Ngày tháng: 21/12/2024
Đang truy cập: 88

CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG TRONG GIA ĐÌNH - Phần 6/6 - Lm. Giuse Đinh Quang Vinh

CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG TRONG GIA ĐÌNH – Phần 6/6

“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta”

› ® ¬ ® š

     V. KẾT LUẬN: HIỆP THÔNG TRONG THINH LẶNG

     1. Hiệp thông trong mầu nhiệm Vượt Qua

     Gia đình thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ (1804-1838) đã để lại cho các gia đình Kitô hữu tấm gương sáng ngời về sự hiệp thông ở khía cạnh tự nhiên, tinh thần và siêu nhiên. Thánh Micae Mỹ nhận thấy cha vợ, là thánh Antôn Nguyễn Tiến Đích tuổi già sức yếu không chịu nổi tra tấn nên ngài tự nguyện chịu đòn thay. Chàng rể nói với bố vợ: “Cha đã tuổi cao sức yếu, chẳng sống được bao lâu nữa, nếu không chết vì đạo thì cũng chết vì bệnh, nhưng nếu tử đạo, sẽ làm vinh danh Thiên Chúa và được hạnh phúc Thiên Đàng. Cha đừng luyến tiếc sống thêm ít ngày, con đây còn khỏe mạnh, đời còn dài, vợ trẻ với đàn con thơ dại thật đáng yêu đáng quý, nhưng con tin Thiên Chúa sẽ lo liệu thật tốt đẹp cho chúng. Hơn nữa khi cha con ta được lên Thiên Đàng, sẽ cầu bầu trước nhan Thiên Chúa thì có ích hơn cho cả gia đình dòng tộc. Cha đừng lo về những hình khổ phải chịu, con sẽ chịu đòn thay cho cha hết thảy. Cha hãy can đảm làm chứng và sẵn lòng chết vì yêu mến Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết vì chúng ta”. Cha nào con nấy, mẹ nào con nấy [159].  Cô Mỹ (12 tuổi), con gái của thánh Lý Mỹ khi vào thăm cha cũng khuyến khích: “Xin cha can đảm chịu chết vì Chúa”. Cậu Tường (9 tuổi) nhờ nhắn với cha: “Cha đừng lo cho chúng con, cha hãy an tâm vững lòng xưng đạo và chịu chết vì đạo”. Chồng hỏi vợ: “Tôi được phúc tử vì đạo thì mẹ Mỹ có bằng lòng chăng?” Vợ đáp: “Thầy mình có được phúc trọng ấy thì tôi bằng lòng lắm”. Vợ của thánh Lý Mỹ cũng khích lệ: “Vợ con ai mà chẳng thương, nhưng ông hãy hy sinh vác Thánh giá vì Chúa. Hãy trung thành đến cùng, đừng lo nghĩ đến mẹ con tôi, Chúa sẽ quan phòng tất cả”. Ông nghẹn ngào đáp lời vợ: "Lời bà khuyên nhủ đốt thêm lửa kính mến Chúa trong lòng tôi, bà đem con về săn sóc chúng thay tôi, sớm tối cầu nguyện ngày sau gặp bà và các con chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu nơi quê thật là nước Thiên Đàng". Bà Lý Mỹ kể rằng : "Gia đình tôi sống trong hòa thuận yêu thương. Ông Micae chuyên chăm đạo đức, dự lễ hằng ngày, nếu vợ con hay người giúp việc bận rộn không đi lễ được, ông bắt phải đọc kinh chung và nghe sách thiêng liêng để suy niệm. Ông xưng tội nhiều lần trong năm, mỗi lần ông kỹ lưỡng xét mình hai ngày trước. Mùa chay, ông giữ chay các ngày thứ tư và thứ sáu. Ông không uống rượu, không đánh bạc hay to tiếng với ai bao giờ" [160].

     Gia đình thánh Lý Mỹ kín múc sự hiệp thông sâu xa nơi mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm thập giá và sự sống lại của Chúa Kitô [161].  Đó là nét đặc trưng nhất của Hội thánh tại gia [162].  Bài học hiệp thông đó gia đình học được nơi Đức Maria: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Clôpas, cùng với bà Maria Magđala” (Ga 19,25).

      “Đức Maria Trinh Nữ diễm phúc là mầu gương của sự hiệp thông Hội Thánh trong đức tin, trong đức ái và trong sự hợp nhất với Đức Kitô” (LG 63.68). Dưới chân thập giá, trong sự thinh lặng Ðức Maria đã hiệp thông hoàn toàn với Ðức Kitô trong sự tự hủy của Ngài, khi mà tình yêu của Con Thiên Chúa dành cho nhân loại ở mức độ tuyệt đỉnh (Ga 15,13). Lúc Ðức Maria thinh lặng dưới chân Thập Giá, Mẹ ở ngay trung tâm của mầu nhiệm Vượt Qua (RM 18). Ðức Maria hoàn toàn thinh lặng dưới chân Thập Giá. Chỉ có sự thinh lặng của Mẹ. Sự khôn ngoan của Thập Giá được diễn tả bằng thinh lặng. “Ngôn ngữ của Thập Giá là thinh lặng. Thinh lặng giữ hương thơm của hy tế cho riêng Thiên Chúa mà thôi. Nó giữ cho đau khổ không bị tiêu tán, không tìm kiếm và tìm thấy phần thưởng đền bù nơi trần thế này” (Raniero CANTA LAMESSA). Dưới chân Thập Giá "Mẹ đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế như lòng vâng phục, như đức tin, đức cậy và đức ái nồng nàn” (LG 61). Sự vâng phục đó trương rộng tâm hồn của Mẹ và làm cho Mẹ có khả năng đón nhận dồi dào Chúa Thánh Thần, Ngài như nhựa sống trong cây nho của Chúa Cha, Ngài là nguyên lý của sự hiệp thông. [163]

     2. Thinh lặng để sống hiệp thông

     Để tiệc cưới tại Cana có được tình yêu và sự hiệp thông tròn đầy, đó là kết quả của sự thinh lặng của Đức Maria trước lời thách thức của Đức Giêsu khi giờ của Người chưa tới, giờ mà Đức Maria sẽ thinh lặng ở mức tột đỉnh khi đứng gần thập giá của Đức Giêsu . Sự thinh lặng đó mạnh mẽ đến mức không chỉ khiến Thiên Chúa có thể nghe thấy ước vọng chính đáng của tình yêu và sự hiệp thông mà nó đi ngay vào trọng tâm của sự vâng phục, của ơn cứu độ: "Ngài có bảo gì hãy làm theo" (Ga 2,5). Sự thinh lặng của Ðức Maria là cuộc chiến đấu để đi qua cửa hẹp, để tiến tới sự sống. [164]

      “Vấn đề của thinh lặng là một vấn đề thuộc tình yêu” (Thomas Merton). Không có thinh lặng, chúng ta bị tước mất mầu nhiệm, chỉ còn sợ hãi, buồn bã và cô đơn. Đã đến lúc nên tìm lại sự thinh lặng! Bài học của tình yêu và sự hiệp thông vì thế là bài học thinh lặng trong đức tin, đức cậy và đức mến để chống lại sự độc tôn của một thế giới ồn ào đang làm phân rã con người, gia đình và xã hội. Lộ trình con người phải đi để đạt được sự thinh lặng và phải chiêm ngưỡng trong thinh lặng chính là Thập giá (crux) – Bánh Thánh (Hostia) – Đức Trinh Nữ Maria (Virgo). Thinh lặng của Đức Giêsu là thinh lặng của sự khó nghèo, khiêm hạ, từ bỏ và hủy mình ra không (Pl 2,7). Thế giới ồn ào bên ngoài và nơi nội tâm lôi kéo con người chạy theo ý riêng của mình, khao khát đến cháy bỏng được quý trọng, yêu mến, ngưỡng mộ, tôn vinh, tung hô, ưu đãi, tham vấn, chấp nhận, thấu hiểu, viếng thăm, thành công... Ngấm ngấm dưới khao khát đó lại là nỗi sợ hãi bị hạ nhục, kinh chê, khiển trách, vu khống, lẵng quên, nhạo báng, nghi ngờ, chửi rủa, ruồng bỏ, từ chối, thất bại, nghèo hèn… Ồn ào là căn bệnh phá vỡ sự hiệp thông vì nó không cho con người hiện ngay nơi trái tim mình. Trái lại, đức ái sinh ra từ thinh lặng. Đức ái phát cuất từ một trái tim thinh lặng có khả năng lắng nghe, thấu hiểu và đón nhận. Thinh lặng là tình bạn, là tình yêu, là hài hòa và bình an. Thinh lặng và bình an có cùng một nhịp đập của trái tim. Thinh lặng là điều kiện của tình yêu và nó dẫn đến tình yêu. Tình yêu chỉ được diễn tả một cách trọn vẹn khi khước từ lời nói, sự ồn ào, sự kích động và phấn khích. Cách diễn tả mãnh liệt nhất của tình yêu được thể hiện trong cái chết âm thầm và hoàn toàn dâng hiến: “Để hiệp thông thực sự với một người khác, tôi phải biết người ấy, biết ở lại bên người ấy trong thinh lặng, lắng nghe người ấy, ngắm nhìn người ấy với tình yêu mến. Tình yêu đích thực và tình bằng hữu luôn sinh động nhờ biết trao nhau những ánh mắt, những khoảnh khắc thinh lặng thẳm sâu, tế nhị, đầy lòng tôn trọng và thờ kính, để cuộc gặp gỡ mang lại một kinh nghiệm sâu sắc cho cá nhân” [165].  Thinh lặng thôi thúc con người lắng nghe lẫn nhau, thôi thúc ước muốn được hiệp thông và yêu thương. Bao lâu còn có những tình nhân trên mặt đất, thì họ sẽ còn tìm cách gặp nhau riêng, và trong cuộc gặp gỡ của họ, luôn luôn có sự thinh lặng. Thinh lặng là một cuộc hoán cải không dễ dàng khi phải xua đi những kiêu căng, đam mê, phù phiếm, vô bổ, hời hợt, quý tộc, cái tôi luôn tìm cách ngự trị trong lòng mỗi người. Luyện tập thinh lặng đòi hỏi ở lại trong sự hiện diện của Thiên Chúa, là không ngừng quay về với Thiên Chúa. Thiên Chúa ẩn mình trong sự thinh lặng và tỏ mình ra nơi cõi lòng thinh lặng của ta. Thiên Chúa ngự ở nơi sâu thẳm nhất của con người, trong những vùng thinh lặng của bản thể con người. Cô tịch là trạng thái tốt nhất để nghe được cái tinh lặng của Thiên Chúa. Tình yêu của Thiên Chúa được che giấu trong sự thinh lặng, trong đau khổ, trong cái chết, trong thân xác bị hành hạ và bầm dập của Đức Giêsu đang chết dần trên cây thập tự. Sự thinh lặng của Thiên Chúa chỉ có thể hiểu được nơi viễn cảnh về cuộc sống vĩnh cửu. Bổn phận của mỗi người là phải sẵn sàng trước Thiên Chúa thinh lặng, đang chờ đợi chúng ta trong sa mạc sâu thẳm của nội tâm chúng ta, bằng cách gạt bỏ sự náo động ồn ào. Càng trốn tránh sự thinh lặng, chúng ta càng xa rời Thiên Chúa. Thinh lặng để đi vào trong tinh thần cầu nguyện. Thật khó tìm được một người thánh thiện mà lại nói nhiều. Cầu nguyện và thinh lặng sẽ cứu thế gian. Những vĩ nhân hiếm khi thốt ra những lời nói vô ích. Kẻ nào giữ thinh lặng vì tình yêu Chúa, người ấy sẽ chuyên chăm nguyện ngắm, đọc sách thiêng liêng và cầu nguyện trước Thánh Thể. Trong thinh lặng, Thiên Chúa đã công bố Ngôi Lời của Ngài nơi tâm hồn. Trong thinh lặng, chúng ta nhìn ngắm Thiên Chúa và để cho Chúa nhìn ngắm chúng ta. Thinh lặng là một kỷ luật thánh thiện, là người canh gác của Chúa Thánh Thần.  

     Vì không có gia đình nào là hoàn hảo và kiện toàn ngay từ đầu nên đòi hỏi một sự phát triển tiệm tiến khả năng yêu thương và hiệp thông của mình. Sự phát triển đó được kín múc từ sự hiệp thông viên mãn của Thiên Chúa Ba Ngôi, từ sự kết hợp kì diệu giữa Đức Kitô và Hội thánh của Người, từ cộng đoàn kiều diễm là Gia đình Nadarét, và từ tình huynh đệ vô tì tích giữa các thánh trên thiên quốc. Chỉ trong sự hiệp thông đó mà con người không đánh mất niềm hi vọng vì nhiều giới hạn trong gia đình như bạo lực, khép kín và chia rẽ. “Lạy Thánh Gia Nadarét, xin cũng làm cho các gia đình chúng con trở thành nhà của hiệp thông và cầu nguyện, trở thành trường học đích thực của Tin mừng và những Hội thánh tại gia nhỏ bé.”

› ® ¬ ® š

Footnote:

[159] Thấy con trai đi bộ về, không thấy xe máy đâu, bà mẹ hốt hoảng hỏi: - Xe máy của con đâu rồi? - Dạ! Con cho bạn gái mượn ạ. - Đúng là cha nào con nấy. - Sao mẹ lại nói như vậy? - Thì trước bố mày cũng hay cho mẹ mượn như vậy mà.

[160] HĐGMVN, GM. PHÊRÔ NGUYỄN VĂN KHẢM chủ biên, Hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, NXB Tôn Giáo – 2008; Tr. 174-176. https://tinmung.net/CAC-THANH/118ThanhTDVN/_TieuSu/My_MicaeNguyenHuy.htm [15/05/2023].

[161] SGLC 571.

[162] LG 11

[163] ĐHY RANIERO CANTA LAMESSA, Đức Maria tấm gương cho Giáo Hội, Athanasie Nguyễn Quốc Lâm dịch; NXB Tôn Giáo – Hà Nội. tr. 145. 174-178. 202; SGLC 1108.

[164] ĐHY RANIERO CANTA LAMESSA, Sách đã dẫn. Tr. 157-158.

[165] ĐTC BIỂN ĐỨC XVI, bài giảng lễ Corpus Domini, ngày 7/6/2021.

SÁCH THAM KHẢO

     Alain Houziaux (chủ biên), Tại Sao Có Quá Nhiều Thất Bại trong Tình Yêu? – Pourquoi Tant D’Échecs en Amour?; bản dịch tiếng Việt: Xavier Trần Thiên An, Atôn & Đuốc Sáng – 2007.

     Đtc Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate – Bác ái trong chân lý, 29/06/2009. Bản dịch của UBGLĐT – HĐGMVN.

     Ban MVGĐ GP Đà Lạt, Kho báu cho gia đình công giáo thời nay – Handbook for today’s Catholic family; dịch và biên soạn: Lm. Giuse Đinh Quang Vinh; NXB đồng nai – 2019.

     Đtc Bênêđictô Xvi, Thông điệp Deus Caritas Est - Thiên Chúa là Tình Yêu (DCE); bản dịch của UBGLĐT – HĐGMVN. Ngày 25/12/2005.

     Bernard Ducruet, O.S.B.; Cuộc chiến đấu thiêng liêng theo thánh Biển Đức, An Nguyễn chuyển ngữ, Antôn và Đuốc Sáng.

     Bruno Ferrero, Cha mẹ hài lòng với phương pháp giáo dục của thánh Don Bosco, Lm. Giuse Đinh Quang Vinh chuyển ngữ, NXB Hồng Đức, 2016.

     Brené Brown, Ph. D., Món quà của sự không hoàn hảo (The gifts of imperfection) – Sao phải cố là người khác, trong khi bạn có thể là chính mình?, dịch giả: Uông Xuân Vy, Vi Thảo Nguyên, Nxb Phụ Nữ, 2014.

     Đhy Carlo Maria Martini, Tình yêu và gia đình – The New Wine – Christian Witness of the Family; chuyển ngữ: Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên O.Cist.; NXB Phương Đông – Nhà sách Hoàng Mai. Tr. 16.

     Đtc Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio – Về những bổn phận của gia đình Kitô hữu, 22/11/1981, bản dịch của linh mục Augustinô Nguyễn Văn Dụ, Rôma – 2001.

     Đtc Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae – Tin Mừng về Sự Sống (EV). Ngày 25/3/1995.

     Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Công Đồng Vaticanô II, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội – 2012. Hiến chế Tín lý Lumen Gentium (LG); Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (GS); Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân Apostolicam Acuositatem (AA);

     Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Catechismus Catholicae Ecclesiae - Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (SGLC), Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội – 2011.

     Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Docat, Phải làm gì? NXB Tôn Giáo 2017.

     Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ biên, Hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, NXB Tôn Giáo – 2008

     Jean Monbourquette, Làm sao tha thứ? – Comment pardonner?, Lm. Trần Minh Huy chuyển ngữ; NXB Novalis – Tủ sách Cho một tương lai tốt đẹp hơn – 2001.

     John LaBriola, Cuộc chiến thiêng liêng, người dịch: Lm. Minh Anh (Gp. Huế), NXB Hồng Đức – Hà Nội, 2013.

     Đhy Marc Ouellet, P.S.S., Phụ Nữ dưới Ánh Sáng của Mầu Nhiệm Ba Ngôi và của Hội Thánh với Đặc Tính Maria; Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính; Hiệu đính: Lm. Phanxicô Xaviê. Nguyễn Hai Tính, S.J.; Logos – Suy tư Thần học và Mục vụ số 06 suy tư chủ đề “Người trẻ và gia đình”. NXB Tôn Giáo – Hà Nội, 2021, tr. 59-91.

     Nancy Van Pelt, Để hôn nhân hoàn hảo, Đỗ Hải Yến – AKT dịch, Nxb Hồng Đức, 2013, tr. 23, 36, 72, 85, 89, 95, 151.

     Đtc Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia – Niềm vui của Tình yêu, 19/03/2016, bản dịch của Văn phòng HĐGMVN, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Tp. HCM – 2016. (viết tắt AL)

     Đtc Phanxicô, Tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm vui Tin Mừng (EG), 24/11/2013; Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ.

     Đtc Phanxicô, Tông huấn Gaudete et Exsultate – Vui mừng và hân hoan (GE); 19/03/2018.

     Đtc Phanxicô, Tông thư Patris Corde – Trái tim của người cha. Ban hành 08/12/2020.

     Đhy Raniero Canta Lamessa, Đức Maria tấm gương cho Giáo Hội, Athanasie Nguyễn Quốc Lâm dịch; NXB Tôn Giáo – Hà Nội, 2022.

     Đhy Robert Sarah, Nicolas Dias, Sức mạnh của sự thinh lặng – chống lại sự độc tôn của một thế giới ồn ào; Dòng Phaolô thành Chartres Sài Gòn dịch; Sept-Fons hiệu đính; NXB Đông Phương – 2019.

     Robyn D. Walser. Ph.D, Darrah Westrup, Ph. D; Đôi lứa biết quan tâm lẫn nhau. Người dịch: Phạm Như Lan. NXB Văn Hóa Thông Tin, TP. HCM – 2013.

     Ron Rolheiser,O.M.I.; Óc Hài Hước của Thiên Chúa; https://ronrolheiser.com/oc-hai-huoc-cua-thien-chua/ ngày 13/5/2023.

     Stêphanô Huỳnh Trụ, Tìm Hiểu Từ Vựng Công Giáo, bài “Hợp nhất, hiệp nhất”, bài “Hợp thông, hiệp thông”; NXB Tôn Giáo, Hà Nội – 2021; tr. 245; tr. 252.

     Tammy Strobel, Hạnh phúc không đắt như bạn nghĩ; Dịch giả: Uông Xuân Vy – Trần Đăng Khoa. NXB Phụ Nữ, TP. HCM – 2013.

     Đhy Timothy M. Dolan, Priests for the third millelium - Linh mục cho ngàn năm thứ ba, người dịch: Lm. Micae Trần Đình Quảng, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2009.

Thanh Xá ngày 15/05/2023

Lm. Giuse Đinh Quang Vinh

---End---

zalo
zalo