận đi vào con đường thập giá, trở nên một nấc thang để người khác đi lên. Đừng quan trọng hóa cái tôi khi nó chỉ có tính tương đối, bất toàn, một dụng cụ không hơn không kém.

      “Tội Ađam thật là cần thiết, tội đã được tẩy xóa nhờ sự chết của Chúa Kitô. Ôi tội hồng phúc vì đã đáng được Đấng Cứu Chuộc rất cao sang” (Exultet). Ở khía cạnh tích cực, việc Ađam và Evà bị Thiên Chúa đuổi ra khỏi vườn địa đàng là một may mắn. Ở ngoài vườn địa đàng để Ađam và Evà vỡ mộng về tình yêu và hạnh phúc nằm ngoài tầm với của họ, để họ không còn an toàn giả tạo khi áp dụng chính sách đà điểu chui đầu xuống cát lúc gặp nguy hiểm. Để tránh rơi vào an toàn giả tạo hoặc rơi vào cám dỗ muốn biến hòn đá khô khan thánh bánh tình yêu, đôi bạn có thể thay bánh này bằng bánh khác. Tác giả Alain Houziaux đề nghị nên linh động thay đổi qua lại giữa ba loại bánh trong tình yêu:

1) Bánh Eros (tình ái): Tình yêu eros đặc biệt thuộc văn hoá Hy Lạp, là tình yêu đi lên và ham muốn [120]. Đó là đam mê nhục dục, lúc nào cũng khiến đôi bạn hụt hẫng và thiếu thốn. Tính hai mặt của nó khiến con người phải nhìn nhận rằng yêu nhau chính là bước vào một cuộc phiêu lưu đẹp, người ta có thể sờ đụng nó nhưng nó vẫn cứ như một ánh sáng huyền bí vuột khỏi tầm tay. Cái thiếu này không phải là một thất bại, nó là đòi hỏi riêng biệt của huyền nhiệm tình yêu và mình phải sống với nó. “Rõ ràng, eros cần sự thanh luyện, để nó không chỉ đem lại cho con người chút khoái lạc chóng qua, nhưng là một sự nếm trước đỉnh cao của cuộc sống - một thứ diễm phúc mà cuộc dời chúng ta hướng đến”. [121]

2) Bánh Philia (tình bạn): Đó là vui hưởng sự có mặt của người kia trên cuộc đời. Sự hiện diện ở đây khiến đôi bạn ngưng đòi hỏi nhau, vượt qua những đam mê xâu xé để vui hưởng sự hiện diện của nhau. Dù không gặp được tiếng nói chung do phái tính khác nhau thì đây là loại bánh ngon làm cho tình yêu sống dài lâu, làm cho hai người cùng già với nhau trong tình yêu (Jacques Arènes). Tình yêu huynh đệ làm tăng khả năng vui mừng, vì nó làm cho ta có thể vui vì điều tốt lành của người khác: “Hãy vui với người vui” (Rm 12,15).  [122]

      “Trong thực tế, eros agape -tình yêu đi xuống và đi lên- không bao giờ tách biệt nhau. Khi cả hai càng hợp nhất đúng đắn dưới mọi chiều kích khác biệt trong một thực tại tình yêu duy nhất, thì bản chất chân thật của tình yêu càng tỏ hiện rõ ràng. Thiên Chúa là nguồn gốc sáng tạo vạn vật, đồng thời trong Đức Giêsu Kitô cũng là một con người yêu với một tình yêu thực sự đam mê. Như thế, eros được nâng lên hàng cao quý tột đỉnh, nhưng đồng thời được thanh luyện, để eros tan biến vào trong agape”. [123]

3) Bánh Agapê (bác ái): Tình yêu theo quan niệm Kitô giáo là agapê, tình yêu đi xuống và dâng hiến [124]. Đó là tình yêu trao ban nhưng không. Nó thoát khỏi tính vị kỷ và vụ lợi để tô đậm nét đẹp chung thủy, để bày tỏ ơn nghĩa sâu xa vì những gì mình đón nhận được từ người kia, để sẵn sàng hy sinh cho người mình yêu. “Chung thủy tồn tại khi tình yêu mạnh hơn bản năng” (Paul Carvel). [125]

     Khi nhận thức được tính mong manh của tình yêu, người ta không dám thử thách nó bằng những cú trượt dài lao vào mạo hiểm hay đùa với lửa để thử thách lòng tin tưởng của người kia [126]. Yêu nhau chính là tiếp tục tin tưởng vào con người thật của người kia để vượt ra khỏi cám dỗ chuyên chế khi nghĩ rằng mình luôn có lý. “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà (isha), vì đã được rút ra từ đàn ông (ish)” (St 2,23); Ađam nhìn nhận bản chất xác thịt yếu đuối như nhau để yêu Evà; Ngay từ nguyên thủy, Ađam và Evà đã ý thức họ không phải là những vị thần hoàn hảo. Việc từ chối trách nhiệm vừa khiến con người bớt là người vừa minh chứng cho tính bất toàn của họ. Ađam và Evà là mô hình nguyên thủy về tính bất toàn cho mọi con cháu là chính chúng ta.

      “Trong tình yêu –trừ ra là không yêu cái tình yêu-, thì nên cam đành không được yêu” (Emmanuel Levinas). Con người hiện đại lại quên mất rằng tình yêu dù thiêng liêng cao thượng đến mấy thì nó phải đi ngang qua đời sống với những mong manh và lo lắng: “Đôi cặp không chỉ là một kết hợp của cha mẹ cho tổ ấm gia đình mà còn là phòng thí nghiệm của tình yêu và vì thế, một tiến trình phát triển khác trước” (Paule Salomon). Thực tế giữa họ luôn có một khoảng trống không cho phép họ nên một xương một thịt. Khoảng không gian đó đâu có cho phép họ yêu theo cách chiếm hữu, độc quyền, chuyên chế, so sánh, nô lệ… Tình yêu đó sẽ đạt được lý tưởng ở chỗ hai người khác nhau có cùng một cách yêu nhau và có chung một tình yêu. Tình yêu đó sẽ đạt tới đỉnh cao khi nó là tình yêu tự hiến theo gương Cha trên trời, như Thánh Giuse đã yêu mến Đức Maria và Đức Giêsu bằng một tình yêu vô biên, dịu dàng, thanh khiết, tự hiến và tự do phi thường. Thanh khiết thoát khỏi thái độ chiếm hữu trong mọi lĩnh vực đời sống của mình. Tình yêu tự hiến tôn trọng quyền tự do để người khác sống cuộc sống của riêng mình cách tinh tế. Vẻ đẹp và niềm vui chính là hoa trái của tình yêu tự hiến [127]. Họ hiểu rằng: “Tình yêu cũng như lửa, phải khơi hoài mới giữ được ngọn lửa. Khi hết hy vọng và hết sợ thì hết tình yêu” (La Rochefoucault). [128]

     Phòng thí nghiệm của tình yêu đòi hỏi hai người yêu nhau tập quên đi những sảng khoái thuở ban đầu tim kề tim để nhận ra không thể xô đẩy nhau đi vào con người của nhau mãi vì tính cá biệt là một nhu cầu không thể hòa trộn. Đời sống thực tế là nơi xảy ra những rủi ro và may mắn, nơi đó đòi hỏi con người vừa phải đổ mồ hôi và nước mắt, vừa phải vững niềm tin để có được một thành công nào đó. Thomas Edison cũng đã vật lộn trong phòng thí nghiệm để có được ánh sáng của bóng đèn và phòng thí nghiệm của tình yêu để có được niềm vui cho cuộc đời [129].  Tính cá biệt hay nét độc đáo của mỗi nhân vị càng không cho phép nó vong thân trong cấu trúc chuyên chế trị và bị trị, nó cần thế quân bình. Kể cả trong tình yêu, chẳng ai muốn mình bị khai thác, bị người khác phóng chiếu cái tôi của họ lên mình, bị tổn thương vì lợi ích riêng mạnh hơn lợi ích chung, bị mất tự do vì can thiệp quá sâu và quá lâu, bị mất bình an do tính sáng tạo bị bóp nghẹt và phẩm giá bị xúc phạm. Giữa những xung đột chuyên chế về phái tính, điều cần thiết là có khả năng để nhận ra chiều kích phái tính liên quan đến nhau để mềm dẻo tiến tới quan hệ của một alter ego – cái tôi khác, một con người trọn vẹn hơn. Đó là con người vừa đơn độc vừa kết hợp, vừa bạn hữu vừa người tình, vừa hôn thê vừa vợ chồng, vừa phụ thuộc vừa độc lập, vừa con người vừa Kitô hữu. Để thành công trong đời sống vợ chồng, cuộc chiến đấu mưu cầu cho hạnh phúc đòi hỏi tính khí anh hùng, năng động, tinh tế giữa những bộn bề của: Cái tôi, tình dục, quả tim và cái đầu. Cuộc chiến đấu này đưa mỗi giới tính về đúng vị trí của nó và được bổ túc bởi những gì còn thiếu; người nữ với sự hiện diện nồng ấm đưa họ lại vào con người bên trong của họ, một ngọn lửa tỏa ra ánh sáng [130]; người nam phóng tôi ra bên ngoài trong sự khám phá và chinh phục, một ngọn lửa thiên về lý trí. Một người cha và người chồng tốt lành thật quân bình trong vai trò của mình. Ông phải luôn là chính mình, sống con người thật của mình. Ông là một người biết kính trọng người khác và được người khác kính trọng, yêu thương cách vô vị lợi, có lý trí và đang tìm cách giữ lại lý trí là hào quang của đàn ông và của loài người. Khi người con ra khỏi vòng tay sự sống và tình yêu của người mẹ, nó gặp hình ảnh người cha đầy lý trí và nó khám phá ra gia đình (Marcello Bernardi) [131]. Cả hai bổ túc cho nhau trong việc quảng đại trao ban và khiêm tốn lãnh nhận, yêu hết mình và hết lòng trân trọng vì được yêu (Paule Salomon). [132]

     Vợ chồng bổ túc cho nhau chính là trở nên người lân cận của nhau theo gương người Samaritanô nhân hậu [133] khi cùng nâng niu tình yêu và sự sống trước khi cái chết đến xóa sạch tất cả trừ tình yêu: Yêu thương, nhân ái, dịu dàng, thận trọng trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Trở nên người lân cận của nhau có nghĩa là sống hiệp thông sâu xa, thông cảm, hiểu nhau, chia sẻ mọi biến cố vui buồn của nhau, chân thành với nhau và tôn trọng nhau, ở bên nhau ngay cả trong sự thinh lặng như một cơ hội cho sự hiệp thông và truyền thông những điều chân thực nhất [134]. Một khi có "trái tim biết nhìn" như người Samaritanô nhân hậu, vợ chồng nhìn ra nơi nào cần tình yêu và hoạt động dựa theo đó. [135]

› ® ¬ ® š

     Footnote

[107] SGLC 1829; 1803–1845.

[108] SGLC 2343.

[109] SGLC 1697.

[110] TIMOTHY M. DOLAN, Priests for the third millelium - Linh mục cho ngàn năm thứ ba, người dịch: Lm. Micae Trần Đình Quảng, NXB Tôn giáo, Hà Nội 2009. Tr.57.

[111] BAN MVGĐ GP ĐÀ LẠT, Kho báu cho gia đình công giáo thời nay – Handbook for today’s Catholic family; dịch và biên soạn: Lm. Giuse Đinh Quang Vinh; NXB đồng nai – 2019. Tr. 27 – 38.

[112] ĐHY CARLO MARIA MARTINI, Sách đã dẫn. Tr. 49-50.

[113] BRUNO FERRERO, Sách đã dẫn. Tr. 55.

[114] AL 226.

[115] AMERICAN PSYCHIATRY ASSOCIATION (2013). Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (DSM-5) (ấn bản 5). Washington, DC and London: American Psychiatric Publishing. Tr. 451 – 460.

[116] TAMMY STROBEL, Hạnh phúc không đắt như bạn nghĩ; Dịch giả: Uông Xuân Vy – Trần Đăng Khoa. NXB Phụ Nữ, TP. HCM – 2013. Tr. 76.

[117] BRUNO FERRERO, Sách đã dẫn. Tr. 24.

[118] ĐHY CARLO MARIA MARTINI, Sách đã dẫn. Tr. 65.

[119] AL 100.

[120] DCE 7.

[121] DCE 4.

[122] GE 128.

[123] DCE 7.

[124] DCE 7.

[125] ROBYN D. WAL SER. PH.D, DARRAH WESTRUP, PH. D; Sách đã dẫn. Tr. 43; Ga 15,13.

[126] Tin tưởng: Confiance = cum (với) + fiancé (hôn phu).

[127] ĐTC PHANXICÔ, Tông thư Patris Corde – Trái tim của người cha. Ban hành 08/12/2020. Số 7.

[128] ALAIN HOUZIAUX, Sách đã dẫn. Tr. 24

[129] Khi Edison được 24 tuổi, nhu cầu có một mái ấm gia đình chợt đến trong đầu. Ông đến trước cô thư ký Mary Stilwell 16 tuổi, dịu dàng, thanh mảnh và nói: "Này em, anh không muốn phí thì giờ nói những lời vô ích. Anh xin hỏi em một câu rất ngắn gọn và rõ ràng: Em có muốn làm vợ anh không?". Trước sự sửng sốt không thể tin vào tai mình của cô gái, Edison nhắc lại lời cầu hôn cấp tốc của mình: "Ý em thế nào? Em nhận lời anh nhé? Anh xin em hãy suy nghĩ trong năm phút!" Mary đỏ mặt, đáp lý nhí: "Năm phút cơ à? Thế thì lâu quá! Vâng em nhận lời”. Mary đã sinh cho ông ba người con, rồi qua đời sau 13 năm chung sống. Hai năm sau khi Mary qua đời, Edison gặp và cưới cô Mina Miller, 20 tuổi. Khi Edison gặp gỡ Mina Miller, ông lập tức bị hút hồn bởi khuôn mặt khả ái của nàng. Dù trăm công nghìn việc ông không ngừng nghĩ về tình yêu mới của đời mình. Edison đã dạy Mina cách sử dụng mã moóc để họ có thể trao đổi một cách bí mật, bằng cách gõ nhịp vào tay nhau khi có người xung quanh. Một ngày, Edison đã cầu hôn Mina bằng nhịp gõ mã moóc, và Mina cũng trả lời theo cách này. Họ làm đám cưới năm 1886, khi Edison 39 tuổi.

[130] “I consider that in dialectics I am the equal of Socrates. As to women, I agree that each has three or four souls, but none of them a reasoning one” (Henryk Sienkiewicz).

[131] BRUNO FERRERO, Sách đã dẫn. Tr. 29.

[132] ALAIN HOUZIAUX, Sách đã dẫn. Tr. 44.

[133] Lc 10,29-37.

[134] ĐHY CARLO MARIA MARTINI, Sách đã dẫn. Tr. 102.

[135] DCE 31.

Thanh Xá ngày 15/05/2023

Lm. Giuse Đinh Quang Vinh

---Còn tiếp---

zalo
zalo